Rượu bia làm xói mòn văn hóa giao thông

Ngày đăng: 29/07/2013 - 14:07

Trong văn hóa truyền thống của dân tộc ta, rượu không chỉ là một thứ đồ uống phổ biến mà sản phẩm này còn mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tinh thần của người dân. Rượu không thể thiếu được trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của nhiều dân tộc Kinh, Mường, Dao, Tày, Nùng, Ba Na, Ê Đê… Hội làng, lễ cúng cơm mới, lễ đâm trâu hay trong những sự kiện của cộng đồng, dòng họ, gia đình, người ta đều dùng rượu như một chất kết dính tình cảm để tăng thêm đoàn kết và sức mạnh của con người. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, chén rượu đem lại niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng cùng với lời chúc sức khỏe, hạnh phúc.

Ruou bia lam soi mon van hoa giao thong

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông. Ảnh giaothongvantai.com.vn

Căn cứ vào các bằng chứng khảo cổ học thì con người bắt đầu sản xuất rượu cách đây khoảng 8.000 năm ở vùng Caucasus và Trung Đông, khoảng 7.000 năm ởIranvà khoảng 6.000 năm ở Trung Quốc. Ở nước ta, rượu xuất hiện trong đời sống sinh hoạt của người dân đã hàng ngàn năm. Các phương thức chưng cất, bảo quản và sử dụng rượu trong khi ăn uống hết sức phong phú, đa dạng. Đi kèm với rượu là các phương tiện sinh hoạt như cốc, chén, chai, lọ, các món ăn, món nhậu, cách rót, cách mời, không gian đối ẩm… Các phương thức sinh hoạt có uống rượu của người Việt Nam đã hình thành nên những nét đẹp văn hóa trong lối sống, nghệ thuật ứng xử, nghệ thuật ẩm thực, mà có thể gọi là “văn hóa rượu”, thực chất là văn hóa uống rượu (và bia). Có thể coi văn hóa rượu (hay văn hóa uống rượu bia) là tổng hợp các phương thức ứng xử xã hội giữa những người sử dụng rượu bia với nhau. Qua quá trình lịch sử, văn hóa rượu ngày càng thẩm thấu, ăn sâu, bám rễ vào đời sống thường nhật của các gia đình, cộng đồng. Rượu đi vào thi ca, huyền thoại, thưởng rượu trở thành thú chơi tao nhã được nâng lên mức nghệ thuật, tao nhân mặc khách bên cạnh bầu rượu còn có “túi thơ”: “Chén vui nhớ buổi hôm nay/ Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau” (Truyện Kiều). Dân ta thường nói: “Khách đến nhà không trà thì rượu”, “Namvô tửu như kỳ vô phong”. Rượu thực sự trở thành một sản phẩm văn hóa xét cả về mặt vật chất cũng như tinh thần. Trong thời đại ngày nay, rượu bia càng không thể thiếu trong danh mục ẩm thực của mọi vùng, miền trên khắp đất nước.

Những năm qua, nhu cầu sử dụng rượu bia ở nước ta tăng nhanh. Ước tính trong năm 2011, hơn 350 cơ sở sản xuất bia trên toàn quốc xuất xưởng khoảng 2,5 tỷ lít bia, lượng rượu tiêu thụ khoảng 400 triệu lít. Không thể thống kê chính xác số lượng cơ sở sản xuất rượu vì có những nơi nhà nhà nấu rượu, người người uống rượu. Rượu bia được bày bán khắp nơi mà không cần cấp phép. Có lẽ ở nước ta, ai cũng có thể nấu rượu, kinh doanh rượu và ai cũng có thể uống rượu. Điều đáng nói là, lượng rượu bia tiêu thụ càng tăng thì “văn hóa rượu” ngày càng méo mó, xuống cấp do tình trạng uống rượu bia quá nhiều, tùy tiện, ứng xử vô văn hóa trong và sau khi uống rượu bia. Theo Tổng cục Dân số, kế hoạch hóa gia đình, rượu là nguyên nhân trực tiếp gây ra 60% số vụ bạo lực gia đình. Ngành y tế cảnh báo về sự gia tăng số người bị các chứng bệnh nan y như xơ gan, giảm trí nhớ, bệnh tim mạch, bệnh u xơ... do uống rượu. Hậu quả về kinh tế là hàng trăm tỷ đồng rót vào sản xuất và nhập khẩu bia rượu, và nhiều tỷ đồng chi cho khám, điều trị bệnh tật. Bình quân, Nhà nước cứ thu được 1 đồng từ thuế bán bia rượu thì phải chi mất 2 đồng để khắc phục hậu quả do bia rượu gây ra. Khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông xảy ra khi chủ phương tiện đã uống rượu bia và 11% số người chết khi lưu thông trên đường có liên quan đến rượu, bia. Sau những tai nạn như thế, không ít người từ lao động chính trở thành kẻ ăn bám trong gia đình. Đó là chưa kể, sự sa sút về sức khỏe ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, về lâu dài sẽ làm suy thoái giống nòi.

Đáng sợ hơn khi thế hệ trẻ trở thành nạn nhân trực tiếp của rượu bia. Một nghiên cứu khoa học cho thấy cứ 761 trẻ trong các gia đình có bố hoặc mẹ nghiện rượu bia thì có 322 trẻ đần độn, 155 trẻ bị bệnh tâm thần.Namgiới uống rượu trước khi sinh hoạt tình dục chẳng những làm tăng khả năng sảy thai mà còn có thể ảnh hưởng đến việc phát triển của đứa con sinh ra. Người mẹ uống rượu trong thời gian mang thai dễ sinh ra những đứa trẻ bị khuyết tật về trí tuệ. Những đứa trẻ bị hội chứng thai nhi rượu thường phát triển chậm, thấp lùn và gầy gò. Những tác hại dễ nhận thấy đối với trẻ sau sinh là tình trạng dễ bị nhiễm trùng, khó ngủ, cơ bắp kém phát triển và gặp các vấn đề về tiêu hóa. Về mặt hình thể, dễ nhận thấy hội chứng thai nhi rượu sẽ làm mắt trẻ nhỏ dần lại, mũi ngắn, môi trên mỏng, cùng với những bất thường ở tai, miệng và răng. Đứa trẻ cũng kém thông minh, kém phát triển về ngôn ngữ, khả năng thích nghi thấp và khó hòa đồng, hoặc có tính tình nóng nảy, khó dạy, tự kỷ... Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể bị ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần, mất trí và không nhận thức được. Nhiều trẻ còn có hành vi chống lại xã hội và trở thành tội phạm nguy hiểm. Vậy câu trả lời về tội phạm trẻ em, về những vụ tội phạm trẻ em “bỗng dưng” giết người có thể tìm thấy phần nào từ bia rượu.

Từ thời Pháp thuộc, rượu bia và ma túy đã được xác định là những tác nhân đầu độc giống nòi. Ngày nay, đại nạn rượu bia đang làm suy đồi đạo đức, làm băng hoại pháp luật và là nguồn gốc của nhiều tệ nạn xã hội khác. Số người loạn thần do lạm dụng rượu cao gần gấp đôi bệnh trầm cảm hay rối loạn lo âu. Nhiều người sau khi uống rượu trở nên dễ giận dữ, muốn gây gổ và xuất hiện hoang tưởng, ảo giác. Phần lớn những người nghiện rượu mất dần các thói quen tốt, trở nên ích kỷ, sống thiếu trách nhiệm với gia đình, con cái và xã hội, cái ác trong họ có điều kiện trỗi dậy. Trực tiếp hay gián tiếp, rượu bia đang làm cho một xã hội có kỷ cương trở nên sa đọa, đe dọa hạnh phúc của các gia đình. Có vô số vụ án do rượu gây ra trong thời gian qua. Chỉ vì rượu và 20.000 đồng, Nguyễn Văn Luôn Em (Bến Tre) đã ra tay sát hại chính người em trai của mình, Nguyễn Thái Phát (TP. Hồ Chí Minh) đâm chết bạn khi 17 tuổi… Văn hóa rượu không chỉ bị méo mó mà việc tiêu thụ rượu bia không có kiểm soát còn gây ra tổn thất to lớn về người và của. Chỉ trong chín ngày Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, toàn quốc có hơn 700 người bị chết và bị thương (theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia), cao hơn nhiều so với những năm trước. Số người bị ngộ độc rượu trong các bệnh viện tăng vọt.

Rượu bia không giúp kéo dài tuổi thọ mà làm giảm thời gian sống khỏe. Nếu như mỗi người dân nước ta có tới 12 năm ốm đau trong đời thì không ít người ốm vì rượu. Chúng ta đã đề ra các chiến lược về nâng cao sức khỏe, thể chất, nhưng chưa có chiến lược để giảm tiêu thụ rượu bia. Chẳng hạn như chiến lược nâng cao tầm vóc người Việt Nam chưa có nội dung nào nói đến hạn chế rượu bia của các bậc cha mẹ, cấm trẻ em uống rượu bia, trong khi đó, độ tuổi của người uống rượu bia ngày càng trẻ. ở Na Uy có nhiều địa phương cấm hẳn rượu bia. Ai muốn mua phải đi hàng trăm cây số sang tỉnh khác. Còn ở Phần Lan, người ta quản lý đến từng lít rượu. Luật nước này quy định, người từ 18 tuổi trở lên mới được mua đồ uống có pha chế cồn và từ 20 tuổi trở lên mới được phép mua rượu mạnh. Tại các điểm bán, người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ hợp lệ về độ tuổi của mình. Các tiệm bán bia rượu phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép và kiểm tra nghiêm ngặt. Giá bia rượu ở Phần Lan rất đắt vì trong giá bán có cả chi phí chăm sóc sức khỏe cho người uống rượu bia. Một chai rượu có giá 4 euro ở Extônia được bán với giá 14 euro trong các cửa hàng rượu ở nước láng giềng Phần Lan.

Trong hơn 20.000 cơ sở sản xuất rượu có đăng ký ở nước ta, chỉ khoảng 10% công bố tiêu chuẩn chất lượng. Rất nhiều loại rượu vô danh có hàm lượng độc tố aldehyde, methanol rất cao vẫn được bày bán công khai. Năm 2012, cơ quan quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai kiểm tra và phát hiện gần 60.000 lít rượu nhập khẩu không có giấy tờ, hóa đơn. Số rượu này được chiết sang túi nilông loại 4 lít, cho vào bình, dán tem nhập khẩu giả để bán với giá cao. Nhưng đó chỉ là một trong hàng nghìn điểm “chế” rượu. Trong khi chưa có giải pháp hữu hiệu cấm hay hạn chế sản xuất rượu bia, thì các cơ quan chức năng cần tích cực quản lý chất lượng rượu bia ngay từ khâu sản xuất và nhập khẩu. Tình trạng nhậu nhẹt không có điểm dừng cần được coi là một loại tệ nạn xã hội. Chẳng hạn như coi việc uống rượu là phương pháp vận động quần chúng hiệu quả. Có người cho rằng sinh hoạt đoàn thể phải lấy hơi men để khơi dậy tính tích cực xã hội, lấy uy tín, phiếu bầu. Không ít người lợi dụng rượu bia để tạo uy tín cho cá nhân mình, hạ thấp uy tín người khác, tạo nên sự mù mờ giữa tình cảm với trách nhiệm và nghĩa vụ; lợi dụng rượu cho các mục đích vụ lợi, đầu cơ chính trị, tranh thủ hợp đồng làm ăn... Do đó, cần bổ sung các quy định pháp luật về kinh doanh rượu bia và tiêu thụ rượu bia. Các cơ quan, tổ chức, các tổ dân cư, khu phố, làng, xã, bản, phum, sóc cần xốc lại nếp sống văn hóa, văn minh, đề ra các biện pháp, chỉ tiêu cụ thể nhằm hạn chế uống rượu bia.

Nghị định số 40/2008/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu phải có giấy phép, trừ trường hợp sản xuất rượu thủ công tự tiêu dùng. Các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu có trách nhiệm cung cấp thông tin về sản phẩm rượu của mình theo yêu cầu của cơ quan chức năng và trên các phương tiện thông tin đại chúng về thành phần, hàm lượng, tác hại của việc lạm dụng rượu. Nghị định này còn quy định rõ việc cấm các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu như: “Sản xuất, mua bán, tiêu thụ sản phẩm rượu nhập lậu, rượu giả, rượu nhái nhãn mác, kiểu dáng, không đảm bảo chất lượng theo các quy định của pháp luật”. “Lưu thông, tiêu thụ các sản phẩm không ghi nhãn bao bì, không đăng ký chất lượng sản phẩm, rượu nhập khẩu không dán tem theo quy định của pháp luật”. “Bán rượu cho người dưới 18 tuổi...”1. Cứ theo các quy định này thì xử phạt không xuể. Muốn xoay chuyển tình hình có lẽ phải mở một cuộc chiến toàn diện mới mong kiểm soát được tình hình.

Trong khi tuyên truyền về tác hại của thuốc lá dày đặc, thậm chí Quốc hội đã thông qua Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, thì vấn đề tiêu thụ rượu bia vẫn còn bị bỏ ngỏ. Chương trình nghị sự của Quốc hội khóa XIII chưa có dự án luật về rượu, có thể bổ sung dự án luật được không khi vấn nạn rượu đã trở thành đại nạn? Hiện nay, các quy định của pháp luật về bán rượu như thế nào, bán cho ai, liều lượng bao nhiêu… đều thiếu. Có người lý sự rằng, đã có 19 điều đảng viên không được làm, có quy định cấm công chức uống rượu bia trong giờ làm việc. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế xã hội hiện nay, không ai dám nói rằng các quy định trên được thực hiện nghiêm túc. Do đó, Quốc hội cần sớm nghiên cứu ban hành luật về kinh doanh và tiêu thụ rượu bia. Mặt khác, muốn khống chế được “quốc nạn” tai nạn giao thông, không thể không nghĩ tới việc hạn chế “đại nạn” rượu bia. Sự xuống cấp trong văn hóa ứng xử khi có sử dụng rượu, bia đòi hỏi các ngành chức năng phải vào cuộc mạnh mẽ để bảo vệ thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo tồn nòi giống và xây dựng xã hội văn minh.

 

HÀ HỒNG HÀ

Báo Nhân dân

 

1. Nghị định số 40/2008/NĐ-CP, ngày 7-4-2008 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu.

Bình luận