Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trong sự nghiệp chấn hưng đất nước

Ngày đăng: 18/08/2014 - 16:08

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra một bước ngoặt vĩ đại của lịch sử Việt Nam. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã đập tan ách nô lệ hơn 80 năm của thực dân Pháp, lật nhào chế độ thực dân phong kiến, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Phát huy tinh thần của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc, đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, giành được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử và thời đại.

duonglieugiai1

Đường Liễu Giai - một trong những con đường đẹp nhất Việt Nam hiện nay. Ảnh : Lê Quân

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc điển hình trong thế kỷ XX, một trong những thắng lợi vĩ đại nhất của Đảng và dân tộc Việt Nam. Đó là thành quả của hơn 80 năm đấu tranh kiên cường của nhân dân Việt Nam, với nhiều cuộc khởi nghĩa, nhiều phong trào đấu tranh yêu nước và cách mạng, đặc biệt là các cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939 và 1939-1945 do Đảng Cộng sản và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lãnh đạo. Với đường lối cách mạng đúng đắn và sáng tạo, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đoàn kết và phát huy được sức mạnh to lớn của toàn dân tộc, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, xóa bỏ chế độ thuộc địa của đế quốc, thực dân gần một thế kỷ, xây dựng Nhà nước Dân chủ Cộng hòa - nhà nước cách mạng kiểu mới thật sự của dân, do dân và vì dân.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do. Từ một nước thuộc địa trở thành một quốc gia độc lập. Từ một chế độ phong kiến, chuyên chế tiến lên nền dân chủ, cộng hòa. Từ một nước với nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, nghèo nàn lại trải qua chiến tranh kéo dài tiến lên xây dựng một đất nước phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đó là mục tiêu cao cả của cách mạng, đồng thời cũng là những đặc điểm, những khó khăn, thách thức phải vượt qua.

Phát huy ý chí tự lực, tự cường và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự tổ chức, điều hành của Nhà nước cách mạng đã kiên cường đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Hơn ai hết, dân tộc Việt Nam hiểu được cái giá của độc lập, tự do, hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước. Kháng chiến phải gắn liền với kiến quốc. Vừa phải kháng chiến giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc, vừa phải kiến quốc để xây dựng đất nước, đưa lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sức chăm lo xây dựng và phát triển kinh tế, trước hết là phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, khuyến khích giao thương, buôn bán trong nước và với nước ngoài. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nêu rõ mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước là làm cho dân giàu, nước mạnh.

Sự nghiệp chấn hưng đất nước từ Cách mạng Tháng Tám đến nay đã tiến những bước dài. Công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đảng không ngừng bổ sung, phát triển Cương lĩnh và đường lối, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội. Nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm được tập trung trong xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, sự nỗ lực, phấn đấu của toàn dân, đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội (1996), đứng vững và tiếp tục phát triển trước những tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế - tài chính trong khu vực và khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu. Năm 2008, Việt Nam đã vượt qua tình trạng của một nước nghèo, kém phát triển và trở thành nước có thu nhập trung bình. Gần 30 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước đã tăng lên rất nhiều, tạo tiền đề để Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Từ một dân tộc bị áp bức, nô lệ, đói nghèo cùng cực, sau cách mạng phải ra sức chống nạn đói, nạn dốt và nạn ngoại xâm, đã trở thành một đất nước có vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế. Cùng với tiến trình đổi mới, đất nước ta đã không ngừng phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Trong bối cảnh khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã thành công trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế và kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Sáu tháng đầu năm 2014, trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thử thách, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 5,18% và dự kiến cả năm 2014 đạt 5,8%, lạm phát được kiểm soát ở mức 5%, an sinh xã hội được bảo đảm, chính trị, xã hội ổn định, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường.

Tuy nhiên, dù đã đạt được những thành tựu rất to lớn, song nền kinh tế của đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô kinh tế còn nhỏ, phát triển chưa bền vững, năng lực cạnh tranh còn yếu, năng suất, hiệu quả còn thấp. Yêu cầu khách quan đặt ra là phải phát triển nhanh và bền vững. Trong hoàn cảnh quốc tế phức tạp càng phải chú trọng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tránh sự lệ thuộc vào thị trường của một nước. Chú trọng khắc phục thực trạng kinh tế nặng về gia công và khai thác tài nguyên.

Chấn hưng đất nước đòi hỏi phải kế thừa truyền thống của dân tộc, chấn dân khí, nêu cao ý chí tự lực, tự cường. Công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức càng đòi hỏi có nhiều nhân tài. Đội ngũ trí thức có vai trò rất quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (6-8-2008). Nghị quyết nêu rõ: “Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển”1. Trung ương đặt ra mục tiêu đến năm 2020, xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. “Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến; có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước”2.

Chấn hưng đất nước phải dựa trên phát triển giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ. Phải thật sự coi đó là quốc sách hàng đầu. Từ năm 1996, để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã đề ra những phương hướng chủ yếu trong Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và Chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo. Trải qua quá trình đổi mới, những chiến lược đó đã đóng góp tích cực cho sự phát triển đất nước, đồng thời cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Tiếp tục thúc đẩy quá trình đó với yêu cầu, chất lượng cao hơn, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (10-2012) đã ban hành Nghị quyết về chiến lược phát triển khoa học, công nghệ. Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đại hội XI, Hội nghị Trung ương lần thứ tám khóa XI (10-2013) đã ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Nền giáo dục, đào tạo của đất nước phải thật sự chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hướng tới một xã hội học tập. Nhận thức rõ đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển đất nước.

Thực tiễn đổi mới cho thấy, văn hóa không những là nền tảng tinh thần của xã hội mà còn là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh, văn hóa là một mặt trận, văn hóa mở đường cho quốc dân đi. Đảng sớm đề ra những nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng trong phát triển văn hóa. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (5-2014) đã tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và đã ban hành nghị quyết mới về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cùng với phát triển kinh tế, hoàn thiện hệ thống chính trị, việc phát triển văn hóa, xây dựng con người có ý nghĩa to lớn trong phát triển đất nước. Xây dựng con người, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài là sự bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững.

PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng


1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.81, 91.



 

 

Bình luận