Tư tưởng Việt Nam về quyền con người

Ngày đăng: 20/05/2016 - 12:05

TƯ TƯỞNG VIỆT NAM VỀ QUYỀN CON NGƯỜI.docxViệt Nam từng là nạn nhân của nhiều cuộc chiến tranh xâm lược. Nhân dân Việt Nam từng phải sống những năm tháng đầy đau thương, bị bóc lột, áp bức cả tinh thần và thể xác. Chính vì thế, dân tộc Việt Nam hiểu  quyền con người, quyền được sống bình đẳng, tự do, hòa bình quan trọng, cần thiết như thế nào đối với sự phát triển của đất nước. Với mong muốn đáp ứng nhu cầu tìm hiểu tư tưởng về quyền con người của bạn đọc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật phối hợp với Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản cuốn sách chuyên khảo Tư tưởng Việt Nam về quyền con người do GS. TS Phạm Hồng Thái làm chủ biên.

Nội dung cuốn sách tập trung phân tích và làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về quyền con người và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, với những nội dung chủ yếu: Những vấn đề phương pháp luận nghiên cứu về quyền con người; Nguồn gốc tư tưởng quyền con người ở Việt Nam; Tư tưởng về quyền con người ở Việt Nam thời kỳ nhà nước phong kiến độc lập; Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người; Tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người; Tư tưởng quyền con người trong pháp luật Việt Nam từ năm 1945 tới nay. Cuốn sách đã hệ thống lại hệ thống tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt của về quyền con người tại Việt Nam theo chiều dài biến thiên của lịch sử dân tộc. Theo đó, tư tưởng về quyền con người ở Việt Nam được hình thành trên cơ sở truyền thống văn hiến Việt Nam, chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa của các dân tộc khác nhau, nhưng đã được sàng lọc cho phù hợp với điều kiện Việt Nam qua các thời đại. Tư tưởng về quyền con người ở Việt Nam được thể hiện qua tư tưởng của các nhà cách mạng, nhà lãnh đạo Việt Nam qua các thời đại, hình thành theo năm tháng lịch sử và không ngừng phát triển.

Cuốn sách gồm bảy chương, mỗi chương lại đi sâu phân tích, làm rõ tư tưởng về quyền con người của từng giai đoạn, thời kỳ dưới góc nhìn của các nhà lãnh đạo, nhà cách mạng, thể hiện thông qua các văn bản pháp luật. Với một hệ thống lập luận có lôgích, đa chiều, khách quan, cuốn sách nhìn nhận, đánh giá tư tưởng về quyền con người ở Việt Nam từ nhiều góc độ khác nhau. Qua đó, cung cấp những kiến thức có sức nặng và chiều sâu, phục vụ tốt cho quá trình tìm hiểu, nghiên cứu của bạn đọc quan tâm đến vấn đề này. Chương I - Những vấn đề phương pháp luận nghiên cứu quyền con người cung cấp kiến thức cơ bản, cốt lõi, tạo phông nền cho những nội dung nghiên cứu ở các chương tiếp sau của cuốn sách; Chương II - Nguồn gốc tư tưởng quyền con người ở Việt Nam sâu chuỗi hệ thống những lý thuyết liên quan đến chủ đề của cuốn sách. Từ Chương III đến Chương VII tác giả đi sâu luận giải tư tưởng về quyền con người ở nước ta trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, phân loại những nhân tố ảnh hưởng đến sự thay đổi, quá trình phát triển của tư tưởng về quyền con người theo dòng chảy của lịch sử dân tộc, bắt đầu từ thời kỳ nhà nước phong kiến độc lập (giai đoạn 938 - 1885) cho tới hiện nay.

          Có thể khẳng định rằng, trong suốt chiều dài của lịch sử đất nước, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta qua các thời kỳ luôn coi con người là mục tiêu và động lực của sự nghiệp phát triển đất nước. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, hệ thống luật pháp hình thành thì mọi chính sách phát triển của nước ta luôn lấy con người làm trung tâm. Bằng các cuộc đấu tranh bất khuất, kiên cường qua nhiều thế kỷ, dân tộc Việt Nam đã khẳng định rằng, quyền thiêng liêng, cơ bản nhất của con người là quyền được sống trong độc lập, tự do, quyền được tự quyết định vận mệnh của mình. Khi đất nước được thống nhất, quyền con người ngày càng được bảo đảm, phát huy trong thực tế xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, được sống trong độc lập, tự do, phát huy dân chủ tất cả quyền con người của mình và được bảo vệ bằng Hiến pháp và pháp luật. Thông qua đây có thể khẳng định, quyền con người là một giá trị cao quý, là thành quả đấu tranh của nhân loại. Xây dựng một xã hội trong đó mọi người đều được thụ hưởng quyền con người là mục tiêu của cuộc cách mạng do các chính đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo.

Dấu ấn đậm nét nhất của tư tưởng về quyền con người ở Việt Nam từ năm 1945 tới nay được thể hiện trước hết trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong Hiến pháp các năm: 1946; 1959; 1980; 1992 được sửa đổi, bổ sung năm 2001, thông qua sự ghi nhận về các quyền công dân và trong toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam qua các thời kỳ. Tuy những bản Hiến pháp này và trong các văn bản pháp luật khác chưa sử dụng thuật ngữ “quyền con người” (trừ Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001) nhưng đều hướng đến nhân quyền. Đến nay, Hiến pháp năm 2013 là văn bản đầu tiên của Việt Nam đã phân biệt, ghi nhận các quyền con người với tư cách là của mọi người và những quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đây là điểm mốc đặc biệt quan trọng, khẳng định quan điểm, đường lối của Nhà nước Việt Nam về bảo đảm, bảo vệ quyền con người. Quyền con người trong Hiến pháp Việt Nam là sự hiến pháp hóa quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người.

Cuốn sách là kết quả của những suy ngẫm, trải nghiệm nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy của các tác giả. Thông qua cuốn sách, nhóm tác giả đã hệ thống lại đầy đủ kiến thức liên quan đến tư tưởng của Việt Nam về quyền con người, giúp độc giả có góc nhìn đa chiều, khách quan và sâu sắc hơn nữa về vấn đề này. Cuốn sách không chỉ là món ăn tinh thần bổ ích, mà còn là tài liệu tham khảo có giá trị cho các nhà nghiên cứu và bạn đọc quan tâm.

Cù Thị Thúy Lan

 

 

 

Bình luận