Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 – Tầm nhìn chiến lược

Ngày đăng: 01/06/2012 - 16:06

Năm 2011, một trong những sự kiện nổi bật nhất của Thành phố Hà Nội là việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Với Quyết định số 1081/QĐ-TTg ngày 06-7-2011, thành phố Hà Nội sẽ dần thay da đổi thịt trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng và bảo vệ môi trường, xây dựng quốc phòng vững mạnh. Bên cạnh đó, theo Quy hoạch tổng thể, thành phố Hà Nội sẽ định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực như: dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông, lâm thủy sản và phát triển nông thôn.


toanha

Xây dựng và phát triển thành phố Hà Nội giàu đẹp, hiện đại, văn minh, đảm bảo thực hiện chức năng là trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học công nghệ, giao thương và kinh tế lớn của cả nước. Đồng thời, cũng chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tiêu biểu cho trí tuệ và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; thiết lập các cơ sở hàng đầu của đất nước về nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao. Có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, môi trường bền vững. Bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế của Thủ đô trong khu vực và quốc tế được nâng cao.

Mục tiêu cụ thể của phát triển của Thành phố như sau:

- Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kin tế bình quân thời kỳ 2011-2015 đạt 13%/năm, thời kỳ 2016-2020 đạt khoảng 11-12% và thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 9,5 – 10%;

Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người của Hà Nội đạt 4.100-4.300 USD; đến năm 2020 đạt khoảng 7.100 -7.500 USD; năm 2030 đạt khoảng 16.000 – 17.000 USD (tính theo giá thực tế). Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, bên cạnh đó, dịch vụ chất lượng cao đóng vai trò trọng  yếu trong cơ cấu kinh tế của thành phố Hà Nội.

Đến năm 2015, trong cơ cấu kinh tế của Hà Nội, tỷ trọng dịch vụ chiếm 54-55%, công nghiệp - xây dựng chiếm 41-42% và nông nghiệp là 3-4%.

Năm 2020, khu vực dịch vụ chiếm 55,5- 56,5% công nghiệp – xây dựng chiếm 41 -42% và nông nghiệp là 2-2,5 %. Tốc độ tăng  giá trị xuất khẩu trên địa bàn bình quân là 14-15%/năm thời kỳ 2011-2015 và 13-14% thời kỳ 2016-2020.

- Về xã hội: Quy mô dân số đến năm 2015 đạt 7,2 -7,3 triệu người. Năm 2020 khoảng 7,9-8,0 triệu người. Năm 2030 khoảng 9,2 triệu người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 55% vào năm 2015 và 70-75% vào năm 2020.

Phát triển giáo dục và đào tạo trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo chất lượng cao của cả nước và có tầm cỡ khu vực. Tỷ lệ trường (từ mầm non đến trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia khoảng 50-55% vào năm 2015 và đạt 65-70% vào năm 2020; Chú trọng giáo dục hướng nghiệp, phát triển đào tạo nghề, nhất là  đào tạo công nhân kỹ thuật cao phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế Thủ đô và phục vụ xuất khẩu lao động.

Xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

Phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân, tăng tuổi thọ cho nhân dân. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân còn dưới 11% vào năm 2015 và dưới 8% vào năm 2020. Giảm hộ nghèo bình quân 1,5 -1,8% giai đoạn 2011 -2015 và 1,4 -1,5 % giai đoạn 2016-2020.

Tỷ lệ đô thị hóa năm 2015 khoảng 46 – 47 %, năm 2020 đạt 58 -60 %, đến năm 2030 đạt khoảng 65-68%. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2015 có 40 – 45 %, năm 2020 đạt 70% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.

- Về kết cấu hạ tầng và bảo vệ môi trường: Xây dựng Thành phố Hà Nội xanh, sạch, đẹp, văn minh. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị được cải tạo và xây dựng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, phấn đấu đến giai đoạn 2015-2020 đưa vào vận hành ít nhất 2 tuyến đường sắt đô thị; đến năm 2020 vận tải hành khách công cộng đáp ứng 35-45 % nhu cầu đi lại của nhân dân.

Hiện đại hóa hạ tầng thông tin và truyền thông, đưa số máy điện thoại cố định bình quân đạt 29-31 máy / 100 dân vào năm 2015 và 32-35 máy/100 dân vào năm 2020.

Mật độ thuê bao internet đạt 30-35% vào năm 2015 và 38 -40 % vào năm 2020.

Phát triển hệ thống cấp thoát nước, bảo đảm cơ bản tất cả các hộ gia đình được cấp nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia; cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước, tình bước giải quyết tình trạng ngập úng, đến năm 2020 trên 80% nước thải sinh hoạt được xử lý. Xây dựng hệ thống thu gom nước thải và xử lý 100% nước thải các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề.

Phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ rác thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý trong ngày đạt 100%. Nâng diện tích nhà ở lên 23 - 24 m2/người vào năm 2015 và 25 - 30m2/người vào năm 2020 (tính trung bình cả khu đô thị và nông thôn). Phát triển mạng lưới vườn hoa, cây xanh, công viên, phấn đấu nâng diện tích đất cây xanh đạt 7 - 8m2/người vào năm 2015 và 10 - 12m2/người vào năm 2020.

Xây dựng quốc phòng vững mạnh, đảm bảo ổn định vững chắc an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Tạo bước chuyển mới rõ rệt về trật tự, an toàn xã hội, nếp sống đô thị, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Xây dựng Hà Nội trở thành khu vực phòng thủ vững chắc.

Trong vài chục năm tới với mong muốn thành phố Hà Nội trở thành một đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, có bản sắc riêng trên nền tảng phát triển vững chắc. Vì vậy, thành phố Hà Nội sẽ gắn quy hoạch phát triển Thành phố với phát triển không gian của vùng Thủ đô Hà Nội, các vùng của Bắc Bộ và trong cả nước.

Phương hướng cụ thể là tổ chức không gian đô thị Hà Nội theo mô hình chùm đô thị, bao gồm đô thị trung tâm, cùng các đô thị vệ tinh, xung quanh là các thị trấn và vùng nông thôn được kết nối bằng hệ thống đường giao thông đường vành đai kết hợp với trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh.

Tại đô thị trung tâm bố trí trụ sở làm việc, cơ quan Trung ương, cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể của quốc gia và thành phố; trụ sở các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; các cơ sở thương mại, giao dịch, dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm - chứng khoán; các viện nghiên cứu đầu ngành; trụ sở chính của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn; các cơ sở đào tạo chất lượng cao với quy mô phù hợp.

Hình thành và phát triển nhanh các đô thị vệ tinh có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm các chức năng về đào tạo, công nghiệp, dịch vụ, nhà ở…

Thành phố Hà Nội còn chú trọng đến việc xây dựng các thị trấn và khu vực ngoại thành. Trong đó, việc xây dựng các thị trấn theo mô hình đô thị sinh thái mật độ thấp, từ các thị trấn huyện lỵ như: Thị trấn Phùng, Tây Đằng, Liên Quan, Kim Bài, Vân Đình, Đại Nghĩa, Thường Tín và các thị trấn mới, nhằm phát triển các thị trấn này trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của huyện, đầu mối về hạ tầng kỹ thuật. Đối với khu vực ngoại thành hình thành các vành đai cây xanh gắn với các công viên sinh thái với quy mô lớn. Phát triển các vùng rau, hoa quả, cây cảnh cao cấp, thực phẩm sạch. Nhân rộng các mô hình các khu công nghiệp cao đã và đang hình thành tại các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh. Các khu du lịch sinh thái với quy mô lớn tại khu vực huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Hương Sơn - Quan Sơn. Thông qua việc phát triển du lịch này để tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân khu vực phụ cận.

Nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng, tạo sự liên kết hợp lý về cơ sở hạ tầng giữa nội và ngoại thành, tập trung vào mạng lưới giao thông, cấp thoát nước và xử lý nước thải.

Các trọng tâm phát triển gồm:

- Hình thành hệ thống công sở, trung tâm hành chính - chính trị đảm bảo thực hiện chức năng là trung tâm - hành chính quốc gia.

- Phát triển thành phố Hà Nội thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao của vùng, cả nước và khu vực.

- Phát triển có chọn lọc một số ngành công nghiệp có giá trị gia tăng lớn, sử dụng công nghệ cao.

- Xây dựng mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

- Phát triển nhân lực chất lượng cao và tiềm lực khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô và đất nước. Xây dựng nếp sống văn minh đô thị, người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

- Nghiên cứu để hình thành các công trình văn hóa tiêu biểu.

- Phát triển nền nông nghiệp đô thị sinh thái và xây dựng nông thôn mới.

Có thể nói, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là cơ sở cho việc thành lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch ngành để các Dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố Hà Nội có kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn để có kế hoạch bố trí vốn đầu tư phù hợp. Với quy hoạch tổng thể này, trong một tương lai gần, bức tranh toàn cảnh về kinh tế, xã hội; kết cấu hạ tầng và bảo vệ môi trường; xây dựng quốc phòng vững mạnh sẽ bừng sáng, phát triển mạnh, nhanh, đồng bộ nhưng không phá đi truyền thống ngàn năm văn hiến của một  kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội nay.

 

ThS. Như Hảo


Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả