Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: "Đờn ca tài tử là thứ mà tôi yên tâm nhất!"

Ngày đăng: 11/02/2014 - 08:02

"Càng làm tôi càng thấy ngưỡng mộ, thấy kinh ngạc về tài năng của người Việt. Đờn ca tài tử thể hiện sự phức tạp trong âm nhạc Việt Nam tới mức mà có lẽ ở châu Á, chỉ có Ấn Độ mới có thể có gì đó so sánh ngang bằng được với âm nhạc của đờn ca tài tử Việt Nam về độ phức tạp. Mình không thể so sánh loại hình âm nhạc nào hay hơn loại nào, nhưng có thể so sánh mức độ phức tạp của nó. Tính về số lượng thang âm, kỹ thuật chơi nhạc, phương pháp âm điệu thì Việt Nam là một trong những nước phát triển ở đỉnh cao trên thế giới" - nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền say sưa nói về cái đẹp của đờn ca tài tử - loại hình âm nhạc vừa chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đầu tháng 12-2013.

Don ca tai tu 1

Dù người này người kia tỏ ra lo lắng cho sự tồn tại nguyên vẹn của đờn ca tài tử, đặc biệt là sau khi loại hình âm nhạc này được UNESCO vinh danh, nhưng là người đã dày công nghiên cứu đờn ca tài tử từ hơn 20 năm qua và cũng là người góp phần xây dựng hồ sơ loại hình dân gian này để đệ trình lên UNESCO, cảm nhận rất rõ sức hấp dẫn của đờn ca tài tử trong dân gian, thấy được nội lực lớn lao của đờn ca tài tử, nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền đặc biệt tin tưởng: đờn ca tài tử sẽ không bao giờ chết!

Kinh ngạc về tài năng của người Việt!

P.V: Là người dày công nghiên cứu đờn ca tài tử từ hơn 20 năm qua, hẳn anh cảm rất rõ vẻ đẹp của âm nhạc đờn ca tài tử?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Đó là thể loại âm nhạc được thừa hưởng rất nhiều tinh hoa âm nhạc của người Việt theo dòng chảy di cư từ Bắc vào Nam. Trước, ở ngoài miền Bắc thì hòa tấu đàn dây chỉ có ở phường bát âm hoặc trong cung đình. Vào đến Huế thì độc tấu, hòa tấu đàn dây phổ biến hơn trong dân gian. Còn khi “chảy” vào đến Nam Bộ thì nó phát triển đến đỉnh cao. Cuối thế kỷ XIX, nơi đây đã hình thành một phong trào. Người ta độc tấu, hòa đàn với nhau phổ biến trong cuộc sống thường nhật. Đến đầu thế kỷ XX thì hình thành phong trào đờn ca tài tử. Đờn ca tài tử mang trong mình tất cả những âm hưởng của nhạc tuồng Bắc, của nhạc lễ Nam Bộ, một phần của thính phòng Huế. Và nó phát triển đến đỉnh cao tột bậc. Có thể nói, kỹ thuật đàn, ngón đàn, kỹ thuật phát triển giai điệu, hệ thống âm điệu của nó ở vào hàng phức tạp nhất. Nó không chỉ là đỉnh cao âm nhạc của Việt Nam mà còn là một đỉnh cao trong âm nhạc khu vực và cả âm nhạc thế giới.

bui trọng hiền1

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền. Ảnh: Long Tuyền

Ở đây, hình thành những quy luật nội tại trong thể loại âm nhạc này, nó có một hệ thống âm điệu xác định bằng một lý thuyết ngầm lưu truyền trong giới nghệ nhân, hình thành nên những màu sắc âm điệu khác nhau. Âm điệu ở đây người ta gọi là hơi. Trong đờn ca tài tử có hơi Bắc, có hơi Lễ (Nhạc, Hạ), hơi Xuân, hơi Ai, hơi Oán, hơi Đảo, về sau thêm cả hơi Quảng, tương đương với những hệ màu sắc âm nhạc khác nhau. Và những bản nhạc trong kho tàng vận hành mang một trong những quy luật âm điệu đấy. Có nghĩa nghe một bản đàn, người ta biết ngay bài đó thuộc hơi gì.

Âm nhạc Tây phương nổi lên rất rõ hai hệ thống âm điệu là trưởng và thứ, nhưng ở âm nhạc đờn ca tài tử, mà sau này là cải lương, thì nó có tới năm, bảy hệ thống âm điệu khác nhau, phức tạp hơn. Và kỹ thuật ngón đàn biểu hiện ở chỗ người ta hòa tấu trên nguyên tắc ngẫu hứng trong lòng bản. Tức là người đàn, người hát phải nắm vững được những quy luật âm điệu, sau đó họ tự ứng tác ra những giai điệu trên một sơ đồ có sẵn, gọi là lòng bản. Kỹ thuật ứng tác ở đây thể hiển sự phát triển đỉnh cao của âm nhạc Việt. Người ta có thể chơi một bản nhạc 1.000 lần thì 1.000 lần khác nhau. Sự ứng tác đấy đã tạo nên sân chơi cho từng cá nhân thể hiện tài năng, thể hiện dấu ấn cá nhân. Đấy chính là sự vĩ đại của trí tuệ âm nhạc.

Về mặt cấu trúc bài bản, đờn ca tài tử phát triển cả bề rộng, chiều dài, rất đồ sộ. Có tới trên dưới 300 bài bản khác nhau được hình thành và phát triển dần theo thời gian. Trong đó có 20 bài tổ kinh điển gồm có 3 bản hơi Nam (Nam Xuân, Nam Ai, Nam Đảo), 6 bản hơi Bắc, 7 bản hơi Lễ (Nhạc Hạ) và 4 bản hơi Oán. Thể hiện một tư duy hệ thống đồ sộ trong cổ nhạc Việt.

P.V: Đó có phải là lý do mà anh đã từng tuyên bố, nếu đờn ca tài tử mà không được UNESCO công nhận thì…?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Thì giải tán... Nếu như không công nhận một thể loại âm nhạc hay như thế thì coi như họ không biết nghe nhạc.

P.V: Anh có nói quá không vậy?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Không hề. Đờn ca tài tử hay lắm. Nó là một trong những thể tài mà tôi tốn công tốn sức nhất. Càng làm tôi càng thấy ngưỡng mộ, thấy kinh ngạc về tài năng của người Việt. Đờn ca tài tử thể hiện sự phức tạp trong âm nhạc Việt Nam tới mức mà có lẽ ở châu Á, chỉ có Ấn Độ mới có thể có gì đó so sánh ngang bằng được với âm nhạc của đờn ca tài tử Việt Nam về độ phức tạp. Mình không thể so sánh loại hình âm nhạc nào hay hơn loại nào, nhưng có thể so sánh mức độ phức tạp của nó. Tính về số lượng thang âm, kỹ thuật chơi nhạc, phương pháp âm điệu thì Việt Nam là một trong những nước phát triển ở đỉnh cao trên thế giới.

P.V: Thế mà trước nay tôi vẫn nghĩ, âm nhạc chưa bao giờ là thế mạnh của người Việt...

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Ở vùng Đông Á và Đông Nam Á thì âm nhạc của Việt Nam là phức tạp nhất, ngang ngửa với Ấn Độ. Bạn thử nghĩ xem, có một loại nhạc nào được như đờn ca tài tử không? Ngay khi bắt đầu hình thành ở đầu thế kỷ XX thì cũng ngay lập tức, vào những năm 1920, sân khấu cải lương ra đời. Đờn ca tài tử đã được đưa lên sân khấu và lập tức Bắc tiến, đi đến đâu là "dân tình" thích đến đấy vì âm điệu của nó rất hay. Nó xuất phát từ âm nhạc tuồng Bắc, người ta nghe thấy rất gần gũi, nhưng nó lại phát triển ở màu sắc tươi mới hơn, phóng khoáng hơn, bài bản lớn hơn tuồng, dài hơn tuồng, bỏ trống, bỏ kèn đi, chỉ còn khoe kỹ thuật đàn dây và tiếng hát. Chính vì vậy mà cải lương được người Hà Nội nhanh chóng tiếp nhận. Sau khi người Hà Nội tiếp nhận cải lương thì đã lập tức thành lập những đoàn cải lương của Hà Nội. Một trong những đoàn cải lương đầu tiên của Hà Nội là Đoàn cải lương Đồng Ấu, sau này sinh ra một tài năng chính là nghệ sĩ Kim Chung - chủ đầu tiên của gánh cải lương Chuông vàng ở Hà Nội. Bác Kim Chung sau này lại vào Nam sống và thành lập một đoàn cải lương trong Sài Gòn. Đây là cái nôi sinh ra rất nhiều anh tài sau này. Tại sao mà đờn ca tài tử lại được tiếp nhận nhanh chóng trong khắp cả nước như thế? Chính là bởi sức hấp dẫn nội tại mãnh liệt của nó.

­ P.V:  Có thể nó là một thể loại âm nhạc bình dân, phù hợp với tai nghe số đông chăng?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Đúng là như thế. Đờn ca tài tử hết sức bình dân, ai cũng có thể đàn, hát và có thể nghe được. Nhưng đồng thời nó cũng có những khoảng trống mà chỉ có những tài năng mới có thể vươn tới. Cùng một bản đàn, nhưng ở đẳng cấp danh cầm thì đàn khác, còn người dân bình thường chơi thì chỉ là bình dân thôi. Cao sang mà giản dị, kinh điển, khuôn thước mà tự do, phóng khoáng, đủ để các tài danh đất phương Nam lần lượt in dấu ấn của mình qua bao thế hệ với những ngón đàn điêu luyện xuất thần, hay ở chỗ đó!

P.V:  Theo anh đâu là lý do quan trọng nhất để UNESCO công nhận một loại hình âm nhạc “non trẻ” như đờn ca tài tử?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Một trong những căn cứ để UNESCO phong tặng là tính đại diện của di sản.

Riêng với tôi, đã nghiên cứu đờn ca tài tử mấy chục năm thì tôi thấy đờn ca tài tử là một đỉnh cao đáng ngưỡng mộ. Nó hay đến mức mà nếu như chỉ đàn hay bằng một nửa thầy Văn Giỏi thì có chết tôi cũng vui (cười). Tôi phải nói vậy vì thật sự tôi không biết cách nào diễn tả được cảm nhận của tôi về tiếng đàn của sư phụ.

Sẽ không bao giờ chết

P.V: Có nhiều nghệ sĩ đờn ca tài tử trăn trở, bây giờ có rất nhiều câu lạc bộ đờn ca tài tử nhưng không có mấy câu lạc bộ giữ được đúng chất đờn ca tài tử?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Khi mà nó phát triển rộng khắp thì sẽ có “hàng tạp”. Cái này không chỉ riêng với đờn ca tài tử mà với mọi loại âm nhạc. Ngay cả pop, rock cũng có đỉnh cao và có “hàng chợ”. Cái đấy không thể tránh khỏi trong quá trình phát triển. Muốn nhân rộng về số lượng, khắp nơi ca hát thì phải có hàng đỉnh cao, hàng bình dân và cả hàng rẻ tiền nữa. Nhưng mình không thể đánh giá những “hàng tạp” ấy ảnh hưởng đến thể loại lớn. Cũng như là rock Việt Nam rất chán nhưng không có nghĩa là rock chán. Đỉnh cao của nó vẫn nằm ở châu Âu, ở Mỹ.

Don ca tai tu 2

Một nhóm đờn ca tài tử xưa

P.V: Nghĩa là không có gì đáng phải lo lắng?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Không có gì phải lo lắng bởi “hàng bình dân”, “hàng tạp” đó không phải là đại diện của đờn ca tài tử. Đại diện của nó vẫn là những danh ca, danh cầm, họ tồn tại trong giới chuyên nghiệp, trên sân khấu cải lương. Những cái đó không bao giờ chết.

P.V: Thế còn nguy cơ “Nhà nước hóa” khi đờn ca tài tử chính thức được UNESCO vinh danh mà một số người lo lắng thì sao thưa anh?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Từ xưa đến nay Nhà nước vẫn can thiệp vào sự phát triển của đờn ca tài tử ấy chứ. Cụ thể là Nhà nước đã từng có can thiệp rất tốt vào năm 1993, khi bắt đầu khôi phục lại đờn ca tài tử, bắt đầu mở lại những câu lạc bộ ở các địa phương, những người biết chơi đàn mới lôi đàn ra ngồi với nhau đàn ca, những người chưa biết thì rủ nhau đi học. Nhờ đó mà đờn ca tài tử mới sống lại, chứ sau năm 1975 thì đờn ca tài tử cứ thoái hóa dần, chỉ còn sân khấu cải lương.

Nhưng sự can thiệp của Nhà nước sẽ không hay, sẽ là “thô bạo” khi phong tặng chưa đúng cho người này, người kia, hay đầu tư không đúng chỗ đúng người, gây nên phản cảm trong giới nghề. Thường thì cả thế kỷ nay, các danh cầm, danh ca nổi lên là đều do tự thân nghề phong cho họ, tự trong giới nghề người ta tôn vinh, chứ Nhà nước không phong tặng cho họ, cũng như trong giới võ thuật dân gian, không cần đến huy chương. Ví dụ như nói đến đờn ca tài tử ở Sài Gòn, ai cũng biết đến các danh cầm Bảy Bá, Ba Tu, Vĩnh Bảo, Văn Giỏi... nhiều lắm!

P.V: Thế nghĩa là không có gì đáng phải lo lắng đằng sau danh hiệu mà UNESCO phong tặng cho đờn ca tài tử?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Tin vui nào bao giờ mà chẳng kèm theo lo lắng. Chuyện đó là lẽ tất nhiên. Khi được công nhận danh hiệu mà anh không bảo tồn di sản theo đúng như UNESCO công nhận thì anh đã sai.

P.V: Anh có lo lắng điều này sẽ xảy ra với đờn ca tài tử không?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Thực ra trong tất cả các loại hình âm nhạc của Việt Nam được UNESCO công nhận thì đờn ca tài tử là cái mà tôi yên tâm nhất. Bởi vì từ bao đời nay nó tồn tại gần như là ngoài guồng máy của chính quyền. Nghệ sĩ tự thân đào tạo chứ không hề có trường lớp nào có thể đào tạo được đờn ca tài tử. Và trong đờn ca tài tử, người thực hành đông nhất, lượng khán giả cũng đông nhất. Nó không bao giờ chết. Dù người ta có làm gì đi nữa thì danh cầm vẫn là danh cầm và thời nào cũng nổi lên danh ca, danh cầm của thời đại mình, không bao giờ lo về sự mai một của nó.

P.V:  Như thế có chủ quan không?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Nếu bạn thấy những người chơi đờn ca tài tử trong Sài Gòn đông như thế nào, anh tài trong Sài Gòn nhiều như thế nào thì bạn sẽ không nghĩ nhận định đấy của tôi là chủ quan. Nếu nhìn vào sức sống hàng trăm năm nay của đờn ca tài tử thì có thể thấy người ta sẽ còn chơi nó dài dài. Chúng ta đều biết rằng nhạc nhẹ, nhạc rock, nhạc pop phát triển dữ dội trong Sài Gòn từ trước những năm 1975, nhưng cũng không làm gì được đờn ca tài tử. Có những lúc đờn ca tài tử trộn vào nhưng rồi lại tách ra, và thời nào thì cũng vẫn tồn tại những anh tài trong dân gian.           

P.V: Có một thực tế là các phong trào đờn ca tài tử thì đang đi lên trong khi sân khấu cải lương lại… đi xuống, vì sao vậy?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Vì sân khấu cải lương là một sản phẩm thương mại, cho nên nó phụ thuộc vào thị trường. Mà thị trường thì hiện nay có quá nhiều món ăn để lựa chọn, nên cải lương sẽ “mất giá” ít nhiều, chưa kể đến sự thoái trào trong chính bản thân sân khấu cải lương. Cải lương bây giờ không còn hay như trước nữa, không còn nhiều danh ca như xưa, không còn đủ sức hấp dẫn đối với khán giả nữa. Nên nó đi xuống là đương nhiên.

P.V: Thế còn các câu lạc bộ đờn ca tài tử phát triển ồ ạt phục vụ khách du lịch, hiện nay theo anh nó có đe dọa cho sự phát triển của đờn ca tài tử không?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Cái đó dù có phát triển tạp nham đến đâu cũng không thể ảnh hưởng đến cái đại cục. Đại cục vẫn nằm ở những trung tâm lớn, vẫn ở những lò đào tạo lớn của các danh cầm, danh ca. Bố Kim Sinh của tôi đã nói “Bao giờ Nam Bộ hết cỏ thì mới hết người đàn hay” là vì thế.

P.V: Nhìn vào sức hút của kpop, của rock đối với giới trẻ Việt hiện nay thì tôi chẳng lạc quan được như thế?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Đấy là bạn mới nhìn vào số đông. Còn một bộ phận không nhỏ người trẻ, đặc biệt là ở Nam Bộ, họ rất mê đờn ca tài tử. Tôi là người bao nhiêu năm “ăn nằm” với đờn ca tài tử, tôi biết nó sẽ không bao giờ chết. Chúng ta đòi hỏi nó phát triển ở một đỉnh cao như thời kỳ hoàng kim thì khó, nó sẽ thăng trầm tùy theo từng thời kỳ. Nhưng nó sẽ tồn tại, bởi vì nó quá hay!

P.V: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Hoàng Hương (Thực hiện)

 

 

 

Bình luận