Phóng viên được cấp thẻ nhà báo sau 2 năm công tác
Dự thảo luật Báo chí sửa đổi đã được Quốc hội biểu quyết thông qua sáng ngày 5 tháng 4 với 442/445 số đại biểu có mặt tán thành, chiếm tỷ lệ 89,47% tổng số đại biểu. Theo đó, thời hạn được cấp thẻ nhà báo lần đầu giảm từ ba năm xuống còn hai năm công tác.
Các đại biểu QH biểu quyết thông qua dự án Luật Báo chí (sửa đổi).
Trước đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu nhiên và Nhi đồng Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đã đọc báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật Báo chí sửa đổi. Theo đó, dự thảo luật Báo chí trước khi được thông qua cũng đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu về các điểm liên quan đến quyền góp ý kiến, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân trên báo chí, trách nhiệm trả lời kiến nghị của các cơ quan có thẩm quyền, bổ nhiệm người đứng đầu các cơ quan báo chí, cấp giấy phép hoạt động báo chí, thẻ nhà báo...
Cụ thể, về cấp thẻ nhà báo, có ý kiến đại biểu đề nghị bỏ điều kiện “phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên” đối với người công tác tại cơ quan báo chí thuộc tổ chức tôn giáo; đề nghị giảm điều kiện phải có thời gian công tác từ “3 năm” xuống còn “2 năm” đối với trường hợp cấp thẻ lần đầu; đề nghị bổ sung quy định trường hợp người được xét cấp thẻ nhà báo là đối tượng vi phạm pháp luật hình sự bị kết án mà hết thời hạn thi hành án. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý các nội dung trên thể hiện tại Điều 27 dự thảo Luật.
Tại điều 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tiếp thu ý kiến đề nghị đối với trường hợp người được cấp thẻ nhà báo bị thu hồi thẻ vì bị khởi tố bị can, khi có kết luận không phạm tội của cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan quản lý nhà nước về báo chí phải “trả lại” thẻ thay vì làm thủ tục “cấp lại” thẻ.
Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định phóng viên, nhà báo không được sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền trái với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là quyền tự do ngôn luận của công dân đã được hiến định nên không thể đưa nội dung này vào dự thảo Luật. Trường hợp thấy cần thiết phải quản lý những hoạt động trên, cơ quan báo chí có thể quy định nội dung này tại quy chế hoạt động của cơ quan báo chí đó.
Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật chưa quy định về quyền khai thác thông tin của nhà báo. Theo bà Nguyễn Thanh Hải, hoạt động khai thác thông tin của nhà báo bao gồm hoạt động chủ động lấy tin, bài của nhà báo và trách nhiệm của cơ quan tổ chức cung cấp thông tin cho nhà báo. Dự thảo Luật đã có một số điều quy định về vấn đề này, cụ thể là: khoản 2 điều 13 quy định hoạt động báo chí và nhà báo được Nhà nước bảo hộ; các điểm b, c, d khoản 2 Điều 25 quy định nhà báo có quyền được khai thác và cung cấp thông tin; được đến cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức phải cung cấp cho nhà báo tư liệu, tài liệu; được hoạt động báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai, được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp, được liên lạc trực tiếp với những người có liên quan để lấy tin, phỏng vấn. Ngoài ra, khoản 12 Điều 9 quy định cấm hành vi cản trở nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp, khai thác lấy tin, bài; khoản 1 Điều 38 quy định cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm phải cung cấp thông tin cho báo chí…. Ngoài ra còn một số điều khác quy định liên quan đến các hình thức khai thác thông tin của nhà báo.
Có ý kiến đề nghị không nên quy định thời hạn 5 năm phải đổi thẻ nhà báo (Điều 28). Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, thực tế hiện nay, có một số trường hợp, người được cấp thẻ nhà báo nhưng không còn làm công việc liên quan đến báo chí, mà vẫn giữ và sử dụng thẻ nhà báo không đúng mục đích. Do vậy, để quản lý hiệu quả việc sử dụng thẻ nhà báo, đề nghị được giữ như dự thảo Luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tiếp thu ý kiến đề nghị bổ sung vào khoản 1 “Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp” để khẳng định tính chất chính trị, nâng cao vai trò, vị trí của Hội Nhà báo.
Nhưng với đề nghị bổ sung quy định Hội Nhà báo được tham gia thực hiện quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí; khen thưởng và xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí; cấp và thu hồi thẻ nhà báo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo Luật quy định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí (điểm b, c khoản 2 Điều 15); việc cấp, thu hồi thẻ nhà báo, khen thưởng và xử lý vi phạm thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí (các khoản 6, 9 và 10 Điều 6). Hội Nhà báo không có chức năng quản lý nhà nước về báo chí, không trực tiếp lãnh đạo cơ quan báo chí. Do vậy, quy định như dự thảo Luật là phù hợp.
Luật báo chí (sửa đổi) có sáu chương, 61 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017. Luật báo chí ngày 28-12-1989 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/1999/QH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Theo Báo Nhân dân
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực