Sức mạnh của Ðảng là ở lòng tin của dân
Khối rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: ÐÌNH NAM
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng muốn thắng lợi trước hết phải có Ðảng; Ðảng muốn trong sạch, vững mạnh thì việc phải làm trước tiên và xuyên suốt là chỉnh đốn Ðảng. Người đã cảnh báo, cán bộ, đảng viên có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp "dĩ công vi tư"(1). Vì vậy, xây dựng Ðảng là vấn đề then chốt, là đòi hỏi tất yếu khách quan của sự nghiệp cách mạng và của chính bản thân Ðảng. "Ðảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy".
Xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh không phải là một khẩu hiệu hay lời nói suông. Vai trò lãnh đạo của Ðảng phải được thể hiện trên cả bình diện lý luận lẫn thực tiễn. Không được phủ nhận luận điểm kinh điển về Ðảng Cộng sản, tức là đảng của giai cấp công nhân mà cốt tủy là thể hiện cho được ý nghĩa tiên phong, gương mẫu, đi đầu, nhưng tiên phong không có nghĩa là đứng trên, đứng xa, đứng ngoài mà là đứng trong đội ngũ quần chúng, lôi cuốn quần chúng, thuyết phục và giành được tín nhiệm của quần chúng.
Xây dựng Ðảng trên sự đúng đắn, hiệu quả và tín nhiệm là căn cứ thích hợp nhất với diễn biến của lịch sử, với trình độ ngày càng cao của nhân dân và của nền dân chủ. Nó phù hợp với sự phát triển của xã hội loài người, của thời đại.
Sức mạnh của Ðảng là ở lòng tin của dân, lòng tin đó được xây đắp bền vững chính là ở chỗ Ðảng quán triệt đường lối nhân dân, sự nghiệp cách mạng là của dân, do dân và vì dân. Chân lý thật giản đơn: Có dân là có tất cả. Mất lòng tin của dân là mất hết. Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra.
Tư duy bao trùm của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng Ðảng là một luận điểm sáng tạo: "Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Ðảng ta là Ðảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đày tớ trung thành của nhân dân"(2).
Những nguyên tắc cơ bản về xây dựng Ðảng như: lấy chủ nghĩa Mác - Lênin "làm cốt", tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, kỷ luật nghiêm minh tự giác, giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Ðảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau... là những điều thiêng liêng mà Bác Hồ suốt đời coi trọng, hiện nay càng phải đặc biệt quan tâm, vì đó là những điều "bất biến" trong một thế giới "vạn biến".
Tuy nhiên, xây dựng Ðảng là sáng tạo. Sức mạnh và uy tín của Ðảng được đo bằng lòng tin của dân. Vì vậy, Ðảng và đảng viên phải là người đày tớ thật trung thành của nhân dân, có làm được người đày tớ trung thành thì mới làm được người lãnh đạo. Sứ mệnh cũng là giá trị và hạnh phúc lớn nhất của người đảng viên, cán bộ là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân. Ðảng phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ trung thành của nhân dân. Mà "lãnh đạo là làm đày tớ nhân dân và phải làm cho tốt"(3).
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI đã chỉ rõ "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc... Những sự thoái hóa biến chất đó kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước, thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Ðảng và sự tồn vong của chế độ". Bộ phận cán bộ đó là trở lực phức tạp nhất trên con đường phát triển của đất nước.
Suy thoái đạo đức là khởi điểm cho mọi suy thoái. Thực tiễn đòi hỏi Ðảng cần phải chống cho được sự tha hóa, biến chất trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; phải nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, đổi mới mạnh mẽ phương thức cầm quyền của Ðảng. Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Vì vậy, phải xác định cầm quyền do dân và vì dân. Ðảng phải củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Ðảng, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Ðảng với dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ðảng phải nhận thức được những chỗ mạnh và chỗ yếu của mình, mạnh thì phát huy, yếu thì vạch rõ nguyên nhân, tìm mọi cách khắc phục, tuyệt đối không được giấu giếm khuyết điểm. Bởi vì một Ðảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Ðảng hỏng. Theo tinh thần Hồ Chí Minh, Ðảng phải "dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta"(4).
Nghị quyết Trung ương 4 đưa nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên lên hàng đầu trong công tác xây dựng Ðảng hiện nay. Ðảng phải thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; tăng cường giáo dục, thuyết phục làm cho cán bộ, đảng viên thấm nhuần lý tưởng của Ðảng. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Nếu không xử phạt thì mất cả kỷ luật, sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Kỷ luật đảng cũng như pháp luật "phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì"(5).
Xây dựng Ðảng hiện nay dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng với việc tập trung vào các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, cần đặc biệt chú trọng xây dựng Ðảng về văn hóa, đạo đức. Sự mạnh, yếu của Ðảng liên quan đến việc cán bộ, đảng viên có giữ được tư cách của người cách mạng hay không. Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh khẳng định cán bộ, đảng viên phải suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; làm người công bộc, tận tụy trung thành của nhân dân; đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị; trung thực, trách nhiệm; gắn bó với nhân dân; chống chủ nghĩa cá nhân; nói đi đôi với làm. Ðó là những điều cốt tử về đạo đức của cán bộ, đảng viên một Ðảng chân chính cách mạng.
--------------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.5, tr.641.
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t.10, tr.323.
(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.222.
(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.297.
(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.641.
PGS, TS. BÙI ÐÌNH PHONG
Theo Báo Nhân dân
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực