Quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với xuất bản

Ngày đăng: 17/06/2014 - 15:06

quan ly nha nc bang phap luatTất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đều cần phải có sự quản lý nhà nước nhằm bảo đảm cho xã hội tồn tại và phát triển đúng định hướng của Nhà nước. Xuất bản là lĩnh vực có vai trò quan trọng trong việc phát triển và truyền bá các sản phẩm trí tuệ, vừa phải bảo đảm chức năng văn hóa - tư tưởng, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh. Để xuất bản phát triển trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế thì quản lý nhà nước bằng pháp luật phải như thế nào?

1. Quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với xuất bản phải tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tạo, công bố các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học...

Nhu cầu tự do sáng tạo ra các giá trị khoa học, văn học, nghệ thuật là nhu cầu tự nhiên. Nhưng mọi sự tự do đều phải trong khuôn khổ pháp luật, tự do ngôn luận, tự do sáng tạo, bình đẳng trong việc công bố và phổ biến tác phẩm trí tuệ phải được bảo đảm bằng pháp luật. Đòi hỏi này bắt nguồn từ quyền con người, với tư cách là chủ thể sáng tạo và chủ thể hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần. Nhà nước thể chế hóa các quyền con người, quyền công dân và bảo đảm về mặt pháp lý cho các quyền đó được thực hiện trong Hiến pháp và pháp luật. Ghi nhận một cách chính thức các giá trị về quyền tự do ngôn luận, tự do nghiên cứu, sáng tác, bình đẳng trong công bố và phổ biến tác phẩm, vì vậy, pháp luật trở thành phương tiện để các tác giả bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.

Tuy nhiên, không thể chấp nhận thứ tự do hỗn loạn, đặc biệt là “loạn ngôn”, “loạn khẩu”. Công dân nói chung, tác giả, văn nghệ sĩ, trí thức và những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản nói riêng, được giải phóng tư duy, hoàn toàn tự do sáng tạo khi điều chỉnh được hành vi của mình trong khuôn khổ pháp luật.

Nhà nước quản lý hoạt động của tư duy sáng tạo trong xuất bản bằng pháp luật nhằm khuyến khích tài năng sáng tạo và đề cao các tác phẩm trí tuệ có giá trị về khoa học, nghệ thuật. Cơ chế thị trường được pháp luật thừa nhận là một trong những thước đo giá trị của tác phẩm. Ở đó, công chúng với tư cách là người tiêu dùng sẽ đưa ra đánh giá khách quan về năng lực sáng tạo của tác giả qua tác phẩm của họ.

Quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với xuất bản là sự bác bỏ công khai và chính thức các quan điểm đánh giá thiếu khách quan và khoa học. Văn hóa chân chính đòi hỏi sự nhìn nhận và đánh giá tác phẩm qua thực tế khách quan của nó, không thừa nhận việc “nâng quan điểm”, “nâng lập trường”, “quy chụp” bởi ý chí cá nhân. Các vi phạm pháp luật được quy kết phải thể hiện ở tác phẩm, có viện dẫn chính xác các điều khoản của luật pháp. Như vậy, mới là tự do của pháp luật, mới khuyến khích tự do ngôn luận, tự do sáng tạo trong xuất bản.

Hơn bất kỳ công cụ nào, pháp luật là công cụ chứa đựng trong nó sự kết hợp giữa năng động, sáng tạo và kỷ cương, kỷ luật, giữa thuyết phục và cưỡng chế, giữa tập trung và dân chủ. Chính vì vậy, nó tạo ra sự ổn định cho tự do sáng tạo; bảo vệ, kiểm soát các hoạt động tự do sáng tạo, đồng thời ngăn chặn những hành vi xâm hại tới quyền tự do sáng tạo của con người.

2. Quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với xuất bản tạo điều kiện bảo tồn, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu chất nhân văn, dân chủ, vươn lên hiện đại; tiếp thu tinh hoa văn hóa và tiến bộ về khoa học, công nghệ của nhân loại.

Mỗi dân tộc có cội nguồn, có truyền thống riêng, được phản chiếu lên tấm gương văn hóa. Nó là di sản quá khứ, là nền tảng của phát triển bền vững, tạo nên dòng chảy cho hiện tại và tương lai dân tộc đó. Đảng và Nhà nước ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, việc bảo tồn, kế thừa, phát triển những giá trị trong di sản văn hóa dân tộc là quốc sách, được ghi nhận trong Hiến pháp nước ta.

Nhà nước khuyến khích và bồi dưỡng tài năng nghiên cứu, sáng tạo ra các giá trị tinh thần mới, làm giàu vốn văn hóa dân tộc. Đồng thời, trao vào tay họ các quyền cao cả mang tính nhân văn sâu sắc trong hoạt động văn hóa nói chung, trong xuất bản nói riêng. Vì vậy, quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với xuất bản đã đưa ra các chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi truyền bá xuất bản phẩm có nội dung trái với thuần phong mỹ tục, trái với truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc, nhằm bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhu cầu giao lưu văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại là nhu cầu tự thân của mỗi nền văn hóa. Mặt khác, trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, với sự phát triển nhảy vọt của Internet, của khoa học và công nghệ thì việc nhận thức và ứng dụng các tiến bộ mới của khoa học và công nghệ là đòi hỏi bức thiết. Mỗi dân tộc phải biết làm giàu văn hóa của mình bởi tri thức của nhân loại. Điều đó chỉ được thực hiện khi Nhà nước trao cho các chủ thể được xác định các quyền và nghĩa vụ trong các quan hệ quốc tế về xuất bản.

Như vậy, Nhà nước, với công cụ hàng đầu để quản lý xã hội là pháp luật, đã tạo ra cơ chế và thiết chế nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa, khoa học và công nghệ mới, tiến bộ của nhân loại. Các chủ thể xuất bản, chủ thể quản lý, với các quyền và nghĩa vụ do pháp luật quy định, góp phần bảo đảm cho ý chí của Nhà nước được thực hiện trong thực tế về việc xây dựng một nền văn hóa mới, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và hiện đại, loại trừ và ngăn chặn những độc hại về văn hóa. Là phương tiện điều chỉnh có hiệu lực, pháp luật tạo lập môi trường thuận lợi cho các hoạt động văn hóa phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mở ra cơ hội cho sự hội nhập giữa các nền văn hóa, làm giàu thêm nền văn hóa Việt Nam.

3. Quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với xuất bản phải tạo điều kiện để xuất bản thực hiện tốt chức năng văn hóa - tư tưởng, đồng thời hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh.

Với thuộc tính vừa là hoạt động văn hóa - tư tưởng, vừa là hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất bản chịu sự tác động đồng thời của hệ thống các quy luật phát triển văn hóa và hệ thống các quy luật kinh tế. Do tính chất phức tạp như vậy, nên yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật được đặt ra bức thiết hơn. Quản lý nhà nước bằng pháp luật phải mở đường cho tự do sáng tạo, đồng thời phải ngăn chặn những độc hại, tiêu cực gây ra đối với văn hóa, tư tưởng; phải định hướng cho xuất bản phát triển theo đúng quy luật kinh tế, ngăn ngừa những tác hại từ mặt trái của cơ chế thị trường. Trong quản lý nhà nước bằng pháp luật, nếu chúng ta coi các nhà xuất bản như các tổ chức kinh tế đơn thuần sẽ dẫn đến tình trạng hoạt động xuất bản bị thương mại hóa, chỉ chạy theo lợi nhuận kinh doanh; ngược lại, nếu chúng ta chỉ đề cao vai trò của xuất bản ở phương diện văn hóa, tư tưởng sẽ dẫn đến khả năng bất chấp quy luật kinh tế. Như vậy, hoạt động xuất bản sẽ phá sản trong điều kiện kinh tế thị trường.

Có thể nói, quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với xuất bản là quản lý hoạt động kinh tế trong văn hóa, tư tưởng, đồng thời là quản lý hoạt động văn hóa, tư tưởng trong cơ chế thị trường. Đó là hai mặt của xuất bản. Do đó, quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với xuất bản phải được thực hiện một cách hài hòa, vừa phải coi trọng việc phục vụ nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân, đồng thời phải thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh, xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc.

Quang Duy


Bình luận