Từ nhân dân mà ra

Ngày đăng: 10/10/2013 - 15:10

   dai-tuong-vo-nguyen-giap-giaoduc net vn34  Chạy và Thiền

    Tôi may mắn có mặt trong cả hai lần tiếp xúc giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mắc Namara vào năm 1995 và năm 1997 tại Hà Nội. Câu chuyện đầu tiên sau cái bắt tay đầu tiên là chuyện tập thể dục mỗi sáng. Ông cựu Bộ trưởng Mỹ nói rằng Hà Nội rất đẹp vì sáng hôm đó ông đã chạy bộ từ khách sạn Metropole (nay là khách sạn Sofitel) ra Bờ Hồ, rồi ông hỏi vị chủ nhà về món thể dục buổi sáng. Đại tướng trả lời là ông ngồi thiền. Câu chuyện tưởng bâng quơ này lại rất gây ấn tượng cho những người có mặt, bởi lẽ cuộc nói chuyện giữa hai người về một cuộc chiến tranh lớn giữa hai bộ máy chiến tranh lớn in rất đậm nét hai phong cách đối lập nhau. Quân đội Mỹ lấy sức mạnh của công nghệ chiến tranh mà nổi trội là tính cơ động. Còn lực lượng vũ trang của Việt Nam thì đặt sức mạnh ở sự kiên trì của cả một dân tộc chấp nhận mọi hy sinh nhưng không khi nào từ bỏ mục tiêu cuối cùng.

   Ông Mắc Namara hỏi rằng phía Việt Nam có bị choáng ngợp trước sức mạnh của công nghệ chiến tranh tối tân của Hoa Kỳ không và thứ vũ khí nào là đáng sợ nhất. Tướng Giáp cười và nói rằng trong từ điển của quân đội Việt Nam không có từ “sợ”. Rồi vị tướng của Quân đội nhân dân phân tích: Mỹ đúng là có lực lượng cơ động mạnh. Với máy bay trực thăng chẳng hạn, di chuyển rất nhanh từ điểm này đến điểm khác. Việt Nam không có những phương tiện ấy, nhưng ở đâu quân Mỹ đặt chân tới thì tại đó đã có lực lượng của người Việt Nam chờ sẵn. Như vậy chiến tranh nhân dân là lực lượng cơ động vô địch. Không thấy ông cựu Bộ trưởng Mỹ tranh luận tiếp về vấn đề này.

   Hoàn thành nhiệm vụ

   Chuẩn bị kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1999) tôi được phỏng vấn vị Chủ tịch danh dự của Hội Sử học Việt Nam. Đang giữa câu chuyện có một ông già bước vào, trên mình mặc bộ quân phục đã bạc màu. Người đó đứng nghiêm chào Đại tướng của mình theo đúng nghi thức của người lính rồi nói: “Kính chào Đại tướng Tổng Tư lệnh, em là lính, đi đánh giặc cả đời. Ra Hà Nội, em hỏi thăm nhà là vào thẳng đây, để báo cáo với anh là em đã hoàn thành nhiệm vụ”.

   Vị tướng năm đó đã 88 tuổi, còn người lính vừa tròn 70 ôm chặt nhau. Biết chủ nhà đang làm việc với tôi, người lính già lấy trong chiếc ba lô con cóc ra một gói hạt tiêu và một cuốn vở học trò chép đầy thơ trao cho vị tướng và nói: “Em người Quảng Bình, gửi anh món quà nhỏ quê hương. Còn bây giờ thì em về”. Tất cả đều diễn ra rất nhanh gọn theo tác phong con nhà lính.

   Ít hôm sau tôi nhận được thư của người lính già quê Quảng Bình. Ông cho biết cuốn vở học trò chép thơ của ông trong đó có bài tự sự: "Chẳng ai trẻ mãi không già - Tinh thần hăng hái lão quên tra - Xưa trẻ xông pha gìn giữ nước - Nay già mẫu mực cốt tề gia". Ông còn tâm sự với tôi là khi trở về quê ông đã kể chuyện ra Hà Nội gặp Đại tướng, dân xóm chẳng ai chịu tin cả. Do vậy số Tạp chí Xưa & Nay kỷ niệm 45 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam năm đó tôi in ảnh 2 người lính già ôm nhau lên bìa. Ông nhận được, dân xóm mới tin. Ông lại gửi thư cảm ơn và đến nay thi thoảng vẫn gửi thư cho tôi nhờ chuyển lời thăm đến Đại tướng.

   Đến kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ mới đây, khi Đại tướng nghe tôi nhắc đến việc có thời gian ngắn Đại tướng, khi đó còn là Phó Thủ tướng đảm nhiệm cả một ngành liên quan đến dân số, ông cười và nói rằng đã là nhiệm vụ thì phải giữ được tinh thần "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành..." của Anh bộ đội Cụ Hồ.

    Phải ơn Dân

   Với vị Đại tướng dạn dày chinh chiến, tâm trạng xúc động của ông thường là lúc nhắc đến Bác Hồ và những người đã khuất. Có lần ông tâm sự, mỗi khi đến nghĩa trang Mai Dịch thăm mộ người thân, ông thường đi dọc theo các hàng mộ. Ông nói rằng thấy nhiều người quen quá, như đi dọc cả một pho sử mà ông là người trong cuộc. Ông nói trong bâng khuâng: “Nhiều người tốt lắm, nhiều người đi xa rồi...”. Ông kể rằng ông đã khóc khi biết những lớp học sinh đại học rời ghế nhà trường tiến thẳng ra mặt trận Quảng Trị những ngày ác liệt vào mùa hè 1972. Ông luôn nhắc lại lời của Bác là không có trận thắng nào gọi là đẹp cả.

   Ông hay ôn lại những ngày gian khổ khó khăn nhất. Đó là những ngày Bác ốm nặng giữa lúc cơ hội cách mạng đang đến gần (1945). Đó chính là lúc Bác đã nói những câu đi vào lịch sử về ý chí quyết tâm giành độc lập: "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn...". Khi nhắc đến câu chuyện này, Đại tướng luôn nói đến một đồng bào dân tộc ít người đã có công thuốc thang chữa khỏi bệnh cho Bác mà đến nay vẫn chưa tìm lại được... Cho đến những ngày gần đây ông vẫn không quên nhắc tìm lại và khen thưởng cho những người có thành tích trong hai cuộc kháng chiến mà ông là Tổng Tư lệnh.

  Năm 1964, ông bắt đầu viết hồi ức thì cuốn đầu tiên ông lấy tên gọi “Từ nhân dân mà ra”, đến khi đã ngoài 90, vị lão tướng vẫn tìm cơ hội trở về chiến khu xưa, gặp lại những người dân từng chia ngọt xẻ bùi khi trận mạc. Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, vị lão tướng 93 tuổi vẫn lặn lội lên tận Mường Phăng, đại bản doanh của chiến trường. Cảnh đổi thay tuy làm ông lo lắng vì sự quên lãng, nhưng gặp lại người xưa thì vẫn nguyên vẹn tình cảm quân dân. “Từ nhân dân mà ra” và trở về với nhân dân là nguồn sức mạnh của “Bộ đội Cụ Hồ”.

  Vì thế, trong nhiều lần phát biểu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ phải “dựa vào dân, dựa chắc vào dân, dựa vào dân thì nhất định thắng"...

Dương Trung Quốc

(Trích trong sách Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với sử học Việt Nam

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 2010).

 
Bình luận