Obama và sự trỗi dậy của Trung Quốc

Ngày đăng: 06/08/2015 - 09:08

Stapleton Roy, nguyên Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Inđônêxia và Xingapo viết: "Cuốn sách, hay viên ngọc quý này, là sản phẩm của một cố vấn chính sách đối ngoại kỳ cựu được tôn kính đặc biệt, bao gồm rất nhiều phân tích về cách thức xây dựng và thực thi chính sách. Nó thực sự hữu ích cho tất cả các sinh viên ngành ngoại giao". Stephan Haggard, Viện Peterson lại viết: "Chỉ cần bạn có mối quan tâm rất nhỏ đến chính sách châu Á của Mỹ, bạn nên mua cuốn sách này. Bader... đã cho bạn một đánh giá chính xác, trung thực và ngắn gọn về chính sách Trung Quốc của chính quyền Obama. Cùng với rất nhiều nhận định khác, cuốn sách chứng minh rằng sự chuyển hướng trọng tâm chính sách của Mỹ sang khu vực châu Á là một thực tế không thể phủ nhận". Michael Armacost, Chủ tịch Quỹ châu Á, nguyên Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản thì nhận xét: "Bất kỳ ai quan tâm đến chính sách đối ngoại, đặc biệt là về châu Á, sẽ nhận thấy cuốn sách thực sự là một phân tích tuyệt vời và vô cùng dễ hiểu".

zingobama

Ảnh minh họa

Mỗi người mỗi cách viết và nhận xét với những ngôn từ riêng, nhưng tất cả đều là những lời khen ngợi dành cho cuốn sách Obama và sự trỗi dậy của Trung Quốc của tác giả Jeffrey A. Bader, một cố vấn ngoại giao kỳ cựu của Bộ Ngoại giao Mỹ và nguyên là Giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ dưới chính quyền Obama. Cuốn sách đã từng được Viện Brookings xuất bản.

Cuốn sách này bản chất là một cuốn hồi ký, là những phân tích, bình luận các sự kiện của tác giả về những điều ông đã thấy, đã làm và đã nghĩ trong suốt thời gian làm việc dưới quyền Tổng thống Obama, cụ thể là chính sách của chính quyền Obama với Trung Quốc và một số nước khu vực châu Á. Đồng thời đôi lúc xen kẽ vào đó là những hồi tưởng và nhận xét của ông về con người Tổng thống Obama.

IMG 6619Cuốn sách Obama và sự trỗi dậy của Trung Quốc tập trung trình bày những nỗ lực trong chính sách đối ngoại của chính quyền Obama nhằm phát triển quan hệ với Trung Quốc, trong khi vẫn duy trì quan hệ tốt đẹp với các đối tác - đồng minh chủ chốt truyền thống khác ở châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc; đồng thời cũng tập trung nhiều hơn vào Đông Nam Á - ASEAN. Xuyên suốt toàn bộ cuốn sách, tác giả đã điểm lại những trải nghiệm phong phú, cùng với những quan điểm riêng vô cùng sâu sắc và đặc biệt của mình qua mỗi biến cố hay sự kiện diễn ra trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trên cương vị cố vấn chính sách cho chính quyền của Tổng thống Obama, đặc biệt là với Trung Quốc.  

Thực tế đã cho thấy Mỹ và Trung Quốc là hai cường quốc có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Diễn biến và chiều hướng phát triển quan hệ Mỹ - Trung là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và các nhà phân tích chiến lược ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trong thập niên qua, sự trỗi dậy của Trung Quốc là thách thức địa - chính trị quan trọng đối với châu Á, đồng thời cũng được coi là mối đe dọa đối với Mỹ. Do đó, ngay từ những ngày đầu nhậm chức chính quyền Obama đã có sự điều chỉnh chính sách đối ngoại với ý thức về tầm quan trọng phải duy trì một mối quan hệ ổn định và hiệu quả với Trung Quốc. Trong mắt họ, Trung Quốc không phải là bạn, không phải là thù mà là đối tác và đối thủ. Mỹ coi quan hệ với Trung Quốc là quan trọng nhất trong số các quan hệ song phương với các quốc gia khác. Mỹ luôn có những chính sách để đối phó và điều chỉnh mối quan hệ với Trung Quốc. Nhưng ở mỗi đời tổng thống khác nhau lại có những đối sách riêng. Với chính quyền Obama thì sao? Kể từ khi Obama lên nắm quyền có những gì khác so với các thời Tổng thống trước? Dưới lăng kính của một người đã từng làm việc cho chính quyền Obama, Bader đã nêu bật được những điểm khác biệt trong cách xử trí khôn khéo, sự linh hoạt, và khá nhanh nhạy của chính quyền Obama.

  Bằng những phân tích cụ thể của mình, tác giả đã điểm lại rất nhiều sự kiện quan trọng đã được diễn ra trong chính quyền Mỹ nói chung và đặc biệt là của Obama nói riêng với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, an ninh quân sự, kinh tế, thương mại, và cả những lĩnh vực khác như: văn hóa, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường... Nhìn chung, tất cả những hoạt động đó đều nhằm đạt được mục tiêu mà chính quyền Obama đặt ra ngay từ những tháng đầu lên nắm quyền là xây dựng một nền tảng an toàn cho quan hệ Mỹ - Trung để tránh những rạn nứt từng xảy ra vào các năm 1981, 1989, 1993 và 2001, làm tổn hại quan hệ hợp tác trên các vấn đề sống còn toàn cầu. Bởi họ đủ khôn ngoan để hiểu rằng, Trung Quốc là một cường quốc đang trỗi dậy mà sự phát triển của Trung Quốc sẽ trực tiếp làm thay đổi cuộc sống của 1/5 dân số trên trái đất và có tác động đến hàng tỉ người khác. Vì vậy, người Mỹ coi Trung Quốc là một đối tác cực kỳ quan trọng.

 Với rất nhiều những sự kiện được tác giả phân tích và nhắc đến trong cuốn sách sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về mối quan hệ Trung Quốc và Mỹ. Đó là mối quan hệ nhiều thăng trầm; tính chất hai mặt và sự phức tạp vẫn luôn luôn hiện diện trong quan hệ của hai nước kể từ khi tổng thống Barack Obama lên cầm quyền. Mối quan hệ đó vừa là cùng nhau hợp tác nhưng cũng cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau. Hiện nay, cả Trung Quốc và Mỹ đều nhận thức rằng bối cảnh quốc tế diễn biến khó lường nhưng vẫn đặc biệt cần có hòa bình và hợp tác. Trong bàn cờ chiến lược, hai nước đều cần đến nhau và coi nhau là một đối tác quan trọng trong hợp tác kinh tế, thương mại, chính trị, quân sự và an ninh toàn cầu.

  Tuy nhiên, nỗ lực trong mối quan hệ với Trung Quốc nhưng Mỹ cũng không quên duy trì mối quan hệ tốt đẹp khác với các đồng minh châu Á của mình như Nhật Bản, Hàn Quốc; đồng thời cũng chú trọng hơn vào Đông Nam Á - ASEAN. Chẳng hạn, đối với Hàn Quốc, chính quyền Obama ủng hộ mạnh mẽ Hàn Quốc về mặt quân sự và ngoại giao bằng cách thực hiện hàng loạt hành động quân sự phối hợp. Hay với Nhật Bản chính quyền Obama cũng đã hỗ trợ, phối hợp trên nhiều lĩnh vực quan trọng thực hiện nhiều chuyến thăm, hỗ trợ Nhật trong các vấn đề thiên tai... và Mỹ đã khẳng định rằng sẽ luôn ủng hộ và liên minh bền vững với Nhật Bản. Với ASEAN, chính quyền Obama gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC); tổ chức hai hội nghị tổng thống với sự tham gia của 10 nhà lãnh đạo ASEAN; chỉ định một đại sứ Mỹ tại ASEAN đặt trụ sở ở Jakarta.... Tất cả các hoạt động đó giữa các nước được đề cập đến và phân tích trong cuốn sách đều nhằm tìm cách tăng cường sự hiện diện ở Đông Nam Á, thời điểm mà khu vực này đang tìm chỗ đứng của mình trong một trật tự thế giới mới.

 Với 13 chương, cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo cho các nhà hoạch định chính sách và các bạn đọc quan tâm tới vấn đề chính trị. Được viết dưới dạng như một hồi ký nên chắc chắn cuốn sách sẽ không quá khô khan, "khó nuốt" như những cuốn sách viết về chính trị khác mà ngược lại rất dễ đọc, dễ hiểu. Đặc biệt là những thông tin và đánh giá về quan hệ giữa một số nước lớn với nhau, giữa các nước lớn với các nước Đông Nam Á, cũng như những đối sách mối quan hệ giữa Mỹ - Trung Quốc, và một số nước châu Á sẽ là những thông tin hữu ích, mang lại cho người đọc những hiểu biết cần có về tình hình các nước.

Bùi Thu

Bình luận