Những dấu ấn truyền thống trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

Ngày đăng: 20/09/2013 - 10:09

     Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia ở khu vực Đông Á, có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa. Trong lịch sử, hai dân tộc đã từng sớm có những quan hệ giao lưu về kinh tế, văn hóa và đều tiếp nhận nhiều ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Cư dân hai nước đều có chung những đặc tính văn hóa, tâm lý của những người làm nghề nông, trồng lúa nước. Họ cùng ngưỡng vọng tổ tiên, sùng bái thần tự nhiên, coi trọng các mối quan hệ cộng đồng, gia tộc và cùng có thái độ ứng xử khoan hòa trong cuộc sống thường ngày...

Cầu Nhật Bản ở Hội AnCầu Nhật Bản ở Hội An

    Việt Nam - Nhật Bản trong các dòng chảy văn hóa khu vực

    Thời tiền sử, các nền văn hóa đá mới ở miền Trung nước Nhật đã thể hiện những mối liên hệ với nền văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn ở Việt Nam. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy ở Nhật Bản có những loại rìu mặt bằng hình bầu dục được mài qua ở lưỡi, giống như những chiếc rìu của nền văn hóa Hòa Bình hay loại rìu và thạch bôn được mài một mặt như trong văn hóa Bắc Sơn. Mặc dù con đường lan tỏa của văn hóa Hòa Bình đến Nhật Bản vẫn chưa được xác định một cách chắc chắn nhưng những dấu vết rõ nét của văn hóa Hòa Bình đã được tìm thấy ở Inđônêxia và đặc biệt là ở đảo Borneo. Rất có thể từ đây, văn hóa Hòa Bình đã lan tỏa đến phương Nam, tới châu Đại Dương rồi truyền lên phía bắc, đến các đảo Philíppin và Nhật Bản.

    Đến thời đại đồng thau, một số loại nhạc khí như dotaku (loại chuông dẹt) cũng thấy thể hiện những môtíp trang trí giống như những trống đồng thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Ở cả dotaku và trống Đông Sơn, con người và động vật được miêu tả rất sinh động với cảnh người chèo thuyền, đi săn, giã gạo, hình tượng nhà sàn, hươu, cóc, bồ nông, rắn... Người xưa còn thể hiện những biểu tượng mặt đất và thiên đường (bầu trời) bằng những đường khắc vạch. Điều chắc chắn là, cũng như trống Đông Sơn, dotaku là những nhạc cụ nghi lễ quan trọng nhất của người Nhật Bản. “Có khả năng một số dotaku và trống đồng có mối liên hệ với Saman giáo. Hình ảnh của những thầy mo trong trang phục hình chim thể hiện ở trên mặt của những chiếc dotaku cũng như trên mặt trống, tang trống đồng. Thư tịch cổ của Nhật Bản còn kể về một chiếc thuyền hình chim chở linh hồn người chết lên thiên đường. Hình ảnh của những chiếc thuyền trang trí trên nhiều chiếc trống Đông Sơn khá giống với những chiếc thuyền của Nhật Bản cổ đại”1. Điều thú vị là, dotaku Nhật Bản và trống đồng Đông Sơn hầu như được chế tác trong cùng một thời đại.

     Trong khoảng thời gian đó, cùng đồng thời với văn hóa Đông Sơn, nền văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam cũng có sự giao lưu và sức lan tỏa lớn đối với các nền văn hóa khu vực. Các nhà khoa học đã phát hiện được nhiều loại hình hiện vật, mà tiêu biểu là mộ chum, thuộc thời đại văn hóa Sa Huỳnh ở Malaixia, Philíppin, miền Nam Nhật Bản và phía đông nam bán đảo Triều Tiên. Những tương đồng về kiểu dáng, hoa văn, kỹ thuật chế tác cũng như chức năng của các vò, mộ... càng chứng tỏ mối liên hệ gần gũi giữa văn hóa Việt Nam với Nhật Bản và văn hóa khu vực.

NB

    Là một nước nhiều đồi núi, bốn bề giáp biển, người Nhật đã sớm có cái nhìn hướng biển, năng động và khoáng đạt. Người Nhật sớm thích nghi với môi trường biển cả, khai thác biển và tài đi biển nổi tiếng khắp châu Á. Tuy nhiên, nền tảng kinh tế căn bản của Nhật Bản là nông nghiệp trồng lúa nước. Trong nhiều di chỉ khảo cổ học thời kỳ văn hóa Yayoi (thế kỷ III TCN - thế kỷ IV SCN) ở miền Nam và miền Trung Nhật Bản, người ta đã tìm thấy vết tích rõ rệt của cây lúa nước. Tuy con đường truyền tải của cây lúa nước đến Nhật Bản vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau nhưng gần đây có thuyết cho rằng, người đem kỹ thuật nông nghiệp trồng lúa đến Nhật Bản cách ngày nay khoảng 2.000 năm chính là những chủ nhân của nền văn hóa Đông Sơn, những người đã sử dụng đồng thau và điều hành một xã hội nông nghiệp chủ yếu là trồng lúa nước ở vùng châu thổ sông Hồng hơn 3.000 năm trước2. Là một xã hội canh tác lúa nước, cư dân Nhật Bản đã chia sẻ nhiều tập tính chung với các dân tộc vùng Đông Á. Nhà nghiên cứu nông nghiệp Nhật Bản, GS. Watabe Tadaio cho rằng, cho đến trước thế kỷ thứ X, ở bắc Đông Dương, nam Trung Hoa và Nhật Bản, đều phổ biến tục ăn cơm nếp, bánh nếp, xôi trộn đậu đỏ giống như nhiều tộc người ở phía bắc Việt Nam, Lào và Thái Lan. Cư dân trong các khu vực đó cùng chịu ảnh hưởng của vòng văn hóa ăn cơm nếp và uống nước chè3.

 

    Những mối giao lưu, tiếp xúc đầu tiên

 

    Trên nền cảnh và sắc thái văn hóa chung đó, trải qua thời gian, nhiều sự kiện thể hiện mối giao lưu giữa hai dân tộc Việt - Nhật đã được ghi lại trong các nguồn sử liệu cũng như ký ức của nhân dân hai nước. Năm 752, nhân dịp triều đình Nhật Bản tổ chức trọng thể lễ khánh thành chùa Todaiji ở Nara, kinh đô Nhật Bản, một số nhà sư từ Lâm Ấp (một vương quốc cổ ở miền Trung, Việt Nam) đã được mời đến Nhật Bản để hòa tấu bản nhã nhạc có tên là Lâm Ấp nhạc. Cho đến nay bản nhạc đó vẫn được bảo tồn như một di sản quý báu trong Hoàng gia Nhật Bản4.

    Lịch sử cũng từng ghi lại rằng, vào thế kỷ VIII, Abe no Nakamaro (697-770) là người Nhật đầu tiên đến “Giao Châu”. Là một trí thức trẻ, năm 716 ông được cử sang Trung Quốc lưu học. Là người có tư chất thông minh, lúc mới 24 tuổi ông đã được giao giữ một số chức vụ trong chính quyền nhà Đường (618-907). Năm 753, nhân có đoàn sứ thần Nhật Bản do chánh sứ Fujiwara no Kiyokawa rời Trường An về nước, Abe xin được tháp tùng đoàn trở về. Nhưng, đoàn thuyền bị bão và chiếc thuyền chở Fujiwara cùng Abe đã trôi dạt xuống phương Nam, đến vùng Hoan Châu. Năm 761, Abe được phong chức “Tả tán Kỵ thường thị” rồi “Trấn Nam đô hộ”, “Tiết độ sứ An Nam”. Chắc rằng, trong thời gian ở Việt Nam, ông đã có điều kiện quan sát, tìm hiểu về đất nước, văn hóa, phong tục của người Việt. Trong quá trình tham gia khai quật khảo cổ học, nghiên cứu Hoàng thành Thăng Long, nhiều chuyên gia Nhật Bản cũng đã chú tâm tìm hiểu về “dấu tích Abe” trong các tầng văn hóa của Kinh đô Thăng Long nghìn tuổi.

    Đến thế kỷ XIII, vó ngựa của quân Mông - Nguyên đã tung hoành ở nhiều quốc gia trên thế giới. Là những nước gần kề, Việt Nam và Nhật Bản trở thành đối tượng chinh phạt của đế chế Mông - Nguyên. Trong các năm 1258, 1285 và 1287, Việt Nam đã ba lần bị quân Mông - Nguyên xâm lược. Nhưng cả ba lần, nhờ có tinh thần “vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, nước nhà góp sức” nên quân dân Đại Việt đã giành được thắng lợi vang dội. Đối với Nhật Bản, trong các năm 1274 và 1281, nhà Nguyên cũng đã hai lần huy động binh lực lớn tấn công vùng Kyushu. Nhưng trước tinh thần chiến đấu hết sức anh dũng của lực lượng võ sĩ, dân binh Nhật Bản và hơn thế lại gặp những trận bão lớn (Thần phong), nên nhiều chiến thuyền của quân Nguyên đã bị nhấn chìm xuống vùng biển Nhật Bản.

    Dù bị thất bại qua hai lần xâm lược Nhật Bản nhưng nhà Nguyên vẫn ráo riết chuẩn bị cho cuộc xâm lược lần thứ ba. Tuy nhiên, đến năm 1286, để tập trung lực lượng cho cuộc xâm lược Đại Việt, Hốt Tất Liệt đã ra lệnh “gác việc Nhật Bản để chuyên việc Giao Chỉ”5. Cuối năm 1287, nhà Nguyên đã huy động 50 vạn quân tiến đánh Đại Việt. Cục diện chiến tranh đã diễn ra hết sức quyết liệt và cuối cùng đến tháng 4-1288, quân Nguyên đã bị thất bại thảm hại. Chiến thắng của quân dân Đại Việt thế kỷ XIII đã góp phần quan trọng làm thất bại âm mưu bành trướng Đông Á của đế chế Mông - Nguyên. Không những nhân dân Đại Việt đã đứng lên chặn đứng vó ngựa của quân xâm lược trên quê hương mình, mà còn giúp đỡ các dân tộc láng giềng chống lại kẻ thù chung6. Một cách khách quan, Nhật Bản đã không phải đối phó với họa “Genko” (Nguyên khấu) nữa.

    Một thời giao thương nhộn nhịp

    Vào thế kỷ XV-XVI, quan hệ giao thương giữa các quốc gia Đông Á có nhiều phát triển mới. Ryukyu (Lưu Cầu), một vương quốc cổ ở miền Nam Nhật Bản ngày nay, đã cử nhiều đoàn triều cống, thuyền buôn đến các quốc gia trong khu vực. Vương quốc này đã cử 171 thuyền buôn sang Trung Quốc, 89 thuyền đến “An Nam”, 37 thuyền đến Java và 19 thuyền tới Nhật Bản. Theo Rekidai hoan (Lịch đại bảo án), năm 1509, sứ giả của vương quốc Chuzan (Trung Sơn, thuộc Ryukyu) đã cử sứ thuyền sang biếu “Vạn thọ Đại vương” (có thể là Lê Tương Dực, 1509-?) 1 vạn cân lưu huỳnh, ngoài ra còn có áo giáp sắt, kiếm, cung, vải vóc...7. Trên cơ sở các phát hiện gốm Việt Nam ở nhiều di chỉ thuộc Ryukyu có thể khẳng định rằng, quan hệ giữa vương quốc Lưu Cầu với Việt Nam đã diễn ra sớm và khá thường xuyên. Coi Ryukyu là một bộ phận hợp thành của Nhật Bản, phát hiện quan trọng này đã đẩy quan hệ giữa hai nước Việt - Nhật lên sớm hơn một thế kỷ.

    Đến thế kỷ XVI-XVII, thời hoàng kim của hải thương châu Á, nhiều Châu ấn thuyền (1592-1635) Nhật Bản đã đến Đông Nam Á. Do sự phát triển của mối quan hệ, giao lưu buôn bán, đã có nhiều cộng đồng người Nhật sống định cư ở Việt Nam và họ đã lập nên những cảng Nhật, phố Nhật. Trong khoảng thời gian 30 năm (1604-1634), Mạc phủ Edo đã cấp tổng cộng 355 giấy phép cho thuyền buôn Nhật Bản đi ra nước ngoài. Trong đó, những địa điểm thuộc khu vực Đông Nam Á là 331, chiếm tỷ lệ 93,25%. Số thuyền Nhật Bản đến buôn bán tại các thương cảng thuộc lãnh thổ Việt Nam hiện nay là 130, chiếm 36,61%. Thuyền đến Đàng Ngoài là 51 chiếc trong đó, An Nam (Hưng Nguyên, Nghệ An?) 14 chiếc, Tonkin (Đông Kinh) là 37 chiếc, chiếm tỷ lệ 39,23%; thuyền Nhật đến Đàng Trong (Hội An) là 79 chiếc, chiếm 60,76% trong tổng số thuyền đến Việt Nam8.

 

Nhật Bản

     Hiện nay, ở Nhật Bản vẫn còn lưu giữ được một tài liệu hết sức giá trị về quan hệ quốc tế thời Edo (1600-1868). Tác phẩm có tên gọi Ngoại phiên thông thư, trong phần An Nam quốc thư có nội dung 56 bức thư của chúa Trịnh (Đàng Ngoài) và chúa Nguyễn (Đàng Trong) gửi cho Mạc phủ Tokugawa cùng với thư trả lời của Mạc phủ viết trong thời gian 1601-1694. Qua nghiên cứu nội dung của một số bức thư và những nguồn sử liệu khác, có thể thấy, giới cầm quyền Việt Nam lúc đó rất coi trọng quan hệ với Nhật Bản, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho thuyền buôn của Nhật Bản đến giao thương và muốn “thông qua thương nghiệp để nối tình hữu nghị giữa hai nước”9. Trong bối cảnh đó, nhiều thương gia Nhật Bản đã đến buôn bán với Việt Nam nhưng tập trung nhất là ở Phố Hiến (Đàng Ngoài) và Hội An (Đàng Trong). Mặt khác, nhiều thuyền buôn từ Đông Nam Á và Việt Nam cũng đã đến Nhật Bản. Theo Seiji Sasaki thì vào tháng 10-1601 và tháng 8-1604, thuyền từ An Nam đã trực tiếp đến Nhật Bản buôn bán10.

    Sau khi chính quyền Edo thực thi chính sách tỏa quốc (sakoku), các thương nhân quốc tế, đặc biệt là thương nhân Hà Lan, Trung Quốc đã giữ vai trò cầu nối trong quan hệ hai nước. Theo thống kê của W.Z. Mulder, trong vòng 31 năm (1609-1640), có tất cả 190 tàu Hà Lan đến Nhật Bản, trong đó số tàu xuất phát từ Tonkin (Đàng Ngoài) và lúc về có ghé qua khu vực này là 6 chiếc, ghé qua Quinam (Quảng Nam) là 11 chiếc11. Từ 1641-1654, tàu buôn của VOC (Công ty Đông Ấn Hà Lan) đã đem tới 51% (3.538.000 gld) tổng lượng tơ nhập vào Nhật Bản. Lãi suất mà VOC thu được rất lớn, khoảng gần 200% do giá tơ ở Đàng Ngoài rẻ. Tương tự như vậy, giới Hoa thương cũng tham gia tích cực vào tuyến buôn bán Việt - Nhật. Trong thời gian từ 1647-1720, có tất cả 266 thuyền buôn Trung Hoa xuất phát từ Việt Nam (Tonkin: 63, Quảng Nam: 203) đến Nhật Bản12.

    Về hàng hóa, những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Đàng Ngoài là tơ lụa, gốm sứ và lâm thổ sản. Các mặt hàng nhập về có diêm tiêu, lưu huỳnh, các loại súng, kẽm, đồng, sắt, tiền đồng, vải dạ Anh và nhiều sản phẩm hàng hóa, công nghệ phương Tây. Trong Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, giáo sĩ Alexandre de Rhodes cho rằng, trước năm 1627 đã có thương nhân Nhật Bản đến buôn bán. Họ thường đem bạc, nhiều loại vũ khí đến bán để mua về tơ lụa13. Với Đàng Trong, chúa Nguyễn đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các đoàn thuyền buôn ngoại quốc đến trao đổi hàng hóa. “Tất cả đều đem bạc tới xứ Đàng Trong để đem hàng hóa của xứ này về”14. Nhưng, theo C.Borri: “Người Hoa và Nhật Bản là những người làm thương mại chính yếu ở xứ Đàng Trong”15. Chúa Nguyễn đã cho phép thương nhân các nước được chọn địa điểm thuận lợi làm nơi cư trú, buôn bán. Do vậy, ở Hội An đã hình thành hai khu phố dành cho Hoa kiều và Nhật kiều. Mỗi phố có khu vực, quan cai trị và sống theo tập tục riêng. Đứng đầu mỗi khu phố là trưởng khu, chúa Nguyễn giao cho trưởng khu phụ trách các công việc về cảng vụ, thuế vụ và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động trong khu phố. Vào giữa thế kỷ XVII, ở Hội An có chừng 60 gia đình người Nhật sinh sống, tức là có khoảng trên 200 người sống trong khu phố này. Các mặt hàng buôn bán chủ yếu của Đàng Trong là: trầm hương, sừng tê, ngà voi, gốm sành và nhiều loại lâm, thổ sản khác. Để có đủ lượng hàng, các thương gia Nhật Bản phải cử người ở lại mua gom hàng hóa hoặc tìm đến từng hộ sản xuất để đặt tiền mua bao trước toàn bộ số sản phẩm mà các hộ thủ công làm ra để chuẩn bị cho mùa mậu dịch năm sau.

    Trong quá trình làm ăn, sinh sống ở Việt Nam, do có những hiểu biết về văn hóa, ngôn ngữ, khả năng thương thuyết và tính trung thực, thương nhân Nhật không chỉ được người Việt mà cả nhiều người nước ngoài tin cậy, nhờ làm trung gian buôn bán. Thông qua các hoạt động kinh tế, giao tiếp xã hội, một số thương gia Nhật Bản đã kết hôn với người Việt. Trên tấm bia Phổ đà linh sơn trung Phật ở động Hoa Nghiêm, chùa Non Nước khắc năm 1640 còn ghi lại tên của 5 người Nhật lấy vợ Việt. Để tăng thêm tình giao hiếu, một số chúa Nguyễn còn nhận các thương gia Nhật Bản làm con nuôi. Năm 1604, Nguyễn Hoàng đã nhận Hunamoto Yabeiji, một thương gia và cũng là phái viên đầu tiên của chính quyền Edo tới Đàng Trong làm con nuôi.

    Đến thời Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), năm 1619 ông cũng gả công chúa cho một thương gia người Nhật là Araki Sutaro. Do tác động của chính sách tỏa quốc, công chúa đã cùng chồng trở về Nagasaki và mất vào năm 1643. Hiện nay, mộ của Araki và vợ (mà người Nhật trìu mến gọi là “nàng Anio”), vẫn được trân trọng bảo tồn ở Nagasaki. Bảo tàng nghệ thuật thành phố vẫn lưu giữ một chiếc gương quý với bốn chữ “An Nam quốc kính” mà công chúa đem về từ Việt Nam. Chiếc gương được sản xuất ở châu Âu và có thể là tặng phẩm của chúa Nguyễn dành cho công chúa làm của hồi môn. Trong quan hệ với Nhật Bản, một số thương gia khác cũng được chúa Nguyễn hết sức quý mến. Thương nhân Toba đã được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên nhận làm con nuôi và dành cho nhiều ưu đãi về thương mại. Cùng với những lợi ích kinh tế, mối giao hiếu thân tình đó cũng góp phần không nhỏ vào việc phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước thời cận thế.

    Từ sau năm 1635, do không thể trở về nước, một số kiều dân Nhật Bản đã ở lại Việt Nam làm ăn, sinh sống và hòa nhập với cuộc sống của người Việt. Đến nay, mối quan hệ giao hiếu đó còn để lại nhiều dấu ấn và kỷ vật trên hai đất nước. Điều thú vị là, ngoài những hoạt động kinh tế, dấu tích về một thời giao lưu giữa hai nước còn lưu lại cả trong đời sống văn hóa. Bộ tổ tôm gồm 120 cây bài còn lưu hành ở nước ta hiện nay, có những hình người với trang phục rất đặc trưng của văn hóa Nhật Bản thời kỳ Genroku (1688-1703). Và ở Nhật Bản, tại một số đền, chùa cũng như trong một số dòng họ từng buôn bán với Việt Nam, vẫn còn giữ được nhiều kỷ vật giá trị. Đó là bức tranh Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ ở đền Jomyoji (Nagoya) diễn tả một chiếc thuyền Châu ấn cập bến thương cảng vùng Quảng Nam; những bức tranh tàu buôn Nhật Bản từ Việt Nam trở về nước an toàn sau một chuyến buôn ở đền Kiyomizu (Kyoto)... Hiện nay, tại Bảo tàng quốc gia Nhật Bản cũng như một số bảo tàng, sưu tập tư nhân vẫn còn lưu giữ nhiều đồ gốm quý được sản xuất tại Việt Nam gọi là “gốm Cauchi” (Giao Chỉ) hay “gốm An Nam”. Đến nay, gốm, sứ, sành Việt Nam và đồ gốm Nhật Bản mang “phong cách Cauchi” vẫn rất được ưa chuộng trong nghi lễ trà đạo của Nhật Bản16. Một loại vải bông dệt bằng phương pháp thủ công truyền thống đang được khôi phục ở thành phố Matsuzakada (tỉnh Mie) gọi là Liễu đồ bồ tương truyền cũng có nguồn gốc Việt Nam thế kỷ XVII17.

    Ở Hội An có chiếc cầu gỗ mang tên cầu Nhật Bản (Nihonbashi). Một số ngôi mộ của người Nhật ở đây vẫn được nhân dân địa phương gìn giữ. Trong những năm gần đây trên vùng đất Quảng Nam, tại các thương cảng miền Trung và Nam Bộ hay trong một số di tích lịch sử - văn hóa tại Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Lâm Đồng..., các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản cũng đã tìm thấy nhiều di vật quý giá, trong đó đặc biệt là gốm sứ Hizen Nhật Bản thế kỷ XVII18. Đây chính là những dấu ấn sinh động về một thời phát triển nhộn nhịp trong quan hệ giao thương Việt - Nhật.

    Nhìn lại quan hệ Việt - Nhật trong lịch sử có thể thấy, do tương đối gần gũi về vị trí địa lý lại có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa nên quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đã được thiết lập sớm và tồn tại qua nhiều thế kỷ. Trải qua thời gian, mặc dù quan hệ hai nước có nhiều bước thăng trầm nhưng truyền thống quan hệ hữu nghị, sự hiểu biết, tin cậy giữa hai dân tộc đã tạo nên những cơ sở thiết yếu cho sự phát triển mối quan hệ hợp tác toàn diện, đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản.

PGS. TS. NGUYỄN VĂN KIM

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV

Đại học Quốc gia Hà Nội

***
 
Chú thích:

1. Boriskovski: Cơ sở khảo cổ học, Tủ sách Đại học Tổng hợp Hà Nội, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1962, tr.491.

2. Nhật Bản: Tăng cường hiểu biết và hợp tác, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1996, tr.198-199.

3. Watabe Tadaio: Con đường lúa gạo, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988, tr.111.

4. Phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản R. Hashimoto nhân chuyến thăm Việt Nam, ngày 11-12 tháng 1-1997, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản, số 1, 1997, tr.4.

5. Nguyên sử, Q. 208 Nhật Bản truyện, tập 13b. Dẫn theo Hà Văn Tấn - Phạm Thị Tâm: Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1970, tr.240.

6. Hồng Nam - Hồng Lĩnh (Chủ biên): Những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam chống phong kiến xâm lược Trung Quốc, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1984, tr.434.

7. Kin Seiki: Mậu dịch Đông Nam Á của vương quốc Ryukyu và đồ gốm sứ Việt Nam phát hiện được ở Okinawa, báo cáo tại Hội thảo quốc tế Quan hệ Việt - Nhật thế kỷ XV - XVII qua giao lưu gốm sứ, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hóa, Đại học Quốc gia Hà Nội - Viện Nghiên cứu Văn hóa Quốc tế, Đại học nữ Chiêu Hòa Nhật Bản, Hà Nội, tháng 12-1999.

8, 12. Li Tana: Xứ Đàng Trong - Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1999, tr.90-91, 101.

9. Kawamoto Kuniye: Nhận thức quốc tế của chúa Nguyễn ở Quảng Nam căn cứ theo Ngoại phiên thông thư, đô thị cổ Hội An, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991, tr.171.

10. Seiji Sasaki: A Chronological Table of Modern Japanese Shipping, Kobe Economic & Business Review, Kobe University, 1964-1965.

11. W.Z. Muler: Hollanders in Hirado, F. Van Dishoeck - Haarlem, tr.263-301.

13. Alexandre de Rhodes: Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo, Thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr.36.

14, 15. Chistophoro Borri: Xứ Đàng Trong năm 1621, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr.89.

16. Hiromu Honda and Noriki Shimazu: Vietnamese and Chinese Ceramics Used in the Japanese Tea Ceremony, Oxford University Press, 1993, p.5-138.

17. Phan Huy Lê: Lời giới thiệu viết cho cuốn Nhật Bản ngày nay (Phạm Hồng Tung và Nguyễn Văn Kim dịch), Nxb. Thông tin Lý luận, Hà Nội, 1991, tr.6-9.

18. Tống Trung Tín: Tình hình trao đổi và buôn bán gốm sứ giữa Việt Nam và Nhật Bản thế kỷ XIV-XX, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3, 2000, tr.67-73.

 

Bình luận