Sức xuân sáng tạo

Ngày đăng: 26/02/2015 - 14:02

sucxuansangtao

Xuân cho ta ước mơ, hy vọng vào những điều đẹp đẽ, tốt lành. Tin rằng, lắng nghe dân, dũng cảm dám nghĩ, dám làm, chúng ta có thể tạo ra những đột phá hợp lòng dân. Suối nguồn sáng tạo nằm trong mỗi con người, trong tâm trí, tài năng của mỗi cá nhân. Khi đã khai mở được dòng nước mát lành này, con người sẽ thấy mình mạnh mẽ hơn trong sức thanh xuân sáng tạo.

Xuân bước khẽ đến bên ta trong những ngày thường hối hả. Chợt có lúc lắng sâu, ngẫm suy về sự sáng tạo, về cội nguồn của sự sinh thành cái mới, cái tốt tươi lại nghĩ đến sức sáng tạo của một Thành phố mang trong mình rất nhiều phù sa và trầm tích lắng đọng. Mùa xuân sáng tạo là xuân của 365 ngày, của nghìn ngày, của trăm năm và của nghìn năm chứ không phải chỉ là sức xuân nhất thời của một mùa cụ thể. Hà Nội đang vươn mình rạng rỡ trong ánh sáng của thời đại mới là nhờ sức xuân sáng tạo đã sinh tụ, tiếp biến trong mạch nguồn văn hiến nghìn năm qua.

Hà Nội - một Thủ đô phải chịu rất nhiều cuộc chiến tranh, nhiều cơn binh lửa để bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước, nhưng là thành phố duy nhất ở châu Á- Thái Bình Dương được tôn vinh là “Thành phố vì hòa bình” cách đây 15 năm. Bản lĩnh, lòng quả cảm vô song, trí tuệ, sức sáng tạo và khát vọng hòa bình đã xây đắp Hà Nội thành một biểu tượng sống của “lương tri và phẩm giá con người”. Trong chiến tranh, phải đầy sáng tạo, Hà Nội mới đủ sức đương đầu và đánh bại những kẻ xâm lược mạnh hơn gấp nhiều lần; trong đổi mới, Hà Nội phải sáng tạo mới có được sức vươn, sức bật tạo nên dáng vóc, và cốt cách của một Thủ đô hiện đại và cổ kính.

Đặc biệt từ khi mở rộng, sáng tạo không chỉ còn là một nét tính cách hay cảm hứng mà đã trở thành mệnh lệnh của cuộc sống. Hơn 6 năm sau khi mở rộng, Hà Nội trở nên rất lớn về quy mô, đặc biệt quan trọng về mặt vị thế, vai trò, nhưng cũng rất phức tạp khi phải đối mặt giải quyết hàng loạt vấn đề nóng, bức xúc đang nảy sinh trong quá trình phát triển. Thực tiễn ấy đòi hỏi phải xử lý vừa linh hoạt, vừa căn cơ sao cho vừa đáp ứng được yêu cầu nóng trước mắt vừa lại phải phù hợp với tương lai dài lâu.

Không thể không thấy, Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ trong quá trình tiến hành công nghiệp hoá - đô thị hóa với tốc lực lớn nhưng lại đang mất cân bằng nghiêm trọng trên nhiều mặt, trong đó gay gắt nhất là sự yếu kém về hệ thống hạ tầng, quá tải dân cư ở khu vực trung tâm, ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Việc Hà Nội khánh thành và đưa vào sử dụng tuyến đường vành đai 3 dài 63 km, tuyến đường này có đường cao tốc trên cao đầu tiên của nước ta, cùng với 7 cầu vượt tại các nút giao thông trọng điểm của Thủ đô đã góp phần quan trọng giải toả đáng kể ách tắc giao thông. Nhờ thực hiện những giải pháp sáng tạo có tính đột phá mà Hà Nội đạt được thành tựu nổi bật trong xây dựng nông thôn mới với 106 xã đạt 19 tiêu chí, chiếm 25% số xã nông thôn mới của cả nước.

Với tinh thần khoa học và sáng tạo mà từ mấy năm nay, Hà Nội hình thành một phong cách chỉ đạo mới ngày càng rõ nét. Đó là, xác định những việc trọng tâm, trọng điểm, những việc nóng, bức xúc liên quan trực tiếp đến sản xuất, đời sống người dân, tập trung thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, có kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời. Đó là, chọn mỗi năm một chủ đề để quyết tâm tạo chuyển biến tích cực: năm 2012 là “Năm quy hoạch”, năm 2013 là “Năm kỷ cương hành chính”, năm 2014 và năm 2015 là “Năm trật tự, văn minh đô thị”. Ở Thủ đô bây giờ, quy hoạch đã trở thành mệnh lệnh không lời, việc xây cất mọi công trình, bất kể quy mô nào cũng buộc phải đi vào nề nếp. Sau những uốn nắn, chỉnh đốn quyết liệt kể cả bằng những quyết định rắn như “cắt ngọn” những công trình vượt quá chiều cao cho phép, kỷ cương đã được thiết lập, không ít cán bộ liên đới trách nhiệm đã bị xử lý kỷ luật. Để làm được điều khó khăn này, công tác tuyên truyền, vận động phải đi trước một bước với phương châm vừa kiên trì vừa kiên quyết, nên hầu như các chủ công trình sai phạm đều tự tháo dỡ, không phải cưỡng chế một trường hợp nào. Hà Nội đã sáng hơn, xanh hơn, sạch hơn. Đã bớt đi những đống rác đường, rác trời, rác tường nhằng nhịt “khoan bê tông, hút bể phốt”; những mặt hồ trước đây nước đen kịt, bốc mùi nồng nặc, bây giờ nước trong xanh, bờ kè tươm tất trong “chiến dịch cứu hồ” bằng vốn xã hội hoá do chính Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị kêu gọi... Chỉ thị 11 của Thành uỷ về việc tổ chức cưới văn minh; Nghị quyết 09 về xây dựng tổ chức Đảng và các đoàn thể chính trị xã hội trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh; Đề án 06 về sắp xếp lại tổ dân phố là những sáng tạo của Hà Nội đưa lại những hiệu quả rõ rệt và thiết thực.

Văn hoá ứng xử là gương mặt của văn hoá. Đúng là đã có nhiều phong trào, nhiều báo cáo với số liệu đẹp. Nhưng tại sao số liệu tổng quát đẹp như vậy mà vẫn có cảm giác ứng xử trong xã hội lại bị mai một, bị xuống cấp. Cần một giải pháp đồng bộ để xây dựng văn hóa ứng xử nhưng trước hết phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục. Giáo dục từ trong gia đình, nhà trường đến xã hội phải có sự kết nối liên hoàn và bổ trợ cho nhau. Với đối tượng học sinh các cấp, Hà Nội đã ban hành và thực hiện Bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” từ 3 năm nay, được học sinh và phụ huynh rất hoan nghênh. Bộ tài liệu này không nặng về lên lớp, mà cho các cháu được tiếp cận thực tế sống động, qua đó rèn luyện cách ứng xử. Năm nay, Hà Nội sẽ ban hành Bộ quy tắc ứng xử của người Hà Nội ở 6 môi trường khác nhau: nhà trường, bệnh viện, doanh nghiệp, cơ quan công quyền, khu dân cư, nơi công cộng... Bộ quy tắc ứng xử này gần như bộ quy ước, không buộc mọi người phải thực hiện nghiêm ngặt như đối với văn bản quy phạm pháp luật, mà nó sẽ như một chuẩn mực xã hội, có sự ràng buộc tinh thần mà mọi người cần hướng theo để góp phần bồi đắp cốt cách, tinh thần người Hà Nội.

Nhìn lại năm qua, điều đáng mừng là trong khi tình hình kinh tế chung vẫn còn nhiều khó khăn nhưng chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Hà Nội năm 2014 đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. GDP tăng 8,8% cao hơn 1,52 lần mức tăng chung của cả nước. Kết quả thu ngân sách đạt 130 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán. Lạm phát được kiểm soát khi chỉ số giá tiêu dùng cả năm tăng dưới 5%. 140 nghìn lao động được giải quyết việc làm, 14.500 hộ thoát nghèo. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) tăng 18 bậc lên vị trí thứ 33, chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tăng một bậc (xếp thứ 3/63).

Sáng tạo gắn liền với cái mới, hướng tới cái mới. Nhưng cái mới của sự sáng tạo đích thực được sinh thành từ năng lực cốt lõi và làm nên những giá trị bền vững. Sáng tạo không chỉ là nỗ lực, dấn thân của từng cá nhân riêng lẻ, tách rời, mà những sáng tạo của những cá tính riêng biệt chỉ có thể trở thành hoa thơm, quả ngọt khi dựa vào một môi trường chính sách cởi mở, trân trọng, khuyến khích sáng tạo. Những người lãnh đạo mà không tiên phong trong đổi mới tư duy, tiếp nhận và khuyến khích, biết lắng nghe, thực tâm ủng hộ tìm tòi cái mới, cái sáng tạo thì không thể nào tạo ra môi trường thúc đẩy sáng tạo. Vì sao cái mới lại đi liền với sự “lắng nghe”? Có hai câu chuyện minh họa cho điều ấy như thế này.

Câu chuyện thứ nhất, năm vừa qua, mặc dù vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước ta đã gây ra tình hình rất phức tạp về an ninh nhưng Thủ đô Hà Nội vẫn bình yên, vẫn là điểm đến tin cậy của bạn bè bốn phương. Năm 2014, Hà Nội đón 18,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 3 triệu lượt khách quốc tế. Hà Nội thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài với hơn 3.000 dự án và 23 tỷ USD. Nhưng ẩn sau sự bình yên đó cũng dồn nén rất nhiều căng thẳng của tâm trạng xã hội. Đâu phải chỉ có sự chống phá mới tạo thành bất ổn, lòng yêu nước nếu thể hiện không đúng cách cũng có thể tạo thành sức ép, dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Giải quyết thế nào cho hài hòa để lòng yêu nước - tâm trạng xã hội vẫn được bộc bạch mà Thủ đô vẫn bình yên, vẫn thể hiện được khí phách và tinh thần của một dân tộc. Công tác tư tưởng trở nên đầy thách thức và cũng khơi mở biết bao say mê và tâm huyết. Chưa bao giờ, trong chưa đầy một ngày đêm, với tinh thần vô cùng khẩn trương, hơn 17.000 chi bộ trong toàn bộ Đảng bộ Thành phố Hà Nội cùng họp để phổ biến một văn bản do Ban Tuyên giáo Thành ủy soạn thảo, đáp ứng khao khát của người dân, của mỗi cán bộ, đảng viên muốn biết, muốn hiểu lúc đó Đảng, Chính phủ đang làm gì, Thành phố đang làm gì và mỗi người dân, mỗi cán bộ, đảng viên cần làm gì. Thông điệp được chuyển tải đến 38 vạn đảng viên, lan tỏa ra 10 triệu con người trên thành phố. Mỗi đảng viên đã trở thành một chiến sĩ tuyên truyền, sức mạnh định hướng thông tin, tâm trạng xã hội nhanh hơn, hiệu quả hơn bất cứ phương tiện truyền thông nào trong thời điểm vô cùng nóng bỏng như vậy. Lời giải cho bài toán khó khi có sự kiện, sự việc quan trọng là phải thực hiện những biện pháp, cách thức, bước đi hợp lý cả về đối nội và đối ngoại, phải biết ưu tiên “tiếng lòng” của dân là như thế.

Câu chuyện thứ hai, liên quan đến chuyện làm sổ đỏ ở Hà Nội. Một thành phố vốn bị xem là khá ì ạch, nhùng nhằng trong một nền hành chính quan liêu, chậm trễ, năm vừa qua đã bắt đầu nhìn thấy thành quả của sự vận động thay đổi. Từ thông tin người dân phản ánh về sự sách nhiễu, phiền hà kèm phí “bôi trơn” để làm được sổ đỏ..., tại Hội nghị Thành ủy, Bí thư Thành ủy đã yêu cầu, Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân Thành phố và các sở, ngành, địa phương liên quan phải khẩn trương làm rõ, đồng thời chỉ đạo thanh tra xác minh: “Lâu nay vẫn có nhiều ý kiến, dư luận về hiện tượng “bôi trơn” làm sổ đỏ. Có hay không có đường dây chạy sổ đỏ là câu hỏi cần phải làm sáng tỏ để trả lời công khai cho công chúng và đại biểu quốc hội”. Từ những hành động quyết đoán của người đứng đầu thành phố, từ nỗ lực cải thiện chỉ số hành chính mấy năm qua của cả hệ thống, nhiều việc đã chuyển biến tích cực. Năm 2014, Hà Nội cấp 40.500 sổ đỏ, vượt 1,25% chỉ tiêu so với con số 40.000 sổ đỏ đặt ra ban đầu, thủ tục cấp sổ đỏ nhà dự án từ 9 loại giấy tờ, hiện chỉ còn 4 loại. Chỉ số cải cách hành chính vươn lên đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố. Dẫu còn nhiều điều khiến chúng ta chưa hài lòng, mong muốn về một nền hành chính công minh bạch, thông thoáng, tiện cho dân vẫn làm ta day dứt, nhưng những chuyển động tích cực như vậy là những tín hiệu đáng mừng cần được khuyến khích, cổ vũ và tiếp tục phát huy.

Vậy đó, sự sáng tạo từ những người lãnh đạo càng có ý nghĩa vì nó kích thích, gợi mở sức sáng tạo tiềm năng trong mỗi người dân, kết tạo thành động lực mạnh mẽ để xây dựng Thủ đô và phát triển đất nước.

Khép lại năm 2014, chúng ta chào đón năm 2015 mà trong nhiều dự báo, âu lo vẫn còn đó, nhưng hy vọng cũng tràn đầy. Các dự báo của IMF, WB, ADB... đều có chung nhận định là năm 2015, kinh tế tăng trưởng sẽ khả quan hơn năm 2014. Không thể lạc quan suông, ngay từ những ngày đầu năm, cả nước lại bắt tay hối hả kiến thiết tương lai. Hà Nội hướng đến mục tiêu: huy động mọi nguồn lực, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014. Triển khai quyết liệt công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, đô thị, đất đai, môi trường, tập trung đẩy nhanh tiến độ công trình trọng điểm; tiếp tục thực hiện có hiệu quả “Năm trật tự, văn minh đô thị”.

Ngày 4-1-2015, cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng, sau 5 năm xây dựng đã được khánh thành. 5 năm ra đời một cây cầu cũng là 5 năm Hà Nội trải qua những thời điểm lịch sử: kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, 60 năm Giải phóng Thủ đô; nỗ lực giải quyết hài hòa một cuộc sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính để xây dựng một chỉnh thể mạnh mẽ và đẹp đẽ. Khi chọn tên cho cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á này - một biểu tượng mới và đẹp của Thủ đô, Hà Nội đã lựa chọn tên cầu Nhật Tân như một điều “tất lẽ dĩ ngẫu” là phải vậy. Bởi nó mang trong bản thân sức gợi về quá khứ, hiện tại và tương lai của một thành phố văn hiến, giàu mơ ước, giàu nội lực; mang đến cho mỗi người trong chúng ta cảm thức về cái mới, về sự sáng tạo, tâm thức về một ngày mới tinh khôi tràn đầy năng lượng, một mùa xuân đầy ắp những hy vọng và niềm tin tốt lành.

Chưa bao giờ Thăng Long - Hà Nội được chứng kiến một cuộc kiến tạo vĩ đại như bây giờ. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được triển khai tích cực, diện mạo Thủ đô “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” đang từng bước trở thành hiện thực.

Thế nhưng, ngay trong lúc này, trong hiện tại ngổn ngang những thời cơ và thách thức, dường như sức sáng tạo chưa được phát huy thật tốt. Tại sao bây giờ người ta cứ nói chuyện về Hà Nội là lại buông một câu: “Hà Nội không vội được đâu”, vừa như bông lơn, vừa như tự trào, vừa như mỉa mai, chê trách. Dường như, ở nơi này, nơi khác, ở người này hay người khác thậm chí là ở những khâu, những vị trí then chốt trong bộ máy công quyền vẫn còn sự tù đọng, thiếu một tinh thần đổi mới và sáng tạo. Khi thiếu sáng tạo, chúng ta tự trói buộc nhau trong một hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, trói buộc trong một cơ chế hành chính chưa tiên tiến, trói buộc trong một cơ chế quản lý đã lỗi thời, trói buộc trong những thói quen đã lạc hậu. Nhưng, khi sáng tạo là tiếng gọi của quá khứ, là hối thúc của hiện tại, là hy vọng của tương lai, thì tinh thần ấy cần phải có một cú hích, cần phải được khai mở để thực sự sinh thành nên cái mới mẻ, tốt tươi.

Xuân cho ta ước mơ, hy vọng vào những điều đẹp đẽ, tốt lành. Tin rằng, lắng nghe dân, dũng cảm dám nghĩ, dám làm, chúng ta có thể tạo ra những đột phá hợp lòng dân. Suối nguồn sáng tạo nằm trong mỗi con người, trong tâm trí, tài năng của mỗi cá nhân. Khi đã khai mở được dòng nước mát lành này, con người sẽ thấy mình mạnh mẽ hơn trong sức thanh xuân sáng tạo.

Ta có quyền tin vào mỗi người, mỗi tập thể và cả thành phố đang nỗ lực tạo động lực đột phá bằng khả năng sáng tạo. Và như nhà văn Pháp Albert Camus viết: “Mọi sáng tạo đích thực đều là món quà gửi tới tương lai”./.

Nhà báo Hồ Quang Lợi

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội


Bình luận