Nhà giáo - yếu tố quyết định chất lượng giáo dục
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và sự hình thành, phát triển của kinh tế tri thức, trong đó giá trị sản phẩm tạo ra không chỉ từ tài nguyên, vốn, mà còn là sự sáng tạo của trí tuệ con người. Vì vậy, ngày nay đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, giàu năng lực sáng tạo, đang được nhiều quốc gia quan tâm. Những vấn đề cơ bản trong đào tạo nguồn nhân lực như triết lý giáo dục, mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy… đều được bàn thảo nhằm cải cách, điều chỉnh ở nhiều nền giáo dục trên thế giới. Ở Việt Nam, đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đã được khẳng định. Giáo dục dạy nghề Việt Nam cũng đang trong tiến trình đổi mới nhằm xây dựng một hệ thống dạy nghề mạnh, phát triển cả quy mô và chất lượng, đào tạo đa cấp trình độ, đa dạng các hình thức học tập nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp sản xuất phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, phục vụ các chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, xóa đói, giảm nghèo, đủ năng lực, sức hút học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học nghề, tạo cơ hội cho thanh niên có nghề nghiệp khi bước vào lao động xã hội.
Để nâng cao chất lượng dạy nghề có nhiều việc phải làm, phải điều chỉnh và đổi mới như mục tiêu giáo dục, nội dung chương trình, phương pháp dạy học… Dưới đây chỉ đề cập đến một vấn đề, đó là xây dựng đội ngũ nhà giáo - yếu tố quyết định chất lượng giáo dục.
Sự thay đổi về mục tiêu giáo dục như UNESCO đã khuyến nghị về việc học: Học để biết, nghĩa là nắm vững công cụ để hiểu; học để làm là rèn luyện khẳ năng hoạt động sáng tạo tác động vào môi trường sống của mình; học để chung sống; học để làm người.
Đào tạo con người chính là tạo cho con người đủ năng lực tổ chức các tri thức chứ không phải tích lũy hiểu biết, biết cách sống, chuẩn bị đối mặt với những khó khăn, thách thức, có tư cách công dân, khoan dung trong thế giới đa dạng.
Mục tiêu dạy nghề hướng tới người đọc được phát triển về phẩm chất, nhân cách với tư cách là công dân, phẩm chất nghề nghiệp (nhận thức, thái độ, trách nhiệm…) và năng lực nghề nghiệp (kiến thức, kỹ năng, năng lực nghiên cứu, sáng tạo, năng lực phát triển nghề…).
Nhà giáo là người thực hiện mục tiêu dạy nghề và có vai trò quyết định chất lượng dạy nghề. Yêu cầu xây dựng đội ngũ nhà giáo phải đủ về số lượng, bảo đảm cơ cấu, chất lượng không ngừng nâng lên. Nhà giáo phải đổi mới phương pháp dạy học, từ việc truyền thụ kiến thức là chủ yếu chuyển sang là người hướng dẫn cho người học cách chiếm lĩnh tri thức mới. Nhà giáo phải hướng dẫn cho người học phương pháp nghiên cứu khoa học, phương pháp tự học, giúp người học phát triển tư duy sáng tạo trong giải quyết vấn đề. Nhà giáo trước hết phải là nhà giáo dục giúp học sinh phát triển nhân cách, biết tôn trọng pháp luật, ý thức trách nhiệm, nhân ái, khoan dung, có tinh thần dân chủ, năng động và sáng tạo. Ảnh hưởng của nhà giáo tác động đến nhân cách người học còn bởi chính nhân cách của nhà giáo. Vì vậy, nhà giáo phải biết kết hợp giữa phát triển tư duy sáng tạo trong phát triển năng lực nghề nghiệp với rèn luyện phẩm chất đạo đức của người học. Nhà giáo chính là người đóng góp tích cực cho sự phát triển trí tuệ và tài năng của con người.
Chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo cũng chính là chăm lo cho chất lượng giáo dục. Ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, chính sách đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cần được thực hiện thường xuyên và không ngừng nâng cao để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, việc đổi mới đào tạo giáo viên dạy nghề cần đi trước một bước ở các trường sư phạm kỹ thuật để các trường này giữ vai trò chủ chốt trong việc đào tạo lại giáo viên dạy nghề.
Những yếu tố tạo cho nhà giáo yên tâm với nghề dạy học chính là sự ổn định trong công việc. Đời sống của nhà giáo và gia đình họ được bảo đảm đáp ứng những nhu cầu cơ bản, thiết yếu, tiếng nói của giáo viên trong chuyên môn nghiệp vụ được lắng nghe và sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo và nghề dạy học là động lực để họ nỗ lực và cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
PGS.TS. Trần Thị Tâm Đan
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Trích trong “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam”,
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, 2014.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực