Quyền lực tri thức trong tư tưởng chính trị của Alvin Toffler

Ngày đăng: 17/03/2014 - 10:03

Thời điểm hiện nay nhân loại đang bước vào những năm đầu tiên của thập kỷ thứ hai thế kỷ XXI, một thế kỷ mà theo dự đoán sẽ có những bước nhảy vọt chưa từng thấy về khoa học và công nghệ, làm cho lực lượng sản xuất phát triển một cách nhanh chóng vượt khỏi trí tưởng tượng của con người. Loài người đang tạo ra những biến đổi về chất chưa từng có trong lực lượng sản xuất, đưa nhân loại từng bước quá độ sang một nền văn minh mới - văn minh trí tuệ.

Alvin-Toffler-3Alvin Toffler

Một thực tế chắc chắn là, với sự gia tăng sức mạnh của tri thức, khoa học, công nghệ, nền kinh tế của thế kỷ này không còn là nền kinh tế dựa nhiều vào cơ bắp và tài nguyên thiên nhiên mà chủ yếu dựa vào trí thức, khoa học và công nghệ. Các công nghệ mới, công nghệ thông tin, đặc biệt là internet và vô tuyến đã trở thành một vũ khí cạnh tranh có tính chiến lược trong kinh doanh, một lực thúc đẩy then chốt trong hệ thống sáng tạo của cải mới. Với việc ứng dụng tri thức, các phát minh khoa học - kỹ thuật - công nghệ vào trong công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ,… làm cho hệ thống sản xuất mới được mở rộng không ngừng. Kết quả của những biến đổi do cách mạng khoa học - kỹ thuật - công nghệ mang lại là các vấn đề an sinh xã hội đã được giải quyết từng bước, trong cơ cấu xã hội những người lao động trí óc, hay “những chiếc áo cổ trắng” ngày càng chiếm ưu thế.

Những thay đổi trong cơ cấu kinh tế - xã hội này cũng dẫn đến những thay đổi cả trong nội dung quyền lực. Các nhà chuyên môn, các chuyên gia, các nhà quản lý, các giám đốc thông tin, các CEO cao cấp theo nghĩa rộng là các nhà kỹ trị còn gọi là “giới thượng lưu xã hội”, “thượng lưu tri thức trị” có tài - đức và có năng lực tổ chức cao đã dần dần trở thành lực lượng lãnh đạo xã hội. Điều này cho thấy tri thức, thông tin đã trở thành một vấn đề trung tâm của việc thực hiện những cải cách xã hội và quyết sách chính trị; trở thành nhân tố then chốt quyết định sự mạnh yếu và hưng suy của quốc gia, dân tộc, trở thành động lực chủ yếu của sự phát triển xã hội.

Kinh tế tri thức đã và đang trở thành dòng thác lớn không gì ngăn cản nổi như ngọn triều lớn của thời đại, chỉ có những con người, dân tộc, quốc gia có đầy đủ tri thức, thông tin mới có cơ hội giàu có và chiến thắng. Thông tin và tri thức vì thế là cơ sở của quyền lực mới về chính trị và kinh tế của thế giới đương đại; là tấm bản đồ tất yếu mà mỗi quốc gia, dân tộc, con người cần phải có làm hành trang bước vào tương lai.

Theo logic phát triển khách quan của nó, tri thức là sức mạnh đặc biệt và đang trở thành một hình thái quyền lực mới, quyền lực tri thức sẽ thay thế cho các loại hình thái quyền lực truyền thống trước đây. Quyền lực của bạo lực, chủ yếu được dùng để trừng phạt, là nguồn quyền lực có phẩm chất thấp nhất và kém linh hoạt nhất. Của cải được dùng để khen thưởng lẫn trừng phạt, là một công cụ quyền lực có phẩm chất bậc trung và uyển chuyển. Còn tri thức mới là nguồn quyền lực cơ bản, linh hoạt, phẩm chất cao nhất và có tính dân chủ hơn cả. Chỉ có trí tuệ của con người là cái lấy không bao giờ hết, dùng không bao giờ cạn, là sản phẩm thay thế cho tất cả. Tri thức sẽ trở thành quyền lực số một trong số các quyền lực đã có trong lịch sử quyền lực, thực tiễn đã và đang chứng minh tính chân thực những dự báo trên của Alvin Toffler (Anvin Tôphlơ).

Khẳng định vai trò tiên phong của trí thức khoa học trong tương lai bằng luận điểm: “ Con đường quyền lực và phát triển kinh tế của thế kỷ XXI không còn là con đường khai phát từ nguyên liệu và gân cốt của con người. Mà như chúng ta đã thấy là phải vận dụng con đường Tâm Trí mà thôi”1, A.Toffler trở thành một trong số những nhà tương lai học đầu tiêu của thời kỳ hiện đại bàn đến quyền lực tri thức. Vấn đề quyền lực tri thức, vì thế, trở thành một trong những vấn đề rất được quan tâm và A.Toffler là một trong những nhà tư tưởng có quan điểm đáng chú ý nhất hiện nay về vấn đề này.

Quan điểm của A.Toffler về quyền lực tri thức - hay sự lên ngôi của sức mạnh tri thức là một trong những quan điểm được nhiều nhà khoa học, kinh tế, chính trị, xã hội học… thừa nhận. Quan điểm này như một tuyên ngôn của thời đại mới - thời đại kinh tế tri thức. Chính vì vậy, tư tưởng của A.Toffler về quyền lực tri thức thu hút sự quan tâm của nhiều giới. Hiện nay, đã có một số công trình trong và ngoài nước nghiên cứu về tư tưởng của A.Toffler và các tác phẩm của ông. Những công trình nghiên cứu đó mang lại nhiều ý nghĩa và có giá trị nhất định đối với những ai muốn tìm hiểu về vợ chồng nhà tương lai học, kinh tế học, xã hội học này. Tuy nhiên, nghiên cứu về A.Toffler với tư cách là một nhà chính luận mà không nghiên cứu một cách hệ thống tư tưởng quyền lực tri thức của ông là một thiếu sót lớn. Do đó, để tìm hiểu về tư tưởng của A.Toffler xem tư tưởng của ông có thể được vận dụng và vận dụng những phần nào trong việc xây dựng và triển khai lộ trình phát triển kinh tế tri thức, phát huy có hiệu quả và sử dụng có hiệu quả nhất nguồn tri thức của con người Việt Nam và khai thác nhiều nhất tri thức của nhân loại tạo nền tảng để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 nước ta căn bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại được xác định trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, là lý do ra đời của chuyên khảo này.

Từ việc phân tích tư tưởng của A.Toffler về tri thức, quyền lực của tri thức, mục đích của chuyên khảo là làm sáng tỏ tư tưởng của A.Toffler về vai trò của tri thức khoa học; rút ra ý nghĩa của cách tiếp cận tri thức – quyền lực trong điều kiện hiện nay ở Việt nam, qua đó đề xuất một số nguyên tắc có tính chất định hướng nhằm phát huy sức mạnh trí tuệ dân tộc. Để đạt được mục đích đó, chúng tôi tập trung nghiên cứu những vấn đề sau:

Một là, nghiên cứu tiền đề thực tiễn và lý luận hình thành tư tưởng A.Toffler về quyền lực tri thức.

Hai là, phân tích và làm rõ nội dung tư tưởng của A.Toffler về tri thức và quyền lực tri thức.

Ba là, nhận xét, đánh giá và nêu lên những hạn chế, vạch ra giá trị, ý nghĩa của tư tưởng A.Toffler trong quá trình triển khai, xây dựng kinh tế tri thức ở nước ta hiện nay.

ảnh 11Thiết nghĩ cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho những ai quan tâm đến triết học chính trị, kinh tế chính trị học và chúng tôi hi vọng nó có thể làm tài liệu tham khảo cho sinh viên trong học tập, nghiên cứu lịch sử triết học Mỹ nói riêng và lịch sử triết học phương Tây nói chung.

Qua chuyên khảo này, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn đến PGS. TS. Vũ Văn Gầu, PGS.TS. Nguyễn Thế Nghĩa, PGS.TS. Trịnh Doãn Chính, TS. Hà Thiên Sơn, TS. Hồ Anh Dũng (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh), PGS. TS. Nguyễn Xuân Tế (Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh), PGS. TS. Nguyễn Thanh (Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh), PGS. TS. Lương Minh Cừ (Trường Đại học Marketing), TS. Nguyễn Ngọc Khá (Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh), PGS. TS. Đặng Hữu Toàn (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam - Viện Triết học), TS. Nguyễn Văn Phúc (Trường Đại học Ngân hàng),… là những người đã đọc và cho ý kiến nhận xét quý giá để chúng tôi hoàn thiện công trình này.

Trong suốt quá trình viết chuyên khảo này, chúng tôi đặc biệt tỏ lòng tri ân sâu sắc đến PGS.TS Phạm Đình Nghiệm (Đại học Sài Gòn), PGS.TS Đinh Ngọc Thạch (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đã định hướng nghiên cứu và cho ý kiến đánh giá để chúng tôi hoàn thành chuyên khảo này.

Ông Văn Năm 

Trích trong cuốn: Quyền lực tri thức trong tư tưởng chính trị của Alvin Toffler,

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 10-2013.

 

*****

1. Alvin Toffler: Thăng trầm quyền lực, Khổng Đức (dịch), Nxb Thanh niên, 2006, t.2, tr.262.

 

Bình luận