Những nhà giáo đam mê với sự nghiệp "trồng người"

Ngày đăng: 19/11/2013 - 09:11

Tâm huyết, trăn trở, say mê với sự nghiệp trồng người, những người giáo viên trên các vùng, miền của Tổ quốc cùng có chung mục tiêu vì đàn em học sinh thân yêu.

Những "ông giáo" làm... mẹ!

Chiết tự “mẫu giáo” (ngành học mầm non ngày nay) là vừa làm mẹ vừa làm thầy: Cùng múa, hát, chơi đùa đến chăm chút mấy chục cháu nhỏ từ bữa ăn, giấc ngủ… Công việc tưởng như chỉ dành cho phụ nữ với thiên chức làm mẹ bẩm sinh cùng bản tính dịu dàng, nhẫn nại đã được các thầy giáo mầm non thực hiện rất “bài bản, chuyên nghiệp”. Chiếm tỷ lệ chưa đến một phần nghìn trong tổng số cán bộ, giáo viên của ngành học mầm non toàn tỉnh, mức thù lao còn nhiều hạn chế, lý giải cho việc gắn bó với nghề của các thầy giáo mầm non có chăng chỉ có thể là lòng yêu nghề mến trẻ đến độ đam mê và một chút gì đó như thể cơ duyên, nói theo cách của các thầy là nghề chọn người để rồi thành nghiệp.!

Nhung nha giao dam ve voi sn trong nguoi

 “Thầy nuôi dạy trẻ” Phạm Văn Sự hướng dẫn học sinh lớp 5 tuổi D tập
 văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (Ảnh: Cao Khôi)

Đến giờ, anh Nguyễn Quang Huy cũng chẳng hiểu rõ vì sao mình đã lựa chọn, gắn bó với nghiệp nuôi dạy trẻ. Sinh năm 1980 tại quê nghèo Bằng Giã (Hạ Hoà, Phú Thọ), trong suốt những năm học phổ thông, anh luôn là người có sức học nổi trội, có năng khiếu đàn hát được thầy cô, bạn bè cả trường quý mến, nể phục. Tốt nghiệp THPT, anh làm hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh vào trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Cao Đẳng Sư phạm Phú Thọ và… Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương trước sự ngỡ ngàng, thắc mắc của gia đình, bạn bè cùng trang lứa. Càng bất ngờ hơn khi nhận giấy báo trúng tuyển cả ba trường, anh đã không do dự chọn theo học trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương. Sau ba năm học, ra trường, anh về công tác tại Trường Mầm non Hạ Hòa, trực tiếp đứng lớp nuôi dạy trẻ và nhận tháng lương hợp đồng đầu tiên 240.000 đồng, không đủ để mua cái máy bơm nước trị giá 350.000 đồng thời điểm bấy giờ như mơ ước ấp ủ của anh là sẽ dành tháng lương đầu tiên mua tặng bố.! Nói lại chuyện chọn nghề, anh cười vui: “Người ta đi thi Bách khoa, còn tôi chọn nuôi dạy trẻ…Thật khó nói tại sao tôi lại chọn nghề này trong khi hoàn toàn có thể theo đuổi các công việc khác phù hợp hơn với đàn ông con trai theo quan niệm thông thường của mọi người. Tính tôi vốn yêu thích trẻ nhỏ và muốn khẳng định mình. Tôi cho rằng việc gì phụ nữ làm được, mình cũng có thể làm được và còn làm tốt hơn. Từ cảm tình ban đầu, nghề nuôi dạy trẻ đã gắn bó, tạo cho tôi niềm yêu thích đến độ đam mê…”.

Tình cờ, ngẫu nhiên đến với nghề như một định mệnh đẹp, thầy Phan Văn Chính – Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân An (Yên Lập, Phú Thọ), nguyên là một Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã năng nổ nhiệt tình. Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, do chế độ trông giữ trẻ nhận thù lao bằng thóc của phụ huynh không đáp ứng nhu cầu thực tế, các lớp mẫu giáo của xã Xuân An tan rã và đóng cửa trong suốt 7 năm trời (1982– 1989). Đầu năm 1989, tốt nghiệp cấp 3 về tham gia công tác Đoàn Thanh niên tại xã, anh Chính đã được lãnh đạo UBND xã giao nhiệm vụ tuyển chọn giáo viên, tổ chức lại lớp học mẫu giáo. Tìm mãi chẳng được người phù hợp và cũng chẳng có ai mặn mà với công việc trông giữ, dạy dỗ trẻ nhỏ với chế độ thù lao quá thấp, xã động viên anh cứ đứng ra tổ chức lớp, cáng đáng công việc cho kịp ngày khai trường 5/9/1989 theo kế hoạch đã định rồi tìm nữ giáo viên thay thế sau. Vậy là, lớp mẫu giáo với 49 cháu nhỏ 5 tuổi – tiền thân của Trường Mầm non Xuân An ngày nay chính thức được thành lập với thầy giáo mầm non đứng lớp tạo nên không ít thắc mắc, bất ngờ cho bà con trong vùng. Ngày khai giảng, phụ huynh và người hiếu kỳ đến chật cửa xem “thầy mẫu giáo” trẻ măng chăm sóc, dạy dỗ trẻ nhỏ ra sao. Năng khiếu ca hát, tổ chức hoạt động tập thể của người cán bộ Đoàn đã giúp thầy Chính nhanh chóng thu hút, lôi cuốn các học sinh nhỏ tuổi. Ngày dạy học, tối lại cặm cụi tự nghiên cứu, học kỹ năng sư phạm qua các tài liệu mượn được trên thư viện huyện, các buổi lên lớp của thầy Chính ngày càng hấp dẫn, chuyên nghiệp hơn. Và công việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ nhỏ với mức thù lao trị giá 20 kg thóc/tháng được trả theo công thức 4 – 3 – 3 (xã chi trả 4 phần, hợp tác xã chi trả 3 phần, 3 phần còn lại do người dân tự đóng góp) vào cuối mỗi vụ lúa đã gắn bó, trở thành nghiệp với người thầy giáo trẻ đến tận bây giờ…

Đến Trường Mầm non Mỹ Lung, Yên Lập lúc gần trưa, chúng tôi chứng kiến đầu hồi dãy nhà cấp 4, gần sát cổng ra vào vẫn rộn vang tiếng cười đùa, ca hát của trẻ nhỏ. Thầy Phạm Văn Sự hướng dẫn các cháu bài hát với ca từ: “Kìa chú là chú ếch con/Có hai là hai mắt tròn/Chú học thuộc bài xong rồi/Chú hát thi cùng họa mi…”. Cô Hà Thị Lượng – Hiệu trưởng Trường Mầm non Mỹ Lung giới thiệu: “Mỳ chính cánh của chúng tôi đấy. Trường có 38 cán bộ, giáo viên nhưng duy nhất có thầy Sự là nam giới. Gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ trên đất Mỹ Lung từ năm 1998, khi đó trường mới chỉ là mô hình Tổ mẫu giáo, đến nay, thầy Sự luôn tỏ ra là người yêu nghề, mến trẻ, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục mầm non. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững, cộng thêm năng khiếu múa, hát, thầy là tấm gương cho nhiều cán bộ, giáo viên học tập.

Cô giáo trẻ và những sáng kiến bứt phá trong giảng dạy

Cô giáo Giang Thị Chămpa, trường THCS Thạnh Phú 1, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) là một điển hình dạy giỏi, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, luôn đi đầu trong công tác và các phong trào của ngành, địa phương.

Hơn 7 năm đứng lớp, cô luôn tâm huyết với nghề, có nhiều thành tích, sáng kiến bứt phá trong giảng dạy, là một trong 3 tấm gương tiêu biểu được Công đoàn ngành giáo dục thành phố Cần Thơ tuyên dương.

Giang Thị Chămpa tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Ngữ văn, về trường từ năm học 2006 – 2007. Dù còn trẻ nhưng cô liên tục đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp thành phố từ năm học 2009 – 2010 đến nay, có nhiều thành tích trong các hội thi chuyên môn nghiệp vụ cấp thành phố, được đồng nghiệp và học sinh quý mến.

Gia đình cách trường khá xa, cô lại còn đang nuôi con nhỏ nhưng hằng ngày, cô luôn bảo đảm giờ dạy ngày 2 buổi sáng, chiều. Cô còn dành thời gian buổi tối rèn thêm cho học sinh yếu kém và bồi dưỡng học sinh giỏi; đặc biệt là đầu tư nhiều thời gian và tâm huyết trong bồi dưỡng học sinh giỏi văn, bồi dưỡng văn hay chữ tốt. Nhiều năm liền, các em học sinh do cô bồi dưỡng đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Cô Chămpa quan niệm, dạy văn cần chú trọng về các vấn đề nhân văn, dạy cho học sinh biết yêu thương giúp đỡ mọi người xung quanh, biết cách ứng xử văn hóa, văn minh. Cô luôn lồng ghép nội dung này trong các tiết dạy, các tiết ngoại khóa, giờ sinh hoạt lớp những bài học đạo đức, những bài học về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và kể những câu chuyện về Bác cho các em học sinh noi theo.

Trong quá trình giảng dạy, để phát huy tính tích cực, sự hứng thú học tập ở học sinh, cô luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học. Theo cô, một trong những con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để giáo dục học sinh là rút kinh nghiệm qua từng bài học cụ thể. Chẳng hạn, với sáng kiến “chấm và trả bài tập làm văn hiệu quả” cô dành thời gian đọc, sửa từng bài văn cho học sinh, từ lỗi chính tả, lỗi diễn đạt đến ý tưởng để uốn nắn kịp thời. Cô đặc biệt chú ý đến những bài văn có ý tưởng độc đáo, có cách nhìn nhận vấn đề mới lạ để bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh. Ngoài ra, cô còn có nhiều sáng kiến dạy học đạt hiệu quả cao như sáng kiến giúp học sinh lớp 6 học tốt môn văn bằng bài giảng điện tử, bằng hình ảnh trực quan sinh động; sáng kiến nhằm phát huy tính sáng tạo cho học sinh như “tiết tập làm thơ 4 chữ, 5 chữ”, nhiều sáng kiến trong công tác chủ nhiệm được đồng nghiệp đánh giá là có giá trị nhân văn.

Cô Chămpa không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn gần gũi hòa đồng, được học trò và đồng nghiệp yêu mến. Cô là tấm gương tự học và sáng tạo, đạt nhiều thành tích đáng khích lệ như giáo viên giỏi cấp thành phố, giải nhất Hội thi cán bộ thư viện giỏi cấp thành phố, giải ba Hội thi tuyên truyền giới thiệu sách cấp thành phố, giải nhì Hội thi sáng tạo đồ dùng dạy học cấp thành phố và có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm, bài giảng điện tử, sáng tạo đồ dùng dạy học. Năm học 2013 – 2014, cô được tín nhiệm cử đi thi cán bộ thư viện giỏi cấp quốc gia.

Tấm lòng của cô giáo trẻ ở ngôi trường chuyên biệt

Tuổi đời còn rất trẻ, nhưng cô giáo Đôn Thụy Tường Vân làm cho nhiều người xúc động trước sự ân cần, dịu dàng chăm sóc, kiên trì dạy dỗ các em học sinh tại Trường Giáo dục Chuyên biệt Tương Lai, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh – ngôi trường chuyên giáo dục những trẻ thiểu năng trí tuệ. Cô cũng là giáo viên trẻ tuổi nhất đoạt giải thưởng Võ Trường Toản năm 2013, giải thưởng tôn vinh những đóng góp cao quý của các nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục.

Cô chỉ mới tròn 26 tuổi, nhưng đã có đến 6 năm kinh nghiệm giảng dạy tại ngôi trường chuyên biệt này. Tường Vân chia sẻ: “Khi còn nhỏ, em không nghĩ sẽ trở thành cô giáo. Tình cờ vào năm học lớp 12, em nhìn thấy những trẻ em khuyết tật bị bại não, não úng thủy được chăm sóc tại Trung tâm Khuyết tật Thị Nghè. Lúc đó, suy nghĩ đầu tiên và duy nhất của em là làm thế nào để chăm sóc cho những đứa trẻ tội nghiệp này”.

Chính niềm thương cảm bất chợt ấy là lý do duy nhất để cô gái trẻ quyết định đến với nghề giáo. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Vân đã không ngại ngần đăng ký học ngành Giáo dục đặc biệt tại trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương với niềm tin sau khi ra trường sẽ chăm sóc những em nhỏ thiếu may mắn.

Tuy nhiên, khi bước vào trường, Vân mới hiểu sâu sắc hơn rằng đối với những đứa trẻ bị khiếm khuyết trí tuệ, chậm khả năng phát triển thì tương lai tươi sáng cho các em hòa nhập với cộng đồng, không chỉ là chăm sóc, yêu thương mà cần phải truyền tải cho các em những kiến thức trong cuộc sống.

Tại ngôi trường Vân gắn bó suốt 6 năm qua, mỗi năm có chưa đến 100 học sinh từ cấp độ mầm non đến tiểu học. Nhưng mỗi em mang một khiếm khuyết, một tính cách và mọi sinh hoạt đều hoàn tác khác so với những đứa trẻ bình thường đồng trang lứa. Các lớp học có diện tích khá nhỏ nhưng sạch sẽ tinh tươm và đầy đủ thiết bị giáo dục. Nhìn thấy bóng cô giáo Vân bước từ bậc thang tiến lên phòng học, 8 đứa trẻ chạy ùa và reo mừng hớn hở như gặp người thân. Khi cô Vân còn đang loay hoay cất giày vào kệ tủ, chúng níu tay chân, líu lo với cô bằng đủ thứ ngôn ngữ của riêng mình. Cô giáo trẻ bị cuốn theo đám học trò, nhưng không tỏ ra một chút khó chịu hay cáu gắt vì những đứa học trò “cá tính”.

“Nhìn các em vậy mà rất ngoan và tình cảm lắm. Vì khiếm khuyết trí tuệ nên các em không biểu lộ cảm xúc như trẻ bình thường. Có một bé mắc bệnh bại não, sắp theo học lớp khác. Lúc chia tay, bé chỉ chỉ tay vào áo, khóc mếu máo và nói rất khó khăn: “Nếu con đi lớp khác thì ai thay quần áo cho con hả cô?" Nghe nghẹn lòng lắm!”, Vân bùi ngùi nói.

Cũng bởi vì sự trong sáng và thánh thiện của những đứa trẻ này mà trong suốt những năm qua, Vân chẳng thể nào cáu gắt với chúng. Có bé, Vân dành cả 6 tháng để tìm hiểu những thói quen của bé ở trường và ở nhà. Thậm chí, Vân phải soạn hẳn một kế hoạch sinh hoạt cá nhân dành riêng cho bé để bé thích nghi với môi trường học tập. Vân chia sẻ: “Vất vả là vậy, thậm chí đã nghĩ đến việc từ bỏ, nhưng nhìn thấy những đứa trẻ quá ngây thơ, nên càng không nỡ…".

Hỏi về những kế hoạch dự định trong tương lai, Vân cho biết: “Hiện tại em đang theo học lớp thực hành trị liệu vận động để bổ sung kiến thức trong việc giảng dạy cho trẻ thiểu năng trí tuệ. Hy vọng sau này sẽ hỗ trợ được nhiều cho các bé trong việc tiếp thu những kỹ năng sống”. Bày tỏ về niềm mong ước cho các bé, Vân mong các bé sẽ tự tin, mạnh dạn hơn, biết được những kỹ năng giao tiếp xã hội để có thể giảm bớt gánh nặng gia đình, sớm hòa nhập với cộng đồng và xã hội./.

Hiền Nguyễn (tổng hợp)

Theo dangcongsan.vn

Bình luận