"X6 - Điệp viên hoàn hảo" - huyền thoại chiến tranh Việt Nam
Cuốn sách X6 - Điệp viên hoàn hảo do tác giả Larry Berman, nhà sử học Mỹ, chuyên gia xuất sắc chuyên nghiên cứu về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, Giáo sư danh dự trường Đại học California, hiện là Trưởng khoa Đào tạo nhân tài ưu tú, trường Đại học Quốc gia bang Georgia, viết về cuộc đời của tướng tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn (1927-2006), người anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Câu chuyện bao trùm lên hai đất nước Việt Namvà Mỹ trong suốt gần 5 thập kỷ. Liên quan đến suốt quá trình can thiệp và gây ra cuộc chiến tranh tàn khốc của Mỹ trên đất nước Việt Nam, từ những năm 1950 đến năm 1975 khi cuộc chiến kết thúc. Liên quan đến rất nhiều nhân vật của phía bên kia cuộc chiến. Từ tổng thống, chính khách, quan chức cấp cao trong chính phủ, quân đội, lãnh đạo CIA, trùm mật vụ của Mỹ và Sài Gòn, những phóng viên gạo cội rất thính những vấn đề thời sự chính trị, quân sự ở tầng cơ mật nhất của tạp chí Time, hãng tin Reuters, Thời báo New York... Những báo cáo tình báo do Phạm Xuân Ẩn gửi về chính xác tới mức nhà chỉ huy tình báo chiến lược Trần Quốc Hương (Mười Hương), nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đảng, chỉ huy mạng lưới tình báo chiến lược chống Mỹ, viết rằng: “Sau khi đọc những báo cáo của Ẩn gửi về từ Mỹ, Bác Hồ xúc động thốt lên: Đọc báo cáo mà cứ như đang ở ngay trung tâm New York!”. Hay sau khi đã về nước hoạt động trong lòng địch, những báo cáo của Ẩn cũng vô cùng chính xác, sinh động, khiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải hài lòng tấm tắc: “Cứ như ta đang ở trong Bộ Tổng tham mưu địch”, “ở ngay trong đầu não chỉ huy tác chiến của Mỹ”.
Phạm Xuân Ẩn đã cung cấp những tin tức tình báo chiến lược cực kỳ quan trọng, giúp ta có quyết sách thích hợp để giành chiến thắng trong cuộc đối đầu quyết liệt. “Các báo cáo của Ẩn đã giúp chúng tôi lập ra những đối pháp để đánh bại họ” - Đó là nhận xét của ông Mai Chí Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (sau này là Bộ Công an), nguyên Phó Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Chính ủy Quân khu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, người trực tiếp lo tiền để Phạm Xuân Ẩn đi Mỹ học vào năm 1957. Khi đọc cuốn sách X6 - Điệp viên hoàn hảo, ông Trần Quốc Hương đã viết: “Qua cách kể chuyện của tác giả, Phạm Xuân Ẩn hiện lên với tầm vóc của một nhà tình báo quốc tế. Ngay cả một cựu ký giả của chế độ Sài Gòn cũng đã viết như sau về Phạm Xuân Ẩn: “...Có thể nói đại đa số các tướng lãnh Việt Nam Cộng hòa đều không có tật nọ cũng mắc bệnh kia, tức không trai gái, bê tha, cũng tham nhũng, ăn hối lộ, buôn lậu, v.v. nên đã tỏ ra rất kiêng nể giới báo chí ngoại quốc. Giới quân phiệt này có thể bịt mồm báo chí Việt ngữ dễ dàng bằng nhiều biện pháp dã man, rừng rú, nhưng lại không dám và không thể động được đến một cọng lông chân của báo chí ngoại quốc. Do đó Phạm Xuân Ẩn cũng đã được các tướng nể sợ lây. Từ Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Cao Kỳ, Cao Văn Viên, đến Nguyễn Khắc Bình, v.v. đều muốn được lòng Phạm Xuân Ẩn, hơn là Ẩn cần phải lấy lòng mấy ông tướng đó để moi tin tức. Vì thế Phạm Xuân Ẩn đã có khả năng cung cấp rất nhiều tin tức quân sự vô cùng giá trị cho Việt cộng. Đối với các điệp viên khác, thường phải có “hộp thư”, có “giao liên bàn đạp” để chuyển tin một cách bí mật, lén lút vào mật khu. Nhưng riêng Phạm Xuân Ẩn, anh ta đã coi thường guồng máy an ninh tình báo của các tướng lãnh Việt Namcộng hòa đến mức không thèm xài “hộp thư”, cũng chẳng cần đến “giao liên bàn đạp”. Một tháng đôi ba lần, khi có tin tức quan trọng, nóng hổi cần cấp báo, Ẩn đi thẳng vào mật khu như ta đi du ngoạn, để báo cáo trực tiếp cho Mười Hương...” (trích Đặng Văn Nhâm: Nhà tình báo chiến lược Việt cộng Mười Hương bị bắt như thế nào, vì sao được thả?).
Vì sao Phạm Xuân Ẩn có thể làm được như thế và làm thế nào mà trong suốt thời gian dài hoạt động trong lòng địch, ông không bị bắt và hầu như không một sơ suất. Berman đã giúp chúng ta trả lời phần nào câu hỏi đó qua từng trang của cuốn sách. Ông đã đi gần 30 chuyến từ Mỹ sang Việt Nam để trò chuyện với Phạm Xuân Ẩn, để viết hồi ký cho ông. Rồi cuối cùng, giữa ông và Phạm Xuân Ẩn, hai con người của hai đất nước Việt Namvà Mỹ, là một tình bằng hữu gắn bó. Để viết hồi ký Phạm Xuân Ẩn, Berman cũng đã có ưu thế hơn so với các tác giả trong nước, có điều kiện tiếp cận với rất nhiều loại tài liệu ở các kho lưu trữ, hồ sơ mật của tình báo Mỹ. Ông cũng gặp gỡ được rất nhiều nhân vật là người Việt Nam đang định cư tại Mỹ và những người Mỹ có quan hệ với Phạm Xuân Ẩn từ lúc rời Việt Nam sang học ngành báo chí ở Trường Orange Coast, California, đến khi về Sài Gòn hoạt động trong cái vỏ bọc phóng viên tạp chí Time, hãng tin Reuter, Thời báo New York.
Berman cho biết: “Ông Ẩn giúp tôi hiểu về Việt Nam - về lịch sử và nhân dân. Càng gặp ông, tôi càng muốn tìm hiểu thêm về cuộc đời đầy bí ẩn của chính ông. Tôi rất quan tâm tới những trải nghiệm của ông ở Mỹ và ấn tượng mà những trải nghiệm đó in hằn lên con người ông. Tôi cũng bị mê hoặc bởi vai trò của ông trong cuộc chiến và những thách thức mà ông đối mặt sau khi cuộc chiến trôi qua. Là một người viết sử về cuộc chiến tranh này, tôi muốn sử dụng tiểu sử cuộc đời ông như là một cánh cửa sổ để hiểu những sự phức tạp của cuộc chiến cũng như quá trình hòa giải và bình thường hóa quan hệ, giữa các cá nhân và giữa hai nước”.
Tuy còn đôi chỗ có thể bàn thảo, nhưng phải nói Berman đã thể hiện được điều nói trên qua hơn 300 trang viết hết sức sinh động của tập hồi ký. Dường như ngòi bút tác giả không trình bày những sự kiện khô cứng mà là những con người, những nhân vật đã đi vào lịch sử của cả hai đất nước. Là nhà sử học nhạy cảm, Berman có cách viết riêng, cách xử lý tài liệu, đặc biệt làm bật lên sức sống chân thực của các chi tiết, các hoàn cảnh, tình thế. Ở đó nổi bật lên cách xử thế hết sức thông minh, tài trí và cũng rất đỗi con người của nhà tình báo. Phạm Xuân Ẩn với tầm hiểu biết rộng, tài năng và bản lĩnh, với biệt tài giao tiếp và khả năng ngoại giao rất ấn tượng, phong cách hài hước, lãng tử vừa hào hoa vừa ngang tàng, lúc nào cũng mang theo chú chó becgie Đức. Con người trí tuệ với phong cách thượng lưu ấy được đào tạo chính quy từ nền văn hóa Mỹ. Với vỏ bọc phóng viên ngoại quốc, Phạm Xuân Ẩn đã là bạn tri kỷ của các tướng lĩnh, quan chức cao cấp Việt Nam Cộng hòa, trùm an ninh của Mỹ và Sài Gòn. Một người rất giỏi kỹ năng phân tích dữ liệu và tổng hợp chính sách, luôn đưa ra những phân tích sắc sảo, khách quan được giới thạo tin ngưỡng mộ. Con người bí ẩn đó đã sống trong một hoàn cảnh đầy hiểm nguy, có thể bị bắt bất cứ lúc nào nếu sơ suất. Cuốn sách hấp dẫn hơn cả những tác phẩm hư cấu trước hết bởi sự thật về cuộc đời bí ẩn của nhà tình báo vĩ đại, như Phạm Xuân Ẩn nói với Berman trong lần gặp cuối cùng khi ông đã rất yếu: “Hãy viết sự thật”.
Năm 2007, cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên tại Mỹ, với tên Perfect Spy - The Incredible Double Life of PHAM XUAN AN - Time Magazine Reporter & Vietnamese Communist Agent (Điệp viên hoàn hảo - Cuộc đời hai mặt khó tin của Phạm Xuân Ẩn - Phóng viên tạp chí Time và tướng tình báo cộng sản Việt Nam), đã gây chấn động dư luận Mỹ, kiều bào Việt Nam ở Mỹ và cả ở Việt Nam. Vì trước khi cuốn sách ra đời, chưa mấy ai biết và hiểu về Phạm Xuân Ẩn, một huyền thoại của chiến tranh Việt Nam. Cùng năm đó cuốn sách cũng đã được xuất bản ở ViệtNamvà đến năm 2013, được tái bản với tựa đề Perfect Spy X6. Trong lần xuất bản này, tác giả đã bổ sung thêm nhiều tư liệu, vì theo lời yêu cầu của Phạm Xuân Ẩn, có những tư liệu chỉ nên công bố khi hoàn cảnh cho phép.
Trong bài viết “... 6 năm sau những câu chuyện tiếp nối”, Berman cho thấy cùng với ý chí can đảm, lòng yêu nước và những hoạt động phi thường của nhà tình báo, còn là tấm lòng của ông với những người bạn Mỹ, với nền văn hóa của nhân dân Mỹ mà ông đã được học tập và trưởng thành qua một thời tuổi trẻ, với nước Mỹ mà ông coi là quê hương thứ hai của ông. Như lời ông nói: “Trong đời mình tôi có hai trách nhiệm: một là dành cho Tổ quốc như là nghĩa vụ bắt buộc, cái còn lại là dành cho những người bạn Mỹ đã dạy tôi từ A tới Z, đặc biệt là nhân dân Mỹ”. Ông mơ ước sau khi đất nước được độc lập, hai nước ViệtNamvà Mỹ tái lập quan hệ ngoại giao và bình thường hóa quan hệ. Lúc ấy ông có thể nhắm mắt xuôi tay mãn nguyện.
Ước nguyện của ông đã thành hiện thực khi hai đất nước đã vượt qua hết thảy và là đối tác toàn diện của nhau.
Có một điều Phạm Xuân Ẩn vẫn cảm thấy băn khoăn không dứt, là vì sao khi biết ông là điệp viên, trong khi đa phần những người bạn cũ ở Việt Nam và Mỹ đã hiểu và chia sẻ với ông, thì có những người vẫn chưa chịu hiểu, trong đó có Beverly Deepe, người bạn học và đồng nghiệp thân thiết của ông. Như Berman đã viết: “Phạm Xuân Ẩn là một nhà cách mạng với tâm hồn đầy lý tưởng là chiến đấu để đất nước mình giành được quyền tự quyết về tương lai cũng tương tự những nhà ái quốc người Mỹ đã chiến đấu giành tự do”. Trong những ngày cuối đời, Phạm Xuân Ẩn đã nhiều lần nhờ Berman chuyển lời chào tới những người bạn Mỹ của ông. Ông từng mơ ước nếu kiếp sau hóa thành chim nhạn di trú thì ông sẽ tới thăm họ.
Gập lại cuốn sách được thể hiện bằng cả tài năng trí tuệ và trái tim của nhà sử học Berman, ta thấy cả một chặng đường dài của lịch sử và những bài học lớn toát lên từ đó. Vượt lên tất thảy, vẫn là cách ứng xử của một con người. Một người con yêu nước và luôn có một ước mơ cho đất nước mình. Một con người kiên cường mà bên trong là tất cả phẩm chất kiên cường và nhân ái của dân tộc.
Hà Công Tài
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực