Những chặng đường nổi bật trong hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào
Chúc phúc các nhà sư - nét đẹp văn hóa của người Lào.
Sau năm 1975, quan hệ Việt Nam và Lào bước sang một trang mới: Từ liên minh chiến đấu chung một chiến hào sang hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia độc lập, láng giềng. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến cứu nước, hai nước Việt Nam và Lào đều phải ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh kéo dài 30 năm. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng CS Việt Nam và Ðảng NDCM Lào, hai nước càng có điều kiện phát huy truyền thống tốt đẹp, gắn bó keo sơn trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, xây dựng và tăng cường quan hệ liên minh, liên kết và hợp tác toàn diện về chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế, văn hóa, giáo dục... Ðây chính là đặc điểm quan trọng nhất, dẫn tới sự thay đổi về chất lượng nội dung, phương thức và các nguyên tắc quan hệ giữa hai quốc gia, nâng quan hệ hữu nghị truyền thống, tính đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước lên tầm cao mới.
Từ khi hai nước tiến hành sự nghiệp đổi mới vào năm 1986, quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam tiếp tục được củng cố, tăng cường và đạt những thành tựu to lớn.
Về hợp tác trong lĩnh vực chính trị và đối ngoại: Từ năm 1988, cuộc gặp hằng năm giữa hai Bộ Chính trị đã trở thành một cơ chế hoạt động chính thức giữa hai Ðảng và hai Nhà nước. Một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam là chuyến thăm hữu nghị chính thức nước CHDCND Lào của Ðoàn đại biểu cấp cao Ðảng CS Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh dẫn đầu từ ngày 2 đến ngày 4-7-1989. Ðây là chuyến thăm Lào chính thức đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Ðảng CS Việt Nam từ sau Ðại hội IV Ðảng NDCM Lào. Hai bên thống nhất với nhau nhiều vấn đề quan trọng trong việc đổi mới phương thức hợp tác giữa hai nước và bàn thảo các vấn đề khu vực và quốc tế. Tháng 10-1991, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Tổng Bí thư Ðảng NDCM Lào và Ðoàn đại biểu cấp cao Ðảng NDCM Lào thăm chính thức Việt Nam. Hai bên khẳng định quyết tâm nâng cao quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, phối hợp chặt chẽ các hoạt động ngoại giao trên các diễn đàn quốc tế. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Lào xác định, hợp tác về quốc phòng, an ninh là một nhiệm vụ cấp bách và quan trọng hàng đầu. Từ cuối thập niên 80 và những năm đầu thập niên 90 thế kỷ 20, Chính phủ, hai bộ chức năng là Nội vụ và Quốc phòng của hai nước đã ký những hiệp định, nghị định về hợp tác, hỗ trợ nhau trong công tác bảo vệ an ninh và củng cố quốc phòng. Bước sang giai đoạn 1996-2007, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Lào tiếp tục tiến hành các cuộc gặp trao đổi, phối hợp giúp đỡ lẫn nhau về xây dựng chiến lược bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và chuyên môn.
Về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật: Trong quan hệ đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, hợp tác kinh tế trong thời kỳ đổi mới luôn chiếm vị trí quan trọng hàng đầu, với mong muốn là động lực thúc đẩy sự phát triển của các quan hệ hợp tác khác. Ngày 15-2-1992, tại Viêng Chăn, Việt Nam và Lào đã ký Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật thời kỳ 1992-1995 và năm 1992. Ðể thực hiện hóa Hiệp định khung này, Chính phủ hai nước đã tiến thêm một bước trong việc thống nhất cơ chế chung về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật. Ngày 15-3-1995, tại Hà Nội, Thỏa thuận chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước đến năm 2000 được ký. Sau đó, hai bên ký Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giai đoạn 1996-2000. Trong giai đoạn này, Việt Nam và Lào còn ký hàng loạt hiệp định và nghị định thư quan trọng nhằm thúc đẩy việc triển khai quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo luôn được hai Ðảng, hai Nhà nước xác định là một nhiệm vụ quan trọng, là lĩnh vực hợp tác chiến lược và là biểu hiện của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Việt Nam coi việc đào tạo giúp Lào một nguồn nhân lực có trình độ cao là nhu cầu có tính chiến lược lâu dài, không những đáp ứng yêu cầu của Lào mà còn phục vụ quá trình nâng cao hợp tác của Việt Nam với Lào. Về lĩnh vực giao thông vận tải, trong giai đoạn 1996-2000, hai bên đã cùng nhau tìm nguồn đầu tư nâng cấp hệ thống đường thông thương nối liền hai nước, tạo điều kiện cho Lào thông thương qua lãnh thổ và cảng biển Việt Nam ra các nước. Hai bên đã đầu tư xây dựng quốc lộ: 43, 6B, 42, cửa khẩu Chiềng Khương. Cải tạo nâng cấp quốc lộ 9A, cửa khẩu Lao Bảo, quốc lộ 8, quốc lộ 7, quốc lộ 217 và 6A, quốc lộ 12A, cảng Ðà Nẵng, cảng Xuân Hải và hoàn thành bến I cảng Vũng Áng... Hợp tác về thương mại, đầu tư, năng lượng và chuyên gia không ngừng được củng cố, đổi mới và hoàn thiện cả về cơ chế và hình thức hợp tác, đã thu được những bước phát triển quan trọng. Hợp tác giữa các địa phương và hợp tác biên giới được duy trì và đẩy mạnh. Công tác đối ngoại nhân dân được chú trọng đã tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, cùng vun đắp mối quan hệ đoàn kết đặc biệt thêm bền chặt. Hai bên luôn quan tâm và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên được tham gia các hoạt động giao lưu, trao đổi để giữ gìn, bảo vệ và phát triển tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Hai bên phối hợp nghiên cứu, biên soạn công trình Lịch sử quan hệ đặc biệt và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam từ năm 1930-2007, tổng kết quá trình liên minh chiến đấu và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, đúc kết những bài học kinh nghiệm phục vụ việc tiếp tục xây dựng và phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam lên một tầm cao mới. Trong giai đoạn 2011-2020, hai nước đề ra định hướng cơ bản của chiến lược hợp tác là: "Phát huy truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trở thành động lực tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập của mỗi nước", trong đó, không ngừng nâng cao nhận thức và làm sâu sắc thêm quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và tinh thần quan hệ đặc biệt theo luật pháp của mỗi nước.
Theo Báo Nhân dân
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực