Nhớ một lần đi công tác và làm việc với anh Sáu

Ngày đăng: 31/10/2011 - 16:10

Nhà báo Hữu Thọ

Thời gian công tác ở Báo Nhân Dân, thỉnh thoảng tôi được một số đồng chí lãnh đạo gọi lên hỏi ý kiến hoặc giúp việc này việc khác. Với đồng chí Lê Đức Thọ (thường gọi thân mật là anh Sáu, hoặc anh Sáu Thọ) thì cho tới cuối năm 1979, tôi chưa từng được làm việc nhưng đã từng biết anh là đồng chí lãnh đạo Đảng rất có uy tín, rất sắc sảo và tôi đã từng nghe anh "nói vo" suốt hai buổi rất hùng hồn, khúc triết với những phân tích rất sâu sắc về thời cuộc tại Hội trường lớn Nguyễn Ái Quốc. Tôi có nguyên tắc là đồng chí nào gọi thì lên làm việc, còn không tự động xin gặp ai, cho nên lĩnh vực kinh tế nông nghiệp mà tôi theo dõi, viết bài lại không phải là lĩnh vực đồng chí Lê Đức Thọ phụ trách cho nên tôi ít được gặp đồng chí.

bLDT10

Bác Hồ và đồng chí Lê Đức Thọ về thăm tỉnh Nam Định, năm 1963

Thế rồi, tôi nhớ là từ giữa năm 1980, thỉnh thoảng Văn phòng anh Sáu lại gọi tôi lên làm việc. Vào thời đó, sau khi có Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 (khóa IV) với những quan điểm và chính sách có phần cởi mở, nhiều địa phương đã sáng tạo những mô hình sản xuất mới, thể hiện trong thực tiễn sự quan tâm trước hết tới lợi ích người lao động trong mối quan hệ ba lợi ích, "để cho sản xuất bung ra", từ việc cho gia đình xã viên mượn đất của hợp tác xã để trồng màu, rồi bán trâu, bán máy kéo cho xã viên để khỏi có tình trạng "cha chung không ai khóc" ở Hà Sơn Bình; đặc biệt là chia đất "khoán chui" ở Đoàn Xá, Hải Phòng và nhiều nơi khác... Mô hình mới, chủ trương mới nào cũng có ý kiến đánh giá khác nhau, thậm chí tranh luận với nhau rất gay gắt, chụp mũ nhau rất nặng nề và nhiều người còn rụt rè tỏ rõ chính kiến vì ám ảnh chuyện cay đắng của anh Kim Ngọc (Vĩnh Phúc) hơn 10 năm trước. Thời gian này, tôi hoạt động rất xông xáo, viết nhiều bài điều tra đăng trên Báo Nhân Dân. Cũng nói cho công bằng thì có những bài của tôi ca ngợi mô hình làm ăn kiểu cũ nhưng dần dần do tiếp xúc thực tiễn, lắng nghe nông dân và cán bộ cơ sở, khuynh hướng ủng hộ các mô hình mới hình thành ngày càng rõ ràng trong các bài viết của tôi.

   Việc xã hội, nhân dân quan tâm thì cũng là những vấn đề mà các đồng chí lãnh đạo hết sức quan tâm. Có thể do thấy tôi viết nhiều bài điều tra về những vấn đề mà các đồng chí lãnh đạo quan tâm cho nên có một số đồng chí lãnh đạo, trong đó có anh Sáu Thọ gọi tôi lên hỏi ý kiến, có đồng chí khen ngợi, cổ vũ, có đồng chí nhắc nhở cần thận trọng. Khi được tin anh Sáu gọi lên làm việc tại nhà riêng ở số 6 Nguyễn Cảnh Chân, tôi hơi ngài ngại vì cái uy và sự sắc sảo của anh mà tôi đã biết nhưng quan trọng hơn là cái tiếng "Sáu Búa" mà anh em miền Nam hay nói khi nhắc tới anh. Nhưng khi tiếp xúc, làm việc với anh, tôi thấy không khí rất thoải mái. Mở đầu, rất sòng phẳng, anh nói ngay: "Các bài báo của cậu tôi đã đọc, gọi cậu lên đây để cậu nói thêm những gì chưa viết, cứ nói cho thoải mái". Nghe anh nói thế, tôi biết anh là người quen làm việc và hiểu cánh nhà báo chúng tôi, vì có người từng nói "Nhà báo thường viết ra một nửa những điều họ nghĩ". Tuy nhiên, lúc đầu, tôi cũng dè dặt, chỉ nói thêm một phần những suy nghĩ của mình, những suy nghĩ quan trọng nhất vẫn chưa dám nói.

Tình hình tranh cãi về khoán sản phẩm rồi cũng chấm dứt khi Ban Bí thư có Thông báo số 22 vào cuối năm 1980 và đặc biệt là Chỉ thị 100 "khoán tới nhóm và người lao động" vào tháng Giêng năm 1981. Tưởng mọi sự đã êm mà vẫn không êm vì sau một vụ sản xuất, có đoàn đại biểu kinh tế của Liên Xô sang nghiên cứu tình hình, Trưởng đoàn là đồng chí Patsca, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước Liên Xô, người được giao phụ trách các chương trình viện trợ cho Việt Nam, nghĩa là một người có tiếng nói trọng lượng với lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Tôi nghe nói trong báo cáo gửi các đồng chí trong Bộ Chính trị có kiến nghị không nên tiếp tục thực hiện khoán sản phẩm. Báo cáo đó tôi được đồng chí thư ký của một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị cho "đọc trộm" chứ Báo Nhân Dân không phải là địa chỉ được nhận. Cho nên một buổi, anh Sáu gọi tôi lên hỏi: "Có ý kiến cho nông dân mượn đất trồng màu và chia ruộng khoán cho xã viên là làm suy yếu kinh tế tập thể, cậu thấy thế nào?". Một câu hỏi thẳng thừng, hóc búa, phải chăng anh muốn tôi có ý kiến về kiến nghị trong báo cáo kia, và theo tôi biết thì đó cũng là ý kiến của một số đồng chí lãnh đạo một ban của Đảng. Trong không khí đã quen làm việc thoải mái với anh Sáu, hôm đó tôi mạnh dạn trả lời: "Thưa anh, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp thì cho đến trước khi khoán sản phẩm, ruộng đất của hợp tác xã ở miền Bắc bỏ hoang tới một vạn hécta, chẳng nhẽ để đất bỏ hoang lại làm cho kinh tế tập thể vững mạnh hay sao? Còn theo tôi thì tác động của khoán sản phẩm theo Chỉ thị 100 đã rõ trên đồng ruộng trong hai vụ rồi, cũng có một số khuyết điểm khi thực hiện nhưng không phải do khoán theo Chỉ thị mà là chưa khoán thẳng đến gia đình cho nên nông dân chưa có đầy đủ trách nhiệm làm chủ trên đồng ruộng của mình". Thực ra trong tình hình bức xúc và lúc hăng lên thì tôi nói thẳng ra thế nhưng nói xong rồi thì run vì câu trả lời có phần "hỗn" và ý kiến của tôi đến lúc đó chưa dễ được chấp nhận. Tuy nhiên, nghe tôi nói thế, anh cũng không tỏ thái độ gì vì chắc rằng ý kiến của tôi cũng chỉ là một loại ý kiến anh nghe được.

Khoảng một tháng sau, vào mùa xuân năm 1982, Văn phòng của anh thông báo là anh đã nghe nhiều ý kiến của người phụ trách và các chuyên gia nhưng anh muốn trực tiếp đi khảo sát thực tế; anh muốn đi một nơi mà ở đó còn có ý kiến phân vân với chủ trương khoán. Các anh ở ban và bộ nói là nên đi Thái Bình. Anh hỏi tôi: "Ý kiến của nhà báo thế nào?". Đúng là phong cách làm việc cẩn trọng, cụ thể của anh Sáu mà tôi đã từng nghe và đã có lần được chứng kiến khi theo anh đi khảo sát mấy buổi dân tình khu Phúc Xá ngoài bãi sông Hồng, nơi có "tình hình xã hội phức tạp" để anh chuẩn bị có ý kiến về an ninh Thủ đô. Tôi trả lời là các anh đã kiến nghị đúng địa phương anh Sáu cần đi nghiên cứu. Lãnh đạo tỉnh lúc đó là anh Bái - Bí thư, anh Trịnh - Chủ tịch, anh Đổng - Phó Bí thư, anh Hạng - Uỷ viên Thường vụ, Trưởng Ban Nông nghiệp... đều là những đồng chí có ý thức tổ chức kỷ luật cao, do đó chắc sẽ chấp hành nghiêm túc Chỉ thị 100. Nhưng Thái Bình lại là địa phương đầu tiên đạt 5 tấn thóc một hécta mà quản lý theo cơ chế cũ, lại có Vũ Thắng là hợp tác xã điển hình cả nước, có đồng chí Nghị, Chủ nhiệm được mời đi báo cáo khắp nơi, đã đến báo cáo trước mấy trăm học viên chính trị cao cấp cả nước tại trường Nguyễn Ái Quốc, cho nên trong lòng một số đồng chí còn phân vân là có lý do. Văn phòng anh Sáu cho gọi anh Nguyễn Ngọc Trìu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình và tôi là Uỷ viên Ban biên tập, Trưởng Ban Nông nghiệp Báo Nhân Dân, đã nhiều lần viết bài về Thái Bình, đi theo cùng khảo sát, nhưng dặn: chỉ nghe rồi có ý kiến gì thì báo cáo riêng với anh Sáu, có thể vì anh ngại phát biểu của chúng tôi có thể gợi ý cho cơ sở báo cáo, làm cho báo cáo thiếu trung thực... Nghe báo cáo, thảo luận cả ngày rồi đi cơ sở, tôi thấy rõ khi hỏi cũng như khi phát biểu, anh Sáu dần dần tỏ thái độ dứt khoát ủng hộ tiếp tục khoán sản phẩm trong nông nghiệp, nhưng anh nhắc cần chú ý tới thu nhập, đời sống của các gia đình chính sách, gia đình neo đơn, ít lao động khi thực hiện cơ chế mới. Tôi hiểu là khi lắng nghe ý kiến nhiều chiều (trong đó có tôi là nhà báo) và việc trực tiếp đi khảo sát thực tiễn là để anh có ý kiến với kiến nghị của Đoàn đại biểu kinh tế Liên Xô về chủ trương thực hiện khoán mới ở nước ta.

Từ đó, anh hay gọi tôi lên làm việc, chủ yếu hỏi tình hình nông nghiệp, nông thôn. Bỗng một hôm, sau buổi làm việc, anh nói với tôi: "Cậu nên sang Bộ Nông nghiệp làm Thứ trưởng giúp thêm anh Trìu mảng quản lý". Nghe thế, tôi giật mình vội thưa: "Thưa anh, tôi hiểu quản lý nông nghiệp chỉ đủ để viết báo chứ không đủ trình độ quản lý ngành nông nghiệp". Nghe tôi trả lời thế, anh cũng không nói gì thêm. Khi tiễn tôi, anh Bùi Ngọc, thư ký của anh nói: "Sao cậu chống lại ý kiến anh Sáu?". Tôi giật mình nói "mình có chống gì đâu, chỉ nói thật thế thôi để xin anh cho tiếp tục làm báo". Tôi về báo cáo lại với Tổng Biên tập Hoàng Tùng thì anh Tùng nói: "Anh Sáu có trao đổi ý kiến với tôi, nhưng ý kiến ông Trưởng Ban Tổ chức ấy thì không ai cãi được đâu, cậu bướng cũng không được". Thế là tôi phải chuẩn bị ra đi, cũng là một thứ đề bạt thêm một nấc nhỏ, tuy vậy tôi không vui vì phải bỏ nghề báo. Nhưng hai hôm sau, anh Ngọc ở văn phòng anh Sáu gọi điện đến nói: "Anh Sáu nói, thôi để cậu ấy ở lại làm báo, viết cho đúng về nông nghiệp cũng rất cần, nói để ông yên tâm!". Tôi rất mừng vì được tiếp tục làm báo và nghĩ là tôi đã có lần "dám cãi lại" anh Sáu mà anh cũng bao dung chấp nhận lời cãi hợp lý đấy chứ!

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011

Bình luận