Sức mạnh của ngoại giao văn hóa trong thời kỳ mới

Ngày đăng: 13/02/2015 - 11:02

sucmanhcuangoaigiaovanhoa

Đêm Gala dinner Những ngày Việt Nam tại UAE tại Thủ đô Abu Dhabi (15-12-2014). Ảnh: Á Phi.

Sự kết hợp giữa nhận thức về vai trò của văn hóa và nhận thức về sự cần thiết đẩy mạnh hội nhập quốc tế đã đưa ngoại giao văn hóa thực sự trở thành một trong ba trụ cột của nền ngoại giao hiện đại Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu chủ trương: "Triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại"1, đồng thời đề cập trực tiếp đến vai trò của ngoại giao văn hóa: "Phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân; giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa” 2

Ngoại giao và văn hóa là hai lĩnh vực gắn bó chặt chẽ với nhau. Văn hóa vừa là nền tảng, vừa là công cụ, mục tiêu cho các hoạt động ngoại giao. Ngoại giao văn hóa có thể hiểu là sự vận dụng, phát huy văn hóa để làm tốt công tác ngoại giao, cũng là sử dụng ngoại giao để tôn vinh và bảo vệ văn hóa.

Vai trò quan trọng của văn hóa ngày càng được thừa nhận rộng rãi hơn trên thế giới và ở Việt Nam. Gần đây, trước thực tế nhiều nước có thể không đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc đúng thời hạn năm 2015, các nước, các tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), thấy rõ hơn sự cần thiết của một cách tiếp cận toàn diện hơn khi giải quyết các vấn đề chung của toàn cầu, phải “đặt văn hóa vào trung tâm của chính sách phát triển bền vững”3. Bởi vì văn hóa có thể tạo ra một hệ thống các giá trị cho con người, góp phần khơi nguồn sáng tạo, đổi mới và là cầu nối giữa di sản, kinh nghiệm của các thế hệ trước và các thế hệ tương lai. Tại Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (6-2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”4.

Sự kết hợp giữa nhận thức về vai trò quan trọng của văn hóa với nhận thức về sự cần thiết đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện của đất nước đã đưa ngoại giao văn hóa thực sự trở thành một trong ba trụ cột (trụ cột chính trị, trụ cột kinh tế và trụ cột văn hóa) của nền ngoại giao Việt Nam ngày nay.

Ngoại giao văn hóa thực ra đã được thực hành từ lâu. Nhiều nước sử dụng văn hóa trong ngoại giao như “quyền lực mềm” để bảo vệ lợi ích quốc gia và nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Trong lịch sử, cha ông chúng ta cũng đã vận dụng tài tình các phương cách ngoại giao văn hóa trong dựng nước và giữ nước. Khi xưa, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, với tài ngoại ngữ, am hiểu nhiều phong tục tập quán, đã giúp nhà Trần thu phục được nhân tâm của các dân tộc và sứ thần nước khác, giành chiến thắng mà không mất một mũi tên. Sử sách cũng lưu lại bài học “vừa đánh vừa đàm”, khi Thái úy Lý Thường Kiệt cử “biện sỹ bàn hòa”, là ngoại giao “chẳng đánh mà người chịu khuất, ta đây mưu phạt tâm công” của Nguyễn Trãi. Những tư tưởng nhân văn trong lịch sử ngoại giao của dân tộc được thể hiện trong những cách ứng xử tài tình như “dĩ bất biến ứng vạn biến” và phong cách giao tiếp đối ngoại đậm chất nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoại giao văn hóa là những hoạt động quảng bá hình ảnh dân tộc Việt Nam anh hùng, văn hiến, yêu chuộng hòa bình để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế đối với sự nghiệp chính nghĩa đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Đó cũng là những hoạt động góp phần khai thông quan hệ và góp phần thúc đẩy những tư tưởng tiến bộ của thế giới trong công cuộc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh.

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới và thành công của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế đã tạo những điều kiện quan trọng để chúng ta đẩy mạnh ngoại giao văn hóa hiệu quả, đa dạng hơn. Hội nghị ngoại giao lần thứ 25 (11-2006) xác định ngoại giao văn hóa là một trong ba trụ cột quan trọng của ngoại giao Việt Nam, bên cạnh ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Từ đây việc tổng kết kinh nghiệm, xây dựng lý luận, định hướng phát triển cho công tác ngoại giao văn hóa đã được tích cực triển khai, trước hết tại Bộ Ngoại giao. Ngày 14-2-2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020 tạo cơ sở pháp lý và động lực mới cho công tác này trên phạm vi cả nước và các cấp bộ, ngành, địa phương.

Mục tiêu của Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020 là “làm cho thế giới hiểu biết hơn về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, tăng cường xây dựng lòng tin với các quốc gia trên thế giới, đưa quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững, qua đó nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động ngoại giao văn hóa cũng góp phần tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống của đất nước”5.

Nội hàm ngoại giao văn hóa được xác định gồm các hướng hoạt động chính là góp phần mở đường, khai thông quan hệ với các nước và khu vực chưa có nhiều quan hệ với ta; xúc tiến, tăng cường và làm sâu sắc hiểu biết với các quốc gia; quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế; vận động để Việt Nam có nhiều di sản được UNESCO công nhận và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Quá trình thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020, đã đạt được những kết quả tích cực, trong đó nổi bật là:

Một là, một số chủ trương, chính sách mới, cụ thể về công tác ngoại giao văn hóa. Để thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã ký Quyết định số 777/QĐ-BNG ngày 2-4-2013 ban hành “Kế hoạch hành động của Bộ Ngoại giao triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020”, nêu cụ thể các yêu cầu, nội dung công việc của các đơn vị trong Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, tích cực phục vụ chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Nhiều bộ, ngành và địa phương đã xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện Chiến lược.

Hai là, góp phần khai thông, tạo thêm cơ sở bền chắc, thắt chặt quan hệ giữa Việt Nam với các nước. Các giá trị văn hóa Việt Nam được quảng bá qua nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, giới thiệu các sản phẩm văn hóa nhân các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao của ta tới các nước và lãnh đạo các nước đến Việt Nam. Một trong những hình thức hoạt động mới là tổ chức các sự kiện Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài nhân các sự kiện lớn, nhân dịp kỷ niệm năm chẵn, năm tròn ngày thiết lập quan hệ giữa Việt Nam và các nước để tăng cường sự hiểu biết nhiều mặt về đất nước Việt Nam, kết hợp các nội dung văn hóa, kinh tế, đối ngoại, chuyển tải thông điệp phù hợp tới từng nước, đối tượng khác nhau. Đó là một loạt các hoạt động văn hóa thường xuyên tại các nước láng giềng gần gũi như Lào, Campuchia, hay các hoạt động quy mô lớn kỷ niệm Năm Pháp tại Việt Nam (2013), Năm Việt Nam tại Pháp (2014), và dự kiến là Năm Việt Nam tại Hoa Kỳ (2015), các hoạt động sôi động tại Italia, Đức, Anh, Nga, Nhật Bản... đã thu hút sự quan tâm của các giới chính trị, kinh doanh, các tầng lớp xã hội khác, bà con kiều bào ta ở nước ngoài, thông tấn báo chí, tạo nên hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trong công chúng và nhiều lĩnh vực. Ở đây, có thể nhắc đến những minh họa cụ thể như: trình diễn Nhã nhạc cung đình Huế - di sản văn hóa thế giới của Việt Nam tại Hoàng cung Nhật Bản, vừa quảng bá cho tinh hoa văn hóa dân tộc ta, vừa cho thấy những nét tương đồng giữa Nhã nhạc Việt Nam và Nhạc cung đình Nhật, tạo điều kiện tăng cường quan hệ gần gũi giữa hai nước, hai dân tộc. Hoạt động Ngày Việt Nam mới đây (12-2014) tại Qatar và Các tiểu vương quốc Ảrập gửi lời chào thân thiện và giới thiệu bức tranh đẹp đẽ về đất nước Việt Nam tới Trung Đông, một vùng đất của thế giới mà chúng ta mong muốn mở rộng hơn các mối quan hệ hợp tác...

Ba là, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới, góp phần thu hút đầu tư, du lịch đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, Việt Nam đã có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 9 di sản văn hóa phi vật thể thế giới, 4 di sản tư liệu khu vực và thế giới, 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới và 1 công viên địa chất toàn cầu. Việc chuẩn bị các hồ sơ giới thiệu và làm việc để UNESCO cùng các quốc gia thành viên UNESCO công nhận các danh hiệu mới có ý nghĩa hiệu quả, thiết thực vì không những góp phần gìn giữ sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa Việt Nam, đóng góp cho kho tàng văn hóa nhân loại, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, tăng sức lôi cuốn của Việt Nam đối với khách du lịch và doanh nhân các nước, thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó là các hoạt động hiệu quả khác như giới thiệu về Việt Nam đến bạn bè quốc tế ngay trên đất nước ta qua các lễ hội truyền thống, các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, các hoạt động văn hóa đa dạng của các địa phương. Festival Huế nay trở thành một thương hiệu có sức cuốn hút đối với đoàn ngoại giao tại Việt Nam, với bạn bè và khách du lịch quốc tế.

Bốn là, Việt Nam đã tiếp thu, vận dụng kinh nghiệm thế giới phục vụ cho quá trình hoạch định chính sách phát triển đất nước, trong đó nổi bật là việc xác định vai trò của văn hóa trong phát triển và tiếp thu những ý tưởng, kinh nghiệm phù hợp như về giáo dục vì phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, qua đó góp phần thay đổi tư duy, xây dựng định hướng phát triển trong các lĩnh vực liên quan, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Việc tăng cường giao lưu, trao đổi văn hóa, nghệ thuật với quốc tế đã tạo cơ hội, điều kiện để những người làm công tác văn hóa, nghệ thuật và công chúng Việt Nam được thưởng thức những tinh hoa văn hóa thế giới và qua đó chắt lọc những cái hay, cái đẹp làm giàu thêm cho nền văn hóa Việt Nam.

Năm là, ngoại giao văn hóa đã tích cực bảo vệ các quyền lợi, quan điểm về văn hóa của Việt Nam, đồng thời đóng góp cho việc xây dựng các định hướng văn hóa, các “luật chơi” chung trong lĩnh vực này tại các diễn đàn văn hóa thế giới. Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương Việt Nam “là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, chúng ta đã chủ động tham gia và đóng góp trên các diễn đàn văn hóa quốc tế, nhất là tại UNESCO - tổ chức văn hóa lớn nhất của thế giới. Chúng ta đã tích cực góp thêm tiếng nói khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa đối với phát triển bền vững, với việc xây dựng, sửa đổi hướng dẫn các công ước văn hóa quan trọng như Công ước bảo vệ di sản thế giới (1972), Công ước bảo vệ di sản thế giới phi vật thể (2003), Công ước bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa (2005). Việt Nam đã ứng cử và đảm nhiệm tốt các cương vị quan trọng như thành viên Ủy ban Di sản thế giới, Phó Chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2005 của UNESCO, Phó Chủ tịch Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng chủ trì Nhóm công tác Văn hóa, Thanh niên, Giới và Thể thao tại Diễn đàn Đông Á - Mỹ Latinh. Trong bối cảnh chuẩn bị cho sự hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, trong đó có Cộng đồng văn hóa - xã hội, Việt Nam cũng đã chủ động, tích cực đưa ra nhiều sáng kiến phối hợp với các nước ASEAN một cách hết sức có trách nhiệm để hoàn thành mục tiêu chung của tổ chức.

Mặc dù nhận được sự quan tâm ngày càng cao của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cho đến nay, việc triển khai thực hiện ngoại giao văn hóa vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là nhận thức về tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa chưa đồng đều ở các cấp bộ, ngành, địa phương nên Chiến lược Ngoại giao văn hóa còn chưa được triển khai một cách đồng bộ. Thứ hai là sự phân công, phối hợp công tác giữa các cơ quan liên quan đôi khi còn chồng chéo, chưa thật sự chặt chẽ, nhịp nhàng để có thể tạo nên sức mạnh tổng hợp và hiệu quả cao. Thứ ba là nguồn lực dành cho ngoại giao văn hóa còn hạn chế, nên khó tổ chức được nhiều hoạt động thực sự có tầm vóc, để lại tiếng vang, tạo hiệu quả lớn.

Thực tế thời gian qua cho thấy, văn hóa đã góp phần quan trọng để chúng ta hoàn thành các nhiệm vụ ngoại giao một cách nhân văn, thuyết phục, hiệu quả. Được triển khai trên nhiều cấp độ, ngành, lĩnh vực và phương diện, từ các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước đến các hoạt động đối ngoại của nhân dân, cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa đã tích cực quảng bá hình ảnh Việt Nam, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, góp phần thiết thực vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung

(Theo Tạp chí Nhịp cầu tri thức)

1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 235, 238.

3. Tuyên bố Hàng Châu của Hội nghị quốc tế “Văn hóa: Chìa khóa của phát triển bền vững” do UNESCO tổ chức, từ ngày 15 đến 17-6-2013.

4. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

5.  http://www.chinhphu.vn/portal/page/partal/chinhphu/noidungchienluocphattrienkinhtexahoi.

 

 


Bình luận