Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ

Ngày đăng: 17/07/2013 - 14:07

Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ, công tác cán bộ là một hệ thống các quan điểm lý luận toàn diện, sâu sắc về vị trí, vai trò, tiêu chuẩn của người cán bộ cách mạng; về các mắt khâu của quy trình công tác cán bộ nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ có đạo đức cách mạng, trình độ, năng lực, trí tuệ cao, phương pháp làm việc khoa học, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống qua các thời kỳ phát triển.

Tu tuong HCM ve can bo va cong tac can bo

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết cán bộ học viên Trường cán bộ dân tộc miền núi trung ương

Về vấn đề cán bộ

Quan niệm của Hồ Chí Minh về cán bộ rất dung dị, mộc mạc, ngắn gọn nhưng hàm chứa những nội dung rất sâu sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Namvà phương Đông. Người cho rằng: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”1. Người chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”2, “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”3. Trong tư tưởng của Người, cán bộ cách mạng phải hội tụ đầy đủ các chuẩn mực sau:

- Có đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng như là gốc của cây, nguồn của sông, cái căn bản của người cách mạng nói chung và của cán bộ nói riêng.

- Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng, thắng không kiêu, bại không nản.

- Có năng lực lãnh đạo, quản lý, xây dựng đường lối, chủ trương và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Có tinh thần trách nhiệm cao trước mọi công việc.

- Luôn luôn học tập, học tập mọi lúc, mọi nơi để nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.

- Có mối liên hệ mật thiết với nhân dân, bằng hành động của mình làm cho dân tin, dân yêu, dân kính, dân phục; khiêm tốn học hỏi nhân dân; có tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.

- Có phong cách công tác tốt; phòng và chống chủ quan, quan liêu, đại khái, ham chuộng hình thức, phô trương.

Về công tác cán bộ

Phải hiểu và đánh giá đúng cán bộ để lựa chọn, sử dụng đúng

Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác cán bộ. Người chỉ rõ: nếu không đánh giá đúng cán bộ và tình hình công tác cán bộ thì không thể đề ra chính sách cán bộ một cách đúng đắn được. Đánh giá đúng cán bộ, một mặt sẽ tìm thấy những nhân tài mới, mặt khác sẽ phát hiện ra những người yếu kém. Hiểu và đánh giá đúng cán bộ và tình hình công tác cán bộ phải có những yêu cầu, chuẩn mực phù hợp với từng thời kỳ, từng địa phương, từng lĩnh vực, đánh giá một cách công minh, khách quan. Đối tượng để lựa chọn đào tạo, bồi dưỡng thành những cán bộ tốt phải là những người:

- Trung thành và hăng hái trong công việc, trong đấu tranh.

- Liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng, luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng.

- Có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn.

- Luôn luôn giữ đúng kỷ luật.

Người làm công tác cán bộ khi đánh giá, xem xét cán bộ phải “tự biết mình”, tức là biết được “sự phải trái của mình”, sửa chữa những khuyết điểm của mình, để “mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng”, như thế mới không phạm những căn bệnh: “tự cao tự đại; ưa người ta nịnh mình; do lòng yêu, ghét của mình mà đối với người; đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau”4.

Xem xét một cán bộ không nên chỉ xem xét mặt bên ngoài, xem xét qua một việc, mà phải xem xét kỹ cả toàn bộ công việc của cán bộ đó. Trong thế giới, mọi thứ luôn biến hóa, tư tưởng con người cũng vậy, cho nên xem xét cán bộ phải toàn diện, trong cả quá trình công tác. Có người trước đây có sai lầm nhưng nay đã sửa chữa được, có người nay không có sai lầm nhưng sau lại mắc sai lầm, có người trước đây đi theo cách mạng nay lại phản cách mạng, ngược lại, có người trước đây không theo cách mạng nay lại tham gia cách mạng… nghĩa là quá khứ, hiện tại, tương lai của mọi người không phải luôn luôn giống nhau. Do đó, xem xét cán bộ phải xem xét cả lịch sử của họ, toàn bộ công việc của họ.

Hồ Chí Minh nêu rõ: “Ai mà hay khoe công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người khác, hay tự tâng bốc mình, những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải cán bộ tốt. Ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào, lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt. Người ở đời, ai cũng có chỗ tốt và chỗ xấu. Ta phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ”5.

Phải “khéo dùng cán bộ”, “dùng người đúng chỗ, đúng việc”

Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải “dùng người đúng chỗ, đúng việc”. Người cho rằng, dùng người như dùng gỗ, người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được. Người phê bình nghiêm khắc tệ “kéo bè kéo cánh” trong công tác cán bộ. Tệ này phát sinh từ bệnh bè phái, ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau; ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Khuyết điểm này làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình, làm hại sự thống nhất, làm mất sự thân ái, đoàn kết, tình nghĩa đồng chí, gây ra những mối nghi ngờ… dễ dẫn đến chia rẽ.

Hồ Chí Minh nêu rõ, khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không, phù hợp với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc. Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người “bô lô ba la”, chỉ nói mà không biết làm vào những địa vị lãnh đạo, như thế rất có hại.

Hồ Chí Minh nghiêm khắc phê phán việc ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, vì cho họ tốt hơn người bên ngoài; ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình mà chán ghét những người chính trực; ham dùng những người tính tình hợp với mình mà tránh những người tính tình không hợp với mình.

Hồ Chí Minh xác định rõ những quan điểm cần quán triệt trong công tác cán bộ:

- Phải có độ lượng thì mới có thể có thái độ và tinh thần chí công vô tư đối với cán bộ, không có thành kiến, khiến cán bộ không bị bỏ rơi.

- Phải có tinh thần rộng rãi mới có thể gần gũi với những người mà mình không ưa.

- Phải có tính chịu khó dạy bảo mới có thể nâng đỡ những cán bộ còn kém, giúp cho họ tiến bộ.

- Phải sáng suốt mới "khỏi bị bọn vu vơ bao vây mà cách xa cán bộ tốt".

- Phải có thái độ vui vẻ, thân mật thì cán bộ mới vui lòng gần gũi mình.

Phải chống chủ nghĩa biệt phái, cục bộ, địa phương, hẹp hòi

Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh việc chống tệ cục bộ, địa phương, hẹp hòi trong công tác cán bộ nói chung cũng như trong chính sách cán bộ nói riêng. Người phê bình một cách nghiêm khắc việc ưa kẻ nịnh, tìm cách lợi dụng chức quyền để đưa anh em, họ hàng, bạn bè thân quen vào chức này chức nọ, chỉ rõ tác hại của bệnh hẹp hòi, bệnh địa phương cục bộ. Theo Người, những bệnh chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, v.v. đều do bệnh hẹp hòi mà ra.

Hồ Chí Minh nghiêm khắc phê phán tình trạng thiếu đoàn kết giữa cán bộ cấp trên phái đến và cán bộ địa phương, yêu cầu phải chữa cho “tiệt nọc” bệnh hẹp hòi, khắc phục kèn cựa, mất đoàn kết giữa cán bộ trên điều về và cán bộ tại chỗ. Người viết: “Phải biết rằng: chỉ có hai hạng cán bộ đó đoàn kết chặt chẽ và chỉ có cán bộ địa phương ngày càng thêm nhiều, thì nền tảng của Đảng mới phát triển vững vàng. Cán bộ phái đến, trình độ thường cao hơn, kinh nghiệm nhiều hơn. Nhưng cán bộ địa phương lại biết rõ nhân dân, quen thuộc công việc hơn. Hai hạng cán bộ phải giúp đỡ nhau, bồi đắp nhau, thì công việc mới chạy”6. Theo quan điểm của Người, tốt nhất là lấy cán bộ tại chỗ, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, sử dụng cán bộ; song nếu không có hoặc thiếu thì điều động cán bộ ở nơi khác về.

Quan hệ giữa cán bộ mới và cán bộ cũ cũng được Hồ Chí Minh đề cập không ít trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng. Người chỉ rõ: “Số cán bộ cũ có ít, không đủ cho Đảng dùng. Đồng thời, theo luật tự nhiên, già thì phải yếu, yếu thì phải chết. Nếu không có cán bộ mới thế vào, thì ai gánh vác công việc của Đảng”7. Người phân tích, cán bộ mới “vì công tác chưa lâu, kinh nghiệm còn ít, có nhiều khuyết điểm. Nhưng họ lại có những ưu điểm hơn cán bộ cũ: họ nhanh nhẹn hơn, thường giàu sáng kiến hơn”8. Do đó, “cán bộ cũ phải hoan nghênh, dạy bảo, dìu dắt, yêu mến cán bộ mới… Hai bên phải tôn trọng nhau, giúp đỡ nhau, học lẫn nhau, đoàn kết chặt chẽ với nhau… Cán bộ cũ thường giữ địa vị lãnh đạo. Vì vậy, nếu từ nay, quan hệ giữa hai hạng cán bộ ấy không ổn thỏa, thì cán bộ cũ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn. Như thế mới chữa khỏi bệnh hẹp hòi”9.

Phải chú trọng đến công tác đề bạt cán bộ

Hồ Chí Minh rất chú trọng việc xem xét cán bộ trước khi đề bạt. Người cho rằng, cất nhắc cán bộ không nên làm theo lối giã gạo, nghĩa là trước khi cất nhắc không xem xét kỹ, khi cất nhắc rồi thì không giúp đỡ họ, khi họ sai lầm thì đẩy họ xuống, chờ lúc họ làm khá lại cất nhắc lên, như thế sẽ làm hỏng sự nghiệp của cán bộ. Người chỉ rõ, Đảng phải chăm sóc cán bộ “như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung”10.

Chú trọng đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ, thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ

Hồ Chí Minh chỉ rõ, phải chú ý việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách khoa học, hiệu quả, thường xuyên, vì đây là công việc gốc của Đảng. Người yêu cầu:

- Học phải thiết thực, “lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”11.

- Học phải đi đôi với hành, lý luận phải gắn với thực tế.

- Sắp xếp thời gian và bài học phải hợp lý.

- Tuyệt đối chống bệnh chủ quan, hẹp hòi, ba hoa.

- Các tài liệu huấn luyện phải do cơ quan lãnh đạo xét kỹ.

- Những giờ học tập đều tính như những giờ làm việc.

- Khi cất nhắc cán bộ, phải xem kết quả học tập cũng như kết quả công tác khác mà định.

- Phải lựa chọn rất cẩn thận những nhân viên phụ trách việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

- Những người lãnh đạo phải tham gia giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng.

- Đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải có kinh phí tương xứng với yêu cầu, “không nên bủn xỉn về các khoản chi tiêu trong việc huấn luyện”12.

Để làm tốt công tác cán bộ, phải thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ, chăm lo đời sống của họ cả về vật chất và tinh thần, cả công việc chung và đời sống cá nhân, giúp họ tự tin để có thể đạt hiệu quả cao nhất trong công việc.

PGS. TS. PHẠM NGỌC ANH

Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh

Học Viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

1-12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.309, 313, 318, 276, 277, 377, 278, 313, 312, 313.

Bình luận