Một số vấn đề kinh tế hiện nay và chính sách ứng phó của Trung Quốc

Ngày đăng: 20/05/2016 - 08:05

Trong một vài thập niên trở lại đây, Trung Quốc nổi lên với vai trò là quốc gia đang phát triển có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đã vượt qua Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Sng, hiện đất nước Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nổi cộm về kinh tế - xã hội, chất lượng cuộc sống đang trên đà suy giảm.

GDP TQ 4ss copy

1. Một số vấn đề kinh tế hiện nay của Trung Quốc

Như chúng ta đã biết, nền kinh tế Trung Quốc từng phát triển với tốc độ chóng mặt, có một không hai trên thế giới. Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nên có chiều hướng suy giảm và phát triển chậm lại. Có ý kiến cho rằng nguyên nhân là do thực tế đầu tư của Trung Quốc quá cao, cộng thêm vấn đề dân số và sự thiếu sót trong hệ thống an sinh xã hội, nhưng cũng có ý kiến cho rằng nguyên nhân là do các nút thắt cổ chai mà nước này đang gặp phải nên khả năng xuất hiện nguy cơ đối với kinh tế Trung Quốc là rất cao. Đó là các vấn đề sau: 

“Công xưởng của thế giới” đang suy giảm

Sản xuất đã bùng nổ và phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc trong suốt giai đoạn 2001-2010 nhưng đồng thời hệ sinh thái và chất lượng cuộc sống của quốc gia này đã phải trả giá rất đắt, đang trên đà suy giảm không thể cứu vãn nổi. Ba đầu tàu kéo nền kinh tế của Trung Quốc tăng trưởng là đầu tư, ngoại thương và nhu cầu trong nước đều đã suy kiệt. Lĩnh vực bất động sản - lĩnh vực từng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong 20 năm qua hiện nay đang phải đối diện với nhiều khó khăn. Chính quyền và các doanh nghiệp đã và đang phải cùng hợp tác để ngăn chặn thị trường bất động sản khỏi nguy cơ sụp đổ. Kể từ năm 2013, hàng chục ngành công nghiệp có liên quan đến bất động sản đều rơi vào tình trạng dư thừa công suất sản xuất. Chúng đang là “thảm họa” đối với nền kinh tế Trung Quốc và có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế bất cứ lúc nào. Những vấn đề này cho thấy việc cơ cấu lại nền kinh tế của Trung Quốc đang trở nên vô vọng. Cái gọi là điều chỉnh cơ cấu kinh tế không phải là một giải pháp hữu hiệu có thể áp dụng theo cách chính phủ mong muốn. 

Dân số thất nghiệp cao

Con số về tỷ lệ thất nghiệp chính thức chiếm chưa đến 4,5% lực lượng lao động của Trung Quốc là chưa chính xác, bởi nó chỉ bao gồm những người đăng ký với chính quyền địa phương, trong khi lượng nông dân thất nghiệp - một bộ phận khá lớn của lực lượng lao động - lại không được tính đến. Hiện nay, ở Trung Quốc, người thất nghiệp được chia thành bốn nhóm: (1) Lao động nông nghiệp dư thừa do đảo ngược di cư khi nhà máy đóng cửa; (2) Nhân viên văn phòng ở đô thị bị mất việc làm khi các công ty nước ngoài rút vốn, giải thể; (3) Học sinh bỏ học đại học; (4) Học sinh tiểu học và trung học nghỉ học. Cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng ước tính, vào thời điểm tháng 3-2010, có 200 triệu người lao động Trung Quốc thất nghiệp. Với lực lượng lao động ở mức 940 triệu người như hiện nay, thì con số 200 triệu người Trung Quốc thất nghiệp đã nâng tỷ lệ thất nghiệp thực sự lên tới 32%, tức là gấp bảy lần thông tin chính thức.

Khủng hoảng tài nguyên

Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đã và đang làm cho nguồn nước, đất và không khí ở quốc gia này rơi vào trình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Hệ quả này sẽ khiến sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Trung Quốc phải trả giá và phải gia tăng sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên nước ngoài nhiều hơn. Khả năng đáp ứng lương thực cho nhu cầu tiêu dùng trong nước của Trung Quốc hiện đạt mức 87%, trong khi đó, mặt hàng lương thực chủ lực như: đậu tương, ngô và lúa mì đều phải nhập khẩu. Điều này có nghĩa là 13% dân số còn lại (tương đương với khoảng 200 triệu người) sẽ phải dựa vào nguồn lương thực nhập khẩu. Bất kỳ biến động nào trong giá cả ngũ cốc ở Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến giá cả thị trường quốc tế và bất kỳ thảm họa tự nhiên hay chiến tranh ở một đất nước sản xuất ngũ cốc nào cũng sẽ làm giảm nguồn cung và đẩy giá ngũ cốc ở Trung Quốc lên cao. Đây là lời cảnh báo đã được nhà phân tích môi trường Lester Brown đưa ra cách đây 20 năm trong cuốn sách Ai sẽ nuôi người Trung Quốc, tức là ông đã cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lương thực. Tuy nhiên, lúc đó Chính phủ Trung Quốc cho rằng báo cáo này là một âm mưu của “các thế lực chống Trung Quốc”.

Nợ khổng lồ của chính quyền địa phương

Theo như công bố ngày 8-5-2015 của Công ty tư vấn McKinsey & Company, tổng nợ của Trung Quốc chiếm 282% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Hầu hết các khoản nợ này là nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp, trong khi nợ cá nhân chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Chính quyền địa phương nợ nhiều nhất, với giá trị nợ ước tính khoảng 20.000 tỷ nhân dân tệ (NDT). Nợ Trung Quốc đã thường xuyên không được báo cáo đầy đủ (ông Lý Thiết, cán bộ của Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc thừa nhận rằng, con số nợ 18.000 tỷ NDT mà chính phủ nước này công bố chính thức không bằng một nửa số nợ thực tế) và những cuộc điều tra cho thấy hầu hết các chính quyền địa phương chỉ báo cáo 10-30% số nợ thực tế, điều này có nghĩa là con số nợ thực tế còn cao hơn rất nhiều.

Tiềm ẩn khủng hoảng tài chính

Các khoản nợ công cao, tỷ lệ nợ xấu gia tăng và những vấn đề về tính thanh khoản do chính sách của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính quy mô lớn. Trung Quốc hiện đang trải qua giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nợ xấu lần thứ ba do bất động sản. Lần đầu tiên là trong nhiệm kỳ lãnh đạo của Thủ tướng Chu Dung Cơ, một món nợ 170 tỷ USD đã phải mất đến sáu năm mới có thể hoàn trả. Cuộc khủng hoảng thứ hai là vào giữa những năm 2000, và đã được giảm nhẹ nhờ sự trợ giúp của các ngân hàng nước ngoài. Hiện tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong những năm qua đã được khuếch đại lên nhờ nguồn tiền tệ mới in được rót vào liên tục và với lượng tăng cung tiền to lớn, dư thừa về thanh khoản có thể bắt đầu trở thành một vấn đề lớn. Vấn đề này đã trở nên nổi cộm trong những tháng gần đây khi thị trường chứng khoán liên tục đi lên, nguyên nhân là do thị trường chứng khoán đang được sử dụng như một hồ chứa vốn thặng dư - một chính sách hoàn toàn không bền vững.

Chênh lệch về thu nhập

Bất bình đẳng ở Trung Quốc đã lên tới mức kỷ lục trong vòng 20 năm qua do hành vi đối xử thiếu nhân văn của chính quyền và doanh nghiệp. Theo kết quả một công trình nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học xã hội thuộc Đại học Bắc Kinh năm 2014, hệ số Gini của Trung Quốc đạt 0,73 trong năm 2012, nghĩa là 1% các hộ gia đình Trung Quốc có thu nhập cao nhất chiếm hơn 1/3 của cải quốc gia, trong khi 25% các hộ gia đình thu nhập thấp nhất chiếm chỉ có 1% tài sản quốc gia. Gần 60% dân số Trung Quốc là người nghèo, một tình trạng bất ổn về kinh tế đủ chín muồi để gây mất ổn định xã hội và trật tự xã hội.

 2. Chính sách ứng phó về kinh tế của Trung Quốc

Như đã trình bày ở trên, hiện môi trường kinh tế vĩ mô ở Trung Quốc có rất nhiều điểm gây khó khăn cho nền kinh tế Trung Quốc. Từ góc độ chính sách, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã có nhận thức chung về sức ép vận hành nền kinh tế trong thời gian tới, cho dù mục tiêu tăng trưởng kinh tế dự kiến trong những năm tới thấp hơn so với các năm trước, song việc hoàn thành chỉ tiêu này vẫn là thách thức không nhỏ.

Ổn định tăng trưởng kinh tế  

Cụm từ trọng tâm của kinh tế Trung Quốc trong các năm tới chính là “trạng thái cân bằng mới”. Trải qua một năm chờ đợi, tích lũy, hiện nay nhận thức chung của Trung Quốc là tăng trưởng kinh tế nước này sẽ sụt giảm trong trạng thái cân bằng mới, theo đó mục tiêu tăng trưởng kinh tế được hạ thấp từ 7,5% xuống 7%. Không đặt GDP lên vị trí đầu tiên không có nghĩa là tăng trưởng không quan trọng, ngược lại, theo các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bảo đảm môi trường tăng trưởng ổn định chính là bảo đảm thúc đẩy cải cách, thực hiện công bằng xã hội. Theo kinh nghiệm trước đây, việc đề ra mục tiêu tăng GDP có vai trò dẫn dắt, thuận tiện cho các cấp chính quyền đưa ra quyết sách, ví dụ như định ra mục tiêu thu thuế, điều chỉnh phương hướng chính sách vĩ mô. Đây là điều không thể thiếu trong quá trình Trung Quốc tiến tới xã hội toàn diện khá giả. Ngoài ra, nền kinh tế thị trường của Trung Quốc chưa hoàn thiện, việc chuyển đổi chức năng chính phủ đang trên đà phát triển, nếu có thể sớm loại bỏ mục tiêu GDP vừa không thích hợp, vừa dễ gây ra sự rối loạn (điều mà chính quyền cấp dưới vốn rất mong đợi). 

Về môi trường ngoài nước, tính bất định trong việc phân hóa xu thế kinh tế ở nước ngoài, khủng hoảng nợ ở châu Âu cũng như đồng USD mạnh lên trong năm 2015 đều gây ra ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế Trung Quốc; đồng thời việc thúc đẩy cải cách trong nước, đặc biệt là cải cách tài khóa có thể sẽ có ảnh hưởng ngắn hạn đối với tăng trưởng. Thêm vào đó, mục tiêu tổng mức cung M2 là 12%, cao hơn 5 điểm phần trăm so với tăng trưởng GDP (7%) và thâm hụt tài chính sẽ thấp hơn dự kiến là cần thiết để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ ổn định kinh tế; tốc độ tăng đầu tư tài sản cố định là 15,3% và tốc độ tăng xuất nhập khẩu là 6% cũng cao hơn so với mức của năm 2014. Điều này ám chỉ nhiệm vụ ổn định tăng trưởng trong các năm tới vẫn rất khó khăn. 

Do vậy, về quản lý chỉ số GDP trong tương lai cần hướng đến tư duy giới hạn đáy: tức là xác định rõ hơn nữa mục tiêu giới hạn đáy, khi nền kinh tế chưa chạm đáy, thì sẽ có nhiều không gian dành cho cải cách hơn. Một khi chạm vào giới hạn đáy, chính sách cần nhanh chóng được thực thi, tránh làm hỏng thời cơ. Việc đặt ra mục tiêu đáy này sẽ tránh được rối loạn và chấn động liên tiếp về chính sách, đồng thời là chính sách song toàn để bảo đảm tăng trưởng và thúc đẩy cải cách. Tuy nhiên, giới hạn đáy nằm ở đâu thì cần phải làm phép thử, tức là xét xem nhân tố bất định của kinh tế ngoài nước trong các năm tới (nhất là năm 2016) và nhiệm vụ cải cách vẫn khó khăn như thế nào; hơn nữa, Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra mục tiêu GDP năm 2020 gấp đôi GDP năm 2010, cho nên mục tiêu giới hạn đáy của GDP cho mấy năm tới có thể hạ xuống 6-7%.

Cải cách thị trường “lãi suất kép” 

Như trên đã đề cập, mục tiêu tăng trưởng lượng cung tiền M2 của các năm tới là khoảng 12%, tuy nhiên, trong thực tế, căn cứ theo nhu cầu phát triển kinh tế chỉ số này có thể được điều chỉnh đôi chút. Trong bối cảnh hạ thấp chỉ số GDP, chỉ số M2 là 12% có nghĩa là chính sách tiền tệ vẫn tương đối nới lỏng. Kết hợp với tình hình trước đó, điển hình là riêng trong năm 2015 Trung Quốc đã tiến hành tới 3 đợt điều chỉnh hạ lãi suất, 5 lần hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Do vậy, cần duy trì hoạt động tín dụng và quy mô huy động vốn xã hội tăng trưởng ổn định, hơn nữa cũng cần hạ thấp chi phí huy động vốn xã hội để dòng chảy tiền tệ có thể hướng tới các thực thể kinh tế. Trước tình hình tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, chỉ số lạm phát sụt giảm, tỷ lệ lãi suất cao hiện nay, trước thời điểm khai mạc kỳ họp Lưỡng hội, PBOC đã bắt đầu hạ lãi suất để ứng phó với tình hình trên. Đây là hành động thuận theo mong đợi của thị trường vì các nguyên nhân như sau: 

Thứ nhất, chỉ số giá tiêu dùng CPI duy trì ở mức thấp, chỉ số giá sản xuất PPI tiếp tục giảm. Năm 2015, chỉ số CPI của Trung Quốc chỉ tăng 1,4%, thấp hơn nhiều so với mức dự kiến 3% ban đầu. Hơn nữa, trước mắt rủi ro mang tính toàn cầu là giảm phát, mặc dù hiện nay kinh tế Trung Quốc khó có thể giảm phát, song chỉ số PPI đã giảm 3 năm liên tiếp, rủi ro này cũng không thể xem thường. 

Thứ hai, chi phí thực tế mà các doanh nghiệp phải đối mặt quá cao. Hiện tượng thiểu phát trong lĩnh vực sản xuất suốt một thời gian dài đã đẩy cao mức lãi suất thực tế của các doanh nghiệp, đồng thời gia tăng khó khăn trong quá trình vận hành của họ. 

Thứ ba, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) liên tiếp giảm và đang nằm ở giới hạn đỏ. Đồng thời, các số liệu kinh tế đều đang không lạc quan như: lượng phát điện giảm trở lại, giá sản phẩm công nghiệp sụt giảm, thị trường bất động sản im ắng,...  Đồng thời, từ tháng 11-2014 đến nay, PBOC liên tiếp hạ lãi suất có nghĩa là Chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy cải cách thị trường hóa lãi suất, kiện toàn khung điều tiết lãi suất. Nhiều khả năng Chính phủ nước này sẽ nhanh chóng ban hành chế độ bảo hiểm tiền gửi, trong khi đó thị trường hóa lãi suất cũng hoàn thành bước nhảy cuối cùng, tức là hủy bỏ trần lãi suất tiền gửi. Trọng điểm công tác trong thời gian tới là phát triển đa dạng thị trường tài chính, xây dựng hệ thống lãi suất tiêu chuẩn, thông qua xác định lãi suất ngắn hạn, từ đó dẫn dắt lãi suất trung hạn. 

Thứ tư, về lĩnh vực cải cách tỷ giá hối đoái, Trung Quốc tiếp tục duy trì tỷ giá đồng NDT ở mức cân bằng hợp lý. Kết hợp với tình hình hiện nay, đồng NDT đang mất giá so với đồng USD nhưng lại tăng giá so với các đồng tiền còn lại. Tuy nhiên, PBOC sẽ không cho phép đồng NDT liên tục sụt giá. Trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu sụt giảm, việc đồng tiền mất giá có thể có lợi nhất định đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Nhưng nếu đồng NDT mất giá với biên độ mạnh, ngược lại sẽ làm suy yếu niềm tin của thị trường, từ đó sẽ gây ra áp lực làm dòng vốn tháo chạy ra nước ngoài, làm gia tăng rủi ro.

Sử dụng chính sách tài khóa tích cực hơn

Mục tiêu thâm hụt tài khóa trong các năm tới của Trung Quốc là 2,3% GDP, đồng thời thâm hụt tài khóa trung ương là 1.120 tỷ NDT, tăng 170 tỷ NDT so với năm 2014, thâm hụt tài khóa địa phương là 500 tỷ NDT, tăng 100 tỷ NDT so với năm 2014. Đối với vấn đề này, việc đặt ra mục tiêu tài khóa có chút bảo thủ. Nguyên nhân là cải cách thuế quan đã bước vào giai đoạn khó khăn, hiệu ứng tích cực của cải cách tài khóa là lớn, song về ngắn hạn có thể gây ra tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế, ổn định tài chính. Ví dụ, từ góc độ tăng trưởng kinh tế, từ trước đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc dựa nhiều vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của chính quyền địa phương. Song trong năm 2015, đầu tư tài sản cố định đối mặt với áp lực tương đối lớn, ngành chế tạo bị hạn chế bởi dư thừa năng suất sản xuất và việc thanh lý các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, trong khi đó các dự án đầu tư có liên quan vẫn duy trì ở mức thấp. Lượng tiêu thụ bất động sản sau khi tăng trở lại đã xuất hiện sức ép sụt giảm, điều này ảnh hưởng tới đầu tư bất động sản trong thời gian tới. 

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chiếm 1/4 đầu tư tài sản cố định, trước đây phần lớn nguồn vốn là cam kết ngầm của chính quyền địa phương, thông qua kênh huy động vốn, vay tiền từ bên ngoài để thực hiện các dự án. Một khi cải cách tài khóa siết chặt vòng kim cô lên đầu chính quyền địa phương, hạn mức nợ địa phương mà Quốc vụ viện Trung Quốc quy định liệu có thể đủ để bù đắp những thiếu hụt này không? Ngoài ra, kênh huy động vốn ở địa phương năm 2015 không lạc quan, cộng thêm hàng loạt khoản nợ quy mô lớn phải đáo hạn, rủi ro mang tính lưu động và rủi ro vi phạm hợp đồng của các kênh huy động vốn địa phương chắc chắn sẽ tăng cao. Như vậy, cải cách tài khóa có thể gây ảnh hưởng đối với ổn định tài chính là điều dễ xảy ra. 

Như vậy, việc đối phó với hiệu ứng tiêu cực của cải cách kinh tế trong thời gian ngắn sẽ từng bước có biểu hiện rõ ràng. Nguồn vốn của các dự án ở địa phương sẽ đối mặt với áp lực tương đối lớn, trong khi việc thúc đẩy hợp tác đối tác công - tư (PPP) không phải là chuyện một sớm một chiều, tức là vừa bảo đảm tiếp tục huy động vốn sau khi lập dự án, vừa phải có một số dự án mới khởi công, khoản tiền 500 tỷ NDT thâm hụt tài khóa của địa phương khó có thể bù đắp lỗ hổng này. Nhiều chính sách mang tính quá độ cần phải được cân nhắc, chính sách tài khóa do vậy, sẽ phải tích cực hơn nữa. 

Thúc đẩy cải cách hài hòa

Thực hiện cải cách hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng của kỳ họp Lưỡng hội năm 2015. Ngoài cải cách thuế quan và cải cách tài chính đã được đề cập ở trên, các vấn đề nóng như cải cách giá cả, sáng kiến “một vành đai, một con đường”, cải cách doanh nghiệp nhà nước… cũng được lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh. “Một vành đai, một con đường” là chiến lược trọng điểm được Tổng Bí thư Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2014. Cùng với việc chuẩn bị ổn thỏa Quỹ Con đường tơ lụa, việc thúc đẩy công tác này được tiến hành nhanh hơn mong đợi. Bên cạnh đó, Trung Quốc kết hợp giữa xây dựng “một vành đai, một con đường” với hàng loạt cầu cảng, khai thác, mở cửa với khu vực, tăng cường xây dựng tuyến đường sắt thương mại mới nối liền châu Á và châu Âu. Điều này không chỉ có lợi cho việc nâng cao vị thế quốc tế của Trung Quốc, làm giảm tình trạng dư thừa năng suất sản xuất, mà còn hứa hẹn nâng tầm hợp tác đa phương trong các lĩnh vực, tạo nền tảng quốc tế hóa đồng NDT.

Ngoài ra, cải cách doanh nghiệp nhà nước là lĩnh vực được kỳ vọng nhiều. Điều đó phản ánh trong vấn đề thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước hiện nay, khi mà vẫn còn tồn tại bất đồng tương đối lớn. Quá trình thúc đẩy cải cách e rằng sẽ lâu hơn dự kiến do vẫn có nhiều tranh luận và những quy định chi tiết, đánh giá vẫn đang trong thời gian kiện toàn, hoàn thiện.

Cải cách giá cả có thể đứng trước cơ hội tốt, nó bao gồm giảm bớt hàng loạt chủng loại và hạng mục định giá của Chính phủ và giá cả dịch vụ về nguyên tắc đều được nới lỏng; loại bỏ quy định giá đối với đa số dược phẩm, giao cho chính quyền cấp dưới quyền định giá thu phí các dịch vụ công cơ bản; mở rộng thí điểm cải cách phân phối giá điện, thúc đẩy cải cách giá nước nông nghiệp, kiện toàn chính sách giá cả tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; hoàn thiện giá cả hàng hóa thuộc loại tài nguyên, thực hiện toàn diện chế độ giá cả tính theo thang bậc đối với cư dân; đồng thời, phối hợp các biện pháp đồng bộ để hoàn thiện thể chế thuế, thống nhất giám sát quản lý, thực hiện cải cách thị trường nhằm đạt hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó, quyết tâm của các nhà hoạch định chính sách đối với cải cách thị trường được thể hiện qua kỳ họp Lưỡng hội vẫn rất kiên định. Song trong bối cảnh tình hình trong và ngoài nước thay đổi phức tạp, chính sách và cải cách phối hợp hài hòa như thế nào để giảm bớt tác động tiêu cực của giai đoạn chuyển đổi mô hình kinh tế đối với nền kinh tế đều là trọng điểm cần xem xét, cân nhắc trong thời gian tới của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Tóm lại, các chính sách kinh tế của Trung Quốc hiện nay là nhằm mục đích đến dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2021) sẽ “hoàn thành xây dựng xã hội trung lưu” và đến dịp kỷ niệm 100 năm ra đời nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (năm 2049) sẽ biến Trung Quốc thành một “quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, thịnh vượng, hùng cường, dân chủ, văn minh và hài hòa”. Trong vòng 10 năm phải thực hiện lời hứa “gấp đôi” (tăng gấp đôi khối lượng GDP và gấp đôi thu nhập trung bình của cư dân thành thị và nông thôn), nghĩa là phải đạt được mức sống “trung lưu” để hiện thực hóa “Giấc mơ Trung Quốc”. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã định nghĩa giấc mơ này: “Thực hiện phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa - đó là giấc mơ lớn nhất của dân tộc Trung Hoa, bắt đầu từ thời đại mới”. Để đạt “giấc mơ”, Đại hội XVIII và những Hội nghị tiếp theo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhấn mạnh tính cần thiết về mặt nguyên tắc của những đợt cải tổ hệ thống tương lai ngày càng sâu rộng hơn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh việc thực hiện “giấc mơ” này “không đe dọa” thế giới bên ngoài, mà ngược lại còn “đem lại lợi ích căn bản” cho các nước khác. Đồng thời, với tư cách là một cường quốc của thế giới, Trung Quốc sẽ nhận trách nhiệm lớn hơn trước cộng đồng quốc tế, đóng góp nhiều hơn vào quá trình phát triển của thế giới.

PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn

Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu quốc tế

  

1. Phát biểu của Giáo sư Paul Krugman (người đạt giải Nobel Kinh tế năm 2008) tại Hồng Kông và Thượng Hải, tháng 2-2015.

2. Phát biểu của chuyên gia kinh tế Trung Quốc He Qinglian tại Diễn đàn về kinh tế Trung Quốc được Công ty tài chính Shenglin tổ chức tại Vancouver, Canađa, ngày 3-5-2015 cho biết: có sáu “nút thắt cổ chai” lớn có thể tác động sâu sắc đến tương lai Trung Quốc nếu nó không được giải quyết.

3. Thành phố Đông Quan, một thành phố công nghiệp quan trọng ở phía nam tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, đang lần thứ hai chứng kiến làn sóng các doanh nghiệp bị phá sản hàng loạt (ít nhất là 4.000 doanh nghiệp đã ngưng hoạt động vào năm 2014).  Số liệu thống kê từ năm 2008 đến 2012 cho thấy, có 72.000 doanh nghiệp đã đóng cửa.

4. Điều này có thể nhận thấy khi dữ liệu tăng trưởng ngoại thương trong quý I năm 2015 so với cùng kỳ năm trước đã sụt giảm 15%.

5. Ngay từ năm 2005, tỉnh Quảng Đông đã bắt đầu thay thế các ngành công nghiệp cần nhiều lao động bằng các ngành công nghiệp công nghệ cao. Kết quả là chỉ tạo ra được một ngành công nghiệp rỗng ruột ở khu vực đồng bằng sông Châu Giang.

6. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức ở Davos, Thụy Sĩ tháng 3-2015, cựu Phó Chủ tịch cấp cao của Ngân hàng Thế giới Justin Lin cho biết: hiện có 124 triệu công nhân ngành sản xuất Trung Quốc đang hy vọng được đi xuất khẩu lao động sang các nước đang phát triển khác để tìm kiếm mức lương cao hơn.

7. Điều này không có nghĩa là hiện nay họ không phụ thuộc vào nguồn tài nguyên bên ngoài để lèo lái nền kinh tế - Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 60% lượng dầu và phụ thuộc lớn vào việc nhập khẩu sắt, đồng, kẽm và các loại kim loại khác.

8. Hệ quả tất yếu là thị trường chứng khoán đã lao dốc. Ngày 8-7-2015 được coi là Ngày thứ Tư đen tối của thị trường Trung Quốc. Đầu phiên, Shanghai Composite Index mất tới 8,2% - mạnh nhất từ năm 2007. Hơn 1.300 công ty đã phải ngừng giao dịch để ngăn giá cổ phiếu có thể giảm mạnh hơn. Một vài người nói đến chuyện chứng khoán nước này sụp đổ sẽ khiến cả thế giới chịu hậu quả hơn cả khủng hoảng Hy Lạp. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục để các công ty môi giới cam kết mua hàng tỷ USD cổ phiếu nhằm ngăn chặn đà suy giảm của thị trường chứng khoán (xem: Hà Thu, “Những điều cần biết về khủng hoảng chứng khoán Trung Quốc”, VNExpress online, ngày 9-7-2015).

9. Đương nhiên, trước đó luôn có những ý kiến khác nhau xung quanh chỉ tiêu này. Có quan điểm cho rằng mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc hiện nay đang dần phai nhạt, cho nên cũng không nhất định phải hoàn thành mục tiêu này, điều chỉnh tăng hay giảm mục tiêu tăng trưởng đều có thể chấp nhận.

10. Thẩm Kiến Quang: “Mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,7% có sao đâu?”, Thời báo Tài chính (Trung Quốc), ngày 3-3-2015.

11. Ông Thẩm Kiến Quang (Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Mizuho, Nhật Bản ở khu vực châu Á) hy vọng chính sách tài chính và thuế năm 2015 có cường độ mạnh hơn, đồng thời việc sử dụng linh hoạt, hiệu quả khoản tiền gửi 3.600 tỷ NDT là điều tất yếu. Xem Thẩm Kiến Quang: “Mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,7% có sao đâu?”, Thời báo Tài chính (Trung Quốc), ngày 3-3-2015.

12. Theo ông Từ Lâm, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch phát triển, Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc, trên thực tế giới hạn đáy của Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 ở mức 6,5% là hợp lý.

13. Xem Thẩm Kiến Quang: “Mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,7% có sao đâu?”, Thời báo Tài chính (Trung Quốc), ngày 3-3-2015.

14. Ví dụ, PBOC công bố, lãi suất bình quân khoản vay bằng đồng nhân dân tệ của các cơ quan tài chính trong bốn quý của năm 2014 đã đạt 6,77%, cộng thêm giảm phát giá cả của nhà sản xuất là -4,3%, thực tế lãi suất cho vay đã vượt 10%.

15. Chính vì vậy, nhiệm vụ cấp bách hiện nay của PBOC là trong thời gian ngắn ổn định sự sụt giá đồng NDT, khống chế dao động tỷ giá giữa đồng NDT và USD trong năm nay ở khoảng 6,3-6,4%. Việc hạ thấp tỷ giá hối đoái ở mức độ thích hợp là lựa chọn, để tạo ra nền tảng tỷ giá đồng NDT theo hướng thả nổi sau này. Về lâu dài, thực hiện vững chắc việc quy đổi đồng NDT, thúc đẩy quốc tế hóa đồng NDT vẫn là ý đồ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Kết quả là ngày 30-11-2015, IMF đã chấp nhận đưa đồng NDT vào giỏ tiền tệ để xác định đồng SDR.

16. Tại Hội nghị Thường vụ Quốc vụ viện, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã yêu cầu phải tiến hành giảm thuế, song khả năng này vẫn không đủ để chèo chống cho chỉ tiêu tăng trưởng 7%. Tranh thủ tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong thời gian tới là một biện pháp, tức là sử dụng linh hoạt, có hiệu quả khoản tiền gửi 3.600 tỷ NDT, đây có thể là một biện pháp giải quyết trong năm 2015.

17. Điểm khởi đầu là cảng Liên Vân thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc và kết thúc ở cảng Rotterdam, Hà Lan.

18. Ý tưởng về hồi sinh dân tộc do Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra đã được củng cố trong nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 11-2013). Kể từ đó “giấc mơ Trung Quốc” được xem như là nền tảng tư tưởng - chính trị chuẩn mực, có giá trị ngang với những nghị quyết của Đại hội XVIII. Nó được kêu gọi trở thành cơ sở cho việc thiết lập một sự đồng thuận rộng rãi đến mức tối đa trong xã hội Trung Quốc đa dạng, trong đó tồn tại nhiều lợi ích kinh tế khác nhau và nhiều nhóm lợi ích đang hoạt động. Nó phải đoàn kết toàn xã hội, tạo niềm tin cho mọi người vào viễn cảnh phát triển của đất nước.

19. A. V. Lomanov: “Giấc mơ về sự hồi sinh vĩ đại” và chính sách của Ban lãnh đạo Trung Quốc: Trung Quốc trên con đường tiến tới hồi sinh, Nxb. Forum, Mátxcơva, 2014, tr. 19.

20. Xem thêm A. V. Lomanov: ““Giấc mơ Trung Quốc”: biểu tượng tư tưởng lãnh đạo của Tập Cận Bình”, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa: chính trị, kinh tế, văn hóa (Kỷ niệm 65 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa), Nxb. Forum, Mátxcơva, 2014, tr. 40-56.

 


Bình luận