Phản biện xã hội thông qua báo chí - một giải pháp hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay

Ngày đăng: 18/03/2014 - 14:03

Xã hội loài người trong một thời kỳ dài không có tham nhũng. Tham nhũng là hiện tượng xã hội xuất hiện từ khi xã hội có gia cấp và nhà nước. Khi xã hội phân chia giai cấp, nhà nước ra đời, xã hội có người giàu, người nghèo, người có quyền thế, người nô lệ; giai cấp thống trị tự cho mình cái quyền bắt xã hội phải cung phụng, người nghèo khổ phải hầu hạ, phục dịch người có quyền thế. Tham lam, ích kỷ biến thành nhũng nhiễu, đàn áp nhân dân, chiếm đoạt mồ hôi, nước mắt của họ. Tham nhũng ra đời từ đó. Nó là nguyên nhân làm sụp một vương triều, một chế độ xã hội. Gần đây nhất, nó là nguyên nhân cơ bản làm sụp một loạt chế độ ở Bắc Phi và Trung Đông và làm rung chuyển không ít chính phủ.

Bao chi chong tham nhung1

Ảnh minh họa

Trong xã hội nô lệ, toàn bộ sức lao động và cả sinh mạng của người nô lệ là tài sản riêng của chủ nô. Ở đây tham nhũng trở thành công khai cùng với những hình thức bóc lột man rợ của chủ nô đã đẩy người nô lệ vào cảnh khốn cùng.

Đến chế độ phong kiến, tuy có tiến bộ hơn chế độ nô lệ, nhưng giai cấp địa chủ vẫn vừa ra sức bóc lột nông dân bằng sưu cao, thuế nặng, vừa ra sức ăn đút lót của dân, rồi đàn áp, cướp bóc, giết hại người dân vô tội. Của tham nhũng được bọn quan lại sử dụng vô cùng hoang phí, phần dùng để văn chơi phè phỡn, xây lâu đài, mua vàng bạc châu báu… phần mang theo xuống mồ lúc chết. Tệ tham nhũng trong chế độ phong kiến đã đẩy người nông dân đến cùng cực, buộc họ phải vùng lên chống lại bọn cường quyền.

Dưới các vương chiều phong kiến Việt Nam, tệ tham nhũng rất phổ biến ở những triều đại bên bờ vực suy tàn. Lúc nay các vua, quan từ triều đình đến làng xã ăn chơi trác táng. Để có tiền sa đọa, chúng mặc sức vơ vét, cướp bóc của dân lành, khiến cho dân vô cùng cơ cực. Do vậy, từ trong đau khổ và uất hận, từ rất sớm trong ca dao có câu: “Con ơi nhớ lấy câu này: cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”.

Thời miền Nam trong chế độ cũ trước 1975, tham nhũng có ở mọi nơi. Từ phủ tổng thống đến bộ máy kìm kẹp dân ở cơ sở, ở đâu có ngụy quân, ngụy quyền là ở đó có tham nhũng. Việc biển thủ công quỹ, mua quan bán chức, đổi trắng thay đen là chuyện bình thường hằng ngay, ai cũng biết, ai cũng có thể đưa hối lộ, ai cũng có thể nhận hối lộ miễn là được việc.

Lênin rất quan tâm đến tội phạm tham nhũng và chống tham nhũng. Người nói: nêu có một hiện tượng như nạn hối lộ, nếu còn có thể nói hối lộ được thì cũng không thể nói chính trị được. Vì mọi biện pháp sẽ trên không trung, sẽ hoàn toàn không mang lại kết quả gì cả. Và Người đề nghị đối với đảng viên vi phạm tội tham nhũng “phải trừng trị gấp ba lần so với những người ngoài đảng”. Hồ Chí Minh coi tham nhũng là thứ giặc nội xâm, giặc trong lòng; là đồng minh của thực dân, phong kiến. Chống tham nhũng như chống giặc ngoài mặt trận.

Pháp lệnh chống tham nhũng năm 1998: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để tham ô, hối lộ hoặc cố ý làm trái pháp luật vì động cơ vụ lợi, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan các cơ quan tổ chức”.

Như vậy, tham nhũng tập trung chủ yếu vào những cán bộ có chức vụ, quyền hạn trong hệ thống chính trị, trong đó chủ yếu trong những cán bộ có quyền nắm giữ và phân bổ tài sản quốc gia trong bộ máy nhà nước. Tệ quan liêu, tham nhũng được Đảng ta đánh giá là nguy cơ bên trong và một trong bốn nguy cơ đối với cách mạng Việt Nam hiện nay. Tham nhũng đang là vấn đề nhức nhối đối với Đảng ta và toàn xã hội, làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, làm suy giảm mối quan hệ Đảng - dân, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.

Một số tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những nước tham nhũng hàng đầu thế giới, ngang hàng với một số nước châu Phi - nơi có tỷ lệ tham nhũng cao nhất thế giới. Mới đây, ngày 20-11-2012, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới (WB) đã công bố kết quả điều tra xã hội học ở 10 tỉnh, thành phố Việt Nam, cảnh sát giao thông, hải quan, xây dựng đứng đầu nhóm ngành, lĩnh vực xảy ra tham nhũng nhiều nhất. Thông điệp chính mà báo cáo đưa ra: tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng không phải không giải quyết được. Giải pháp cốt lõi để phòng, chống tham nhũng là thể chế minh bạch và trách nhiệm giải trình thực sự. Kết quả khảo sát cũng phản ánh, địa phương nào tuân thủ đầy đủ hơn các chính sách về công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính, luân chuyển cán bộ thì có mức độ tham nhũng thấp hơn.

Thực trạng tham nhũng nêu trên là khá trầm trọng. Muốn đẩy lùi tham nhũng là cực kỳ khó khăn, phải quyết liệt sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp quan trọng là phản biện xã hội thông qua báo chí. Cũng có thể mạo muội nói, trong cơ chế chống tham nhũng hiện nay, đó là giải pháp quan trọng nhất. Vì theo dõi tình hình chống tham nhũng trong nhiều năm qua, nhất là qua các phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII mới đây, cho thấy hầu hết các vụ tham nhũng từ trước đến nay là do báo chí dư luận phát hiện ra, sau đó các cơ quan điều tra mới vào cuộc. Vai trò phản biện xã hội thông qua báo chí có tầm quan trọng như vậy là bởi:

Trước tiên, phải nói đến vai trò của phản biện xã hội. Phản biện xã hội là hoạt động diễn ra hằng ngày và rất sớm trong xã hội loài người. Phản biện là nhu cầu của cuộc sống, bởi nói giúp mỗi cá nhân hay những chủ thể quyền lực loại bỏ cái sai và đưa ra những quyết định đúng. Phản biện là công cụ để tạo ra nền dân chủ; mà dân chủ là chìa khóa cho sự phát triển vững bền. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, phản biện xã hội là vấn đề nhạy cảm và hệ trọng đối với các nước, nhất là đối với những nước xã hội chủ nghĩa như Việt Nam. Vì đây là diễn đàn mà các thế lực thù địch dễ lợi dụng nhất để thực hiện “diễn biến hòa bình” chống phá nước ta.

Ở nước ta, vấn đề phản biện xã hội đã được nhắc tới từ sau những năm đổi mới, nhưng mới được chính thức đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, và được đề cập rõ hơn trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XI. Gần đây, trước sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống (như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ ra) đang đe dọa sự tồn vong của chế độ, Đảng ta đã nhận thức được rằng, rất cần có sự tham gia góp ý, giám sát, phản biện của nhân dân thông qua mặt trận và các đoàn thể trong công tác xây dựng Đảng, Nhà nước. Bộ Chính trị đã giao cho Ban Dân vận Trung ương đảm nhận việc này. Đây là quan điểm và việc làm hết sức đúng đắn của Đảng ta.

Thứ hai, qua thời gian và không gian, báo chí chứa đựng trong nó một vũ khí đấu tranh cho sự tiến bộ, công bằng và dân chủ.

Thomas Jeferson - một nhà tư tưởng và là một trong những tổng thống nước Mỹ ở thời kỳ đâu lập quốc, từng nói “Nếu cho tôi lựa chọn giữa hai điều: một là chính phủ không có báo chí, hai là có báo chí không có chính phủ, thì tôi sẽ không ngần ngại chọn điều thứ hai”. Bởi ông đã nhận thức được rằng báo chí là công cụ sắc bén trong công cuộc xây dựng đất nước và phát huy dân chủ; báo chí chẳng những bảo đảm chính yếu vai trò thông tin, mà còn hướng dẫn nhân dân, tập trung dư luận, giáo dục công dân và phê bình chính sách và hoạt động của chính phủ

Tùy theo mức độ uy tín, mỗi tờ báo nắm trong tay một khối lượng độc giả. Với số độc giả đáng kể, báo chí có thể hướng quần chúng theo mục tiêu mong muốn. Ví dụ ở Pháp, năm 1789, ông Camilla Desmoulins, đã dùng tờ “Le Patriote” để tuyên truyền chế đô dân chủ, chống lại chế độ độc tài thối nát. Ở Mỹ, bà H.B. Shave nhờ báo chí, phái hủy chế độ nô lệ. Ở Trung Quốc, Tôn Vân và Lương Khải Siêu dùng báo chí phổ biến tư tưởng dân chủ và hướng dẫn cuộc cách mạng Tân Hợi. Ở nước ta, thời Pháp thuộc, tờ báo do nhà yêu nước Nguyễn An Ninh làm chủ bút đã kêu gọi nhân dân đứng lên chế độ thực dân.

Ở các nước tư bản, đặc biệt là ở phương Tây, báo chí, phát thanh, truyền hình, nói cách khác các phương tiện thông tin đại chúng được coi là quyền lực thứ tư (sau quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp), còn xét về ý nghĩa và tầm quan trọng, về tác động đến khối óc và trái tim con người thì rất có thể là thứ nhất. Quyền lực đó như thần thông biến hóa, có thể “khai sáng” con người và ngược lại, cũng có thể làm mờ mịt những khối óc tỉnh táo nhất.

Đặc biệt, theo C. Mác: báo chí tự do “đó là con mắt sáng suốt của tinh thần nhân dân; là hiện than sự tin cậy của nhân dân đối với bản thân mình, là những dây liên hệ biết nói, gắn liền các cá nhân trong nước với toàn thế giới, nó là hiện than nền văn hóa đang biến cuộc đấu tranh vật chất thành cuộc đấu tranh tinh thần… báo chí tự do là toàn diện, nơi nào cũng có mặt, nơi nào cũng biết”[1].

Còn tác giả Michael Schudson có nêu đến bảy mục tiêu mà báo chí cần vươn tới: 1- Cung cấp cho công dân những thông tin đầy đủ và công bằng; 2- Cung cấp một khuôn khổ chặt chẽ giúp công dân có cái nhìn tổng thể về thế giới phức tạp; 3- Đóng vai trò người chuyển tải chung cho các quan điểm của các nhóm người khác nhau trong xã hội; 4- Cung cấp thông tin đáp ứng nhu cầu thị trường; 5- Đại diện lợi ích và tiếng nói của công chúng; 6- Khơi dậy sự cảm thông và hiểu biết sâu sắc của con người; 7- Cung cấp diễn đàn đối thoại giữa những công dân[2].

bao chi chong tham nhung 2

Ảnh minh họa

Hiện nay, nước ta có khoảng 720 cơ quan báo chí với trên 800 ấn phẩm, kênh phát sóng, chương trình; trên 470 tạp chí; 2 đài phát thanh, truyền hình quốc gia, 2 đài truyền hình ngành và 63 đài phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố với trên 16 nghìn nhà báo chuyên nghiệp. Với một lực lượng hùng hậu như vậy, báo chí là kênh truyền thông đại chúng đa chức năng: Là công cụ chính trị - tư tưởng của Đảng và Nhà nước; phương tiện thông tin và nâng cao nhận thức cho nhân dân; cung cấp thông tin kịp thời, đa dạng và toàn diện; kênh chủ yếu để hình thành dư luận xã hội. Với những chức năng quan trọng ấy, báo chí trở thành tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của các tầng lớp nhân dân, thực sự đóng vai trò ngày càng to lớn đối với sự nghiệp đổi mới đất nước, trong đó có vai trò to lớn trong phản biện xã hội để phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, trong các quyền hạn và nhiệm vụ của Luật báo chí không thấy nói đến nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội của báo chí, nhưng trên thực tế nó đã diễn ra rất rõ nét và được xã hội đánh giá cao, nhất là vấn đề chống tham nhũng. Bởi mỗi tác phẩm báo chí dù ở thể loại nào, đặc biệt là những bài liên quan đến tham nhũng đều gián tiếp hoặc trực tiếp tác động đến tâm tư, tình cảm của công chúng, làm lay động con tìm và khối có, góp phần hưởng ứng dư luận, định hướng tư tưởng, xác lập thái độ, hành vi của mỗi một công dân.

Thứ ba, báo chí có vai trò là một chủ thể khơi nguồn phản biện xã hội một cách nhanh nhất. Với bản chất là hoạt động truyền tải thông tin, bước đầu nhận định, bàn luận, đánh giá về các sự kiện, hiện tượng tham nhũng mới diễn ra. Cho nên, phần lớn các sự kiện, hiện tượng tham nhũng mà báo chí châm ngòi, từ đó khơi nguồn cho bản biện xã hội. Những phản biện mạnh mẽ từ báo chí đã tạo áp lực cũng như tạo cơ hội cho các cơ quan chức năng vào cuộc chống tham nhũng. Việc góp phần phát hiện và làm rõ các vụ án lớn như Năm Cam, PMU 18, Vinashin vừa qua... đã đủ chứng minh điều đó. Có một thực tế hiện nay là, ở đâu cũng có chi bộ đảng, ở đâu cũng có cơ quan kiểm tra, thanh tra của Đảng và Nhà nước, nhưng rất ít phát hiện ra tham nhũng. Mặc dù trong các tổ chức ấy, vẫn có người biết ai là người tham nhũng, nhưng họ không thể nói ra trong các cuộc họp chi bộ, họp cơ quan mà râm ran nói ra bên ngoài với những người có thể chia sẻ với họ, từ đó báo chí phát hiện; hoặc họ trực tiếp gặp báo chí để cung cấp. Báo chí đã lấp vào những khiếm khuyết của cơ chế. Điều đó cũng có nghĩa là dân chủ trong các tổ chức đảng và cơ quan nhà nước có nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu để khắc phục những hạn chế vừa nêu.

Thứ tư, phản biện xã hội thông qua báo chí về chống tham nhũng có đặc điểm khác nhiều so với các kênh phản biện khác như: 1- Tính minh bạch cao (mà minh bạch là giải pháp cốt lõi chống tham nhũng); 2- Thể hiện ý chí của một bộ phận quần chúng; tập hợp trí tuệ rộng rãi của các giai tầng (nhà báo, luật sư, nhà khoa học, nhân sĩ, doanh nhân, sinh viên, lão thành cách mạng, sinh viên...), bảo đảm cho nhiều thành phần xã hội tham gia một cách công bằng; 3- Tạo môi trường cho các loại hình phản biện khác hoạt động hiệu quả.

Chính những đặc điểm riêng của kênh phản biện xã hội thông qua báo chí là vũ khí sắc bén để chống tham nhũng mà các kênh phản biện khác ít có được. Các phương tiện thông tin đại chúng có khả năng giải quyết được mâu thuẫn giữa yêu cầu tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí và yêu cầu có được phản biện chất lượng cao, nói cách khác, ở đây ưu thế chính của báo chí là tốc độ tổ chức các quá trình phản biện. Mặt khác, hệ thống mặt trận và các đoàn thể nhân dân có nhiều thành phần, mỗi thành phần lại chia thành nhiều cấp, nên việc triển khai phản biện xã hội trên quy mô rộng thông qua cơ chế này thường có tính kế hoạch cao. Trong khi đó, các phương tiện thông tin đại chúng trong một thời gian rất ngắn đã chuyển tải đến toàn xã hội các dư luận xã hội, và trong thời gian tương tự đã có thể thu thập được một số lượng ý kiến phản biện khổng lồ từ đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Thứ năm, phản biện xã hội thông qua báo chí góp phần hỗ trợ các kênh phản biện khác phối hợp cùng phản biện chống tham nhũng có hiệu quả. Xuất phát từ cơ cấu xã hội ta hiện nay, có thể nhận thấy có ba kênh chính tham gia vào phản biện xã hội, là: Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội - Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp - Báo chí (công luận). Với tư cách là cơ quan giám sát tối cao chống tham nhũng, ý kiện, dư luận và tâm trạng nhân dân về thực trạng tham nhũng do báo chí phản ánh đã góp phần làm nóng lên trong những phiên họp Quốc hội bàn về vấn đề này. Với chức năng lập pháp, những ý kiến của các nhà khoa học, những sáng kiến của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng được báo chí đăng tải là nguồn tư liệu quy báu giúp Quốc hội bổ sung, sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng có chất lượng hơn. Đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, là kênh phản biện chính hiện nay, sắp tới sẽ có quy chế rõ ràng; thông qua báo chí, nhất là báo chí của chính các cơ quan này sẽ là nguồn thông tin quan trọng giúp thực hiện chức năng phản biện chống tham nhũng có hiệu quả. Quan sát một số báo như Thanh niên, Tiền phong, Lao động, Đại đoàn kết và một số báo của các hội quần chúng khác cho thấy, những thông tin, những bài viết chống tiêu cực, chống tham nhũng ở Việt Nam và thế giới luôn luôn là đề tài nóng hổi và được các tầng lớp nhân dân rất quan tâm ủng hộ.

Thứ sáu, phản biện xã hội thông qua báo chí sẽ góp phần chống bệnh quan liêu trong hệ thống chính trị, nhất là trong bộ máy nhà nước, nó là cội rễ gây ra nạn tham nhũng; giúp Đảng và Nhà nước hoàn thiện đường lối, chính sách phòng, chống tham nhũng. Vì báo chí là tiếng nói của nhân dân, nên đóng góp nhiều dữ kiện cho đường lối, chính sách chống tham nhũng thực tế hơn, đúng đắn hơn; chỉ ra những khiếm khuyết của chính sách và luật pháp có thẻ tạo kẽ hở chơ các hành vi tham nhũng. Chính sách chống tham nhũng dù nghiên cứu kỹ lưỡng đến đâu khi đem ra thực thi vẫn còn thiếu sót, báo chí giúp bổ túc những khiếm khuyết đó. Thực tế cho thấy, có khá nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm mới nảy sinh trong công tác phòng, chống tham nhũng mà các cơ quan quản lý nhà nước không thể quán xuyến hết. Nhờ báo chí phản biện, các cơ quan chức năng kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế, chính sách chống tham nhũng theo hướng ngày càng hợp lý hơn.

Mặt khác, báo chí còn góp phần tạo diễn đàn nêu gương tốt, việc tốt trong chống tham nhũng, góp phần động viên các tầng lớp nhân dân vào mặt trận chống tham nhũng. Đồng thời, kề vai, sát cánh với những người dũng cảm chống tham nhũng, tố cáo mạnh mẽ những hiện tượng trù dập người tố cáo tham nhũng, góp phần giữ vững niềm tin cho những người chống tham nhũng; từng bước sẽ tạo phong trào quần chúng tham gia chống tham nhũng. Đồng thời báo chí còn giám sát những hành vi tham nhũng của cán bộ, đảng viên và tuyên dương những cán bộ từ chối tham nhũng và dám đương đầu với tham nhũng.

Tóm lại, phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp. Những kẻ tham nhũng là những người có chức có quyền, sinh sống cộng sinh trong nhân dân. Hơn 90 triệu dân, 180 triệu con mắt luôn dõi theo họ, kiểm tra, giám sát họ. Họ và người thân của họ có bao nhiêu tài sản không phải do lao động chân chính của họ làm ra đều không lọt qua đôi “mắt thần” của nhân dân. Tài khoản, tài sản bất lương của họ không thể qua mắt những cán bộ chân chính và nhân dân nơi cán bộ đó cư trú. Nhân dân biết rõ cán bộ xấu, cán bộ tốt, cán bộ nào vì dân và cán bộ nào chỉ lo cho bản thân. Nhưng nhìn chung cơ chế của chúng ta chưa khích lệ và bảo vệ người dân dũng cảm đứng ra chống tham nhũng. Nhiều khi những người đứng ra chống tham nhũng lại bị những kẻ tham nhũng trả thù lại một cách dã man... Tất cả những uất ức đó trong nhân dân đã tạo ra làn sóng ngầm mạnh mẽ, báo chí phản ánh đưa lên công luận, tạo thành công cụ rất hữu hiệu phát thiện ra tham nhũng. Do đó, Đảng và Nhà nước và xã hội cần đánh giá đúng hơn vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, từ đó có những giải pháp toàn diện để giúp báo chí làm tốt hơn vai trò phản biện xã hội đối với vấn đề này.

ThS. Lê Duy Thống

Phó Vụ trưởng Vụ Đoàn thể, Ban Dân vận Trung ương

Trích trong cuốn "Bàn về giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay",

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 1-2014.

 

*****

1. Xem: C. Mác và Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995,t.1, tr.99.

2. Xem Micheal Schudson: Sức mạnh của tin tức truyền thông, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.55-56.



 


 

Bình luận