Sự lãnh đạo của Đảng trong chuẩn bị và tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên

Ngày đăng: 07/01/2016 - 10:01

70 năm trước, vượt lên những khó khăn của tình thế cách mạng “ngàn cân treo sợi tóc” với thù trong giặc ngoài, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 06-01-1946 đã được tổ chức thành công trên phạm vi cả nước. Không chỉ là sự cụ thể hóa quyền làm chủ của đông đảo quần chúng nhân dân, thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội chính thức khóa I còn là mốc son lịch sử của thể chế dân chủ ở Việt Nam, đồng thời cũng là minh chứng khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta gắn với những thời điểm lịch sử quan trọng đặc biệt.

32f4b9358f81a5bd21caf6e427762565

Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liệu.

Chủ động chuẩn bị chu đáo, tích cực

Với tầm nhìn chiến lược, để đáp ứng những đòi hỏi khách quan của lịch sử, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức chủ động trong việc chuẩn bị mọi mặt để có thể sớm tổ chức Tổng tuyển cử. Một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề xuất một trong 6 nhiệm vụ cấp bách là nhanh chóng tiến hành bầu cử. Theo Người, cần “tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu để bầu ra Quốc hội. Quốc hội đó là cơ quan có quyền lực cao nhất của nhân dân sẽ cử ra một Chính phủ thật sự của toàn dân và định cho nước Việt Nam một hiến pháp dân chủ”1. Chưa đầy một tuần sau, ngày 8-9-1945, Chính phủ lâm thời đã ban hành sắc lệnh đầu tiên (Sắc lệnh số 14), chính thức ấn định sau hai tháng sẽ tổ chức tổng tuyển cử. Tiếp đó, ngày 26-9-1945, Sắc lệnh số 39 về lập Ủy ban dự thảo thể lệ tổng tuyển cử được ban hành. Và trong thời gian một tháng rưỡi, Ủy ban này đã soạn xong bản dự thảo để Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 51 về Thể lệ tổng tuyển cử với những nội dung bảo đảm tính dân chủ, tự do, khách quan. Đến ngày 18-12-1945, Chính phủ lâm thời tiếp tục ban hành Sắc lệnh số 76, quyết định hoãn cuộc tổng tuyển cử đến ngày 6-1-1946 để nhân sĩ, trí thức có thêm thời gian nộp đơn ứng cử và vận động tranh cử. Rõ ràng, chỉ trong một thời gian rất ngắn, trong điều kiện phải đối mặt với bộn bề khó khăn nhưng Đảng và Chính phủ lâm thời đã có sự chuẩn bị rất chu đáo cho cuộc tổng tuyển cử.

Đặc biệt, nội dung Sắc lệnh số 14 và Sắc lệnh số 51 đã quy định một cách hết sức cụ thể, triệt để về các vấn đề liên quan đến tổng tuyển cử. Từ những quy định về nguyên tắc tự do bầu cử, ứng cử của công dân đến nguyên tắc bầu cử phổ thông đầu phiếu, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín,... tất cả đều được quy định rõ trong các sắc lệnh do Chính phủ lâm thời ban hành để chuẩn bị cho tổng tuyển cử. Lịch sử cho thấy, “hiếm có một quốc gia nào vừa giành được độc lập, với biết bao khó khăn đang chồng chất lại dám quyết định tổ chức một cuộc tổng tuyển cử thật sự dân chủ và sớm ban bố những sắc lệnh về tổng tuyển cử như nước Việt Nam”2. Đây chính là những cơ sở quan trọng để mỗi công dân có điều kiện thực hiện đầy đủ quyền dân chủ. Do vậy, những nguyên tắc này đã nhanh chóng được mọi người đón nhận và được thực hiện rộng rãi trong cuộc tổng tuyển cử ngày 6-1-1946. Công tác tuyên truyền được thực hiện có hiệu quả ở các địa phương trong cả nước đã góp phần quan trọng vào thành công của cuộc yổng tuyển cử đầu tiên.

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Từ thực tiễn kinh nghiệm 15 năm tổ chức và lãnh đạo cách mạng Việt Nam (1930-1945), để chuẩn bị cho yổng tuyển cử, Đảng ta đã thường xuyên vận dụng có hiệu quả bài học đại đoàn kết. Trước những âm mưu phá hoại của các thế lực ngoại xâm và các phần tử phản động trong nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được Đảng ta không ngừng củng cố qua đó tạo nên sức mạnh nội lực quan trọng góp phần vào thành công của cuộc tổng tuyển cử ngày 6-1-1946. Theo đó, mọi người thuộc mọi tầng lớp đều được Đảng, Chính phủ lâm thời kêu gọi tham gia thực hiện quyền công dân: “hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không phân chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”3. Chủ trương này đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ quá trình chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức Tổng tuyển cử. Mọi giới hạn, khác biệt về giai tầng, tôn giáo, xu hướng chính trị,... đều đã được gác lại để cùng hướng đến một điểm chung nhất là khơi dậy và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực tiễn cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đã chứng minh tính đúng đắn, hợp lý của việc coi trọng sức mạnh đại đoàn kết. Quốc hội khóa I được bầu ra từ cuộc tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 không chỉ là Quốc hội độc lập dân tộc, Quốc hội dân chủ mà còn là Quốc hội đoàn kết toàn dân. Quốc hội khóa I đã tập hợp khá đầy đủ các đại biểu ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam; đại diện cho hầu hết các giai tầng trong xã hội như công nhân, nông dân, nhân sĩ, trí thức... Tham gia Quốc hội khóa I còn có cả những người không đảng phái, những người thuộc các đảng phái chính trị - xã hội khác nhau và những người vốn là quan lại trong chế độ cũ... Như vậy, bài học đại đoàn kết toàn dân tộc đã một lần nữa được Đảng ta phát huy cao độ, qua đó tạo thành sức mạnh to lớn để đưa cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đi đến thắng lợi trên phạm vi cả nước, tạo tiền đề thuận lợi cho việc xây dựng và hoàn thiện một nhà nước dân chủ, cách mạng.

Kịp thời động viên ý thức làm chủ của đông đảo quần chúng nhân dân

Đây chính là yếu tố có tính quyết định trực tiếp đến kết quả tổng tuyển cử. Bởi lẽ, trong bối cảnh “thù trong giặc ngoài” đang tìm mọi cách lật đổ Chính phủ lâm thời, tình hình cách mạng ở vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”, nếu không động viên ý thức làm chủ của nhân dân thì khó có thể tổ chức tổng tuyển cử đúng theo kế hoạch. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết... Tôi mong rằng toàn thể quốc dân sẽ hăng hái tham gia cuộc Tổng tuyển cử lần này”4. Trong “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu”, ngày 5-1-1946, Người nhấn mạnh: “Ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình... Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”5.

Phát huy tốt ý thức làm chủ của mọi công dân, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đông đảo cử tri trong cả nước đã hăng hái tham gia thực hiện quyền làm chủ của mình. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đã thực sự trở thành ngày hội của quần chúng nhân dân, bất chấp những hoạt động phá hoại điên cuồng của các lực lượng phản động, thù địch. Với tinh thần yêu nước nồng nàn cùng ý thức của những người làm chủ, nhân dân ta từ Bắc chí Nam, trên khắp mọi miền Tổ quốc đã nô nức tham gia bầu cử. Tại nhiều nơi, bọn phản động sử dụng cả vũ trang nhằm phá hoại, ngăn cản cử tri đi bầu cử như tại Sài gòn - Chợ Lớn kẻ thù đã sát hại 42 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tổng tuyển cử; tại Nha Trang, thực dân Pháp huy động máy bay bắn phá các khu vực bỏ phiếu làm hàng chục người thương vong,... Song, nhìn chung trên phạm vi cả nước, nhờ động viên ý thức làm chủ của người dân nên cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đã thu được những thắng lợi to lớn. Kết quả, với ý thức làm chủ mạnh mẽ, đã có 89% cử tri cả nước tham gia bầu cử. Cử tri ở khắp mọi miền từ vùng tự do đến vùng bị địch tạm chiếm, từ nông thôn đến thành thị,... đã dân chủ bỏ phiếu bầu được 333 đại biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cả dân tộc. Trong đó, có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% không đảng phái; có 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu đại diện cho đồng bào các dân tộc thiểu số6.

Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6-1-1946, bầu ra Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trở thành một mốc son quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong việc củng cố nền độc lập dân tộc và thực hiện thể chế dân chủ thực sự. Với thành công này, toàn bộ quyền lực thực sự đã thuộc về nhân dân, những cử tri đã không quản hy sinh, quyết tâm thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc đi bầu cử. Đây cũng là thắng lợi của tinh thần yêu nước, thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Như lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, ngày 2-3-1946, “Tổng tuyển cử là kết quả của sự đoàn kết anh dũng của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của đồng bào không kể già trẻ lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh, không sợ nguy hiểm”7.

70 năm đã trôi qua cùng bao thăng trầm của lịch sử nhưng thắng lợi to lớn của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Thành công của tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 đã đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một trang sử mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất với thể chế dân chủ thực sự cho mọi công dân. Đồng thời, thắng lợi to lớn của của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên cũng khẳng định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với những quyết sách kịp thời, đúng đắn trên cơ sở phát huy truyền thống yêu nước nghìn đời của dân tộc; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và vai trò làm chủ của nhân dân. Đó là bài học lịch sử có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay./.

Tạ Quang Đạo - Mai Xuân Hưởng

(Theo TCCS)

 

Chú thích:

1, 3, 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 8, 133, 145.

2. Bác Hồ với Quốc hội và bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr. 18.

4. Ý nghĩa Tổng tuyển cử, Báo Cứu quốc, số 130, ngày 31-12-1945.

6. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 - một mốc son lịch sử nhảy vọt về thể chế dân chủ, Báo Nhân dân, ngày 08-12-2005.

7. Bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa I, Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 28.

 

 

 

Bình luận