Những năm tháng sống bên anh còn nhớ mãi

Ngày đăng: 24/10/2011 - 08:10

Trần Hữu Phước*

Cách đây 48 năm, vào một đêm thượng tuần tháng 5-1952, tôi theo đồng chí Tư lệnh phó Nguyễn Chánh đi dự cuộc họp của Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Tây Nam Bộ. Cấp trên giao nhiệm vụ cho tôi phải cố gắng ghi chép đầy đủ những lời phát biểu của anh Sáu. "Anh Sáu" là tên mà cán bộ và đồng bào dùng để thân mật gọi đồng chí Lê Đức Thọ, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Chính uỷ Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Tây.

LDT-ab6

Phái đoàn đồng chí Lê  Đức  Thọ cùng gia đình cụ Đạo  (Chu Lễ - Hà Tĩnh)

trên đường từ chiến khi Việt  Bắc vào  Nam Bộ

Khi chúng tôi vừa tề tựu tới nơi họp, một chiếc xuồng ba lá từ từ rẽ nước, lướt trên những ngọn rau dừa và nhẹ nhàng cập bến. Từ dưới xuồng, một người đàn ông tuổi trạc tứ tuần, thân hình mảnh khảnh, mặc bộ áo quần bà ba đen, tay cầm xắc cốt nhanh nhẹn bước lên bờ. Thoạt trông, tôi biết ngay đó là đồng chí Lê Đức Thọ - vì ảnh anh đã được treo nhiều nơi trong những vùng căn cứ địa kháng chiến.

Tuy mới được gặp mặt lần đầu, nhưng tôi đã nhanh chóng bị anh thu phục cảm tình bằng những nụ cười đôn hậu và vì giọng nói có sức truyền cảm mạnh mẽ. Tư duy quân sự sắc sảo và trí nhớ lạ lùng của anh thể hiện trong bài phát biểu ứng khẩu kéo dài 1 giờ 32 phút, đã được những cây bút bi của tôi thay phiên nhau thâu tóm trong bản ghi nguyên văn bằng tốc ký.

Liên tiếp những tuần sau đó, đồng chí Nguyễn Chánh cử tôi đi ghi chép những bài phát biểu của anh trong các cuộc hội nghị quân sự. Thế rồi một ngày kia, bất chợt tôi vinh hạnh được đón nhận niềm vui lớn: Anh Sáu gửi cho tôi hai trăm đồng "bạc Cụ Hồ" để bồi dưỡng và điều tôi về làm việc bên cạnh anh. Năm ấy, tôi 17 tuổi. Theo bước chân anh, tôi đã đến nhiều nơi trên chiến trường Nam Bộ và vùng Đông Bắc Campuchia. Sau khi tập kết ra miền Bắc, tôi vẫn tiếp tục làm việc với anh thêm một số năm.

Nghiên cứu về anh Sáu Thọ, cho dù ở bất cứ góc độ nào, mọi người có dịp hiểu biết về anh đều thấy rõ: Anh là một trong những người học trò xuất sắc của Bác Hồ, đã hóa thân trong tư tưởng và tình cảm thiêng liêng của Bác: "Miền Nam luôn luôn ở trong trái tim tôi".

Sau chiến thắng Việt Bắc vang dội của quân dân ta vào thu - đông năm 1947, chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của quân đội viễn chinh Pháp bị thất bại nặng nề. Từ chỗ tiến công để thắng nhanh ở Bắc Bộ, địch buộc phải rút quân ở Việt Bắc, tăng viện vào Nam Bộ, nhằm biến Nam Bộ thành căn cứ quân sự, chính trị, kinh tế, nơi dự trữ lương thực của thực dân Pháp để thôn tính cả Việt Nam và Đông Dương. Chính trong thời điểm lịch sử đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng cử anh Sáu Thọ vào chiến trường Nam Bộ.

Từ giã chiến Khu Việt Bắc vào mùa đông năm 1948, trải qua ngót một năm trường nằm sương gối đất, vượt suối trèo đèo, anh Sáu Thọ đã tới chiến khu Đồng Tháp Mười vào khoảng tháng 5-1949. Cuộc "trường chinh" lịch sử này, đã khơi dậy trong tâm hồn anh nguồn thi hứng lớn lao. Trên những nẻo đường[1] vào Nam, anh đã sáng tác được nhiều bài thơ chiến đấu có giá trị cao, cả về nội dung tư tưởng và nghệ thuật biểu hiện. Trong số đó, có bài Em liên lạc là bài thơ kháng chiến đầu tiên của Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài và đăng trên tờ Sự thật của Đoàn Thanh niên Cộng sản Liên Xô.

Từ khi vào tới chiến trường Nam Bộ cho tới lúc kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, với cương vị là Phó Bí thư Xứ uỷ, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Chính uỷ Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Tây, anh Sáu Thọ luôn luôn kề vai sát cánh với anh Ba Lê Duẩn và các đồng chí trong Xứ uỷ, Trung ương Cục chỉ đạo tài tình cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt của nhân dân Nam Bộ.

Sự hiện diện của anh Sáu Thọ và đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ ngay từ những ngày đầu tiên trên chiến trường miền Nam, đã được quân dân Nam Bộ hân hoan chào đón và nồng nhiệt hoan nghênh. Cách đây 50 năm, báo Thống Nhất số 13, ấn hành vào tháng 5-1950, đã viết: "Mùa xuân năm 1950, Nam Bộ đã thu được nhiều chiến thắng oanh liệt, Chiến dịch Cầu Kè chưa dứt tiếng súng chiến thắng thì Chiến dịch Cầu Ngang đã mở ra, rồi đến Chiến dịch Cao Lãnh... Giữa lúc Nam Bộ đang trên đà chiến thắng, thì Trung ương cử một phái đoàn do đồng chí Lê Đức Thọ lãnh đạo vào truyền đạt những chủ trương mới của Trung ương.

Hội nghị kháng chiến hành chính toàn Nam Bộ khai mạc ngày 4-4 trong một bầu không khí phấn khởi và tin tưởng, dưới sự chủ tọa danh dự của phái đoàn Chính phủ Trung ương... Bài thuyết trình của đồng chí Lê Đức Thọ về tình hình Đông Dương đã phân tích rành mạch giai đoạn qua, chỉ rõ những đặc tính chuyển qua giai đoạn mới, và vạch ra những nét lớn về chủ trương công tác của Nam Bộ trong năm 1950".

Bốn tháng sau cuộc hội nghị quan trọng này, bằng tư duy lý luận quân sự sắc sảo, anh Sáu Thọ đã viết bài chuyên luận dài hơn 7.500 chữ đăng liên tiếp trên hai số báo Thống Nhất, số 15 và 16, ấn hành từ ngày 15-8 đến ngày 15-9-1950, nhằm phân tích những nguyên nhân thắng lợi và rút ra bảy bài học kinh nghiệm quý báu trong việc chỉ đạo "chiến dịch mùa Xuân" 1950 ở Nam Bộ.

Trải qua bảy năm lăn lộn trên mảnh đất tận cùng phía Nam Tổ quốc, bên cạnh những bản báo cáo chuyên đề súc tích trình bày tại các cuộc hội nghị do Xứ uỷ, Trung ương Cục, Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ, cũng như do Bộ Tư lệnh các khu, phân liên khu và các cơ quan dân vận - mặt trận tổ chức, anh Sáu Thọ còn thuyết trình nhiều bài giảng hàm chứa những nội dung phong phú cả về lý luận và thực tiễn tại Trường Đảng của Trung ương Cục miền Nam (Trường Trường Chinh) và trong các lớp "rèn cán, chỉnh quân" của bộ đội ta. Với tinh thần chiến đấu cao và bằng một nhãn quan chính trị sắc bén, các bài giảng của anh đã nêu bật lên những chủ đề tư tưởng nóng bỏng như: Vấn đề xây dựng Đảng, quân đội và mặt trận dân tộc thống nhất vững mạnh để tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ; vấn đề cấp đất cho nông dân để củng cố nền tảng vững chắc của khối công nông liên minh trong cách mạng dân tộc - dân chủ; vấn đề mở rộng và phát triển chiến tranh du kích; vấn đề xây dựng nền kinh tế kháng chiến và đẩy mạnh công cuộc kháng chiến trong các lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, v.v..

Đặc biệt, từ giữa năm 1950 đến mùa xuân năm 1953, anh Sáu Thọ đã viết nhiều bài chuyên luận đăng trên các báo Nhân dân miền Nam, Thống Nhất... để đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn sống động trong lĩnh vực đấu tranh vũ trang nhằm kịp thời phổ biến cho các chiến trường. Trong hàng loạt bài viết của mình, anh Sáu đã phân tích sâu sắc những bài học kinh nghiệm phong phú của quân, dân Nam Bộ trong việc phát động chiến tranh du kích nhằm phá bao vây, chống càn quét để giành quyền chủ động trên chiến trường; những kinh nghiệm trong việc tiến hành công tác địch ngụy vận đi đôi với tác chiến để làm tan rã hàng ngũ kẻ thù, v.v..

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, cùng với đội ngũ cán bộ và chiến sĩ miền Nam, anh lên đường tập kết ra miền Bắc. Với cương vị Trưởng ban Thống Nhất và Trưởng ban Tổ chức Trung ương, anh đã xả thân làm việc ngày đêm theo khẩu hiệu "Tất cả vì miền Nam ruột thịt". Tôi còn nhớ rõ, trong những năm 1955 - 1956, khi tập đoàn Ngô Đình Diệm lê máy chém đi khắp nơi, ra sức mở các chiến dịch "tố cộng", "diệt cộng" để dìm cách mạng miền Nam trong biển máu, lòng phẫn nộ của anh sôi sục như sóng trào bão dậy. Anh đã từng thức thâu đêm, tự tay miệt mài viết đề cương đấu tranh võ trang để trình lên Bộ Chính trị. Anh ao ước được "xẻ dọc Trường Sơn" lần thứ hai để đến với đồng bào miền Nam đang trong cơn nước sôi, lửa bỏng. Nhưng tiếc thay, chứng đau đường ruột kinh niên đã làm cản ngại bước chân anh.

Hướng về Nam, ngày ngày anh đã dốc biết bao tâm huyết vào việc chăm lo tổ chức và gây dựng một đội ngũ cán bộ ưu tú vững mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, nhằm kịp thời chi viện cho nhu cầu của công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng thời, anh ra sức tuyển chọn hàng vạn cán bộ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc cho đi bồi dưỡng văn hóa, lý luận và nghiệp vụ ở trong nước cũng như ở nước ngoài, đào tạo họ thành những nhân tài để sau này trở về phục vụ đắc lực cho công cuộc tái thiết quê hương.

Đối với anh em bầu bạn đang quên mình chiến đấu ở trong Nam, anh đặc biệt quan tâm săn sóc gia đình của những đồng chí ấy bằng tấm lòng đầy nghĩa nặng ơn sâu. Cho đến nay, tuy một sự việc đã trôi qua hơn bốn chục năm trời, nhưng mỗi lần nhắc lại, tôi vẫn còn bồi hồi xúc động. Đó là, vào một buổi sáng mùa xuân năm 1957, anh xin phép không dự một phiên họp của Ban Bí thư Trung ương Đảng để đích thân đưa đứa con trai anh Trần Quốc Thảo vào chữa bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, tuy rằng việc đó anh đã phân công cho tôi từ buổi chiều ngày hôm trước.

Với cương vị là người đứng đầu bộ máy công tác tổ chức cán bộ của Đảng ta, mỗi tuần anh nhận được hàng trăm lá thư từ khắp mọi miền đất nước, anh nói với tôi thật cảm động: Những lá thư nào ngoài phong bì đề mấy chữ "Kính gửi anh Sáu" thì để dành riêng cho anh đọc, vì anh biết rõ rằng đó là thư của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam yêu quý gửi cho anh.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân năm 1968, theo tiếng gọi của chiến trường miền Nam, anh lại lên đường vào tuyến lửa. Ít lâu sau đó, khi đế quốc Mỹ buộc phải xuống thang ngồi vào đàm phán với ta tại Hội nghị Pari, anh đã được Bộ Chính trị uỷ thác một trọng trách lớn lao là trực diện đấu tranh với kẻ thù trên mặt trận ngoại giao, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị trên chiến trường, nhằm nhanh chóng "đánh cho Mỹ cút". Với tư cách là Cố vấn đặc biệt, anh đã cùng đoàn đại biểu Chính phủ ta hoàn thành xuất sắc cuộc đấu tranh dũng cảm và đầy mưu lược "vừa đánh, vừa đàm" kéo dài suốt trong 4 năm 9 tháng với 202 phiên họp công khai và 24 cuộc tiếp xúc riêng.

Ngày 25-1-1973, hai ngày sau khi Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký tắt giữa anh và Cố vấn Tổng thống Mỹ Kítxinhgiơ, tôi đã gặp anh tại Mátxcơva. Nhìn chiếc nhẫn quen thuộc làm bằng xác máy bay chiến đấu Mỹ mà anh đang đeo trên tay và cây bút máy giắt nơi túi áo vừa ký tắt tại bàn Hội nghị Pari, tôi đã ngã vào lòng anh với những dòng nước mắt chảy dài vì xiết bao tự hào và xúc động. Một nhà báo Pháp nói với tôi rằng: "Xưa nay, chưa từng có một dân tộc bị xâm lược nào trên thế giới lại chủ động đưa bản Hiệp định buộc kẻ thù xâm lược phải ký kết thừa nhận những quyền dân tộc cơ bản của mình và phải đơn phương rút hết quân đội về nước".

Mùa Xuân năm 1975, thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, anh lại mang hành trang lần thứ ba để lên đường xung trận. Cùng với Bộ Tư lệnh và Đảng uỷ "Chiến dịch Hồ Chí Minh", anh đã trực tiếp tham gia chỉ huy trận quyết chiến chiến lược cuối cùng tiến hành tổng công kích vào sào huyệt của địch tại thành phố Sài Gòn để thực hiện hoài bão lớn lao mà Bác Hồ kính yêu đã hằng mong ước: "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào". 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ chiến thắng đã phấp phới tung bay trên nóc Phủ Tổng thống ngụy, báo hiệu ách đô hộ 117 năm của chủ nghĩa đế quốc đã vĩnh viễn cáo chung trên đất nước ta. Giữa ngày hội lớn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, ngày 1-5-1975 cùng với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt trong Trung ương Cục miền Nam, anh đã nức lòng phấn khởi đón đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong vòng tay thân thiết của mình tại sân bay Tân Sơn Nhất, chào mừng giang sơn gấm vóc từ Bắc chí Nam đã được thu về một mối.

*

*       *

Vốn là một nhà lãnh đạo tài ba, anh Sáu Thọ vinh dự được đảm nhiệm nhiều trọng trách lớn lao trong các lĩnh vực đấu tranh xung yếu: quân sự, chính trị, ngoại giao... Tuy nhiên, những người được dịp cộng sự với anh đều thấy rõ: trong cuộc sống thường ngày, anh là một cán bộ sinh hoạt giản dị, liêm khiết, luôn luôn quan tâm đến mọi người, và giàu lòng bác ái vị tha. Ý thức giai cấp và quan điểm quần chúng của anh thể hiện một cách sinh động trước hết đối với đội ngũ cán bộ và chiến sĩ làm việc bên cạnh anh. Thật vậy, tất cả anh chị em chúng tôi đều được anh quan tâm săn sóc kể cả về cuộc sống vật chất lẫn tinh thần. Có lần tôi đột ngột bị bệnh, không ngờ anh đã đích thân đến bộ phận bảo vệ sức khỏe Trung ương để tìm bác sĩ chữa bệnh cho tôi. Đồng chí Hai Đố, một cán bộ cần vụ lão thành công tác lâu ngày với anh khi nghỉ hưu đã được anh đối xử chu toàn như một thân nhân.

Ở anh, việc quan tâm đến đồng chí, bạn bè đã trở thành một đức tính, một nhu cầu không thể thiếu được của cuộc sống tình cảm. Anh thường căn dặn chúng tôi: "Tất cả những thư từ của đảng viên và cán bộ từ các nơi gửi đến, phải cố gắng giải quyết kịp thời và trả lời nhanh chóng. Đừng bao giờ để cho các đồng chí của chúng ta phải sống trong tâm trạng khắc khoải đợi chờ, hoặc bị thất vọng khi đề đạt ý nguyện lên trên". Những ngày chủ nhật và ngày nghỉ lễ, anh thường dành thời gian vào bệnh viện để uý lạo cán bộ bị ốm đau, hoặc thăm viếng gia đình cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, những cơ sở có công đối với cách mạng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa cũng như trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Cảm động biết bao, những năm tháng cuối đời, sức khỏe của anh càng suy giảm, việc đi lại không dễ dàng như trước, nhưng anh vẫn cố gắng vào nhà thương hoặc đến tận gia đình để thăm một số cán bộ lão thành cách mạng nghỉ hưu. Phẩm chất quý báu khác của anh đáng để cho chúng ta học tập là tuy địa vị "chức trọng quyền cao", nhưng không bao giờ anh sử dụng sức mạnh quyền uy với mọi người. Việc ỷ thế cậy quyền đối với anh là điều vô cùng cấm kỵ. Lúc mới tập kết ra Bắc, anh được Trung ương cấp nhà tại Thủ đô Hà Nội. Gánh vác công vụ nặng nề khiến anh phải thức khuya dậy sớm. Đã vậy, đêm đêm tiếng động ồn ào của môi trường xung quanh làm cho anh bị mất ngủ triền miên. Qua thăm dò, tôi phát hiện được một ngôi nhà yên tĩnh - nơi làm việc của một số chuyên viên Bộ Quốc phòng. Sau khi nghe tôi trình bày, anh đắn đo suy nghĩ và hết sức băn khoăn. Cuối cùng anh dặn: Cậu hãy giúp mình viết một lá thư để gửi anh Văn (tức Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp).

Nhận được thư anh, anh Văn cử ngay đồng chí thư ký riêng là Đại tá Hoàng đến gặp chúng tôi. Đại tá Hoàng báo cáo rõ: Ý định đổi nhà của anh đều được các đồng chí trong Quân uỷ nhất trí tán thành và hoàn toàn ủng hộ. Lúc bấy giờ anh mới thực sự yên tâm để cho chúng tôi bắt tay vào việc chuẩn bị chuyển sang nhà mới. Đây là ngôi nhà mà anh đã sống và làm việc từ năm 1958 cho đến những phút giây cuối cùng khi quả tim anh ngừng đập.

Về cuộc sống riêng, anh Sáu Thọ tiếp thu sâu sắc nếp sống cần, kiệm, liêm, chính truyền thống của cha ông. Việc ăn uống của anh thật là giản dị. Chúng tôi không bao giờ quên những ngày đóng cơ quan tại nhà dân ở những vùng Tân Bằng, Biển Bạch, Cán Gáo, Ngang Dừa, Đâm Cùng, Cái Keo, Bà Hính, Tân Đức, Tân Thuận, Tân Duyệt... bữa cơm thường ngày của anh quanh quẩn chỉ có vài con cá sặc kho, chiên hoặc nấu canh, ăn với các loại rau đồng, rau vườn và rau rừng như: rau muống, rau dừa, bông súng, rau má, đọt nhãn lồng, lá xoài non, rau ráng, đọt choại... Còn y phục của anh vẻn vẹn chỉ có mấy chiếc áo sơ mi và vài bộ đồ "đại cán" dùng để sử dụng chung cho cả tứ mùa.

*

*       *

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, cuộc kháng chiến chống Pháp đã lui vào dĩ vãng. Anh Sáu Thọ cũng đã từ biệt thế giới này để đi vào cõi vĩnh hằng. Hôm nay viết về anh và bồi hồi nhớ lại hình ảnh thân thương của anh giữa những tháng năm không thể nào quên của thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, trong lòng tôi dâng lên niềm xúc động khôn nguôi. Cho dù năm tháng qua đi, nhưng đúng như đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã viết: "Tấm gương về lòng trung thành tận tụy với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, tinh thần cách mạng dũng cảm, kiên cường, bất khuất, đức tính cần, kiệm, liêm, chính và tình thương đối với cán bộ của đồng chí Lê Đức Thọ được toàn Đảng và toàn dân ta thương yêu và kính trọng".



* Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Khu Di tích lịch sử cách mạng miền Nam,

- Nguyên Thư ký đồng chí Lê Đức Thọ.

[1]. Đây là nhan đề tập thơ của đồng chí Lê Đức Thọ xuất bản vào cuối năm 1950.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011

Bình luận