Nhà ngoại giao xuất sắc Lê Đức Thọ

Ngày đăng: 15/11/2011 - 10:11

Read More

Read More

Đinh Nho Liêm*

Học tập và kế tục nhà ngoại giao thiên tài Hồ Chí Minh, vào nửa sau của thế kỷ XX, nhiều nhà ngoại giao đã làm rạng rỡ nền ngoại giao Việt Nam trên trường quốc tế, trong đó có anh Lê Đức Thọ.

aldt20

Được biết anh trong thời gian ngắn vào năm 1947, khi tôi còn làm thư ký riêng cho Tổng Bí thư Trường Chinh, anh Thọ ở trong Thường vụ Trung ương, tôi vài lần thấy được sự sắc sảo và tính quyết đoán của anh.

Từ năm 1968, sau cuộc Tổng tiến công Mậu Thân, thực hiện Nghị quyết Trung ương 13 (khóa III) nhấn mạnh ngoại giao giữ vai trò quan trọng, chủ động, tích cực phối hợp với quân sự - chính trị. Mở cục diện đánh - đàm, Bộ Chính trị phân công anh Lê Đức Thọ, Uỷ viên Bộ Chính trị cùng anh Nguyễn Duy Trinh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách mặt trận đối ngoại, anh Thọ chuyên trách chỉ đạo đàm phán với Mỹ. Làm Uỷ viên Thường trực của Tiểu ban về Việt Nam (với tên CP50), tôi ngày càng thấy rõ bản lĩnh cách mạng và tài năng ngoại giao của anh Thọ.

Từ khi bắt đầu cuộc thương lượng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hoa Kỳ tại Pari ngày 13-5-1968 đến khi ký Hiệp định Pari vào tháng 1-1973, anh Thọ giữ vai trò quan trọng. Đi lại giữa Hà Nội - Pari, khi nghiên cứu ở trong nước, khi đàm phán tại Pháp, anh Thọ bỏ nhiều công sức vào cuộc đấu tranh ngoại giao với Mỹ, vào cuộc đàm phán lâu dài và phức tạp.

Giữa năm 1968, Tố Hữu có thơ chúc hai anh Lê Đức Thọ và Xuân Thủy đi đàm phán:

Đánh đàm Nam - Bắc hai tay

Anh đi, muôn dặm trời Tây gập ghềnh

Chúc anh bền sức đấu tranh

Ngày về, kết quả đôi cành Bắc - Nam.

Bài này chỉ nói một số mặt trong công tác ngoại giao của anh. Anh Thọ với tư cách là người cùng anh Trinh đề xuất chủ trương với Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh và là người tổ chức thực hiện các chủ trương ấy. Hoạt động của anh Thọ rõ nét trên mấy mặt: đấu tranh trực diện với Mỹ, tác động vào nội bộ Mỹ, v.v., tập hợp đội ngũ cán bộ ngoại giao, báo chí.

1. Theo sáng kiến của Tổng Bí thư Lê Duẩn, Bộ Chính trị quyết định mục tiêu của cuộc kháng chiến là giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Do đã hoạt động ở miền Nam và theo dõi sát chiến trường, anh Thọ đã đề xuất những chủ trương về ngoại giao để thực hiện mục tiêu đó bằng cách kéo địch xuống thang từng bước. Bước đầu tiên là "buộc đối phương hạn chế để đi đến chấm dứt ném bom miền Bắc bằng đấu tranh quân sự (phòng không và không quân) phối hợp với ngoại giao". Mỹ tăng cường ném bom và có lúc phong tỏa miền Bắc là để làm suy yếu hậu phương lớn, uy hiếp tinh thần quân dân ta. Có ý kiến cho rằng: hễ Mỹ còn quân và đánh ở miền Nam thì họ không chấm dứt ném bom miền Bắc. Ta đánh giá khác. Nếu Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, không đạt mục đích phá hậu phương ta thì buộc phải xuống thang, nhất là sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, ý chí xâm lược đã bị lung lay, Mỹ phải ngồi lại cùng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để xác định việc chấm dứt ném bom miền Bắc và tìm giải pháp chính trị cho vấn đề miền Nam. Sau Tuyên bố ngày 3-4-1968 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với đại diện Mỹ, ngày 13-5-1968, cuộc thương lượng tay đôi Việt - Mỹ bắt đầu ở Pari. Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do anh Xuân Thủy làm Trưởng đoàn. Thượng tuần tháng 6-1968, anh Lê Đức Thọ đến Pari với tư cách là Cố vấn đặc biệt của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ trưởng Xuân Thủy làm Trưởng đoàn. Sau mấy tháng đấu tranh, phía Mỹ chấp nhận chấm dứt ném bom vào tối 31-10-1968. Ngày 3-11-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi, khẳng định sự đúng đắn của đường lối và chủ trương của chúng ta: "Chúng ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Song đó chỉ mới là thắng lợi bước đầu... Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi".

2. Từ khi bắt đầu họp bốn bên ngày 25-1-1969, cùng với những cuộc họp công khai và những cuộc gặp riêng tay đôi (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Mỹ) vai trò của anh Lê Đức Thọ càng rõ với tư cách là đại diện của Bộ Chính trị tại chỗ để chỉ đạo cả hai đoàn Bắc và Nam, để chủ trì việc gặp riêng Mỹ. Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", phía ta quyết tâm và kiên trì đấu tranh trong bốn năm để đạt mục tiêu buộc Mỹ rút hết quân và chấm dứt xâm lược, chấm dứt can thiệp vào miền Nam. Từ đó, tạo nên so sánh lực lượng có lợi cho ta, bất lợi cho ngụy. Âm mưu của Mỹ trong đàm phán là cùng với việc rút quân Mỹ đòi quân miền Bắc cũng phải rút vì đều là "lực lượng ngoại nhập". Anh Thọ đã chỉ đạo cho CP50 nghiên cứu công thức để trình Bộ Chính trị duyệt: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Chiến đấu để bảo vệ nước Việt Nam là quyền thiêng liêng của mọi người Việt Nam từ Nam đến Bắc. Sau khi Mỹ rút hết quân và chấm dứt can thiệp vào miền Nam, vấn đề các lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam do các bên Việt Nam cùng giải quyết". Khôn khéo của ta là tách quân Mỹ với quân miền Bắc chiến đấu ở miền Nam, bằng sự khẳng định một bên là xâm lược, là phi nghĩa, một bên là lực lượng của cả dân tộc để bảo vệ Tổ quốc, là chính nghĩa. Cuộc đấu tranh về vấn đề lực lượng vũ trang này kéo dài, nhưng do lập luận sắc bén của phía ta, nhất là của anh Thọ, cuối cùng Mỹ phải nhận ghi ở Điều 13 của Hiệp định: "Vấn đề lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam Việt Nam sẽ do hai bên miền Nam Việt Nam giải quyết...". Trong quá trình đấu tranh ở Pari, cùng với thắng lợi quân sự ở chiến trường, ta buộc Mỹ phải rút dần dần quân.

Về khu phi quân sự, âm mưu của Mỹ là muốn chia cắt lâu dài nước ta bằng công thức "miền Nam, miền Bắc tôn trọng khu phi quân sự và lãnh thổ của nhau". Anh Thọ đã bác bỏ và nêu đề nghị "miền Bắc và miền Nam sẽ thỏa thuận về quy chế khu phi quân sự và thể thức qua lại giới tuyến quân sự tạm thời". Chú ý: ta nhấn mạnh "giới tuyến quân sự tạm thời", chống việc chia cắt. Kết quả đạt được trong Điều 15 về "vấn đề thống nhất nước Việt Nam và vấn đề quan hệ giữa miền Bắc và miền Nam nước Việt Nam" ghi rõ: "Trong khi chờ đợi thống nhất, giới tuyến quân sự giữa hai miền tại vĩ tuyến 17 chỉ là tạm thời và không phải là một ranh giới về chính trị hoặc về lãnh thổ...".

Về Điều 1 của Hiệp định "các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam". Khác với Hiệp định Giơnevơ 1954, các chương I, II và các điều khoản đầu nói về giới tuyến quân sự tạm thời, ngừng bắn, chuyển vùng của quân đội hai bên, v.v.. Hiệp định Pari mở đầu bằng điều khoản nói về các quyền dân tộc, độc lập cơ bản của nhân dân Việt Nam ta, đưa công thức: "Hoa Kỳ tôn trọng chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam" như Hiệp định Giơnevơ 1954 đã công nhận. Phía Mỹ không đồng ý với lý do là chưa bao giờ Mỹ ký một Hiệp định ràng buộc như vậy. Để đi đến thỏa thuận, anh Thọ đã đổi thành "Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam...". Kítxinhgiơ chấp thuận công thức đó.

Dưới sự chỉ đạo của anh Thọ và anh Trinh, CP50 đã quán triệt được quan điểm của Bộ Chính trị và thông qua thảo luận tập thể có sự đóng góp tích cực của anh Nguyễn Cơ Thạch nên đã hình thành văn bản "Dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" và một số Nghị định thư cần thiết trình Bộ Chính trị thảo luận và thông qua. Ngay tên gọi của Hiệp định, anh Thọ cũng nhắc chúng tôi đưa công thức để phía Mỹ có thể chấp nhận được, tránh từ xâm lược... Do đó, với tên gọi: "Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình" vừa đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân ta, phù hợp với mong muốn của dư luận quốc tế, vừa tạo điều kiện cho Mỹ rút lui trong danh dự.

Đấu tranh của anh Lê Đức Thọ, anh Xuân Thủy và chị Nguyễn Thị Bình cùng hai đoàn ta, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, buộc Mỹ phải thỏa thuận văn bản. Ngày 20-10-1972, Tổng thống Níchxơn gửi công hàm cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định văn bản Hiệp định xem như đã hoàn thành và nói Kítxinhgiơ sẽ đi Hà Nội vào cuối tháng 10-1972 để ký tắt Hiệp định và sau đó ký chính thức ở Pari.

Nhưng Mỹ đã lật lọng với lý do Nguyễn Văn Thiệu bác bỏ Hiệp định và đòi đàm phán lại một số điều. Ngày 26-10, Chính phủ ta ra tuyên bố về "tình hình cuộc đàm phán" để tranh thủ dư luận và tác động vào nội bộ Mỹ. Nhiều người trong chính giới Mỹ cũng đòi Níchxơn ký Hiệp định đã thỏa thuận.

Từ ngày 18 đến ngày 30-12-1972, Mỹ tiến hành cuộc tập kích đường không bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố ở miền Bắc, hòng gây sức ép. Với trận Điện Biên Phủ trên không, ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược tàn bạo này. Do đó, ngày 22-12-1972, Mỹ phải nêu vấn đề gặp lại ở Pari và Mỹ sẽ ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở lên từ ngày 30-12-1972.

Suốt ba ngày, Bộ Chính trị thảo luận trong hầm Nhà Rồng ở trong thành, tôi làm thư ký ghi chép. Nhiều ý kiến lật đi lật lại, cuối cùng nhất trí cao với ý kiến do các đồng chí Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đề xuất: phía ta nên gặp lại phía Mỹ để đi đến ký Hiệp định. Mỹ dùng B52 và thất bại, đó là bước đường cùng, chủ bài cuối cùng của đối phương đã vô dụng. Ta ký trên thế thắng, tạo đà tiến lên.

Lúc bấy giờ anh Thọ đang bị sốt, còn anh Phan Hiền cần ở lại để đầu tháng 1-1973 đi cùng anh Thọ sang Pari nên anh Thọ gọi tôi xuống hầm thân mật nói: "Liêm ơi, tuy mệt cậu cố gắng đi Pari sớm đưa ý kiến thảo luận và quyết định của Bộ Chính trị sang báo cáo rõ với anh Xuân Thủy, chị Bình, anh Thạch và các đồng chí đoàn viên. Cậu chú ý bảo mật, nhớ kỹ trong đầu, không mang tài liệu. Sang Pari cậu không ra khỏi trụ sở đoàn". Tôi cảm động được anh Thọ tin cậy, giao nhiệm vụ đó và đã cố gắng làm tròn. Lúc anh Thọ có anh Hiền cùng đi Pari gặp lại Kítxinhgiơ để hoàn tất Hiệp định và ký tắt vào ngày 23-1-1973, tôi về ngay Hà Nội, chuẩn bị cho Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh đi ký chính thức vào ngày 27-1-1973.

3. Hiệp định Pari về Việt Nam - một thắng lợi to lớn của Việt Nam có ý nghĩa quốc tế quan trọng. Hiệp định buộc Mỹ rút quân chỉ để đổi lấy tù binh còn quân miền Bắc vẫn ở lại miền Nam, cũng không ràng buộc ta (sau khi ký) không được đưa quân đội với số lượng lớn vào để đánh nhào ngụy; Mỹ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam; tách vấn đề Việt Nam với vấn đề Lào và Campuchia. Đối với quốc tế, Mỹ lùi một bước về chiến lược, tránh "một Việt Nam thứ hai": một nước (như Panama) rút kinh nghiệm của Việt Nam đòi Mỹ tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của họ ở vùng kênh đào, nay đã thực hiện được. Hiệp định Pari tạo tiền đề cho ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh quân sự - chính trị ở miền Nam để giải phóng miền Nam và thống nhất Tổ quốc mùa Xuân năm 1975. Để chuẩn bị Đại thắng này, cùng với anh Trinh, anh Thọ đã hướng dẫn Bộ Ngoại giao đánh giá khả năng hoạt động của đế quốc Mỹ nếu ta tập trung lực lượng đánh đổ ngụy quyền, ngụy quân và đã đi tới một kết luận rất quan trọng là rất ít khả năng Mỹ đưa quân trở lại Việt Nam. Nên ta đã quyết chiến và quyết thắng trong thời gian ngắn.

Tóm lại, từ khi bắt đầu cục diện "đánh - đàm" đến khi giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cùng anh Trinh (còn phải lo chung các hoạt động ngoại giao khác), anh Thọ đã đóng vai trò quan trọng trên mặt trận đấu tranh ngoại giao, phối hợp với quân sự, chính trị, tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc.

4. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, anh Thọ rất chú ý: trong khi đấu tranh với đối phương cần phối hợp và tranh thủ tối đa sự ủng hộ giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc, phối hợp cuộc đấu tranh của Việt Nam với cuộc đấu tranh của Lào và Campuchia, tranh thủ bè bạn, nhất là Pháp (cả nhân dân, Đảng Cộng sản và chính giới). Ta chống Mỹ trong bối cảnh quốc tế phức tạp: mâu thuẫn Xô - Trung, bất đồng trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Mỹ hòng lợi dụng tình hình đó để cô lập cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Qua những chuyến đi, về Hà Nội, qua Bắc Kinh và Mátxcơva trên nguyên tắc độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế, anh Thọ đã kịp thời thông báo cho lãnh đạo hai nước Liên Xô và Trung Quốc về cuộc đấu tranh ngoại giao của ta, đề nghị bạn phối hợp và giúp đỡ Việt Nam về đối ngoại. Ở Pháp, cùng anh Xuân Thủy và chị Nguyễn Thị Bình, anh Thọ tranh thủ được sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình của Đảng Cộng sản Pháp, của nhân dân Pháp và quan hệ đối với chính giới Pháp.

Sau khi ký Hiệp định Pari, anh Trinh và anh Thọ cùng về qua Mátxcơva và Bắc Kinh, được lãnh đạo hai nước đón tiếp long trọng, ca tụng thắng lợi của Việt Nam.

5. Mặt quan trọng khác là anh Thọ đã vận dụng kinh nghiệm về tổ chức và cán bộ vào cuộc đấu tranh để đạt được Hiệp định Pari: đoàn kết tất cả cán bộ chuyên trách, phối hợp chặt chẽ đoàn miền Bắc và đoàn miền Nam, phân công rõ ràng, tổ chức bộ phận tác chiến ở cuộc gặp riêng và diễn đàn công khai, bộ phận tham mưu trong nước (CP50), liên hệ chặt chẽ với Trung ương Cục, tập hợp cán bộ báo chí thông tin để tranh thủ dư luận quốc tế, tác động vào nội bộ Mỹ.

6. Cũng như đã học được nhiều điều ở các đồng chí lãnh đạo khác, trong khoảng 5 năm làm việc ở trong nước với anh Thọ về đấu tranh ngoại giao, tôi học tập được một số điều bổ ích có tính sâu rộng, những điều học anh Thọ giúp cho tôi càng trưởng thành để công tác cho đến khi nghỉ hưu. Nay những bài học ấy vẫn còn giá trị đối với tôi để suy nghĩ về thời cuộc trong nước và quốc tế, phân tích, đánh giá phải, trái, thật, giả.

Với bề dày cách mạng sâu sắc, tầm nhìn xa rộng, bản lĩnh chính trị vững vàng, anh luôn luôn kết hợp tình hình trong nước với bối cảnh quốc tế, đánh giá ý đồ, âm mưu của đối phương, đánh giá ý kiến của bạn, dự kiến các khả năng, tìm ra mẫu số chung lúc bấy giờ: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bằng đấu tranh tổng hợp, trong đó ngoại giao là rất quan trọng. Lấy lợi ích của dân tộc Việt Nam với lợi ích của cách mạng và hòa bình thế giới làm mẫu số chung. Luôn luôn trăn trở với trí tuệ sắc bén, độc lập suy nghĩ, anh đưa ra những sáng kiến ngoại giao trong các đợt tấn công vừa nguyên tắc, vừa linh hoạt, giao cho CP50 đi sâu nghiên cứu, cụ thể hóa thêm. Lắng nghe mọi ý kiến, dù trái ngược, anh đã tập hợp được trí tuệ của bộ phận tham mưu ở Hà Nội với bộ phận tác chiến ở Pari dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị. Có thể nói: Cùng với anh Trinh, anh Thọ đã xây dựng được "quân chủng ngoại giao" để đấu trí, đấu lý; biết tiến, thoái đúng lúc, đối phó với ngoại giao của cường quốc Mỹ, với Kítxinhgiơ. Anh đã đào tạo được nhiều cán bộ ngoại giao, báo chí của cả hai miền, sau này làm cốt cán cho một số cơ quan. Đối với cán bộ, anh đối xử có tình, có lý, nghiêm túc nhưng giản dị, chan hòa, giúp nâng cao trí tuệ, phương pháp công tác, quan tâm sức khỏe, đời sống, tâm tư, nguyện vọng.

Anh Thọ đi xa đã 10 năm[1]. Nước Việt Nam thống nhất đang tiến lên trong đổi mới và hội nhập quốc tế, trên tư thế độc lập, tự chủ, bảo đảm chủ quyền có nguyên tắc và linh hoạt. Một số điều anh mong ước đã được thực hiện hoặc đang được triển khai. Ngành ngoại giao Việt Nam, trước thềm thế kỷ XXI, đang vươn lên về tầm cao và về chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực với nội dung mới, trong quan hệ song phương và đa phương để cùng các mặt trận khác đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Nhiệm vụ ngoại giao so với khi chống Mỹ có thuận lợi nhưng cũng nặng nề, phức tạp hơn. Làm cho dân giàu, nước mạnh, nhân dân hạnh phúc, văn minh có cái khó riêng của nó, nhưng cái thuận lớn là đất nước đã giành được độc lập và thống nhất. Một số bài học anh Thọ để lại có thể bổ ích cho ngoại giao trong thời kỳ mới. Lịch sử ngoại giao Việt Nam ghi công anh:

Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay

Ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm.

Nhớ mãi hình ảnh thân thương của anh Lê Đức Thọ, một trong những học trò trung thành, sáng tạo của Nhà ngoại giao kiệt xuất Hồ Chí Minh.



* Nguyên:  - Uỷ viên Trung ương Đảng,

- Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao,

- Uỷ viên Thường trực Tiểu ban về Việt Nam CP50.

[1]. Năm 2000 (B.T).

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011


Bình luận