Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cơ bản của Đảng đối với các dân tộc thiểu số trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc và đa tôn giáo; với 90 triệu người. Dân tộc Kinh là dân tộc đa số với hơn 85%, 53 dân tộc còn lại chỉ chiếm hơn 14% tổng dân số cả nước, gọi chung là các dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc có tiếng nói, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa riêng. Chính điều đó làm nên đặc điểm văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng, giàu bản sắc. Trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, có 52 tỉnh, thành phố có dân tộc thiểu số cư trú tập trung theo cộng đồng; mà tập trung đông nhất ở vùng miền núi, trung du (chiếm 2/3 tổng diện tích đất liền Việt Nam) và Nam Bộ nước ta. Đa số các vùng cư trú từ lâu đời của các dân tộc thiểu số lại là vùng căn cứ địa cách mạng trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trước đây; là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên cương của Tổ quốc. Đó là những vùng giàu tiềm năng phát triển kinh tế và có vị trí hết sức trọng yếu về quốc phòng - an ninh của đất nước. Dù khác nhau về văn hóa, và trước đây cách xa nhau về nơi cư trú, nhưng các dân tộc lại có chung một Tổ quốc, một vận mệnh lịch sử quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số phía nam ngày 19-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...
Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có Nha Dân tộc thiểu số để săn sóc cho tất cả các đồng bào.
Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta.
Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta...".
Tư tưởng chí nhân, bình đẳng, vĩ đại, cao cả đó của Người đã được thể hiện ngay trong Hiến pháp 1946 (Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, cũng là Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam) khẳng định rất rõ: "Điều thứ 8: Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung". Điều này có nghĩa là: Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, người các dân tộc thiểu số được xác định là công dân Việt Nam, bình đẳng với công dân là người dân tộc đa số (dân tộc Kinh); đồng thời xác định: Nhà nước sẽ giúp đỡ mọi mặt để các dân tộc thiểu số sớm tiến kịp trình độ phát triển chung của cả nước.
Trải qua các giai đoạn đấu tranh cách mạng, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh; kế thừa nội dung tinh thần đối với các dân tộc thiểu số của Hiến pháp 1946, Đảng ta đã xác định: "- Phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách dân tộc; quan tâm phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất.
Ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các vùng dân tộc và miền núi, trước hết, tập trung vào phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, đi đôi với bảo vệ bền vững môi trường sinh thái; phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc, đồng thời tăng cường sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và sự giúp đỡ của các địa phương trong cả nước". Từ tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối công tác dân tộc của Đảng, các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 đã thể hiện ngày càng toàn diện hơn, sâu sắc hơn về quyền làm chủ của nhân dân; quyền bình đẳng giữa các dân tộc; quyền giữ gìn phát huy văn hóa và phát triển của các dân tộc của Nhà nước ta nhằm tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Tại Điều 5 Hiến pháp sửa đổi khẳng định:
"1. Nước CHXHCN Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.
2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.
3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.
4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước".
Nội dung nêu trên được thể hiện cụ thể tại các điều: 24, 42, 46, 59, 60 và 61. Nói đến sự khác nhau về dân tộc trong một quốc gia, đó là sự khác nhau về bản sắc văn hóa (theo nghĩa rộng bao gồm: tiếng nói, phong tục tập quán sống, tín ngưỡng, các loại hình văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể...). Lịch sử thế giới cho thấy, quan hệ giữa các dân tộc trong một quốc gia, sự khác nhau về văn hóa, rất dễ "tự nhiên" chuyển sang khác nhau, thậm chí mâu thuẫn hoặc đối lập, xung đột nhau trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế. Ở các quốc gia khác nhau có đặc điểm và hoàn cảnh khác nhau về những vấn đề cần giải quyết liên quan đến các dân tộc trong quốc gia đó. Giải quyết vấn đề dân tộc ở mỗi quốc gia trong thế giới ngày nay bao giờ cũng là vấn đề cực kỳ hệ trọng và đối với không ít quốc gia, đó lại là vấn đề hưng thịnh hoặc suy vong.
Ở Việt Nam ngày nay, bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc góp phần tạo nên cái đẹp, cái rực rỡ giàu bản sắc của văn hóa Việt Nam, góp phần kết nối hài hòa các dân tộc trên đất nước Việt Nam yêu quý của chúng ta. Do điểm xuất phát thấp, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan mà vùng đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú còn rất nhiều khó khăn, các chỉ số về trình độ phát triển, mức sống của các dân tộc thiểu số ở nước ta so với mức trung bình của các địa phương thường thấp hơn khoảng ba lần. Nhất là trong nền kinh tế thị trường (trừ người Hoa ra) hầu hết các dân tộc thiểu số đều thuộc nhóm yếu thế nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Những khó khăn, yếu kém đó nếu Đảng, Nhà nước không quan tâm có hệ thống chính sách toàn diện, đồng bộ giúp đỡ, hỗ trợ thì khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống của các dân tộc thiểu số so với mức trung bình của các địa phương sẽ ngày càng gia tăng. Như thế tư tưởng các dân tộc anh em ruột thịt sướng khổ cùng nhau của Bác Hồ sẽ không bao giờ thực hiện được. Sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước và cả nước với các dân tộc thiểu số rất quan trọng, cần phải có; nhưng quyết định vươn lên cùng phát triển với cả nước, lại do chính ý chí làm chủ, tính năng động, sáng tạo, tự thân vận động của các dân tộc thiểu số. Đây là tư tưởng chỉ đạo mới của Đảng được đưa vào Hiến pháp sửa đổi.
Ở nước ta, từ ngày 2-9-1945 đến nay, Bác Hồ và Đảng ta trước sau như một liên tục, kiên định tư tưởng lãnh đạo thực hiện: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng tiến bộ. Hàng chục năm nay, nhất là từ sau ngày miền bắc được giải phóng (tháng 10-1954) và sau ngày giải phóng hoàn toàn miền nam (30-4-1975) đến nay, Đảng, Nhà nước đã ban hành hàng chục chính sách giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội...
Bước vào giai đoạn phát triển mới của đất nước (từ Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng đến nay), cùng đồng thời quá trình đổi mới trên lĩnh vực kinh tế, Đảng chủ trương tiếp tục xây dựng, không ngừng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Xuất phát từ quan điểm của Đảng tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Quốc hội trong thiết chế Nhà nước ta, được quy định tại Điều 69 của Hiến pháp là "... cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam". Chính vì vậy các chính sách của quốc gia, do QH ban hành có giá trị, có hiệu lực thi hành cao nhất. Để thể chế hóa quan điểm, đường lối công tác dân tộc của Đảng; đồng thời bảo đảm hiệu lực cao nhất của chính sách quốc gia, kế thừa Hiến pháp năm 1992, tại Khoản 5, Điều 70 Hiến pháp sửa đổi quy định: "QH quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước". QH quyết định chính sách dân tộc qua Hiến pháp, qua các đạo luật, các nghị quyết của QH; qua pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH. Hội đồng Dân tộc của QH và các Ủy ban của QH đều có trách nhiệm tham mưu giúp QH trong xây dựng các chính sách nói chung, chính sách dân tộc nói riêng. Riêng Hội đồng Dân tộc là cơ quan của QH, đại diện cho 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam, được quy định rõ tại bốn khoản của Điều 75, trong đó xác định nhiệm vụ "... 2. Hội đồng dân tộc nghiên cứu và kiến nghị với QH về công tác dân tộc; thực hiện quyền giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số... 3. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc được mời tham dự phiên họp của Chính phủ bàn về việc thực hiện chính sách dân tộc. Khi ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc, Chính phủ phải lấy ý kiến của Hội đồng Dân tộc".
Thực tiễn hàng chục năm qua cho thấy, quan điểm, đường lối của Đảng về dân tộc và công tác dân tộc, đã và đang được QH không ngừng hoàn thiện, thể chế hóa trên các lĩnh vực, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của nước ta qua các giai đoạn khác nhau. Nhà nước và cả nước đã cưu mang, giúp đỡ liên tục, rất to lớn, có hiệu quả rõ rệt cho các dân tộc thiểu số. Nhờ đó đến nay, vùng dân tộc thiểu số và các dân tộc thiểu số đã và đang không ngừng phát triển, tiến bộ vượt bậc về mọi mặt (kết quả này đã được Hội đồng Dân tộc của các khóa của QH qua giám sát cho thấy rất rõ). Nói đến sự giúp đỡ của cả nước là vì đường lối chính sách dân tộc đúng đắn, sự giúp đỡ của Nhà nước rất quan trọng, nhưng chưa đủ. Vấn đề quan trọng có tính quyết định đó là, ở cơ sở, đồng bào các dân tộc phải thật sự tôn trọng nhau, đoàn kết, cưu mang giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt. Nếu ở cơ sở, các cấp ủy lãnh đạo đồng bào các dân tộc làm được như vậy, thì mới thực hiện được đúng lời Bác Hồ đã nói. Thực tiễn cho thấy đã có nhiều địa phương làm rất tốt việc này.
Đón nhận và thực hiện Hiến pháp sửa đổi, cũng như hàng chục triệu người Việt Nam, chúng tôi những người làm công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước rất vui mừng. Với niềm tin chắc chắn dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, được toàn dân đồng tình ủng hộ, chúng ta sẽ thực hiện được tinh thần các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ.
KSOR PHƯỚC
Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH
Theo Báo Nhân dân
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực