Quẳng... gánh lo đi?

Ngày đăng: 30/01/2014 - 17:01

Trong ký ức của tôi, mỗi khi đợt rét đầu mùa đến, so tay trong chiếc áo ấm, thì cũng là lúc bà tôi, mẹ tôi lại ngồi nhẩm tính xem còn bao lâu nữa thì tới Tết. Rồi một ngày không lâu sau, bà bảo mẹ: "Hôm nay tôi vừa mua được mẻ măng áo tơi trên chợ Đồng Xuân ngon lắm. Thật chẳng mấy khi!". Hôm khác, mẹ đem về khoe với bà mấy xâu nấm hương rừng gửi người bạn quê tận Bắc Kạn đem xuống... Rồi bà và mẹ lại lẩm nhẩm tính, giật mình bảo nhau: sắp Tết rồi.

Anh de tren tit

Không khí Tết vào nhà tôi từ sớm thế đấy. Sau khi “tích trữ” đủ các loại đồ khô như măng, nấm hương, mộc nhĩ... thì đến lượt gạo, mắm, đỗ xanh... Gi gỉ gì gi, cái gì cũng được bà, bố mẹ tôi lên “kế hoạch” sắm sửa kỹ càng. Bố thì tính Tết này sửa sang nhà cửa thế nào để đón Tết cho đàng hoàng. Bố bảo, dù ít dù nhiều, Tết nhất định phải có cái gì đó mới mẻ hơn ngày thường. Vậy là năm ngoái vừa quét vôi lại tường nhà, thì năm nay thay màu sơn cho cánh cổng, tỉa tót hàng cúc tần bên hàng rào hay chí ít là cũng trát lại cái bếp... Còn bà và mẹ chủ yếu lo việc bếp núc.

Nghe tưởng đơn giản, ấy vậy mà cái việc bếp núc lại chẳng nhỏ chút nào. Để có mâm cơm tươm tất cúng tổ tiên chiều 30 và giao thừa, bà và mẹ tôi đã phải lo lắng, chuẩn bị từ trước Tết cả tháng trời. Sự lo lắng đầy truyền thống lễ nghĩa.

Hằng ngày, bà vẫn bắc ghế ra ngồi trước cổng nhà, vừa ngắm người qua lại cho đỡ buồn, vừa tranh thủ “đi chợ” giúp mẹ. Những ngày giáp Tết, việc này dường như khiến bà vui hơn và thời gian mỗi buổi “đi chợ” của bà lại dài hơn. Bà tôi kỹ tính và khá cầu toàn. Nhưng cũng nhờ sự kỹ tính đó mà gia đình tôi luôn có những bữa ăn thật ngon và đầm ấm.

Từ ngày rằm tháng Chạp trở đi, không khí ngày xuân đã tràn ngập trong ngôi nhà của chúng tôi, trên gian thờ tổ tiên không lúc nào vắng bóng những cánh đào đỏ thắm. Khi những người bán đào rong bắt đầu lên phố, bà chọn mua những cành đào nhỏ xinh hoặc nắm cành lẻ, cắm vào chiếc bình gốm cổ, vừa vặn với không gian thờ, khiến cho căn nhà trở nên ấm cúng lạ thường.

IMG 2413

Nhiều mối mời chào bà mua bưởi Diễn, nhưng mặc, bà phải chờ đúng cô hàng bưởi quen thuộc vẫn bán cho nhà từ hàng năm nay. Nhưng không vì thế mà bà mua ngay, “nhà tôi phải ăn thử đã, ngon mới đặt đấy nhé” - bà giao hẹn trước. Nếu chất lượng như ý, bà đặt đến hàng chục quả để ăn Tết rồi còn dành cả ra Giêng ăn dần. Bưởi chất đầy dưới gầm sập gụ của bà. Bà bảo, cái giống Diễn này cứ phải để thật héo, xuống nước ăn mới ngon. Quả thật, có lần tôi được mẹ giao nhiệm vụ bổ bưởi, nhìn quả bưởi bé xiu xiu, quắt queo ấy vậy mà vỏ mỏng như giấy, không khéo chút là gọt vào thịt, bổ ra từng múi đều tăm tắp, mọng căng mà không hề chảy nước, từng lớp từng lớp tép ken chặt nhau màu ngà ngà, ăn vào đến đâu biết đến đấy, ngọt thanh mát lịm.

Càng gần đến Tết, bà và mẹ càng bận bịu. Ngày đi làm thì thôi, chứ cứ về đến nhà là bà và mẹ lại tính tính toán toán, ghi ghi chép chép xem đã sắm được gì, còn thiếu những gì, xem chừng quan trọng lắm, rồi tiếp tục lên lịch xem phải mua cái gì trước, cái gì sau…

1

Vườn nhà tôi có nhiều cây, nào hồng xiêm, nào roi, dâu, táo, quất… Năm nào bà và mẹ cũng làm mứt quất. Ngày bé chị em tôi thích được làm chân “lon ton”, sung sướng biết bao khi được mẹ sai cầm rổ ra vườn hái quất chín. Đấy là việc mà chúng tôi luôn háo hức chờ đợi, thậm chí còn thi nhau hái thật nhanh để “lập công” là người hái được nhiều quả nhất. Tết, ai đến chơi cũng xuýt xoa khen món mứt quất của bà, của mẹ thơm ngon, đẹp mắt.

Khoảng 26, 27 Tết thì gói bánh chưng. Công việc này phải huy động cả nhà tham gia. Từ tối hôm trước, mẹ đã ra sân rửa, kỳ cọ từng tàu lá dong, để ráo nước. Bà ngâm gạo, đồ đỗ xanh cho chín để bố cho vào cối giã nhuyễn, nắm thành từng nắm to gấp đôi nắm tay. Bố luôn phụ trách phần chia thịt. Thịt là loại ba chỉ, cứ một lớp nạc xen một lớp mỡ, phần nạc dày, nguyên cả bì. Phải chia cho thật khéo để miếng thịt còn nguyên tảng mà các miếng phải đều nhau.

banhchung1450

Trước khi gói bánh, mẹ cẩn thận dùng khăn sạch lau lại từng tàu lá dong. Màu xanh ngăn ngắt của những lớp lá, màu trắng ngần của gạo, động tác thuần thục khi bà và bố xắt đỗ, từng lát vàng ruộm, mỏng tang cứ theo nhau phủ dần lên gạo, đặt lên trên một miếng thịt đã ướp tẩm muối, tiêu, rồi lại một lớp đỗ, một lớp gạo… Bà gói khuôn tay, lâu hơn nhưng bánh đẹp, vuông thành sắc cạnh, sống lá tạo nên các cạnh vuông vắn của chiếc bánh chưng. Còn “sản phẩm” của bố cũng rất “khá”, cầm chiếc bánh lên cứ chắc nình nịch. Chị em tôi cứ thế ngồi xem bà và bố gói bánh cả buổi mà không biết chán.

Rồi đêm hôm đó, cả nhà lại quây quần ngoài sân trông nồi bánh. Ngoài đêm giao thừa ra thì đây là đêm duy nhất trong năm chúng tôi được phép thức khuya đến nửa đêm. Bố vùi từng củ khoai lang, khoai tây vào lớp tro bên dưới bếp lửa. Khi lớp vỏ ngoài cháy sém, thì cũng là lúc khoai chín, khoai vùi dưới tro củi nên chín nục, thơm lừng. Trong cái giá rét của đêm đông, đặt củ khoai vào giữa hai lòng bàn tay, xoa xoa cho bớt nóng lại thêm hơi ấm cho đôi bàn tay đang cóng vì lạnh, nhiều khi chị em tôi chẳng chờ được khoai nguội bớt, cứ thế chấm đường rồi bỏ ngay vào miệng, vừa ăn vừa xuýt xoa vì nóng.

Nhưng tất bật nhất vẫn là ngày cuối cùng của năm. Khi chị em tôi mắt nhắm mắt mở bước xuống khỏi giường thì bà và mẹ đã làm được bao nhiêu là việc. Nồi canh măng đã liu riu trên bếp, vị béo ngậy thơm lừng. Chúng tôi sà vào giúp mẹ cuốn nem. Đứa thì “xí” phần đập trứng, đứa thì đảo đều nhân, đứa lại gỡ từng tờ bánh đa giúp mẹ. Nem mẹ cuốn cái nào cũng đẹp, đều tăm tắp, rán lên không vỡ bao giờ.

Nhưng chưa hết đâu, bà và mẹ còn tất bật cho đến tận chiều tối, với giò, với gà, với hoa, với quả… Chẳng ngưng tay được phút nào. Đến tối, sau khi mâm cơm chiều đầy đặn, ngon lành đã được bày trên ban thờ cùng mâm ngũ quả đủ màu sắc thì bà với mẹ mới thở phào nhẹ nhõm. Đứng trước ban thờ tổ tiên, tôi thấy ánh mắt bà và mẹ tôi đầy vẻ hạnh phúc, viên mãn. Nhưng không biết có phải do quá nhạy cảm, mà tôi còn thấy ở bà và mẹ một sự mệt mỏi thể xác không giấu được.

Ngày còn bé, tôi không nghĩ ngợi gì nhiều, chỉ thấy thích, nhưng sau này khi đã lớn và có chút suy tư, thì mỗi lần như vậy, tôi lại tự nhủ, sau này mình sẽ đơn giản hóa đi, chứ như bà và mẹ thế này thì còn gì là… hưởng Tết.

Giờ thì bà đã về với tổ tiên. Không còn bà, cùng với nhịp sống hối hả hiện đại, như một lẽ tự nhiên, giống như bao gia đình khác nơi thành thị, cách đón Tết của gia đình tôi đã đơn giản đi nhiều. Mứt quất mẹ không làm nữa vì vườn không còn, vả lại giờ chẳng mấy ai ăn, bánh chưng thì đặt sẵn, duy chỉ có nồi măng là mẹ vẫn nhất quyết phải tự tay làm.

Nhưng khi điều mong ước kia đã thành sự thật, thì tôi lại nhớ quay quắt cái không khí chuẩn bị Tết tất bật, vất vả nhưng thật rộn ràng, ấm áp, quây quần xưa kia. Cuộc sống cứ thế trôi đi, năm nào tôi cũng tự nhủ Tết này phải làm mứt quất, phải gói bánh chưng, phải dạy cho con cái biết thế nào là Tết cổ truyền của dân tộc, và quan trọng là biết trân trọng nó. Nhưng rồi sự hối hả, gấp gáp của cuộc sống lại khiến tôi chưa có dịp thực hiện điều đó. Thấm thoắt lại một năm nữa trôi qua, Tết năm nay, lòng tôi vẫn bề bộn với câu hỏi: Tết truyền thống hay Tết hiện đại, có nên tiếp tục quẳng… gánh lo đi?

Việt Phong

 

 

Bình luận