Rèn luyện tính đảng cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 11/02/2015 - 08:02

Năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, cần phải có tính đảng mới làm được việc. Kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm nên”1. Theo Hồ Chí Minh, "tính đảng" trong mỗi cán bộ, đảng viên biểu hiện ở: Luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết; gương mẫu, nói đi đôi với làm...

1-615ba

Luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết

Trong xã hội, hoạt động bất kỳ tổ chức nào cũng hướng đến mục đích nhất định. Mục đích của Đảng Cộng sản Việt Nam là đấu tranh cho quyền và lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đó là mục đích, đồng thời, cũng là lợi ích của Đảng. Do vậy, mọi suy nghĩ, hành động của đảng viên phải thấu suốt và phục vụ cho mục đích, lợi ích đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mỗi người trong Đảng phải hiểu rằng: lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng..., phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, lên trước hết… Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là "tính đảng"2.

Làm việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn

"Tính đảng" trong mỗi cán bộ, đảng viên thể hiện trước tiên ở lời nói, song biểu hiện tập trung, tin cậy nhất ở hành động. Theo Hồ Chí Minh, trong công việc, muốn đạt kết quả tốt, mỗi cán bộ, đảng viên cần điều tra tình hình thực tế, nắm bắt nguyện vọng của quần chúng. Sau đó, phải quyết tâm thực hiện một cách kiên quyết, triệt để. Người chỉ rõ: “Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng. Mà muốn Đảng hiểu rõ thì đảng viên và cán bộ phải điều tra và báo cáo rõ ràng tình hình từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng khu. Nếu không biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả là "nồi vuông úp vung tròn", không ăn khớp gì hết”3.

Lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập lý luận và thực hành, lý luận và thực hành phải “nhất trí”, phải “đi đôi” với nhau.

Theo Người, lý luận có vai trò hết sức to lớn đối với thực tiễn, lý luận "như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi"4. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cũng luôn nhắc nhở rằng, có lý luận rồi thì phải kết hợp chặt chẽ với kinh nghiệm thực tế, liên hệ với thực tiễn nếu không mắc bệnh lý luận suông, tức bệnh giáo điều. Người khẳng định, "Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên"5.

Không những vạch ra những biểu hiện của "tính đảng", Người còn chỉ rõ những căn bệnh mà mỗi cán bộ, đảng viên mắc phải do kém "tính đảng" như: ba hoa, chủ quan, địa phương, hình thức, ham danh vị, ích kỷ, thiếu kỷ luật, hủ hoá, xa quần chúng…

Những năm gần đây, do tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường khiến "tính đảng" trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã suy giảm. Đại hội lần thứ XI, Đảng ta chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp…”6. Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, chính là những biểu hiện của sự giảm sút hay kém "tính đảng".

Quán triệt những chỉ dẫn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, các ngành cần quan tâm nâng cao tính đảng cho cán bộ, đảng viên, theo đó:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình

Để chữa những căn bệnh do kém "tính đảng" gây ra, Người chỉ rõ: “Chúng ta phải ráo riết dùng phê bình và tự phê bình để giúp nhau chữa cho hết những bệnh ấy. Có như thế Đảng mới chóng phát triển...”7.

Hiện nay, việc phê bình và tự phê bình đã được tiến hành ở các chi bộ song chất lượng chưa cao. Muốn tăng cường "tính đảng" cho cán bộ, đảng viên thì việc tự phê bình và phê bình cần phải được tiến hành một cách nghiêm túc. Các chi bộ và từng cán bộ, đảng viên phải quán triệt sâu sắc hơn nữa mục đích, yêu cầu, cách thức tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt vai trò gương mẫu của cấp ủy. Chi bộ cần khuyến khích và trân trọng những cán bộ, đảng viên dám nói thẳng, nói đúng sự thật nhằm xây dựng sự đoàn kết, dân chủ trong chi bộ.

Thứ hai, tổ chức tốt việc học tập, nghiên cứu lý luận, nhất là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên.

Xét cho cùng, suy giảm "tính đảng" chính là phai nhạt về mục tiêu, lý tưởng, từ đó, dẫn đến sự tha hóa, biến chất về đạo đức, lối sống trong mỗi cán bộ, đảng viên. Để ngăn chặn điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, trau dồi lý luận. Người chỉ rõ: “… có học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình...”8.

Hiện nay, không ít cán bộ, đảng viên đang xem nhẹ việc học tập, nghiên cứu lý luận, học một cách qua loa, chiếu lệ, một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức hết được giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh, thiếu lý luận khoa học để nhận thức và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống. Bởi vậy, trong tình hình hiện nay, các cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp cần tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giúp cán bộ, đảng viên nhận thức rõ về mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng, trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng

Công tác kiểm tra, giám sát có vai trò quan trọng trong việc giữ vững và nâng cao “tính đảng" cho mỗi cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “…muốn biết ai ra sức làm; ai làm cho qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo bao nhiêu khuyết điểm cũng lòi ra hết, hơn nữa, kiểm tra khéo, về sau nhất định khuyết điểm sẽ bớt đi…”9.

Để nâng cao “tính đảng” trong mỗi cán bộ, đảng viên, công tác kiểm tra, giám sát cần phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục và chặt chẽ hơn. Phải tiến hành kiểm tra toàn diện, gồm nhiều nội dung: việc đảng viên thực hiện Điều lệ Đảng, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, 19 điều đảng viên không được làm, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phẩm chất đạo đức, lối sống... Trong kiểm tra cần chú ý lắng nghe dư luận quần chúng, tiếp nhận ý kiến của Mặt trận tổ quốc, đoàn thể nhận xét, phê bình cán bộ, đảng viên theo định kỳ hoặc đột xuất. Cần coi trọng phát hiện các nhân tố tích cực, điển hình hay, việc làm tốt, từ đó cấp uỷ tổng kết, tuyên dương, khen thưởng và nhân rộng.

Tăng cường rèn luyện "tính đảng" cho cán bộ, đảng viên là trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, việc rèn luyện "tính đảng" cho cán bộ, đảng viên hiện nay cần phải gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

ThS.Võ Minh Ngọc - CN. Nguyễn Đức Nhuận

Giảng viên Khoa Lý luận Mác-Lênin,

Đại học Nguyễn Huệ, Bộ Quốc phòng

(Theo Tạp chí Xây dựng Đảng)

------------------

1, 2, 3, 4, 5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 307, 290, 307, 274, 275.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2011, tr. 85

7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 307.

8, 9. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 11, tr. 611, 327.

 

 

Bình luận