Phát triển kinh tế biển thời 4.0

Ngày đăng: 15/10/2018 - 14:10

Muốn đạt được mục tiêu trong vòng từ 10 đến 20 năm nữa đưa Việt Nam “trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển”, chúng ta sẽ cần phải tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bốc xếp hàng hóa xuất, nhập khẩu tại cảng Cái Lân, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Đỗ Phương

Thách thức từ biển…

Chiến lược phát triển kinh tế biển mới nhấn mạnh yêu cầu “cần quan tâm chuyển từ kinh tế biển chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, khai thác tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế dựa trên nền tảng tri thức, khoa học công nghệ, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của biển Việt Nam”.

Ở đây có một điểm cần lưu ý, trong giai đoạn thực hiện chiến lược biển lần thứ nhất (Nghị quyết Trung ương 9) đã đưa đến sự hình thành các tập đoàn kinh tế lớn, đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế biển.

Đó là những Vinashin, Vinalines, PVN… Tuy nhiên, đặc trưng trong phát triển các tập đoàn này là thâm dụng vốn ở mức độ rất lớn, hoặc dựa hẳn vào khai thác tài nguyên. Đồng thời với đó, là sự hình thành của hàng loạt các khu công nghiệp, khu kinh tế được gắn mác ven biển...

Tuy nhiên, theo thời gian, sự yếu kém của mô hình này đã lộ diện. Trong khi đầu tư vào các tập đoàn còn ở giai đoạn đầu, thì khủng hoảng kinh tế và việc thiếu các thiết chế giám sát, quản lý đã khiến vốn đầu tư không phát huy hiệu quả, và việc khai thác càng nhiều dầu thô, mở thêm các khu công nghiệp, khu kinh tế trong khi thiếu hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, nền tảng công nghiệp chế biến… càng khiến sự lãng phí tài nguyên thêm trầm trọng.

Một cách giản dị, mô hình đầu tư chưa được xác lập, định hướng và chuẩn bị rõ ràng đã đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện lại chiến lược phát triển, và yêu cầu bền vững được đưa ra như một sự lựa chọn tất yếu. Với biện pháp cụ thể sẽ là cơ cấu lại, phát triển đồng bộ và bền vững các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, các vùng biển, ven biển và hải đảo theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Chú trọng phát triển các trung tâm kinh tế ven biển, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển bền vững kinh tế biển.

Và lựa chọn trên bờ

Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có bước phát triển rõ rệt về tư duy phát triển với chiến lược biển của Việt Nam trong hơn 20 năm trước đó. Chỉ có dựa vào khoa học, công nghệ, tri thức để gia tăng những giá trị của tiềm năng, lợi thế từ biển mới có thể mang lại bước chuyển đổi cơ bản trong phát triển kinh tế biển.

Việt Nam đang tiến những bước vững chắc trong làm chủ công nghiệp hóa dầu, hay các sản phẩm từ dầu như hạt nhựa, phân bón…

Đó còn là hệ thống cảng cửa ngõ Cái Mép ở phía nam, Lạch Huyện ở phía bắc đang dần định hình như là các cảng trung chuyển quốc tế, đưa Việt Nam ngày càng gần hơn với mục tiêu chiến lược cường quốc biển. Sự hình thành quy mô chuỗi dịch vụ, từ cảng biển, vận tải biển, vận tải bộ, dịch vụ logistics… của các doanh nghiệp đã làm như Tập đoàn Tân Cảng Sài Gòn, hay sự tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp như Samsung, LG, VinFast, Viettel.

Cùng với hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam đang ngày một tăng, được hỗ trợ bởi hệ thống logistics hoàn chỉnh, không khó để nhận ra mục tiêu của chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ dựa hẳn vào mô hình liên kết tuần hoàn đang dần định hình này.

Nói kinh tế biển Việt Nam đang định hình, nhờ những vấn đề từ trên bờ, là căn cứ vào thực tế ấy.

Quốc Dũng

Theo Báo Nhân dân điện tử

Bình luận