Phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới

Ngày đăng: 11/03/2015 - 08:03

phathuyvaitrocuanhandantrongcongtacxaydungdang

Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa  Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn coi trọng vai trò của quần chúng nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng nói chung và đối với công tác xây dựng Đảng nói riêng, Đảng coi việc củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã rút ra một bài học kinh nghiệm lớn: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân”1.

1. Sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân - cơ sở để phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng

 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tồn tại, hoạt động là vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Toàn Đảng và cán bộ, đảng viên đã phấn đấu vì lợi ích của nhân dân, biết bao cán bộ, đảng viên đã anh dũng hy sinh trong lao tù đế quốc, trên chiến trường chống ngoại xâm và trong những cuộc chiến đấu thầm lặng khác. Nhân dân Việt Nam đã tin vào Đảng Cộng sản Việt Nam, đi theo Đảng, thừa nhận Đảng là của mình; đường lối, chính sách của Đảng đã đáp ứng yêu cầu, nguyên vọng chính đáng của nhân dân, Đảng được nhân dân thừa nhận là “đứa con nòi của dân tộc” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định. Quan hệ mật thiết, gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân là cái bảo đảm cho sự tồn tại vững chắc của Đảng cũng như của chế độ xã hội chủ nghĩa. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng. Phải phòng và chống những nguy cơ lớn: sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền. Khi Đảng chưa cầm quyền, điều kiện khách quan buộc Đảng, cán bộ, đảng viên phải gắn bó mật thiết, sống chết với dân, bệnh quan liêu khó có điều kiện nảy sinh và phát triển. Song khi Đảng cầm quyền, tức có chính quyền trong tay thì bệnh quan liêu, mệnh lệnh, cậy quyền, cậy thế có điều kiện phát triển, cán bộ, đảng viên dễ có suy nghĩ rằng có quyền bính trong tay thì việc gì làm cũng được, dễ lạm dụng quyền lực nhà nước, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân. Vì vậy, việc phòng và chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, xa rời nhân dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng để tăng cường sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân và để phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng.

So với trước đây, tình hình hiện nay đã có những thay đổi ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân:

- Mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế tác động tiêu cực đến tư tưởng, tình cảm, lòng tin của nhân dân đối với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước. Đồng thời các thế lực thù địch luôn tìm cách thực hiện âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” hòng chống, phá cách mạng, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ.

- Bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song những căng thẳng, xung đột tôn giáo, dân tộc, chiến tranh cục bộ, bạo loạn chính trị, can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn diễn ra gay gắt; các yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống, tội phạm trong nhiều lĩnh vực tiếp tục gia tăng…; khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ công ở nhiều nước phát triển tác động đến Việt Nam.

- Trong nước, tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, sự suy giảm kinh tế cũng như những yếu kém trong quản lý kinh tế - xã hội chậm được khắc phục.

- Cơ cấu và phân tầng xã hội trở nên đa dạng, phức tạp hơn; đã hình thành những tầng lớp xã hội mới như đội ngũ doanh nhân, tầng lớp trung lưu… Vị thế và lợi ích của các giai tầng xã hội thay đổi dẫn đến sự thay đổi về các bậc thang giá trị, trong đó lợi ích và giá trị vật chất được đề cao. Tâm tư, tình cảm của công dân trong xã hội cũng biến đổi mạnh, sự phân tâm thường nảy sinh trước những diễn biến phức tạp hiện nay về kinh tế và xã hội. Các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp hình thành phong phú, đa dạng hơn.

- Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp.

- Bộ máy của Đảng và Nhà nước còn cồng kềnh, hiệu quả và hiệu lực thấp, cải cách hành chính còn chậm trễ gây phiền hà đối với nhân dân; không giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc của nhân dân. Bệnh hành chính hóa trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục diễn ra, cùng với đó là bệnh hình thức, phô trương, giấy tờ, hội họp ngày càng nhiều.

Những hạn chế, yếu kém trên đây khiến mối quan hệ vốn gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân được vun đắp qua các thời kỳ cách mạng bị giảm sút. Đây thật sự là một nguy cơ đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Như Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XI của Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định: “Trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, có rất nhiều vấn đề mới đặt ra tác động đến tư tưởng, tình cảm, đời sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội, cùng với tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, là thách thức đối với mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng”2.

Vì vậy, để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nhiệm vụ cấp bách và cơ bản là phải củng cố và tăng cường mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy mạnh mẽ vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng.

2. Phát huy vai trò của nhân dân để xây dựng Đảng trong thời kỳ đổi mới - kết quả và những vấn đề đặt ra

Đảng Cộng sản Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định là đạo đức, văn minh, là lương tâm và trí tuệ của dân tộc. Điều đó có nghĩa Đảng phải trong sạch, vững mạnh trong toàn Đảng và từng tổ chức đảng, và mỗi đảng viên. Muốn vậy, phải tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ, về đạo đức và phong cách để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Xây dựng Đảng không chỉ là công việc của Đảng mà còn là công việc của nhân dân, trách nhiệm của nhân dân. Nhân dân là đối tượng lãnh đạo của Đảng, đồng thời là chỗ dựa của Đảng, là nguồn sức mạnh của Đảng, phục vụ nhân dân là lý do tồn tại của Đảng. Đảng là con đẻ của nhân dân, sống trong lòng dân, vì vậy nhân dân có trọng trách to lớn là xây dựng Đảng của mình trong sạch, vững mạnh. “Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng” đã trở thành một nguyên tắc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong tình hình mới và được khẳng định trong Cương lĩnh năm 2011 của Đảng. Nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của nhân dân trong xây dựng Đảng, trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều chủ trương, biện pháp để phát huy vai trò đó của nhân dân, thể hiện tập trung ở các mặt sau:

- Nhân dân góp ý kiến để xây dựng và bổ sung, hoàn thiện đường lối của Đảng; chính sách và pháp luật của Nhà nước.

- Nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên, công chức và các tổ chức đảng, tổ chức chính quyền trong việc thực hiện chủ trương, chính sách và pháp luật, qua đó phát hiện những sai trái, vi phạm, những vấn đề cần được bổ sung, điều chỉnh và xử lý.

- Nhân dân góp phần phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của một số cán bộ, đảng viên, công chức; giám sát việc thực hiện Điều lệ Đảng, đạo đức của người đảng viên, quy định về những điều đảng viên không được làm, giám sát việc thực hiện đạo đức công chức, công vụ.

Để tạo điều kiện phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng và Nhà nước (trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng Đảng và xây dựng Nhà nước gắn chặt với nhau), Đảng đã chủ trương xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, mở rộng dân chủ trong Đảng đến ngoài xã hội, tạo môi trường dân chủ để nhân dân mạnh dạn góp ý kiến cho cán bộ, đảng viên, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đảng đã ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở, Nhà nước ban hành Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 76 về việc đảng viên tham gia sinh hoạt ở khu dân cư, qua đó nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên, thông qua “tai mắt” của nhân dân phát hiện những trường hợp làm giàu bất minh, bất chính, giàu lên một cách bất thường cũng như mối quan hệ “không bình thường” của đảng viên, cán bộ lãnh đạo với các doanh nghiệp.

Các hình thức góp ý cho Đảng và giám sát cán bộ, đảng viên ngày càng phong phú. Đảng đã tổ chức nhiều cuộc lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân cả nước góp ý vào dự thảo Cương lĩnh, dự thảo các văn kiện Đại hội, dự thảo sửa đổi Hiến pháp, dự thảo các luật, pháp lệnh. Qua đó huy động trí tuệ toàn dân để xây dựng, hoàn thiện các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước.

Ở nhiều địa phương, cơ quan và cơ sở đã tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy với nhân dân; tổ chức lấy ý kiến nhận xét của nhân dân nơi cư trú (thôn, xóm, tổ dân phố) đối với cán bộ, đảng viên trước khi kiểm điểm cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên theo định kỳ. Đã có nhiều hình thức góp ý xây dựng Đảng như: hòm thư góp ý xây dựng Đảng, đặt công khai tại trụ sở các tổ chức đảng các cấp; hoặc thông qua trang thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức đảng; hoặc thông qua chuyên mục góp ý xây dựng Đảng trên báo chí. Ngoài ra còn thông qua gửi thư góp ý đến Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, hoặc gửi thư trực tiếp đến cơ quan, tổ chức đảng; thông qua điện thoại “đường dây nóng”, hộp thư điện tử của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; thông qua tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, đảng viên với nhân dân. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã khẳng định: “Các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhân dân; tin dân, tôn trọng những người có ý kiến khác; làm tốt công tác dân vận, có cơ chế, pháp luật để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình”3. Theo hướng như trên, trong những năm qua, Đảng đã lãnh đạo Nhà nước xây dựng và ban hành nhiều luật để thể chế hóa quyền làm chủ của nhân dân, quyền và trách nhiệm xây dựng Nhà nước của công dân, cũng như trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức đối với nhân dân trong việc thực thi các quyền đó, trong việc bảo vệ những người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đó là các luật như: Luật khiếu nại; Luật tố cáo; Luật phòng, chống tham nhũng; Luật tiếp công dân; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, v.v..

Chính nhân dân là người đã phát hiện, tố giác nhiều vụ tham nhũng tiêu cực, cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho các cơ quan chức năng và báo chí để phanh phui, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, những kết quả tích cực đạt được trên đây trong việc phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhất là trong tình hình mới hiện nay. ở một số nơi, nhất là ở cơ sở, người dân còn né tránh, e ngại trong việc góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên, không dám tố giác tham nhũng, tiêu cực. Mặt khác, ở một số nơi, cấp ủy đảng và chính quyền nhận thức vấn đề này chưa sâu sắc và đầy đủ, thậm chí có nơi còn vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, ngại tiếp xúc, đối ngoại với nhân dân, chỉ thích nghe khen, nghe tiếng nói xuôi chiều, không thực hiện công khai, minh bạch, thiếu trách nhiệm trong giải quyết các nguyện vọng, yêu cầu bức xúc của người dân, không tổ chức các cuộc hội nghị để nhân dân góp ý phê bình cán bộ, đảng viên và cấp ủy đảng, cơ quan chính quyền, không thực hiện giải trình trước nhân dân; có nơi tổ chức một cách hình thức, kém hiệu quả.

Vì vậy, trước yêu cầu của tình hình mới, cần có những biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ, cụ thể để tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, phát huy tốt hơn vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

3. Một số giải pháp để tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Các giải pháp được xem xét từ hai phía: 1. Từ phía nhân dân, phải nâng cao nhận thức, sự giác ngộ chính trị của nhân dân, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, tính tích cực, sáng tạo của nhân dân đối với công tác xây dựng Đảng; 2. Từ phía Đảng và Nhà nước, phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng và chính quyền đối với nhân dân, đem lại lợi ích cho nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, tạo điều kiện về tổ chức, cơ chế, chính sách, pháp luật để phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng và xây dựng Nhà nước.

3.1. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, về công tác dân vận trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và toàn bộ hệ thống chính trị

Cần nắm vững và thực hiện nghiêm túc những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người chỉ rõ: bao nhiêu lợi ích là của dân, quyền hành và lực lượng là ở nơi dân, đổi mới, kiến thiết là trách nhiệm của nhân dân. Chính quyền từ Trung ương đến xã là của nhân dân; cán bộ, đảng viên phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, là công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân; “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”4.

Không những chỉ ra trách nhiệm của nhân dân đối với Tổ quốc, với Đảng mà Người còn khẳng định trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên. “Cán bộ và đảng viên càng phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Phải kính yêu nhân dân. Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được “lên quan cách mạng” ra lệnh ra oai... phải thật thà gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo, phải thực sự cầu thị, không được chủ quan. Phải luôn luôn chăm lo đến đời sống của quần chúng. Phải “chí công vô tư” và có tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Đó là đạo đức của Người Cộng sản”5.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác dân vận để gắn ý Đảng với lòng dân, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, phát huy vai trò của nhân dân để xây dựng Đảng. Người viết: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”2.

Có thể khẳng định sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng về “DÂN”: thân dân, vì dân, trọng dân, “trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân”. Có thực sự quán triệt và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về Dân thì mới tăng cường lòng tin của dân đối với Đảng và Nhà nước, tăng cường mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân để xây dựng Đảng.

3.2. Thực hành dân chủ, đề cao và phát huy quyền làm chủ của nhân dân

Để nhân dân tự giác phát huy sức lực và trí tuệ đóng góp cho xây dựng Đảng, xây dựng phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên, cần phải thực hành dân chủ rộng rãi, để làm sao thực sự dân là chủ, dân làm chủ. Phải từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ từ trong Đảng đến dân chủ ngoài xã hội được thực hiện trong thực tế ở các cấp, các địa bàn, các lĩnh vực. Cần xây dựng các thiết chế, thể chế để nhân dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; từng bước thực hiện quyền tổ chức, quản lý đời sống cộng đồng.

Cần đổi mới, cải tiến quy chế bầu cử (Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp) để khắc phục tính hình thức trong bầu cử, tạo điều kiện cho người dân thực sự có quyền lựa chọn những người xứng đáng thay mặt mình gánh vác công việc chung của đất nước và địa phương, đây là quyền quan trọng nhất của người dân. Cần cải tiến việc tiếp xúc cử tri sao cho thực chất để lãnh đạo Đảng, Nhà nước có thể nghe được tiếng nói thật của người dân. Đồng thời thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn mà Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội Việt Nam khóa XIII vừa mới tiến hành. Đây là một hình thức dân chủ nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người lãnh đạo Nhà nước trước dân và trách nhiệm đại biểu Quốc hội trước cử tri, qua đó có thể bãi miễn những người do mình bầu ra nếu không còn xứng đáng. Đây chính là hình thức thực hiện tư tưởng Mác - Lênin về thực hiện quyền bầu cử và bãi miễn trong nhà nước kiểu mới của giai cấp vô sản.

Cần đổi mới cơ chế và quy trình ra quyết định lãnh đạo, quản lý theo hướng phát triển dân chủ, phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia xây dựng chủ trương, chính sách. Nhớ lại vào đầu những năm 1980, từ thực tiễn “khoán chui” của một số hợp tác xã nông nghiệp ở Đồ Sơn (Hải Phòng), Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), Đảng đã biết lắng nghe tiếng nói của dân, trân trọng những sáng kiến của dân, làm phong phú trí tuệ của Đảng. Chính những ý kiến, nguyện vọng, sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Nhân dân phải là người tham gia đầu tiên khi hình thành các quyết định. Ngày nay, trong thực tiễn đổi mới ở Việt Nam có rất nhiều ví dụ điển hình nói lên bài học “lấy dân làm gốc”, bài học thân dân, biết lắng nghe dân… Nếu biết tranh thủ ý kiến nhân dân, ý kiến chuyên gia trước khi quyết định sẽ tạo được sự đồng thuận cao và tránh được sai lầm.

Nhiều cấp ủy địa phương đã có những bước đổi mới trong việc ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết, Huyện ủy Nam Trực, tỉnh Nam Định là một ví dụ. Trước đây, nghị quyết của huyện ủy chủ yếu bàn bạc trong huyện ủy, rồi ban hành. Thực tế buộc huyện ủy phải xem xét lại và thấy rằng, người trực tiếp tổ chức thực hiện nghị quyết phải được tham gia bàn thảo, nhất là đối với những vấn đề khó liên quan đến dồn điền, đổi thửa để xây dựng nông thôn mới. Mỗi lần ban hành một nghị quyết, huyện ủy đều tổ chức họp bàn với cán bộ chủ chốt từ huyện đến cơ sở. Mỗi nội dung đưa ra đều được bàn bạc dân chủ, tranh luận sôi nổi để phát huy trí tuệ của cán bộ các cấp, các ngành, nhằm “đưa cuộc sống vào nghị quyết”. Khi tổ chức thực hiện nghị quyết lại thêm một lần sáng tạo, dựa vào dân, bàn với dân tìm cách làm hay nhất. Huyện ủy Nam Trực rút ra kết luận: có nghị quyết đúng, trúng vấn đề vẫn chưa đủ, mà cần có quyết tâm cao, dựa vào dân, bàn với dân tìm cách thực hiện thì khó mấy cũng làm được. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”6.

Cần tiếp tục thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Quy chế dân vận trong hệ thống chính trị, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong các công việc hằng ngày ở ngay trên địa bàn trực tiếp nhất.

Thực hiện cơ chế để nhân dân đóng góp ý kiến, giám sát công việc của Đảng, Nhà nước, nhất là trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, các kế hoạch, quy hoạch, chương trình, dự án phát triển quan trọng; giám sát hoạt động của các tổ chức đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên, công chức; định kỳ lấy ý kiến góp ý, phê bình của nhân dân. Phát huy vai trò của Thanh tra nhân dân (thanh tra thường xuyên và thanh tra vụ việc), của hội nghị cán bộ, công chức hằng năm ở các cơ quan; đơn vị.

Cần có chế độ cung cấp thông tin cho nhân dân và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trước nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải nêu gương trước nhân dân, thực hiện tốt Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, giải quyết yêu cầu công việc của nhân dân; cần có quy định về dân chủ trong Đảng và chế độ trách nhiệm đối với nhân dân.

Cần nghiên cứu để sớm ban hành một số luật liên quan đến quyền làm chủ của nhân dân như Luật trưng cầu ý dân, Luật quyền thông tin, v.v..

3.3. Tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội là những tổ chức rộng rãi của quần chúng nhân dân cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thực hiện tốt vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở, phù hợp với trình độ dân trí và đặc điểm, tình hình cụ thể của từng giai tầng xã hội trong từng giai đoạn cách mạng.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội làm tham mưu và nòng cốt trong việc nắm bắt dư luận xã hội, phát huy dân chủ, năng lực trí tuệ, ý thức trách nhiệm của công dân trong thực hiện giám sát xây dựng chính quyền, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Cần tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; cần sớm ban hành và thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với các hình thức góp ý định kỳ, góp ý thường xuyên và góp ý đột xuất; thực hiện giám sát đối với cả cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng, tổ chức chính quyền; phản biện xã hội, góp ý kiến từ khâu xây dựng chủ trương, chính sách đến tổ chức thực hiện và sử dụng kết quả; đa dạng hóa các loại hình, phương thức giám sát phù hợp với yêu cầu và hoàn cảnh cụ thể của từng loại hình hoạt động. Giám sát với nhiều cấp độ và thông qua nhiều kênh: giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, giám sát thông qua dư luận xã hội và các cơ quan truyền thông, báo chí. Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cần khẳng định quan điểm “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân” nhất là trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền và đưa quan điểm này vào Hiến pháp và Luật về Mặt trận Tổ quốc.

Cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng phát huy dân chủ, tăng tính tự chủ, chủ động hơn trong hoạt động để gần dân, sát dân hơn, khắc phục tình trạng hành chính hóa, phô trương, hình thức.

3.4. Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng, Nhà nước

Cần thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về dân vận thành các văn bản pháp luật để các cấp chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện. Sửa đổi, bổ sung các chính sách cụ thể phù hợp với từng giai tầng xã hội, từng thế hệ, giới, dân tộc, tôn giáo, đồng bào định cư ở nước ngoài.

Thực hiện phong cách dân vận Hồ Chí Minh như: “gần dân, giúp dân, thương dân, quý trọng dân, học tập dân”7. Cần nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, “nói đi đôi với làm”, sâu sát cơ sở.

Các cơ quan công quyền có quan hệ trực tiếp với nhân dân cần công khai các quy định cụ thể về trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức để nhân dân biết và giám sát, kiểm tra việc thực hiện. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới lề lối làm việc, nâng cao tinh thần phục vụ trước nhân dân.

Công tác dân vận chủ yếu thông qua phương pháp vận động, thuyết phục, khắc phục lối làm việc quan liêu, mệnh lệnh hành chính. Các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhân dân, giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu tố của nhân dân. Coi trọng công tác tuyên truyền nhằm hướng vào những vấn đề nhân dân đang quan tâm, băn khoăn, bức xúc nhằm cung cấp thông tin xác thực, giải tỏa tâm lý, tư tưởng, khơi thông những hoài nghi, thắc mắc, động viên, cổ vũ những nhân tố mới, tăng cường đoàn kết, đồng thuận xã hội.

3.5. Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt các chính sách, pháp luật đáp ứng nhu cầu và lợi ích chính đáng của nhân dân

Cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Xử lý nghiêm những phần tử thoái hóa, biến chất, ức hiếp nhân dân, lợi dụng chức quyền mưu cầu lợi ích của nhân dân, vi phạm quyền lợi chính đáng của nhân dân, không còn được nhân dân tín nhiệm. Cán bộ, đảng viên, công chức phải hiểu dân, gương mẫu, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm để nhân dân tin tưởng noi theo.

Mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải hợp lòng dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phải thực sự vì dân. Quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân như: việc làm, giải tỏa, đền bù, thu hồi đất, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội... Cần có những biện pháp cụ thể để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là điều kiện sống, lao động, học tập, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe… Chỉ có như vậy mới củng cố, tăng cường mối liên hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng, gắn ý Đảng với lòng dân, mới phát huy được sức mạnh của nhân dân tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

GS.TS. Lê Hữu Nghĩa

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

Trích trong “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới - kinh nghiệm Trung Quốc, kinh nghiệm Việt Nam”,

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2013

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 64.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, 2013, tr. 39.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 240.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 65.

5, 6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr. 311, t.6, tr. 234.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.9, tr. 59.


 

Bình luận