Năm 2012 - Tiếp tục sử dụng liều "thuốc đặc trị" lạm phát
Giai đoạn 2007-2011, chỉ số lạm phát (CPI) bình quân mỗi năm của nước ta như sau: năm 2007 tăng 8,3%, năm 2008 tăng 23%, năm 2009 tăng 6,9%, năm 2010 tăng 9,2% và năm 2011 là 18,58% (cao nhất khu vực). Điều này đã gây ra nhiều mất cân đối lớn trong nền kinh tế, buộc chúng ta phải quyết liệt triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp kiềm chế, đẩy lùi. Vậy các nguyên nhân của tình trạng trên và những giải pháp được triển khai là gì?
Những nguyên nhân gây “bệnh”
Theo báo cáo tổng hợp số 6449/BC-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, có 5 nguyên nhân chủ yếu gây “bệnh” lạm phát cao:
Một là, sự bùng phát tiền tệ, tín dụng. Nếu như năm 2000, tỷ lệ cung tiền (M2) trên GDP của nước ta chỉ ở mức dưới 60% thì đến cuối năm 2010 đã lên trên 130% (tổng dư nợ tín dụng trên 110% GDP). Năm 2011, nhờ kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng M2 và giảm mạnh tín dụng mà lạm phát các tháng cuối năm đã có chiều hướng giảm dần.
Hai là, do chi phí sản xuất tăng (chi phí đẩy) dẫn đến tăng giá thành và giá bán sản phẩm, từ đó, gây ra lạm phát cao. Việc tăng giá điện, than, xăng dầu, mặc dù đã có lộ trình, nhưng do triển khai chưa thực sự đồng bộ, kiên quyết, cho nên đã ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, chi phí sản xuất tăng còn do các yếu tố bên ngoài, đó là giá cả hàng hóa và nguyên vật liệu nhập khẩu tăng trong các năm gần đây.
Ba là, chính sách tài khóa làm tăng nhanh tổng cầu. Những năm qua, nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng và thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội cao, dẫn đến phải tăng chi ngân sách nhà nước, gây áp lực đến mặt bằng giá (nguyên nhân do “cầu kéo”). Vì vậy, bước vào năm 2011, cùng với việc quản lý, giám sát chặt chẽ tín dụng ngân hàng, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt chính sách tài khóa, tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm đầu tư công, giảm nợ công góp sức kiềm chế lạm phát. Việc thực hiện các giải pháp này bước đầu đã có nhiều tín hiệu vui. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 3,32% nhưng tháng 5 chỉ tăng 2,21%, tháng 6 tăng 1,09%, tháng 7 tăng 1,17%, tháng 8 tăng 0,93%, tháng 9 tăng 0,82%, tháng 10 chỉ số tăng lại giảm tiếp, còn 0,36%, tháng 11 là 0,39% so với tháng trước. Tháng 12 là tháng giáp Tết dương lịch nhưng CPI cũng chỉ tăng 0,53% so với tháng 11 và tăng 18,13% so với tháng 12-2010. Bình quân cả năm cũng tăng 18,58% so với bình quân năm trước, tuy còn cao hơn kế hoạch phấn đấu (18%) nhưng trong bối cảnh bất lợi chung của nền kinh tế thế giới thì đây là một kết quả rất đáng trân trọng.
Bốn là, việc tái cơ cấu kinh tế diễn ra chậm và hiệu quả đầu tư chưa cao. Những bất cập trong cơ cấu nền kinh tế giữa các ngành, lĩnh vực chậm được chuyển đổi. Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp nhà nước đang sử dụng vốn, tài nguyên, khoáng sản của đất nước quá lớn nhưng hiệu quả lại thấp. Thậm chí còn có nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thua lỗ, nợ xấu tăng. Hệ thống các ngân hàng thương mại nhìn chung là phát triển quá nhanh về số lượng nhưng chưa thật bền vững, chất lượng tín dụng thấp, theo đó là tài chính chưa thực sự minh bạch, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cho nên, tái cấu trúc toàn diện hệ thống các ngân hàng thương mại đang được đặt ra và phải làm quyết liệt ngay từ những ngày đầu năm 2012 này.
Năm là, việc quản lý thị trường, kiểm soát tính toán chi phí đầu vào từ khâu sản xuất đến khâu phân phối chưa được quan tâm, chỉ đạo, giám sát thực hiện nghiêm và thống nhất, dẫn đến việc định giá nhiều mặt hàng còn mang tính tự phát, tùy tiện. Thêm vào đó, yếu tố tâm lý tác động cũng ảnh hưởng khá lớn tới việc hình thành giá cả đẩy lạm phát tăng cao…
Những liều “thuốc đặc trị” tiếp tục sử dụng
Tại cuộc họp báo công bố “Triển vọng phát triển châu Á năm 2011” ngày 14-9 tại Hà Nội, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB), bà Victoria Kwa Kwa, bình luận: “…nếu nới lỏng việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 thì kinh tế Việt Nam sẽ bất ổn trầm trọng hơn và có thể xảy ra khủng hoảng kép”. Đây là một nhận định khách quan của người ngoài cuộc nhưng cũng rất trúng với thực tế suy nghĩ của chúng ta. Bởi từ tháng 8-2011 trở lại đây, CPI giảm nhưng chưa thật sự ổn định, thậm chí là đã ấm lên xu hướng đảo chiều từ tháng 12-2011 do áp lực nhu cầu vui chơi, giải trí, mua sắm hàng hóa tăng lên trong dịp Tết Nhâm Thìn. Theo đó, rục rịch tâm lý Nhà nước sẽ điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu, thêm trợ cấp chế độ cho người lao động, tất yếu khoảng cách cung - cầu sẽ dãn ra. Giá cả tăng cao là khó tránh khỏi. Vì vậy, không cách nào khác, ngay từ tháng mở đầu năm dương lịch, chúng ta vẫn phải tập trung cao độ các nguồn lực tiếp tục thực hiện nghiêm các nhóm giải pháp chủ yếu đề ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội khóa XIII ban hành ngày 8-11-2011 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, là: “…Tiếp tục kiên trì kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị sức mua đồng tiền”:
Một là, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền và kiểm soát lạm phát. Vận hành các công cụ chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường, kiểm soát lượng cung tiền tệ trên cơ sở đáp ứng đủ các nhu cầu vốn hợp lý và chính xác cho nền kinh tế. Vấn đề lớn này, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra trong 2 ngày 30-11 và 1-12-2011, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: “Ngân hàng nhà nước cần tính toán tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, điều hành lãi suất cho vay phù hợp với chỉ số lạm phát đang giảm dần, theo đó là hết sức chú ý tới vấn đề nợ xấu và tính thanh khoản của các ngân hàng”.
Hai là, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ giá cả phù hợp với cơ chế thị trường, nhất là đối với một số hàng hóa, dịch vụ độc quyền phù hợp với cơ chế thị trường nước ta và nguyên tắc hội nhập kinh tế quốc tế. Phải tính toán đầy đủ, chính xác các loại chi phí ở tất cả các khâu để hình thành giá các mặt hàng trong hệ thống giá bán buôn, bán lẻ từ sản xuất đến lưu thông, chống tình trạng đầu cơ, làm giá cao quá mức.
Ba là, khẩn trương tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình quản lý kinh doanh, trong đó tập trung 3 lĩnh vực quan trọng nhất, đó là: (a) Tái cơ cấu đầu tư, mà trọng tâm là đầu tư công. Ngay trong năm 2012 đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, các khoản hỗ trợ mục tiêu từ Ngân sách Trung ương phải được kiểm soát chặt chẽ và có sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền ở Trung ương để bảo đảm đạt được mục tiêu đề ra, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, cắt khúc, kéo dài. Xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn 3-5 năm thay vì bố trí vốn kế hoạch hằng năm như hiện nay… (b) Tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước bằng cách đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và chuyển đổi sở hữu mà trước hết là các tập đoàn, tổng công ty. Sửa đổi các chính sách về định giá, bán, khoán từng phần hoặc chia nhỏ thành các công ty thành viên để cổ phần hóa. Phần vốn thu được từ cổ phần hóa phải tập trung về ngân sách nhà nước để đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, hoặc tăng nguồn trả nợ của Nhà nước mà không chuyển về công ty mẹ hoặc tổng công ty quản lý vốn và tài sản Nhà nước như hiện nay. (c) Tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính khác theo hướng giảm số lượng, tăng quy mô, nâng cao chất lượng tín dụng và hoạt động của ngân hàng, thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Bốn là, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao để tăng năng suất lao động, tăng giá trị sản phẩm, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tiết kiệm nhiên liệu, tăng hiệu quả kinh tế, giảm giá thành sản phẩm. Thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ để cung cấp, thay thế các mặt hàng, nguyên vật liệu đang nhập khẩu, từ đó hội nhập vào chuỗi sản xuất toàn cầu, góp phần giảm giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị tăng thêm trong nước, giảm nhập siêu…
Rõ ràng, lạm phát đã và đang là vấn đề nóng, tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Từ kết quả triển khai thực hiện các nhóm giải pháp năm 2011 nêu trên, chúng ta có thể khẳng định, đây là một bài toán khó nhưng đã có lời giải, một căn bệnh nan y nhưng đã có “thuốc đặc trị” hữu hiệu để chúng ta tiếp tục sử dụng nhằm kiềm chế, đẩy lùi lạm phát năm 2012 xuống dưới 10% - chỉ tiêu đã được Quốc hội khóa XIII thông qua.
Trần Lưu Dung
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực