Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam với việc bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa

Ngày đăng: 15/11/2013 - 09:11

Là thành viên của Liên hợp quốc, là quốc gia đã gia nhập Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (1966) từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Đảng và Nhà nước CHXHCN Việt Nam không chỉ xem việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người (QCN) như là một mục tiêu của con đường cách mạng mà còn xem đây là nghĩa vụ của một quốc gia thành viên của công ước.

Hoi dong nhan quyen LHQ

Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc

Việc bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa ở Việt Nam được đặt trong những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Thứ nhất, đó là trong điều kiện của một nước nghèo; sự khác biệt về địa lý, trình độ phát triển giữa các vùng miền khác nhau khá xa; lại trải qua hơn 30 năm chiến tranh ác liệt. Thứ hai, đó là đã trải qua hai mô hình xây dựng KT-XH khác nhau - mô hình cũ của CNXH (1975-1986) và mô hình mới của CNXH, cũng có thể gọi là mô hình xã hội đổi mới (1986 đến nay). Trong hoàn cảnh đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam không chỉ khẳng định trọng trách của mình đối với nhân dân và cộng đồng quốc tế mà còn có nhiều sáng kiến để khắc phục những khó khăn khách quan trong việc nâng cao đời sống của nhân dân với những nguồn lực hạn chế.

Để bảo đảm các QCN nói chung, các quyền KT-XH-VH nói riêng, trong thời kỳ đổi mới, Nhà nước Việt Nam dựa trên Hiến pháp, pháp luật trong đó việc nội luật hóa các công ước quốc tế về QCN. Có thể nói cho đến nay hệ thống pháp luật Việt Nam đã tương thích với các công ước quốc tế về QCN. Có thể dẫn ra những đạo luật sau: Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân (1989), Luật Giáo dục (1998), Luật Đất đai (2003), Luật Bảo hiểm xã hội (2006), Luật Phòng, chống HIV/AIDS (2006), Luật Phòng, chống tham nhũng (2005), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2007), Luật Bình đẳng giới (2011)...

Cương lĩnh mới, thông qua tại Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt  định mục tiêu của sự nghiệp xây dựng đất nước là xây dựng một xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh… (trong đó) con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”(*). Chiến lược phát triển KT-XH của Việt Nam dựa trên quan điểm: Kết hợp hài hòa giữa kinh tế với văn hóa; giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội… Trong điều kiện còn có nhiều sự khác biệt về trình độ phát triển giữa các vùng miền, chiến lược KT-XH Việt Nam chú ý đến đầu tư cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với nguồn lực còn hạn chế, các chương trình, dự án phát triển KT-XH của Việt Nam tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật (hệ thống điện, đường giao thông và hạ tầng xã hội: Trường học, mạng lưới cơ sở y tế, bưu điện, nhà văn hóa…). 

Theo Báo cáo của Ủy ban Dân tộc, thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2 (2006-2010), ngân sách Trung ương đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng, trong đó các tổ chức quốc tế hỗ trợ 350 triệu đô-la. Từ nguồn vốn trên, Chương trình đã xây dựng được gần 13.000 công trình hạ tầng thiết yếu như: Điện, đường, trường, trạm ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong cả nước, Chính phủ đã có nhiều biện pháp cụ thể. Với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ của doanh nghiệp, Quỹ vì người nghèo các địa phương… đến hết năm 2010, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm tại 62 huyện nghèo với 73.418 căn nhà, đạt 94,58% kế hoạch. Hiện nay, chương trình nhà ở xã hội của Chính phủ đang được triển khai tích cực ở nhiều địa phương nhằm trợ giúp cho công nhân, người thu nhập thấp và sinh viên. 

Kể từ năm 2009, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đây là một cố gắng lớn của Việt Nam. Năm 2011, trong hoàn cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, chi ngân sách Nhà nước cho công tác an sinh xã hội ước vẫn tăng khoảng 20%. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang được triển khai có hiệu quả trong cả nước.

Trên lĩnh vực văn hóa, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam là: “Xây dựng nền văn hóa Việt  tiến, đậm đà bản sắc dân tộc… thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ…”. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách xây dựng đời sống văn hóa, như phát động các phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng, khu phố văn hóa”, điểm “Bưu điện-văn hóa”. Có thể nói, hiện nay, ở tất cả các địa phương (xã, huyện) đều có nhà văn hóa, trung tâm văn hóa. Lễ hội được khôi phục trên toàn quốc, trong tất cả các dân tộc. Với những nỗ lực lớn lao của Nhà nước và của nhân dân, Việt Nam đến nay đã có 11 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa thế giới. 

Quyền con người của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới và là quốc gia đầu tiên ở khu vực ký kết “Công ước quốc tế về quyền trẻ em”. Khái niệm “quyền trẻ em” đến nay không còn xa lạ đối với người dân. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chính sách quan tâm đặc biệt đến trẻ em, trong đó có chương trình khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi; chương trình trái tim cho em;…

Vai trò của phụ nữ trong xã hội ngày càng được nâng cao. Hệ thống các cơ quan, thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ như Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của Phụ nữ được thiết lập và phát triển ở tất cả các cấp trong toàn quốc. Tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội đạt 25,76% (nhiệm kỳ 2007-2011), đứng thứ tư ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ là 73 trong khi nam giới là 70.

Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam trong vấn đề dân tộc là các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ. Trong nhiều năm qua, Nhà nước ta đã triển khai hai chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở (Chương trình 134) và Chương trình phát triển KT-XH ở các xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135) và Chương trình phát triển KT-XH, thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ (30a/2008/NQ-CP) hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo. Về cơ bản, Chương trình này cũng hướng vào vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Chính phủ Việt Nam đã đề ra nhiều chính sách cụ thể như trợ cước, trợ giá, cho hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay vốn phát triển sản xuất, định canh, định cư, hỗ trợ một số dân tộc thiểu số có số dân rất ít, cấp miễn phí 18 loại báo, tạp chí cho người dân ở vùng khó khăn. Cho đến nay, 100% số huyện và 95% xã đã có điện. Hiện nay, 100% các xã đã có trường THCS, tiểu học, nhà mẫu giáo; 100% các huyện đều có trường THPT. Với những chính sách ưu tiên đặc biệt của Nhà nước và sự nỗ lực của đồng bào ta, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng cao rõ rệt, khoảng cách vùng - miền đã được thu hẹp đáng kể. Đài Truyền hình Việt Nam đã phát kênh VTV5 bằng 10 thứ tiếng các dân tộc; Đài Tiếng nói Việt Nam đã tăng thời lượng phát sóng và sản xuất hơn 4.000 chương trình đặc biệt phát bằng 13 thứ tiếng các dân tộc, giúp đồng bào các dân tộc tiếp cận thông tin ngày càng nhiều hơn.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 5,2 triệu người tàn tật, chiếm 6,63% dân số. Chính sách, pháp luật Việt Nam xác định người khuyết tật được Nhà nước và xã hội trợ giúp. Quan điểm này phản ánh quy định trong Hiến pháp 1992 và được cụ thể hóa trong một số bộ luật. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương xây dựng và triển khai “kế hoạch dài hạn về người khuyết tật” do UNESCAP đề xướng. Việt Nam cũng đã ký Công ước Quốc tế về Quyền của người khuyết tật và đã có Luật “Người khuyết tật”.

Nhiều người khuyết tật nặng, thương binh, bệnh binh, người bị di chứng chất độc da cam, trong đó có trẻ em, được Nhà nước trợ cấp và nuôi dưỡng. Mạng lưới chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người khuyết tật đã được thiết lập từ Trung ương đến cơ sở. Trong 10 năm qua, hơn 300.000 người, trong đó có hàng chục nghìn trẻ em được chỉnh hình phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ chỉnh hình miễn phí, được cung cấp phương tiện trợ giúp như xe lăn, xe đẩy, hàng trăm nghìn người khuyết tật được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Đối với nhóm người nhiễm HIV, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta là chống kỳ thị và phân biệt đối xử, bảo đảm quyền của những người bị nhiễm HIV, đồng thời giúp đỡ nhóm xã hội này vượt qua khó khăn để họ có thể lao động, học tập, tái hòa nhập xã hội và có đóng góp cho xã hội.

Việt Nam đã có nhiều cố gắng lớn, “cán đích sớm” các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc. Bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú UNDP tại Việt Nam trong cuộc Hội thảo “Tham vấn về khung phát triển sau năm 2015” (ngày 20-3-2013, phối hợp giữa UNDP với Bộ Kế hoạch và đầu tư) đã ghi nhận Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu: “xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực”; “phổ cập giáo dục tiểu học” (đã được Việt Nam hoàn thành vào năm 2000) và “bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ”. Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS và đang ở trước “ngưỡng cửa” hoàn thành mục tiêu giảm tử vong ở trẻ em… Vị đại diện của UNDP ở Việt Nam đã ghi nhận, mặc dù Việt Nam còn đang phải giải quyết nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, song Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia tiêu biểu trong việc thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa được phục hồi sau suy thoái, mặt khác mô hình KT-XH đang trong quá trình chuyển đổi, xây dựng, Nhà nước ta đang đứng trước không ít những vấn đề KT-XH nan giải: Nợ xấu còn cao, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn. Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu đề ra. Khoảng cách giàu - nghèo còn lớn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao - nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân nhiều mặt còn hạn chế: Y đức “xuống cấp” trong một bộ phận cán bộ, công chức của ngành, tình trạng bệnh viện quá tải chậm được khắc phục, vệ sinh, an toàn thực phẩm chưa bảo đảm… Mặc dù vậy không thể phủ nhận được rằng chăm lo cho con người, tôn trọng và bảo đảm QCN thuộc bản chất của chế độ xã hội ta. Các QCN nói chung, các quyền KT-XH-VH của nhân dân ta nhất định sẽ ngày càng được bảo đảm tốt hơn.

BẮC HÀ – KIM NGỌC

Theo qdnd.vn

[*] - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XI, NXB CTQG. HN, 2011, tr70.

Bình luận