Những nữ lãnh đạo và quản lý nổi tiếng trên thế giới (Phần I: Lĩnh vực chính trị và lĩnh vực kinh doanh)
Nói đến những phụ nữ quyền lực nhất thế giới, người ta thường nghĩ ngay đến bảng xếp hạng của Forbes - một trong những tạp chí kinh tế uy tín nhất thế giới. Tính đến năm 2013, bản danh sách uy tín của Forbes về 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới đã bước sang năm thứ 10. Danh sách này xếp hạng các ứng viên dựa trên các tiêu chí về độ giàu có, sự xuất hiện trên truyền thông và tác động của họ với công chúng. Họ đại diện cho phụ nữ trong các lĩnh vực công nghệ, chính trị, kinh doanh, truyền thông, giải trí và tổ chức phi chính phủ. Có thể nói, danh sách này được xây dựng dựa trên cả quyền lực chính thức lẫn quyền lực không chính thức và dựa vào khả năng thay đổi thế giới của những người phụ nữ này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel
Dưới đây sẽ giới thiệu sơ lược về một số gương mặt tiêu biểu của bản danh sách này qua tham khảo danh sách năm 2011, 2013 (có tham khảo danh sách các phụ nữ quyền lực nhất thế giới theo đánh giá của hai tạp chí nổi tiếng thế giới khác là The Guardian và Fortune). Những đại diện này được phân chia theo các lĩnh vực: chính trị, kinh doanh, công nghệ, truyền thông và xã hội, giáo dục (không nhất thiết lấy những người ở vị trí cao nhất mà chủ yếu là những người mang tính đại diện cho những lĩnh vực được lựa chọn)[1].
I. Lĩnh vực chính trị
1. Angela Merkel (Thủ tướng Đức)
Angela Merkel sinh tại Hamburg, Đức, ngày 17-7-1954 là Thủ tướng đương nhiệm của nước Đức. Trong cương vị Chủ tịch Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc (Christlich Demokratische Union Deutschlands - CDU), Merkel thành lập chính phủ liên hiệp với đảng anh em là Liên minh Xã hội Cơ đốc (Christlich-Soziale Union in Bayern - CSU) và
Đảng Dân chủ Xã hội Đức (Sozialdemokratische Partei Deutschlands - SPD), sau những cuộc đàm phán kéo dài hai tháng nối tiếp cuộc bầu cử liên bang năm 2005.
Merkel, trúng cử vào Quốc hội Đức từ bang Mecklenburg-Vorpommern, là Chủ tịch đảng CDU từ năm 2000, Chủ tịch nhóm đảng CDU-CSU tại Quốc hội từ năm 2002 đến năm 2005. Bà là phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ Thủ tướng Đức, cũng là công dân đầu tiên của Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) vươn đến vị trí lãnh đạo nước Đức thống nhất, và là phụ nữ đầu tiên lãnh đạo nước Đức kể từ khi xứ sở này trở thành một quốc gia hiện đại năm 1871 đến nay. Tính đến năm 2006, bà cũng là thủ tướng trẻ tuổi nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Theo bình chọn của Tạp chí Forbes năm 2006, Angela Merkel thế chỗ của Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Condoleezza Rice, để đứng đầu danh sách 100 phụ nữ nhiều quyền lực nhất thế giới và tiếp tục giữ vị trí này trong hai năm kế tiếp. Năm 2013, Merkel tiếp tục đứng đầu danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Forbes lần thứ 7 có mặt tại bản danh sách danh giá này. Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới này chính là trụ cột của 27 nước thành viên châu Âu và cũng là người nắm giữ số phận của đồng Euro. Bà Angela Merkel đã tái đắc cử Thủ tướng Đức vào tháng 9-2013 sau một quãng thời gian dài giữ chức vụ này từ năm 2005.
2. Dilma Rousseff (Tổng thống Braxin)
Người thứ hai có mặt trong bản danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2013 là nữ Tổng thống Braxin.
Dilma Rousseff (Tổng thống Braxin)
Dilma Rousseff sinh ngày 14-12-1947, là một nhà kinh tế, chính khách Braxin. Bà thuộc Đảng Công nhân. Bà là con gái của một người nhập cư Bungari và một giáo viên, sinh sống trong một gia đình trung lưu ở Belo Horizonte. Bà đã trở thành một người xã hội chủ nghĩa ngay từ lúc còn trẻ. Sau cuộc đảo chính Braxin 1964, bà gia nhập các nhóm du kích đô thị cánh tả để đấu tranh chống chế độ độc tài quân sự tại Braxin. Bà bị bắt và bị bỏ tù giai đoạn 1970 - 1972.
Tháng 10-2010, bà đắc cử chức Tổng thống Braxin, trở thành phụ nữ đầu tiên thắng cử Tổng thống Braxin. Bà đã được Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội các vào tháng 6-2005 và trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm giữ chức vụ này. Rousseff là người kế nhiệm được Lula chọn và đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống Braxin năm 2010. Tại vòng hai cuộc bầu cử, bà giành được 56% phiếu bầu so với 44% phiếu bầu của đối thủ là ông Jose Serra - thuộc Đảng Dân chủ Xã hội.
3. Hillary Rodham Clinton (Cựu Đệ nhất phu nhân, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ)
Hillary Rodham Clinton (nhũ danh Hillary Diane Rodham, sinh ngày 26-10-1947) là cựu Bộ trưởng Ngoại giao của Hoa Kỳ. Bà từng là Thượng nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ đại diện cho tiểu bang New York từ ngày 3-1-2001 đến ngày 21-1-2009. Hillary kết hôn với Tổng thống Bill Clinton và trở thành Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ từ năm 1993 đến năm 2001. Trước đó, bà là một luật sư danh tiếng và cũng là Đệ nhất phu nhân của tiểu bang Arkansas. Bà là thành viên Đảng Dân chủ. Tháng 9-2006, tên của Hillary Clinton bắt đầu được đưa vào danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Tạp chí Forbes ở vị trí thứ 18. Năm 2013, bà vượt lên đứng ở vị trí thứ 5.
Hillary Rodham Clinton (Cựu Đệ nhất phu nhân, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ)
Bà là người phụ nữ đầu tiên trở thành ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ và sau đó trở thành nữ Ngoại trưởng đầu tiên của nước này. Hiện bà là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất hành tinh và dự kiến sẽ tham gia tranh cử chức Tổng thống Mỹ vào năm 2016 để trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất thế giới.
4. Sonia Gandhi (Chủ tịch Quốc hội Ấn Độ)
Sonia Gandhi (tên khai sinh là Edvige Antonia Albina Maino, sinh ngày 9-12-1946) là chính khách Ấn Độ, sinh trưởng tại Ý, Chủ tịch Đảng Quốc đại Ấn Độ (Đảng Quốc đại) và là goá phụ của cựu Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi. Bà từng là Chủ tịch Liên minh Tiến bộ thống nhất kiểm soát Hạ viện (Lok Sabha) cho đến khi từ chức vào ngày 23-3-2006. Năm 2004, bà được Tạp chí Forbes chọn vào vị trí thứ ba trong danh sách những phụ nữ nhiều quyền lực nhất trên thế giới. Tuy nhiên, năm 2005, bà không còn được Forbes chọn vào danh sách này. Tháng 9-2006, tên của Sonia Gandhi xuất hiện trở lại trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới, và lần này bà đứng ở vị trí thứ 13. Năm 2013 bà đứng ở vị trí thứ 9. Bà trở lại Quốc hội Ấn Độ trong cuộc bầu cử gần đây với 400.000 phiếu cách biệt.
Sonia Gandhi (Chủ tịch Quốc hội Ấn Độ)
Là lãnh đạo lâu năm nhất của đảng chính trị cầm quyền ở Ấn Độ, bà Gandhi là người phụ nữ lãnh đạo quốc gia đông dân thứ nhì và nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới.
5. Park Geun-hye (Tổng thống Hàn Quốc)
Park Geun-hye là một nữ chính trị gia Hàn Quốc, sinh ngày 2-2-1952 tại Daegu (Hàn Quốc). Bà là con đầu của cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee và bà Yuk Young-soo. Bà có 2 em là Park Ji-man và Park Seoyeong. Ở tuổi 60, bà Park Geun-hye chưa lập gia đình và không có con. Lớn lên, bà vào điện Cheongwadae khi cha bà trở thành tổng thống. Bà từng tốt nghiệp Khoa Cơ khí điện, trường Đại học Sogang năm 1974 và Đại học Grenoble (Pháp). Ở thời đó, một phụ nữ học hành như bà là một thành tích đáng nể.
Kể từ ngày 25-2-2013, bà nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc và là nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc. Bà từng là Nghị sĩ Quốc hội Hàn Quốc, cựu Chủ tịch Đảng Saenuri.
Park Geun-hye (Tổng thống Hàn Quốc)
Trong một xã hội có truyền thống trọng nam như Hàn Quốc, việc bầu chọn một nữ tổng thống được xem là một sự kiện “chấn động”. Park Geun-hye được đánh giá là đã góp phần thúc đẩy thời đại của phụ nữ ở Hàn Quốc tiến nhanh hơn nửa thế kỷ.
Có hai nhân tố hết sức quan trọng khiến Tổng thống Park có thể vượt qua chướng ngại lớn của xã hội truyền thống trọng nam khinh nữ và trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc là:
Trước hết, bà Park Geun-hye đã lớn lên trong một bối cảnh hết sức đặc biệt. Năm 12 tuổi, cha bà trở thành Tổng thống Hàn Quốc và bà theo cha mẹ chuyển vào Nhà Xanh (Phủ Tổng thống). Năm bà 22 tuổi, cái chết bất ngờ của mẹ bà, phu nhân Yuk Young-soo đã khiến bà phải đảm nhận vai trò thay người mẹ của mình tại Nhà Xanh và trở thành Đệ nhất tiểu thư.
Nhân tố thứ hai, chính là năng lực chính trị mạnh mẽ và nhiệt tình cống hiến cho đất nước của người phụ nữ này.
Với chiến thắng ngoạn mục và việc bước lên vị trí cao nhất của một quốc gia trọng nam quyền, bà Park đã ghi tên mình ở vị trí thứ 11 trong bản danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới.
6. Nữ hoàng Elizabeth II
Elizabeth II (Elizabeth Alexandra Mary, sinh ngày 21-4-1926) là đương kim Nữ vương của 16 quốc gia độc lập thuộc Khối Thịnh vượng chung Anh. Bà đứng đầu các triều đình riêng rẽ và ngang nhau, thực hiện các nhiệm vụ đối với mỗi quốc gia mà bà là nữ quốc vương, cũng như đóng vai trò là người đứng đầu Khối Thịnh vượng chung, lãnh đạo tối cao Giáo hội Anh, Công tước xứ Normandy, Chúa tể xứ Mann, và thủ lĩnh tối cao xứ Fiji. Về lý thuyết, quyền lực của bà là rất lớn, tuy nhiên, trên thực tế theo quy ước, bà hiếm khi can dự vào các vấn đề chính trị.
Nữ hoàng Elizabeth II
Elizabeth trở thành Nữ vương Vương quốc Anh, Canađa, Ôxtrâylia, Niu Dilân, Nam Phi, Pakixtan và Xri Lanca sau khi phụ thân của bà, George VI, qua đời vào ngày 6-2-1952. Thời gian trị vì suốt 62 năm của bà đã diễn ra nhiều sự thay đổi, trong đó có sự giải thể của Đế quốc Anh (một tiến trình bắt đầu từ trước khi bà lên ngôi) và sự phát triển tiếp đó của Khối Thịnh vượng chung Anh. Sau khi các thuộc địa của Anh giành được độc lập và tách khỏi Vương quốc Anh, bà trở thành nữ vương của một vài quốc gia mới độc lập. Bà cũng là người đã từng trị vì 32 quốc gia riêng biệt, nhưng nay một nửa trong số đó đã trở thành nước cộng hòa.
Elizabeth kết hôn với Vương thân Philip năm 1947 và có bốn con, tám cháu, ba chắt. Bà là một trong những người trị vì lâu nhất nước Anh, chỉ sau Nữ vương Victoria (trị vì Vương quốc Anh trong 63 năm 217 ngày). Bà đã vượt qua vua George III là người trị vì Vương quốc Anh trong 59 năm, 96 ngày.
7. Yingluck Shinawatra (Thủ tướng Thái Lan)
Yingluck Shinawatra (Chuyển tự Hoàng gia: Yinglak Chinnawat, sinh ngày 21-6-1967 tại San Kamphaeng, Thái Lan). Bà là con út trong đại gia đình người Thái gốc Hoa gồm 9 anh chị em. Hiện nay bà là Chủ tịch đương nhiệm của Công ty Bất động sản SC Asset Co., Ltd. có trụ sở tại Bangkok, và là em gái út của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra hiện đang sống lưu vong. Vào tháng 5-2011, Đảng Pheu Thái, tức đảng đối lập trong Quốc hội Thái Lan và vốn vẫn có quan hệ mật thiết với ông Thaksin, đã đề cử bà Yingluck là ứng cử viên cho chức vụ thủ tướng nếu họ thắng cử vào cuộc tổng tuyển cử cùng năm. Kết quả chính thức của cuộc bầu cử cho thấy đảng của bà giành được 265 ghế trên tổng số 500 ghế tại Quốc hội Thái Lan, tức đã quá bán để thành lập một chính phủ đa số. Ngày 5-8-2011, Yingluck được Quốc hội Thái Lan (Hạ viện) bầu làm thủ tướng với 296/496 phiếu thuận (3 phiếu chống). Ngày 8-8-2011, Yingluck được Quốc vương Bhumibol Adulyadej phê chuẩn chính thức là Thủ tướng Thái Lan thứ 28, cũng là nữ thủ tướng đầu tiên.
Yingluck Shinawatra (Thủ tướng Thái Lan)
Trong đợt cải tổ nội các, ngày 30-6-2013, bà Yingluck còn đảm nhiệm thêm cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan. Hiện bà đã rời khỏi chức vụ sau một cuộc đảo chính quân sự.
II. Lĩnh vực kinh doanh
1. Indra Nooyi (CEO Pepsico)
Indra Nooyi sinh năm 1955 tại Chennai, thuộc miền Nam Ấn Độ trong một gia đình trung lưu. Năm 1980, sau khi đã lấy được bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Quản trị Yale, ở tuổi 25, Indra Nooyi bắt đầu làm việc cho Tập đoàn tư vấn Boston và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong 6 năm làm việc tại đó.
Indra Nooyi (CEO Pepsico)
Trong vòng 7 năm điều hành hãng nước giải khát Pepsi, bà Nooyi đã góp phần làm tăng gấp đôi doanh thu của hãng này tại thị trường ngoài Mỹ. Thị trường nước ngoài hiện đóng góp khoảng một nửa trong tổng doanh thu 65,5 tỷ USD của Pepsi.
Là “thuyền trưởng” của tập đoàn nước giải khát lớn nhất thế giới, có lịch sử dài hơn một thế kỷ, Indra Nooyi đã tỏ rõ bản lĩnh của một người phụ nữ gốc Ấn về tài năng hoạch định chiến lược xuất sắc, khả năng lãnh đạo với tầm nhìn vĩ mô toàn cầu. Năm 2007, bà dẫn đầu danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất thế giới do Tạp chí Fortune bình chọn và liên tục có mặt trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Forbes trong nhiều năm (năm 2013, bà đứng thứ 10).
2. Virginia M. Rometty (CEO IBM)
Virginia M. Rometty (Ginni) sinh năm 1958, là Tổng Giám đốc điều hành của công ty IBM, có hiệu lực từ ngày 1-1-2012. Bà là người phụ nữ đầu tiên trở thành người đứng đầu hãng IBM. Trước khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc điều hành, bà giữ chức Phó Chủ tịch cấp cao và điều hành Nhóm Bán hàng, Tiếp thị và Chiến lược ở IBM. Bà đã được bình chọn là một trong số “50 phụ nữ quyền lực nhất trong kinh doanh” của Tạp chí Fortune trong 7 năm liên tiếp, xếp thứ 7 vào năm 2011; còn trong bản danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2013 của Forbes, bà đứng thứ 12.
Rometty tốt nghiệp Trường Khoa học kỹ thuật và Khoa học ứng dụng Robert R. McVormick tại Đại học Tây Bắc năm 1979, đậu cử nhân khoa học máy tính và khoa học kỹ thuật điện với hạng danh dự cao.
Sau khi tốt nghiệp vào năm 1979, Rometty tới làm việc cho Đại học Kettering (ở Flint, Michigan, trước kia là General Motors Institute). Năm 1981, bà làm việc với vai trò là chuyên viên thiết kế chế tạo hệ thống (systems engineer) trong hãng IBM tại cơ sở của hãng ở Detroit. Bà gia nhập Nhóm tư vấn của IBM năm 1991. Năm 2002, bà tranh đấu mua hãng tư vấn kinh doanh lớn - Pricewaterhouse Coopers Consulting - với giá 3,5 tỷ đôla Mỹ. Rometty trở thành Phó Chủ tịch cấp cao điều hành Nhóm Bán hàng, Tiếp thị và Chiến lược năm 2009. Rometty được cho là đã dẫn đầu chiến lược phát triển của IBM bằng cách đưa công ty vào điện toán đám mây và môn phân tích kinh doanh. Bà cũng đã lãnh đạo việc chuẩn bị Watson, trò chơi máy tính “Jeopardy !” cho sử dụng thương mại.
Ngày 25-10-2011, IBM thông báo rằng bà sẽ là Tổng Giám đốc điều hành của công ty và Sam Palmisano sẽ từ chức nhưng vẫn giữ chức Chủ tịch. Việc bổ nhiệm Rometty đánh dấu lần đầu tiên một phụ nữ làm Tổng Giám đốc điều hành công ty IBM. Về việc thăng chức của bà, Palmisano đã đánh giá: “Ginni được thăng chức vì bà xứng đáng với chức đó... Điều này không liên quan gì tới các chính sách xã hội tiến bộ”.
Rometty là ủy viên Ban quản trị Trường Alma Mater Đại học Tây Bắc (Hoa Kỳ) cũng như ủy viên Ban Giám thị của Memorial Sloan-Kettering Cancer Center. Bà cũng là thành viên Ban Giám đốc AIG từ năm 2006 đến năm 2009.
Khi trở thành CEO thứ 9 của IBM, bà đã nắm quyền kiểm soát công ty lớn thứ 19 thế giới xét về doanh thu và lớn thứ 5 về giá trị.
Sức ảnh hưởng của bà trong thế giới công nghệ cũng như của IBM trên thị trường tài chính quốc tế đã giúp người phụ nữ này đứng đầu trong bảng xếp hạng các nữ doanh nhân quyền lực nhất thế giới năm 2012 của Tạp chí Fortune.
3. Meg Whitman (CEO Hewlett Packard)
Meg Whitman sinh ngày 4-8-1956, quốc tịch Mỹ, là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Hewlett Packard - một công ty sản xuất máy tính cá nhân lớn hàng đầu thế giới. Bà hiện đứng thứ 15 trong bản danh sách 100 phụ nữ quyền lực do Forbes bình chọn.
Bà đã tốt nghiệp cử nhân kinh tế tại Trường đại học tổng hợp Princeton và sau đó lấy bằng thạc sĩ kinh doanh tại trường Harvard vào năm 1979.
Trong những năm 1980, Whitman là Phó Chủ tịch của hãng Walt Disney. Bà cũng từng đảm nhận các chức vụ cấp cao tại các công ty, các hãng hàng đầu thế giới khác như Dream Works, Procter & Gamble hay Ebay. Đáng chú ý, trong 10 năm điều hành Ebay, Whitman đã biến công ty này từ một công ty với chỉ 30 nhân công và doanh thu 4 triệu đôla mỗi năm thành một công ty có 15 ngàn công nhân với doanh thu hàng năm lên tới 8 tỷ đôla.
Năm 2008, Thời báo New York đã nhắc đến bà như người phụ nữ đầu tiên có khả năng trở thành nữ Tổng thống Mỹ.
Sau thất bại của việc tranh cử chức Thống đốc bang California năm 2010, Whitman trở thành Chủ tịch và Giám đốc điều hành của HP.
Hiện nay bà và HP đang đối mặt với nhiều thử thách lớn, trong đó phải kể tới việc đối thủ Trung Quốc Lenovo tấn công vào lĩnh vực máy chủ. Ngoài ra, Lenovo cũng đã chiếm mất vị trí hãng sản xuất máy tính cá nhân (PC) lớn nhất thế giới của HP. Thế giới đang chờ xem liệu bà Whitman có thể đem lại nguồn sinh lực mới cho HP hay không.
4. Miuccia Prada (Quản lý và điều hành nhãn hiệu thời trang Prada)
Prada, S.P.A. là một nhãn hiệu thời trang của Ý chuyên về các sản phẩm cao cấp cho nam và nữ (phụ tùng, giày dép, túi sách, mũ..), nhãn hiệu Prada được thành lập bởi Mario Prada vào năm 1933. Prada được xem là một trong những nhà thiết kế có ảnh hưởng hàng đầu trong ngành công nghiệp thời trang.
Mario Prada không tin rằng phụ nữ có thể kinh doanh, do đó ông ngăn cản việc các phụ nữ trong gia đình tham gia vào công việc của công ty. Nhưng con trai ông không có tài kinh doanh nên người kế nghiệm của Prada là con gái của ông - Luisa Prada và đã điều hành công ty trong vòng 20 năm. Con gái của bà, Miuccia Prada (sinh ngày 10-5-1949) vào làm cho Prada và thay thế vị trí của mẹ mình vào năm 1978.
Như vậy, cô cháu gái nhỏ nhất của Mario Prada là Miuccia Prada đã tiếp quản cơ nghiệp của người ông. Ít ai ở thời điểm ấy nghĩ rằng Miuccia Prada vốn là một diễn viên kịch câm và một tiến sĩ về khoa học chính trị, chưa có kinh nghiệm thương trường, lại chuyển hướng sang tiếp quản thương hiệu thời trang.
Miuccia thừa kế công ty vào năm 1978, lúc đó doanh số bán hàng đã lên đến 450.000 USD. Sau khi gặp người chồng kiêm đối tác làm ăn Patrizio Bertelli, Miuccia Prada đã có những định hướng mới cho thương hiệu. Với mẫu túi xách chất liệu nylon có màu đen do bà thiết kế, thương hiệu Prada tạo được chỗ đứng khi gây sốt khắp toàn cầu. Tiếp nối thành công, Miuccia Prada lập nên thương hiệu Miu Miu vào năm 1993. Chính nhờ sự dẫn dắt của bà, thương hiệu Prada trở thành một đế chế thời trang toàn cầu, điều mà thời Mario Prada không làm được. Doanh số bán hàng của hãng đạt được 31,7 triệu đô ở Mỹ vào năm 1990.
Thời báo tài chính The Wall Street (Mỹ) từng công nhận Miuccia Prada là một trong 30 người phụ nữ quyền lực nhất châu Âu và Tạp chí thời trang Harpers Bazaar (Úc) vinh danh bà là một trong 7 cái tên danh tiếng trong làng thời trang thế giới.
5. Rosalind Brewer (Chủ tịch công ty kiêm CEO chuỗi bán lẻ Sam’s Club thuộc tập đoàn Walmart)
Walmart, tập đoàn sử dụng nhiều lao động nhất thế giới hiện nay với hơn 2,1 triệu nhân viên trên toàn cầu, đã có một bước phát triển đáng nể ở thị trường châu Á trong chưa đầy hai thập niên.
Brewer bắt đầu sự nghiệp của mình với Walmart từ năm 2006 với vị trí là Phó Chủ tịch vùng trong dự án hợp tác với Gieorgia. Từ đó, bà trở thành Chủ tịch của Walmart ở thị trường đông nam, rồi Chủ tịch Walmart miền đông và đến năm 2012 thì bà chính thức trở thành Chủ tịch công ty kiêm CEO chuỗi bán lẻ Sam’s Club thuộc tập đoàn Walmart, một nhà lãnh đạo nữ có vị trí cao nhất trong lịch sử của công ty và là người giữ một trong ba vị trí lãnh đạo cao cấp nhất của tập đoàn.
Trước khi gia nhập Walmart, Brewer đã có 22 năm phát triển sự nghiệp tại tập đoàn Kimberly Clark.
Brewer có bằng cử nhân hóa học và cũng đã từng tốt nghiệp thạc sĩ từ Trường đại học Tổng hợp Chicago.
Không chỉ có tên trong bản danh sách quyền lực do Forbes bình chọn, bà mẹ hai con này còn được Tạp chí Fortune bình chọn là 1 trong 50 phụ nữ quyền lực nhất trong giới kinh doanh toàn cầu và được Tạp chí Working Mom bầu chọn là bà mẹ tiêu biểu của năm 2013.
*
* *
Việc có thể “điểm mặt” một số ít nhà nữ lãnh đạo trên thế giới như trên cũng cho thấy (ngoài minh chứng hùng hồn là phụ nữ cũng có thể làm lãnh đạo, quản lý ở cấp cao không thua kém gì nam giới) rằng số lượng những phụ nữ như vậy còn quá ít ỏi, và chúng ta vẫn còn nhiều việc nữa để làm, nhiều điều nữa để mong muốn cho đến khi bình đẳng giới nói chung và trong lĩnh vực quản lý nói riêng có thể được đạt tới.
TS. Nguyễn Thị Vân Hạnh
Trích trong cuốn "Phụ nữ và quản lý",
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 9-2014
1. Nguồn thông tin về các nhân vật này chủ yếu được lấy từ trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt và một vài trang tạp chí khác.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực