Góp phần tìm hiểu tư tưởng triết học Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi là là anh hùng dân tộc, nhà chính trị lỗi lạc, nhà văn hóa tư tưởng, nhà thơ xuất sắc của dân tộc Việt Nam. Tâm hồn và sự nghiệp của ông mãi mãi là vì sao sáng như vua Lê Thánh Tông truy tặng “Ức Trai tâm thượng quang Khuê Tảo”. Ông đã để lại cho đời sau nhiều tác phẩm có giá trị vô giá về văn học, quân sự, lịch sử và tư tưởng triết học. Ẩn chứa sau các giá trị văn hóa sâu sắc ấy là tư tưởng triết học nhân văn của Nguyễn Trãi. Điều này được phân tích và làm rõ qua cuốn sách “Góp phần tìm hiểu tư tưởng triết học Nguyễn Trãi” của PGS. TS. Doãn Chính - TS. Bùi Trọng Bắc, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản.
Đền thờ Nguyễn Trãi ở xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Nguyễn Trãi (1380-1442), hiệu là Ức Trai, sinh tại kinh thành Thăng Long, quê ở làng Chi Ngại, huyện Chí Linh (nay là thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Ông xuất thân trong một gia giàu truyền thống hiếu học và yêu nước. Bố là Nguyễn Ứng Long sau đổi tên là Nguyễn Phi Khanh, đã từng đi dạy học rồi đỗ tiến sĩ đời Trần và làm quan dưới triều Hồ. Mẹ là Trần Thị Thái, con gái của quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán, một quý tộc nhà Trần. Sinh ra và lớn lên trong một thời kỳ lịch sử nhiều biến động, trải qua nhiều thăng trầm, Nguyễn Trãi đã sáng tạo nên những giá trị tư tưởng tiêu biểu, thể hiện rõ quan điểm về vũ trụ, trời đất, đạo lý làm người, vai trò của nhân dân, quan điểm về dân tộc, thời thế...
Kết tinh lịch sử và văn hóa dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại
Mỗi nhân vật lịch sử nói chung, mỗi nhà tư tưởng nói tiêng đều là kết tinh tinh hoa dân tộc cùng với hoàn cảnh thời đại như C. Mác đã viết: “Các triết gia không mọc lên như nấm từ trái đất, họ là sản phẩm của thời đại của mình, của dân tộc mình, mà dòng sữa tinh tế nhất, quý giá và vô hình được tập trung lại trong những tư tưởng triết học”. Thực vậy, tư tưởng triết học Nguyễn Trãi không chỉ bị chi phối bởi điều kiện lịch sử xã hội Đại Việt thế kỷ XIV - XV mà còn phản ánh những biến động, lịch sử dân tộc và cuộc đời vốn nhiều thăng trầm của ông. Chính thời đại lịch sử đã sản sinh ra những con người rất đẹp, rất đáng kính về nhân cách, giàu lòng yêu nước, thương dân và bản lĩnh kiên cường như Nguyễn Trãi.
Ngoài tiền đề lịch sử, cuốn sách “Góp phần tìm hiểu tư tưởng triết học Nguyễn Trãi” còn chỉ rõ những giá trị của truyền thống văn hóa dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại đối với sự hình thành tư tưởng triết học Nguyễn Trãi. Tinh thần yêu nước, đoàn kết nhân dân và ý chí độc lập dân tộc là truyền thống vẻ vang, cao đẹp nhất của các thế hệ người Việt đã được Nguyễn Trãi tiếp thu và phát triển một cách toàn diện, sâu sắc qua “Bình Ngô đại cáo”. Suốt một đời, ông đau xót trước cảnh nước mất, nhà tan, chiến đấu và hy sinh vì lý tưởng dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ. Cùng với đó, ông cũng tiếp thu có chọn lọc các quan điểm khác nhau của Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo để làm hoàn thiện hơn những tư tưởng triết học của mình.
Như vậy, tư tưởng triết học của Nguyễn Trãi không chỉ là sự xuất hiện ngẫu nhiên hay xuất phát từ ý muốn chủ quan của các nhà tư tưởng mà nó là kết tinh những giá trị truyền thống dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại; là tiếng nói phản ánh sâu sắc đặc điểm nhu cầu của lịch sử xã hội đương thời.
Tranh vẽ “Lê Lợi và Nguyễn Trãi” - Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
Tư tưởng triết học sâu sắc, lấy nhân nghĩa làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt
Việt Nam dù không có học thuyết hay trường phái triết học nổi bật nhưng từ rất sớm đã xuất hiện những tư tưởng triết học sâu sắc, mang đậm văn hóa truyền thống dân tộc với đại diện tiêu biểu thời Hậu Lê là Nguyễn Trãi. Tư tưởng của ông không được ông trình bày thành một học thuyết có hệ thống hay chứa đựng trong một trước tác cụ thể nào mà được thể hiện rải rác qua các tác phẩm như Bình Ngô đại cáo, Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô sách, Ức trai thi tập, Quốc âm thi tập, Ngọc đường di cảo, Luật thư...
Trong cuốn sách “Góp phần tìm hiểu tư tưởng triết học Nguyễn Trãi”, các tác giả đã tập trung phân tích một cách toàn diện hệ thống tư tưởng của Nguyễn Trãi với những quan điểm về thế giới, nhận thức, giáo dục, nhân nghĩa … Đối với triết học Nguyễn Trãi “trời đất sinh muôn vật” nhưng cũng rất bao dung và công bằng. Trong bài Quan hải, Nguyễn Trãi đã viết: “Lẽ của trời đất và xưa nay, thực là vô cùng. Vẫn là ở chỗ sắc nước bát ngát, cây khói xa vời”. Tấm lòng của trời đất yêu thương vạn vật và con người như tấm lòng bao dung của cha mẹ đối với con cái.
Tuy tin vào sự vận chuyển, thay đổi tuần hoàn của trời, của thiên đạo nhưng trong quan niệm về con người, triết học Nguyễn Trãi cũng thể hiện tính chất duy vật chất phác: “tính của con người khác nhau do bẩm thụ từ khí khác nhau mà ra”. Nhìn chung, những tư tưởng triết học của Nguyễn Trãi rất giản dị, thuần phác, tự nhiên. Bởi chính những thăng trầm trong cuộc đời, gia đình đã giúp ông có một tâm thế điềm tĩnh, cái nhìn sâu sắc về thiên mệnh và con người, tiến bộ hơn những học giả đương thời.
Sinh ra và lớn lên trong thời cuộc nhiều biến động nhưng Nguyễn Trãi vẫn có những nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của giáo dục. Ông xác định mục đích, vai trò của giáo dục là nhằm đào tạo ra những con người có tri thức, có phẩm chất đạo đức và nhân cách, biết phân biệt phải trái, đúng sai, tốt xấu, biết người biết mình, biết thế nào là “sống nhục chết vinh”. Ông coi trọng giáo dục toàn diện, bước đầu nhận thấy mối liên hệ mật thiết giữa học và hành, “tri sáng việc rành”.
Bên cạnh các quan điểm về thế giới quan, nhận thức luận và vấn đề giáo dục, tư tưởng triết học Nguyễn Trãi còn bao gồm đạo lý làm người, tư tưởng nhân nghĩa. Nhưng dù là nhân nghĩa hay đạo lý làm người trong tư tưởng của ông đều gắn với ý nghĩa xã hội sâu sắc, hướng về nhân dân, về vận mệnh quốc gia và sự tồn vong của dân tộc. Trung hiếu là lẽ sống suốt đời, là phẩm chất “mài chẳng khuyết, nhuộm chẳng đen” trong tâm hồn người chí sĩ yêu nước ấy. Đọc cuốn sách “Góp phần tìm hiểu tư tưởng triết học Nguyễn Trãi”, bạn đọc sẽ nhận thấy nhân nghĩa là triết lý bao trùm toàn bộ tư tưởng triết học Nguyễn Trãi, được thể hiện sinh động trong suốt cuộc đời hoạt động và cống hiến của ông.
Bắt nguồn từ tư tưởng nhân nghĩa, Nguyễn Trãi đã hình thành quan điểm sâu sắc và tiến bộ về nhân dân cũng như vai trò của nhân dân. Đây được xem là một nét độc đáo khác trong tư tưởng triết học Nguyễn Trãi. Từng trải qua cuộc sống nghèo khó, gần gũi và gắn bó với nhân dân, nằm gai nếm mật với nghĩa quân Lam Sơn nên hơn ai hết ông hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, nhìn thấy vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân. “Mến người có nhân là dân, mà chở thuyền, lật thuyền cũng là dân”. Cả cuộc đời ông lấy viêc xây dựng đất nước giàu đẹp, mang lại lợi ích cho nhân dân là “niềm trăn trở” không bao giờ nguôi, mục đích tối thượng.
Lấy tư tưởng nhân nghĩa, thương dân làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt, trong tư tưởng triết học của Nguyễn Trãi, tư tưởng về thời và thế cũng thể hiện rõ điều này. Ông dùng đạo lý nhân nghĩa để bàn về thời và thế, mà đánh vào lòng người, vận dụng thành công kế sách “tâm công”, tiêu diệt nhiều thành trì của giặc mà không tổn thất một mũi tên hòn đạn. Từ những nội dung trên, chúng ta có thể thấy tư tưởng triết học của Nguyễn Trãi nổi bật lên đặc điểm cơ bản như tính chất kế thừa, dung hợp, khai phóng; tính chất triết lý hành động và tính chất nhân văn.
Với gần 300 trang, cuốn sách “Góp phần tìm hiểu tư tưởng triết học Nguyễn Trãi” đã phác họa thành công những nét cơ bản và đặc sắc trong tư tưởng triết học của Nguyễn Trãi. Song qua đó, chúng ta vẫn nhận thấy tầm vóc lớn lao của một nhà văn hóa kiệt xuất, một anh hùng dân tộc với sự nghiệp “kinh bang tế thế”. Ẩn chứa đằng sau những quan điểm về thiên mệnh, về trời đất và con người, về nhân nghĩa và thời thế… là chủ nghĩa yêu nước được phát triển đến đỉnh cao; xét cho đến cùng là mục tiêu chống giặc ngoại xâm, vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng tư tưởng triết học của Nguyễn Trãi vẫn có giá trị và ý nghĩa thiết thực đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay. Đó là những bài học về tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc, bài học về nhân nghĩa và tầm quan trọng của giáo dục, sức mạnh đại đoàn kết nhân dân... Tên tuổi, sự nghiệp và những giá trị tư tưởng của Nguyễn Trãi sẽ còn sống mãi với thời gian, là tấm gương sáng cho các thế hệ Việt Nam noi theo.
Nguyễn Thu Hằng
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực