Những lần gặp anh Sáu

Ngày đăng: 21/10/2011 - 11:10

Tô Bửu Giám*

Tôi không có tham vọng viết dù chỉ một phần nhỏ nhận xét, đánh giá về cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của anh, những thành tích phong phú, nổi tiếng trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, ngoại giao, xây dựng Đảng, dân vận của anh mà chỉ xin ghi lại những lần được gặp anh, nghe lời chỉ dạy của anh qua những lần tiếp xúc và làm việc với anh. Những lần gặp này đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời công tác của tôi.

GẶP ANH LẦN THỨ NHẤT

Tôi may mắn được gặp anh Sáu (anh Lê Đức Thọ, tôi gọi là anh Sáu từ lần gặp đầu tiên đến khi anh qua đời) khi được chọn học lớp chính trị trung, cao cấp đầu tiên của Nam Bộ năm 1949 trong kháng chiến chống Pháp. Tôi nói may mắn vì đây là lớp đầu tiên (khóa I) của Trường Trường Chinh ở miền Nam (gồm Nam Bộ và các tỉnh cực Nam Trung Bộ, có các cán bộ tình nguyện quân Campuchia). Tôi nói là may mắn là vì khóa học này có những cán bộ lớn tuổi, tuổi Đảng có người còn hơn tuổi đời của tôi, có nhiều đồng chí là Khu uỷ viên, Bí thư các tỉnh uỷ, có người là cán bộ quân sự nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp như anh Bảy Cống (Đồng Văn Cống ở Bến Tre), anh Ngô Hồng Giỏi, anh Huỳnh Thủ... ở miền Tây, anh Sáu Tú vào Đảng năm 1929 ở Khu 6, anh Dụ vào Đảng năm 1930, Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh.

LDT-6

Điều may mắn nữa là khóa này có nhiều thầy nổi tiếng như đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Lê Đức Thọ - Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Dương Quốc Chính (tức Thiếu tướng Lê Hiến Mai) đại diện cho Bộ Tổng Tư lệnh trong phái đoàn Trung ương Đảng, Chính phủ và Quân uỷ Trung ương vừa vào Nam.

Khóa học có 16 bài gồm triết học mácxít (trong bài giảng gọi là phương pháp suy luận), kinh tế chính trị học, chủ nghĩa Lênin, tình hình nhiệm vụ cách mạng hiện nay và các chủ trương, công tác cụ thể. Anh Sáu giảng về tình hình nhiệm vụ hiện nay và một số vấn đề về lịch sử Đảng.

Anh nói nhanh, giọng Bắc nên tôi rất vất vả để nghe và ghi lời giảng giải của anh.

Trong khóa học có nhiều chuyện hay, chuyện vui, chuyện quậy phá nhau của các "học trò già" đối với bạn học, cả với giảng viên, nổi nhất trong các buổi văn nghệ hằng tuần của học viên. Trong các buổi diễn văn nghệ nghiệp dư ấy có tiểu phẩm, nói thơ kiểu thơ Sáu Trọng, thơ Hai Miêng nổi tiếng của dân gian Nam Bộ kể về những nhân vật đặc biệt của khóa học, trong đó nói về các "học trò già" như trêu chọc anh Hai Thức:

Trong rừng con khỉ đánh đu,

Có chàng Cò Thức con cu xanh lè.

Còn có cả chuyện các bạn học ở tổ 2 của đồng chí Cò Thức bị anh em quậy phá, đổ nguyên bình mực Waterman vào bụng anh.

Tổ 4 của tôi có đồng chí cũng được một câu nêu danh:

Lê Văn[1] tổ bốn cũng ghê

Hai tuần mười bốn bữa luỷ[2] benhê[3] có một lần.

Riêng anh Sáu (được mệnh danh là Sáu Búa) cũng được bốn câu:

Ông bèn lận[4] búa Trung ương,

Ở trong bằng thép bọc nhung ở ngoài.

Thẳng tay đập những quấy sai,

Nhưng xoa lại khéo, êm tai, ấm lòng.

GẶP ANH LẦN THỨ HAI

Sau khóa học, tôi trở về Khu 9, tiếp tục công tác huấn luyện phần triết học tại trường mácxít (công khai gọi là Trường Chính trị miền Tây). Nhờ được bồi dưỡng ở Trường Trường Chinh - nhất là bộ môn phương pháp suy luận, công tác giảng dạy của tôi thêm phần hấp dẫn.

Đang lúc say sưa làm việc của mình, tôi bất ngờ nhận được công văn điều về Văn phòng của Xứ uỷ Nam Bộ (lúc bấy giờ đã chuyển về Khu 9). Cùng lúc đó Khu uỷ Khu 9 được giải thể. Đồng chí Bí thư Khu uỷ Khu 9 được điều về làm Giám đốc Phân Phòng quân giới Nam Bộ vì anh là công nhân.

Tôi bùi ngùi, buồn phải xa trường Mácxít khu, không làm công tác giảng dạy nữa, một công việc tôi rất yêu thích.

Được đưa về Văn phòng Xứ uỷ, tôi đã gặp đồng chí Chánh Văn phòng Xứ uỷ là Phan Triêm, rồi gặp đồng chí Thượng Vũ, Phó Bí thư phụ trách Thường trực Xứ uỷ dặn dò, trao trách nhiệm làm thư ký riêng cho đồng chí Phạm Hùng (lúc bấy giờ là Uỷ viên Thường trực Xứ uỷ kiêm Phó Giám đốc Sở Công an Nam Bộ). Sau đó, một đồng chí của Văn phòng Xứ uỷ đưa tôi đến gặp anh Sáu. Anh Sáu vui vẻ hỏi thăm về công tác đã qua của tôi, rồi nói:

- Hỏi là hỏi vậy, chứ tôi đã nắm rõ về cậu qua đồng chí Trản (tức là đồng chí Vương Nhị Chi - Bí thư Khu uỷ 9, thủ trưởng của tôi).

Anh nói tiếp:

- Tôi và anh Thượng Vũ (Phó Bí thư Xứ uỷ kiêm Giám đốc Trường Trường Chinh) qua xem xét các đồng chí học viên trẻ khóa I, chọn cậu về giúp việc cho đồng chí Phạm Hùng. Anh Hai (đồng chí Phạm Hùng) cần người tín cẩn và trung thực. Anh Hai rất cẩn thận và chặt chẽ trong công việc. Về công việc giúp anh Hai, tôi chỉ nêu một điểm. Giúp việc cho anh Hai, cậu sẽ biết nhiều việc. Cậu sẽ giữ tài liệu của anh Hai và được dự nhiều cuộc họp của anh Hai. Do đó, phải cẩn thận và giữ bí mật tuyệt đối công việc mình được biết. Cụ thể phải làm gì, anh Hai sẽ chỉ thị cho cậu và cậu phải cố gắng làm đúng. Tôi muốn nhắc thêm là bí thư (thư ký riêng lúc bấy giờ gọi là bí thư) của đồng chí lãnh đạo, cậu phải quán xuyến mọi việc từ ăn, ở, đi lại, đến giờ giấc làm việc, nghỉ ngơi giải trí của thủ trưởng để thủ trưởng an tâm, tập trung suy nghĩ những việc lớn của cách mạng. Cậu phải quản lý các đồng chí bảo vệ, cần vụ sao cho đoàn kết với nhau để cùng nhau phục vụ anh Hai cho tốt. Người bí thư hơn người vợ ở chỗ là phải hiểu, cùng lo, cùng nghĩ những gì mà thủ trưởng đang lo lắng, suy nghĩ và liệu trước để đáp ứng những điều mà thủ trưởng cần nhưng chưa nêu ra.

Những lời anh Sáu dặn sao mà nhẹ nhàng và đậm tình ấy cho tôi, một lính trẻ giống như những lời căn dặn của mẹ cho con gái trước khi về nhà chồng.

Tôi khắc sâu trong lòng những lời chỉ bảo chân tình ấy và cố gắng thực hiện, tất nhiên chưa đầy đủ do trình độ và khả năng mình. Là thư ký riêng của các anh lãnh đạo Xứ uỷ Nam Bộ, rồi Trung ương Cục miền Nam thời chống Pháp, chúng tôi thường được dự các cuộc hội nghị của các anh lãnh đạo. Lúc rảnh rỗi, ngồi với nhau trao đổi kinh nghiệm công tác, anh Bảy Khương (Ung Văn Khương), một trong những Bí thư của anh Sáu, tâm sự với tôi:

- Làm nghề này, cực không sợ, gò bó không sợ, nhưng khổ nhất là biết nhiều chuyện quá. Mình là máy phát nay lại làm máy thu. Thu mà không phát được chịu không nổi. Chắc mình phải xin anh Sáu cho xuất khỏi nghề này.

Riêng tôi sợ nhất và khổ nhất là không đáp ứng được yêu cầu là cùng lo, cùng suy nghĩ những gì thủ trưởng đang suy nghĩ, mặc dù anh Hai Phạm Hùng hết sức nâng đỡ và tạo mọi điều kiện để tôi được tiến bộ hơn.

GẶP ANH LẦN THỨ BA

Lần thứ ba, tôi được anh Sáu chỉ dạy là vào năm 1953, lúc anh Hai đang công tác ở Phân liên khu miền Đông Nam Bộ. Lúc đó, anh Sáu đang trên đường ra Trung ương công tác ghé làm việc với anh Hai tại chiến khu Dương Minh Châu. Cùng đi với anh Sáu lúc ấy, tôi nhớ ngoài những đồng chí cần vụ, bảo vệ, có anh Nguyễn Văn Mẫn, anh Trần Hữu Phước - Bí thư của anh Sáu và y sĩ Trịnh Kim Cang.

Trong lúc chờ đợi bố trí bảo vệ đường vượt Trường Sơn ra Trung ương, để giải trí, anh Hai đưa anh Sáu xem truyện thơ Một thời chiến đấu vì dân, vì nước của tôi (bút danh lúc đó là Nguyễn Tao Phùng). Truyện thơ dài gần 2.000 câu, tên gọi ban đầu là Tiểu sử Hồ Chủ tịch diễn ca, thể song thất lục bát, sau được anh Hai đổi tên là Một thời chiến đấu vì dân, vì nước và đề lời tựa. Sách do Ty Thông tin Mỹ Tho ấn hành (gửi vào Sài Gòn với bìa sách là Đời cậu Ba). Anh Hai đưa anh Sáu xem để giải trí, nhưng tôi không ngờ được anh Sáu xem kỹ, có đánh dấu và chữa một số vần chưa thỏa đáng.

Một hôm, anh Sáu đến lều của tôi ngồi chơi và nói:

- Tôi không ngờ cậu cũng làm thơ. Chủ đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân rất thích. Những chỗ chưa đạt về vần và từ ngữ, tôi đã chữa trong tập thơ rồi. Cậu xem lại nếu thấy tốt hơn thì dùng. Theo tôi nếu viết cho bà con nông dân Nam Bộ đọc nên dùng thể lục bát, kiểu nói thơ Lục Vân Tiên. Viết thể song thất lục bát theo kiểu diễn ca này không hợp lắm. Về cấu trúc truyện thơ, cậu viết liền tù tì đọc rất mệt không biết nghỉ lúc nào. Nên phân đoạn như thơ Lục Vân Tiên, từng hồi, mỗi hồi khoảng 40 - 50 câu để người đọc ngâm nga có thể dừng lại để tạm nghỉ, sau đó đọc tiếp. Về ngôn ngữ nên dùng chữ nôm na quen thuộc với dân.

Tôi rất xúc động ghi nhớ lời anh. Trong truyện thơ sau này viết về phụ nữ Nam Bộ, tên sách là Bà má miền sông Hậu dài 4.400 câu, tôi đã làm theo thể lục bát, cũng chia thành chương, hồi như anh Sáu chỉ dẫn. Về câu chữ, vần điệu, mỗi lần viết, tôi đều nhớ tới lời anh cố gắng không ép vần, không dùng từ ngữ xa lạ với nông dân.

Truyện thơ này được xuất bản và tái bản lần thứ hai năm 1979 (10.000 bản) phát hành chủ yếu ở các tỉnh miền Tây, xuất bản lần thứ ba năm 2003. Đây là một kỷ niệm sâu sắc của tôi về anh Sáu.

GẶP ANH LẦN THỨ TƯ

Lần thứ tư, tôi được gặp anh Sáu năm 1958, khi tôi đang học khóa I - khóa lý luận do các giáo sư Liên Xô và Trung Quốc giảng dạy ở Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương tại Hà Nội. Anh Sáu vào trường gọi tôi đến, bảo anh và anh Hai Phạm Hùng có ý định phân công tôi làm thư ký riêng cho anh Ba Lê Duẩn nay đã về Trung ương công tác. Tôi rất bất ngờ và thưa với anh rằng: "Tôi có nguyện vọng học xong lý luận xin về miền Nam công tác. Nguyện vọng của tôi là như thế nhưng nếu Đảng quyết định thì tôi chấp hành".

Tuy nói như thế, tôi chuẩn bị tư thế sẽ về làm việc với anh Ba nhưng không ngờ, khi học xong, tôi lại được phân công học tiếp lý luận ở Liên Xô trong đoàn nghiên cứu sinh gồm 14 đồng chí. Sau khi toàn đoàn chúng tôi thi xong phần tối thiểu phó tiến sĩ, tôi lại được Trung ương cho phép cùng 6 đồng chí khác ở lại chuẩn bị bảo vệ luận án phó tiến sĩ. Nhưng sau đó, Trung ương quyết định rút các đoàn học lý luận Mác - Lênin ở Trường Đảng cao cấp và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Liên Xô về nước, vì lúc ấy Khơrútxốp - Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô theo chủ nghĩa xét lại.

GẶP ANH LẦN THỨ NĂM

Về nước, tôi được phân công vào miền Nam công tác. Một buổi chiều cuối tháng 4-1964, anh chị Phạm Hùng có nhã ý tổ chức một bữa cơm gia đình tiễn tôi lên đường Trường Sơn vào Nam.

Bữa ăn tại nhà anh chị Hai, tôi rất bất ngờ là có anh Sáu. Cùng dự hôm đó có các anh Đào Hoàng Thủy, Trần Hữu Phước, hai người bạn thân thiết của tôi.

Anh Hai, thủ trưởng cũ của tôi từ năm 1950, trước khi bắt đầu ăn, nói:

- Ngày kia chú em (anh Hai thường gọi tôi như thế) bắt đầu gian khổ, vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Để chúc chú em lên đường chân cứng đá mềm, gia đình có bữa cơm nhẹ chia tay với chú. Rất may, hôm nay, anh Sáu đến làm việc với tôi, tôi có mời anh Sáu đến chung vui vì anh Sáu là người từ đầu đã chăm sóc, dìu dắt, nâng đỡ chú trên mỗi bước đi của chú.

Anh Sáu nói tiếp:

- Trước đây cậu có nguyện vọng là học tập lý luận và sau đó vào Nam chiến đấu. Nay đã học xong trong nước rồi sang Liên Xô học tiếp bốn năm, nay được về Nam phục vụ. Như vậy, cả hai nguyện vọng đã đạt. Thôi về Nam cố gắng phục vụ cho tốt. Chiến trường gian khổ nhưng phải cố gắng vượt các khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao cho. Chúc cậu mạnh luôn và công tác tốt.

Tôi rất xúc động nói:

- Tôi được như ngày nay là nhờ sự chăm sóc, chỉ dạy của hai anh. Xin hứa sẽ cố gắng làm hết sức mình để không phụ lòng tin cậy của hai anh. Khi đi, tôi chỉ còn tiếc một điều là chưa hoàn tất việc học của mình, phải chi anh Sáu cho bảo vệ xong luận án thì hay quá vì tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng.

Anh Sáu cười và nói ngay:

- Hay ho gì cái bằng phó tiến sĩ của chủ nghĩa xét lại. Đưa cậu đi học cốt là để cậu nắm nội dung thực chất chủ nghĩa Mác - Lênin, chớ đâu phải để có bằng cấp.

Anh Hai cũng cười xòa và nói thêm:

- Như thế là kết quả học tập của chú em chưa tốt nhé! Nhớ Bác Hồ dạy: Học để hiểu, để làm việc cho dân, phục vụ cho đất nước chớ đâu phải để làm quan. Học cốt là để làm người chớ đâu phải để lấy bằng cấp.

Tôi đỏ mặt, cười trừ, nghĩ rằng bao nhiêu đồng chí đang chiến đấu, sống chết trong Nam, có được học như mình đâu. Đã được học, nâng cao kiến thức mà còn tiếc bằng cấp, học vị chẳng phải là phụ lòng các đồng chí, phụ sự chăm sóc của Đảng hay sao.

Năm lần gặp anh Sáu, tuy thời gian rất ngắn, trừ lần thứ nhất, lúc học ở khóa I Trường Trường Chinh là dài nhất, trên ba tháng, nhưng lúc ấy nghe giảng bài và cong lưng ghi chép là chính, còn là những lần gặp anh rất ngắn, gần như độc thoại, anh nói, tôi lắng nghe, nhưng những lời chỉ dạy ân cần của anh đã thấm sâu vào lòng tôi, đã để lại dấu ấn trong đời công tác của tôi, tôi không bao giờ quên.

Năm nay, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của anh, tôi nhớ đến anh, thấy hiện ra trước mặt tôi không phải là thủ trưởng, người lãnh đạo cao cấp mà là một người thầy, người anh chân tình, rất thẳng thắn mà mỗi lời nói là một ân tình chứ không phải là nhát búa như có người đã gọi anh. Cũng cần nói thêm là mỗi bức thư tôi gửi đến anh đều được anh trả lời (tất nhiên không phải chính tay anh viết mà do thư ký của anh ghi lời anh, anh ký tên).

Tôi mãi mãi nhớ anh, nhớ những lần gặp gỡ, nhớ những lời dặn dò, chỉ dạy của anh.



* Nguyên: - Phó Văn phòng Trung ương Cục miền Nam,

 - Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang,

 - Trợ lý của đồng chí Nguyễn Văn Linh.

[1]. Lê Văn, học viên cấp tiểu đoàn trưởng, thư ký đồng chí Thiếu tướng Dương Quốc Chính.

[2]. Luỷ: tức lui - tiếng Pháp có nghĩa là nó, anh ấy...

[3]. Benhê: tiếng Pháp baigner có nghĩa là tắm.

[4]. Lận: lận lưng - dắt búa trong lưng.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011

Bình luận