Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Ngày đăng: 21/08/2014 - 07:08

Lịch sử nhân loại cho thấy, biển có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, an ninh quốc gia và đại đa số các cường quốc về kinh tế, quốc phòng đều dựa vào lợi thế của biển. từ lâu, những cuộc chạy đua triển khai chiến lược biển của các nước, trong đó tập trung vào phát triển kinh tế biển luôn gắn với triển khai lực lượng quân sự và tranh chấp lãnh thổ trên biển, nhằm xây dựng một cường quốc “vững về quốc phòng, mạnh về kinh tế, lợi thế về ngoại giao”. Đặc biệt từ những năm 1970 đến nay, khu vực Biển Đông, nơi đan xen chiến lược của nhiều nước trong khu vực, xung đột, tranh chấp ngày càng gay gắt, gây bất ổn về chính trị, bất an trong sản xuất trên biển và trở thành điểm nóng của toàn cầu, tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế, an ninh, trật tự và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển của Việt Nam.

kinh tế biển 1

Nằm trên vùng Biển Đông, Việt Nam được xem là quốc gia biển, với 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế, hơn 3.000 hòn đảo (bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) và chiều dài bờ biển (không bao gồm đường ven đảo) trên 3.260 km chạy dọc từ Bắc xuống Nam theo hình cánh cung chữ “S” đang vươn mình ra Biển Đông, tạo lập một vị thế “địa kinh tế” và “địa chính trị” quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển.

Phát triển kinh tế biển được Đảng ta đặc biệt quan tâm chú trọng, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đã xác định, “đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh”1.

Sau gần 30 năm đổi mới, kinh tế biển của Việt Nam đã có bước chuyển biến đáng kể với quy mô tăng khá nhanh và dần được mở rộng; các ngành kinh tế biển ngày càng phát triển và đã có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp lớn vào xuất khẩu, thu ngoại tệ. Công nghiệp khai thác và chế biến dầu khí phát triển ngang tầm quốc tế; kinh tế thủy sản đã tạo chỗ đứng vững chắc trên thế giới; kinh tế du lịch biển, đảo phát triển rõ rệt, nhiều khu du lịch biển, đảo ngang tầm khu vực được hình thành; các bến cảng lớn đang được tích cực triển khai xây dựng và từng bước đi vào hoạt động; đã hình thành được hệ thống các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển và dần hình thành đặc khu hành chính - kinh tế biển, đảo. Đời sống của cư dân vùng biển, đảo ngày càng được cải thiện, khả năng hưởng thụ các thành tựu về kinh tế, văn hóa, vui chơi giải trí được nâng cao. Phát triển bền vững và kinh tế đảo trong hoạt động kinh tế biển đã được chú trọng hơn và gắn với công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hướng tới phát triển kinh tế biển xanh.

Cùng với chủ trương phát triển kinh tế biển, việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo được đặc biệt chú trọng. Lực lượng chấp pháp trên biển được đầu tư xây dựng ngày càng hiện đại. Một số chính sách “đặc thù” được ban hành nhằm thu hút và khuyến khích mạnh mẽ nhân dân ra đảo định cư lâu dài và làm ăn dài ngày trên biển, triển khai thí điểm đưa thanh niên ra đảo lập nghiệp vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc. Việc huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đã được triển khai tương đối hiệu quả, với trên 3 nghìn tổ chức sản xuất khai thác hải sản được thành lập theo hướng tổ đội, nghiệp đoàn, hợp tác xã. Sự hiện diện của lực lượng thực thi pháp luật trên biển và lao động sản xuất trên các tuyến biển, đảo, nhà giàn DK1 đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đồng thời nắm bắt, báo cáo tình hình an ninh trật tự trên biển và khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển. Nhà nước đã đầu tư nhiều công trình phục vụ dân sinh và quốc phòng - an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, hệ thống năng lượng, xây dựng âu tàu ở các huyện đảo và mở dịch vụ hậu cần nghề cá tại đảo Song Tử Tây, nuôi trồng hải sản ở đảo Đá Tây. Các vùng biển, ven biển và các đảo trọng yếu cơ bản đã được phủ sóng mạng thông tin duyên hải, mạng thông tin di động mặt đất, thông tin liên lạc phục vụ biển, đảo, mạng thông tin vệ tinh và phủ sóng đài phát thanh tạo tâm lý an tâm cho các lực lượng sản xuất trên biển. Công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu và khí trên biển được triển khai trên thềm lục địa của Việt Nam, một số điểm thuộc vùng biển quốc tế và duy trì, phát triển hệ thống nhà giàn DK1 nhằm vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, vừa khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển. Nhiều hiệp định liên quan đến an ninh, an toàn hàng hải đã được ký kết; thực hiện nghiêm túc trong hợp tác khu vực chống cướp biển, tìm kiếm cứu nạn hàng hải và các Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, Hiệp định hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc trên Vịnh Bắc Bộ. Hiện đang nghiên cứu, đề xuất gia nhập Công ước về ngăn ngừa hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng hải năm 1988 và Công ước quốc tế về an toàn côngtennơ năm 1972. Công tác tìm kiếm cứu nạn, ứng phó động đất, sóng thần và thiên tai trên biển được chú trọng. Bên cạnh các hoạt động tìm kiếm cứu nạn tàu thuyền trong nước, Việt Nam đã tích cực tham gia một số hoạt động tìm kiếm cứu nạn quốc tế, được dư luận đánh giá cao.

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Phát triển kinh tế biển chưa tương xứng với tiềm năng, quy mô các ngành kinh tế và mức độ đầu tư còn nhỏ, phân tán; đời sống dân cư sinh sống bằng nghề biển còn nghèo và rất khó khăn. Thiếu cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển kinh tế biển; chính sách khuyến khích, ưu đãi cho ngư dân bám biển chưa được quan tâm đúng mức, khả năng bám biển của ngư dân chưa cao. Các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu còn chậm và thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp; hiệu quả đầu tư và hoạt động sản xuất của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong phát triển kinh tế biển còn hạn chế, khả năng tổ chức bám biển chưa liên tục, phạm vi chưa rộng. Lực lượng, phương tiện và trang bị nghề cá chưa thực sự đồng bộ, chưa đủ mạnh; tàu thuyền phổ biến là vỏ gỗ, máy cũ, trang bị lạc hậu và vẫn tập trung khai thác hải sản ven bờ. Kinh tế dầu khí đang chịu áp lực trong việc phát triển bền vững, giảm thải khí nhà kính và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Hệ thống cảng biển còn thiếu tính kết nối với các lĩnh vực kết cấu hạ tầng công khác, làm giảm hiệu quả kinh tế. Mô hình phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh và trật tự trên biển đã được quan tâm nhưng còn yếu, chưa hợp lý, quy mô các ngành kinh tế biển còn nhỏ, mức độ đầu tư hạ tầng kinh tế còn phân tán, đầu tư trang bị phương tiện và thiết bị cho sản xuất trên biển còn chậm, chưa hiện đại; việc triển khai các khu kinh tế - quốc phòng trên các vùng biển, đảo xa bờ còn chậm. Công tác phối kết hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật và các lực lượng lao động trên biển có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, kịp thời. Việc xã hội hóa về “bảo hiểm” các ngành kinh tế biển, đặc biệt trong rủi ro môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế. Đầu tư xây dựng một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm nòng cốt phát triển kinh tế biển chưa đạt yêu cầu; khả năng liên kết, liên hoàn trong sản xuất, liên thông thông tin và liên tục bám biển chưa thực sự hiệu quả. Vấn đề tranh chấp, xung đột, an ninh, trật tự và tai nạn hàng hải trên biển chưa được xử lý có hiệu quả, đang là mối lo đối với lực lượng sản xuất trên biển. Nhiều tàu cá vẫn còn bị tai nạn bởi thiên tai và nhân tai làm thiệt hại lớn về tài sản, tính mạng và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của ngư dân, nhất là ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Biến đổi khí hậu và diễn biến thời tiết trên biển ngày càng phức tạp, khó lường, với tần suất cao và cấp độ lớn làm cho khả năng bám biển, bám ngư trường chưa liên tục, đặc biệt ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.

kinh tế biển 2


Để khai thác lợi thế của biển, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển một cách hiệu quả, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của ngư dân về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo. Phổ biến, quán triệt Luật biển Việt Nam; đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân về Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, những công ước quốc tế liên quan đến biển, đảo mà Việt Nam là thành viên và pháp luật về biển của các nước trong khu vực.

Hai là, tổ chức lại mô hình khai thác biển theo hướng sắp xếp tái cấu trúc các ngành kinh tế biển. Phát triển kinh tế biển theo mô hình liên kết, tập đoàn kinh tế - quốc phòng, tổng công ty với quy mô lớn; đẩy mạnh dân sự hóa trên các tuyến đảo và đẩy mạnh đầu tư trang bị phương tiện, máy móc kết nối giữa các đảo tiền tiêu với đất liền; xây dựng các đặc khu kinh tế biển, đảo mang tầm khu vực và thế giới; xây dựng khu quốc phòng - kinh tế biển, đảo mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng.

Ba là, ưu tiên triển khai đầu tư tương xứng cho ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường tạo tâm lý an tâm bám biển, khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển. Phân định cụ thể cho từng ngư trường đánh bắt hải sản gắn với mùa vụ và loại nghề, phương tiện được phép khai thác có điều kiện; thiết lập hệ thống thông tin và tạo cơ chế chia sẻ thông tin đối với từng ngư trường, gắn với dự báo ngư trường và dự báo thời tiết. Đầu tư hệ thống các âu tàu, cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão gắn với từng ngư trường, ưu tiên cho ngư trường xa bờ; đầu tư đội tàu công ích, đội tàu dịch vụ phục vụ phát triển khai thác và nuôi trồng hải sản trên các đảo, vùng biển. Xây dựng hệ thống các chính sách phát triển một cách đồng bộ để các ngư dân an tâm bám biển và có thể sống bằng nghề, làm giàu từ nghề và duy trì ngành nghề truyền thống trên biển cho các thế hệ mai sau; đẩy mạnh thực hiện chương trình hiện đại hóa tàu cá, chú trọng ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa; chuyển đổi dần từ tàu cá vỏ gỗ sang vỏ thép, vỏ composite, vỏ vật liệu mới, trước hết chuyển đổi 3.000 tàu cá vỏ gỗ công suất thấp sang tàu cá vỏ thép công suất lớn, gắn với hiện đại hóa trang thiết bị nghề cá và hỗ trợ miễn phí đào tạo chuyển đổi nghề cho ngư dân. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách hỗ trợ để ngư dân an tâm bám biển, bám ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa và ngư trường biển quốc tế; khắc phục rủi ro do thiên tai, ưu tiên lĩnh vực khai thác và nuôi trồng hải sản trên vùng biển xa bờ; hỗ trợ trong đào tạo, nâng cao trình độ kỹ thuật khai thác, bảo quản, dự báo ngư trường và kiến thức trong phòng tránh tai nạn, sự cố, xung đột trên biển.

Bốn là, thiết lập và vận hành hiệu quả chính sách về “bảo hiểm, bảo vệ, bảo hộ, bảo lãnh” đối với lao động hoạt động sản xuất trên biển. Xã hội hóa bảo hiểm đối với hoạt động sản xuất trên biển, đặc biệt đối với lĩnh vực khai thác, nuôi trồng hải sản, hàng hải, du lịch biển, đảo và dầu khí trên biển. Các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ biển và các lực lượng cứu hộ, cứu nạn trên biển... phối hợp chặt chẽ và kịp thời trong bảo vệ người dân khi đang sản xuất trên biển, đặc biệt ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, các vùng biển Đông Bắc và Vịnh Thái Lan. Có các chính sách đủ mạnh và sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan trong “bảo lãnh và bảo hộ” đối với các thuyền viên khi bị nước ngoài bắt giữ, tạo “tâm lý” an tâm bám biển, tăng cường sự hiện diện của người dân trên biển, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển của Việt Nam.

Năm là, thực hiện chính sách ưu đãi phù hợp để thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là thu hút các nhà đầu tư từ các cường quốc kinh tế; hợp tác, liên minh, liên kết với các nước, các tập đoàn xuyên quốc gia để phát triển kinh tế biển.

Tóm lại, để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn liền với quản lý, bảo vệ vùng trời, vùng biển, đảo cần thiết lập hệ thống chính sách đồng bộ nhằm tạo lập được một thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, đẩy mạnh dân sự hóa các hoạt động trên các vùng biển xa bờ; phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng dân sinh trên các tuyến đảo. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất trên biển có khả năng liên kết cao giữa các lực lượng trên biển và với bờ; liên hoàn trong phối hợp sản xuất; liên thông thông tin giữa các chủ thể tham gia sản xuất, quản lý biển đồng thời liên tục bám biển của mọi lực lượng và phương tiện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng biển của Việt Nam… Có như vậy, Việt Nam mới trở thành một quốc gia biển và tiến tới phát triển thành cường quốc biển.

TS. Trần Hồng Quang - ThS. Hồ Công Hường

Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

 

*****

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Các nghị quyết của Trung ương Đảng 2005-2010, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.54.

 

 

 

Bình luận