Nhớ nhà báo Hoàng Tùng - cây bút chính luận vẹn tâm, tài

Ngày đăng: 19/06/2014 - 08:06

Trong nghiệp báo của mình, nhà báo Hoàng Tùng đã viết hàng trăm bài xã luận, bình luận. Văn chính luận của ông đăng trên báo thường ngắn gọn, hàm súc, có sức thuyết phục người đọc bằng lập luận vững vàng, ngôn từ sắc nét, lại đậm phong cách dân gian. Các bài viết của ông không chỉ trình bày sinh động quan điểm của Đảng ta đối với những vấn đề đặt ra mà còn cho người đọc thấy được xu thế và bước đi của cách mạng trong những điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

nha bao Hoang Tung Tu lieu bao Nhan dan

Ảnh tư liệu: Báo Nhân dân

Không qua một trường lớp đào tạo bài bản, con đường đến với nghề báo của Hoàng Tùng thật tự nhiên ngay từ những ngày bị giam tại nhà tù Sơn La. Khi ấy ông cùng các bậc đàn anh như Trần Huy Liệu, Xuân Thủy... làm báo Suối reo (1941) vừa để rút ngắn thời gian chờ đợi, vừa để tuyên truyền, giữ lửa cách mạng ở trong ngục. Về sau này, các bạn đồng nghiệp của ông đều nhận xét rằng, Hoàng Tùng là một trong số ít những nhà báo cuối cùng còn lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp dạy bảo và đồng chí Trường Chinh dìu dắt vào con đường báo chí cách mạng Việt Nam. Thời gian từ năm 1951 cho đến khi Bác Hồ đi xa (năm 1969), nhà báo Hoàng Tùng được Bác kèm cặp nhiều nhất. Bác thường xuyên đọc báo Đảng và hầu như mỗi khi có ý kiến đóng góp, chỉ đạo gì, Người đều gọi Tổng Biên tập Hoàng Tùng. Ông sớm học được ở Bác Hồ một điểm, là bất cứ làm công tác gì, giữ nhiệm vụ nào, cũng coi viết báo là một nhiệm vụ, tờ báo là một phương tiện nữa để thực thi trọng trách của mình. Ở Hà Nội, ông viết báo Kiến thiết (1945). Về Hải Phòng, ông thường xuyên có bài cho báo Dân chủ (1946). Lên chiến khu III, ông cộng tác với báo Chiến đấu (1947). Ông trở thành nhà báo chuyên nghiệp khi được Trung ương phân công đứng tên, công khai phụ trách tờ Sự thật (1950). Trách nhiệm ấy đưa ông trở thành Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Nhân dân vào năm sau (1954), khi báo Nhân dân đĩnh đạc xuất hiện giữa làng báo Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc. Nhà báo Hoàng Tùng làm Tổng Biên tập Báo Nhân dân từ những ngày đầu cho đến lúc không thể không rời gốc đa Hàng Trống mà ông gắn bó suốt 31 năm. Ông phải làm nhiệm vụ quán xuyến hơn là phụ trách công tác tư tưởng, trong đó đương nhiên bao gồm báo chí - nói cách khác, ông không rời cái nghiệp tân văn...

Bạn bè, đồng nghiệp cùng thời và cả giới chuyên môn đều đánh giá Hoàng Tùng là một cây bút chính luận cự phách của làng báo ViệtNam. Cùng thế hệ với ông, có thể kể ra không nhiều tên tuổi, trong đó nổi lên Trần Quang Huy, Hồng Chương, Đào Duy Tùng và khoảng chừng chục người khác. Không ít người trong số đó chỉ thiên về nghiên cứu, lý luận hơn, trong khi Hoàng Tùng luôn luôn là cây bút viết báo hằng ngày - trừ khoảng thời gian cuối đời công tác, khi được phân công chuyển sang làm Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Sự thật (nay là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật), ông có điều kiện viết những bài dung lượng dài hơn. Xã luận là thế mạnh của ngòi bút Hoàng Tùng. Trong nghiệp báo của mình, ông đã viết hàng trăm bài xã luận, bình luận. Văn chính luận của ông đăng trên báo thường ngắn gọn, hàm súc, có sức thuyết phục người đọc bằng lập luận vững vàng, ngôn từ sắc nét, lại đậm phong cách dân gian. Chủ đề các bài ông thực hiện phần nhiều thuộc mảng “quốc gia đại sự”: Cách mạng giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân Pháp, chiến lược và sách lược chống Mỹ, cứu nước, đấu tranh thống nhất nước nhà, cải tạo kinh tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội, lịch sử Đảng Cộng sản và lịch sử cách mạng Việt Nam, tính chất thời đại, tình đoàn kết quốc tế dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh...

Anh 1 Nha bao Hoang Tung Tu lieu Bao Nhan dan

Nhà báo Hoàng Tùng trong dịp Lễ khánh thành bia di tích

nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam ngày 21-4-1950, tại Thái Nguyên.

Ảnh tư liệu: Báo Nhân dân

Đặc điểm nổi bật của phong cách báo chính luận Hoàng Tùng là nắm chắc vấn đề và thể hiện rất nhanh ý đồ của tập thể lãnh đạo. Ở cương vị trọng yếu tại một tờ báo Đảng uy tín, ông luôn chịu những sức ép hiện hữu: Đó là đa số các cuộc họp của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đều kết thúc muộn vào cuối ngày, mà nội nhật sáng mai báo nhất thiết phải có bài. Sức ép ấy cũng là một thử thách và rèn luyện tài năng. Một số bài ông viết thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, về Đảng, về Bác Hồ... vẫn được bạn bè, báo giới xếp vào hàng “kim cổ hùng văn”: hùng hồn mà không sáo rỗng nhờ lập luận chặt chẽ, cứ liệu không ai phản bác nổi. Tính cổ động và sức tập hợp cao, không ngờ văn chính luận những tưởng khô khan, hóa ra vẫn có khả năng đi thẳng vào lòng người. Ngôn luận của báo Đảng có sứ mệnh thông tin, thuyết phục công chúng đã đành, đôi khi nó còn đồng thời là lời cảnh cáo những ai đó có toan tính ngược vòng quay lịch sử, viết không “kín nhẽ” sao xuôi...

Còn một mảng chủ đề quan trọng trong sự nghiệp của nhà báo Hoàng Tùng, đó là chân dung các nhân vật lịch sử đương đại có công đầu với nước, với dân. Những tác phẩm này đa phần được ông thực hiện sau khi nghỉ công tác quản lý, không còn chịu áp lực của việc ra báo hằng ngày. Đó là thời điểm phù hợp để ông có điều kiện đi sâu vào tìm hiểu, nghiền ngẫm và đúc rút những vấn đề liên quan đến lịch sử gắn liền với tên tuổi của những nhân vật tiêu biểu. Nhắc đến những tác phẩm thuộc mảng chủ đề này của nhà báo Hoàng Tùng, không thể không kể đến chùm 12 bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như hàng chục bài viết khác về các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Phạm Hồng Thái, Tô Hiệu, Trường Chinh, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt... đã từng được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật ấn hành trong một tuyển tập bao gồm trên 120 bài báo chính luận của ông...

Lối sống giản dị, thanh bạch, liêm khiết, chí công vô tư của nhà báo lão thành Hoàng Tùng chính là tấm gương sáng cho các thế hệ học trò, đồng nghiệp hậu bối noi theo. Nhờ sự dìu dắt, đào tạo, chỉ bảo, uốn nắn của ông, đã có rất nhiều các nhà báo trưởng thành, vững vàng trong nghề, giữ những cương vị quan trọng trong hệ thống chính trị và báo chí nước nhà.

Ấn tượng còn lưu lại sâu sắc trong suy nghĩ của các thế hệ cán bộ, đồng nghiệp đã từng gắn bó với nhà báo Hoàng Tùng là bên cạnh vai trò của một nhà quản lý có tầm, có tâm, ông còn là một nhà báo tài ba, có kiến thức chuyên môn uyên bác, có nhân cách cao thượng, gần gũi mọi người, nhất là đối với lớp trẻ và những trí thức bình dân, không phân biệt sang, hèn, địa vị cao, thấp, không hề lên mặt “quan cách mạng” ngay cả khi đang tại vị ở những trọng trách cơ yếu. Ông là hình mẫu tiêu biểu của một thế hệ các nhà báo yêu nước, sẵn sàng phụng sự Tổ quốc cho đến hơi thở cuối cùng, là biểu tượng đẹp cho cốt cách của một người chiến sĩ cách mạng luôn tận tụy, liêm khiết, khiêm tốn. Không chỉ là một nhà báo lão luyện, một nhà quản lý báo chí danh tiếng, ông còn là một nhà chính trị có uy tín với những đóng góp không nhỏ ở những vị trí như: Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khóa V; Tổng Biên tập Báo Nhân dân; Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Sự thật; đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam các khóa III, IV, V, VI, VII... Phần thưởng dành cho ông sau cả cuộc đời cống hiến thầm lặng, không mệt mỏi là những Huân chương Sao vàng, Huân chương Kháng chiến, Huân chương Độc lập... và hơn hết là lòng biết ơn, ngưỡng mộ của các thế hệ người thân, bạn bè, đồng nghiệp.

Đã 4 năm trôi qua, từ khi nhà báo Hoàng Tùng về theo Bác Hồ và các bậc lão thành, tiền bối cách mạng nhưng những ký ức đẹp, thiêng liêng về ông thì còn sống mãi trong lòng những người yêu mến ông, cả những địa danh ông đã từng gắn bó và để lại dấu ấn. Bài viết nhỏ này xin được coi như một sự tri ân, như một nén trầm hương kính vọng nhân kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2014)...

Nhà báo Hoàng Tùng tên thật là Trần Khánh Thọ, sinh ngày 14-1-1920, tại xã Nhân Hòa, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông tham gia phong trào công nhân chống Pháp từ năm 15 tuổi. Tháng 11-1943, ông được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Đông Dương tại Chi bộ nhà tù Sơn La khi ông bị giam giữ ở đây. Sau cuộc đảo chính của Nhật, ông đã tham gia lãnh đạo các đồng chí phá bỏ nhà tù, vượt ngục về quê hương tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 5-1945, tổ chức phân công ông về tham gia Ban Chỉ đạo khu an toàn của Trung ương Ðảng, sau đó làm Bí thư Đảng của Ban Chỉ đạo khu an toàn của Trung ương Ðảng Cộng sản Đông Dương và bí danh Hoàng Tùng đã gắn bó, trở thành tên gọi của ông chính từ những tháng năm hoạt động cách mạng sôi nổi này.

 

Tháng 8-1945, ông tham gia chỉ đạo khởi nghĩa ở ngoại thành Hà Nội và được chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng khi mới tròn 25 tuổi. Trong những ngày đầu của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng khác của Đảng như Bí thư Thành ủy Hà Nội (1945), Bí thư Thành ủy Hải Phòng (1946), Xứ ủy viên Bắc Bộ (1946), Phó trưởng Ban Thi đua Trung ương (1948), Chủ nhiệm báo Sự thật (1950), Chánh Văn phòng Trung ương Đảng (1953), Tổng biên tập báo Nhân dân (1954).

Phan Quang Minh



Bình luận