Tái cơ cấu nền kinh tế - thành tựu, vấn đề và triển vọng

Ngày đăng: 09/02/2015 - 10:02

Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chủ yếu trong 5 năm 2011-2015 là “Ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế…”. Sau Đại hội, hàng loạt nghị quyết, chủ trương, quyết sách của các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã được đề ra. Và chúng ta đã làm được nhiều việc, đạt nhiều kết quả, nhưng cũng còn nhiều việc đang dở dang, thậm chí chưa làm được nhiều. Trước mùa xuân 2015, khi cả nước đang dốc sức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm 2011-2015, hãy thử cùng nhau điểm lại các thành tựu, yếu kém và cả những vấn đề cần tiếp tục thực hiện trong tương lai.

taicocaunekinhtethanhtuuvandevatrienvong

Thành tựu không thể phủ nhận

Trong bốn năm 2011-2014, cả nước đã thực hiện có kết quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, cũng như các nghị quyết, chủ trương, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ liên quan đến tái cấu trúc nền kinh tế, trước hết là tái đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán, bảo hiểm và các tổ chức tín dụng,… Ngày 19-2-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 339/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh đến năm 2020. Trên cơ sở đó, các ngành và địa phương cũng thông qua các kế hoạch tái cơ cấu như giao thông vận tải, nông nghiệp nông thôn…

Đảng, Nhà nước đã tập trung xây dựng, từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Thực hiện Đề án tổng thể đã được phê duyệt, các ngành, các địa phương tích cực xây dựng và triển khai các đề án, chương trình hành động; rà soát nâng cao chất lượng quy hoạch; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ; thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, sản phẩm, thị trường.

Về tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công: Đã điều chỉnh cơ cấu và cơ chế phân bổ vốn đầu tư; tập trung vốn cho các công trình, dự án quan trọng, cấp thiết và vốn đối ứng cho các dự án ODA ngay khi chưa có Luật đầu tư công. Kiểm soát chặt chẽ các dự án, công trình khởi công mới, khắc phục một bước tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Thực hiện cơ chế quản lý, cân đối vốn đầu tư theo kế hoạch trung hạn. Hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý đầu tư, bảo đảm quản lý thống nhất của Trung ương, tăng cường trách nhiệm của địa phương và chủ đầu tư. Đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội, tỷ trọng vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước chiếm khoảng 60% tổng vốn đầu tư.

Về tái cơ cấu tài chính, tín dụng, trọng tâm là các ngân hàng thương mại: Đã triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và đạt được kết quả bước đầu. Hoạt động của hệ thống ngân hàng được kiểm soát và bảo đảm an toàn. Các ngân hàng yếu kém được cơ cấu lại. Thanh khoản được cải thiện, sức cạnh tranh của nhiều ngân hàng thương mại được nâng lên. Chủ động xử lý nợ xấu, kiềm chế nợ xấu gia tăng và đã đưa Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) vào hoạt động. Rà soát, ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Đang thực hiện cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty chứng khoán, bảo hiểm.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Đã tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách đổi mới quản lý doanh nghiệp nhà nước. Triển khai thực hiện nhiều văn bản pháp luật theo hướng tăng cường quản lý nhà nước và xác định rõ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp; đề cao trách nhiệm, phát huy tính tự chủ và công khai, minh bạch của doanh nghiệp trong kinh tế thị trường theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế. Đã triển khai Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt và cung ứng các dịch vụ công thiết yếu, quốc phòng - an ninh. Hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước được cải thiện một bước.  Tuy nhiên, quản trị doanh nghiệp còn là khâu yếu kém, nên năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn kém.

Trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng: đã tập trung phát triển các ngành có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 60,2% năm 2010 lên khoảng 78% năm 2013. Quản lý nhà nước về đô thị được tăng cường. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 30,5% năm 2010 lên 33,4% năm 2013. Tuy nhiên, chất lượng của phát triển công nghiệp có tỷ lệ giá trị gia tăng lớn hơn của kinh tế nội địa đang cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Đã triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, xây dựng các vùng chuyên canh, sản xuất quy mô lớn, khu nông nghiệp công nghệ cao, liên kết sản xuất với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Chương trình xây dựng nông thôn mới được tích cực triển khai trên các vùng miền. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch tích cực; tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp trong kinh tế nông thôn giảm còn 47% năm 2013, nhưng việc nâng cao năng suất của người dân ven đô và chuyển đổi nghề của người làm nông nghiệp đang còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, nông - lâm - ngư nghiệp nhiệt đới Việt Nam với nhiều đặc sản nhưng chưa được tổ chức tốt, gắn kết thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng trên thế giới, nên sự đóng góp vào nền kinh tế còn khá khiêm tốn.

Trong lĩnh vực dịch vụ, từng ngành và doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu theo hướng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và tập trung phát triển các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao như công nghệ thông tin, truyền thông, tài chính - ngân hàng, vận tải, logistics, du lịch, thương mại, phân phối... Tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt tốc độ khá cao liên tục trong 3 năm qua. Tuy nhiên, các lĩnh vực dịch vụ chưa gắn kết chặt chẽ với nông nghiệp và công nghiệp, cũng như gắn bó với thị trường quốc tế trong hội nhập nên hiệu quả chưa cao.

Như vậy, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng… đang triển khai toàn diện hơn. Nhưng thực tế, trong 4 năm 2011-2014 còn thực hiện khá chậm so với yêu cầu của cuộc sống và Nghị quyết đã nêu.

Vì sao thực hiện còn chậm?

Việc thực hiện chậm là do một số nguyên nhân sau:

Chủ trương tái cơ cấu kinh tế được thảo luận sâu rộng các năm 2008-2010, được ghi nhận tại Văn kiện Đại hội XI của Đảng năm 2011, nhưng liền sau đó, do nhận thức được tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Đảng và Nhà nước ta đã huy động nỗ lực tối đa vào nhiệm vụ “kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…” tạo đà cho khôi phục kinh tế, từng bước thực hiện tái cơ cấu kinh tế trong các bộ phận quan trọng nhất của đầu tư công, ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. Qua triển khai thực tiễn, đến năm 2013 đã có Đề án tổng thể thực hiện tái cơ cấu và trên cơ sở Hiến pháp mới 2013, Nhà nước ta từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để tiến hành được toàn diện và sâu sắc hơn.

Tuy nhiên, các kế hoạch triển khai tái cơ cấu vẫn chậm: tái cơ cấu đầu tư chưa có kế hoạch tổng thể do mới có Luật đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mới có kế hoạch chủ yếu cho 2 năm; tái cơ cấu ngân hàng và các tổ chức tín dụng mới thực hiện một số bước đi quan trọng, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề lớn của nợ xấu và sở hữu chéo… Vì sao vậy? Trước hết, đó là do tư duy cũ, chờ đợi, ỷ lại, mà không thấy rằng trong hệ thống cần tái cơ cấu thì mỗi phần tử, mỗi đơn vị cần có những chuyển biến, nhất là làm cho nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn, năng suất cao hơn. Cũng có thể còn có sự hiểu đơn giản, rồi chờ đợi các quyết sách “từ trên”. Trên hết, một trong những nguyên nhân làm cho quá trình cơ cấu lại nền kinh tế bị chậm là do thiếu thể chế kinh tế được đổi mới phù hợp.

Chẳng hạn về tái cơ cấu đầu tư, tuy từ giữa năm 2014 đã có Luật đầu tư công, nhưng Luật ngân sách sửa đổi chưa thông qua và đi vào thực hiện, luật đầu tư vốn nhà nước cho các doanh nghiệp ý kiến còn phân tán. Cải cách doanh nghiệp nhà nước còn nhiều lúng túng, ngại ảnh hưởng đến lực lượng “nòng cốt”, chưa nhận thức được vai trò của các thành phần kinh tế trong kinh tế thị trường, nhất là khu vực tư nhân. Vừa qua, Quốc hội đã quy định các doanh nghiệp nhà nước chỉ bao gồm các doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước, nên số lượng doanh nghiệp nhà nước đã được thu hẹp, nhưng các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa lại bị thiếu quản lý, nhất là với phần vốn nhà nước vẫn còn rất lớn. Tái cơ cấu các ngành và địa phương có nêu ra, nhưng tư duy còn chưa thay đổi đáng kể, nên kế hoạch chưa có chất lượng mới.

Triển vọng tái cơ cấu

Khi đã nhận biết quá trình tái cơ cấu đang được triển khai có những chậm trễ nhất định, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và hy vọng năm 2015 và những năm tiếp theo có thể đạt được kết quả tích cực hơn.

Trước hết, nhờ từng bước đạt được ổn định kinh tế vĩ mô, nền kinh tế đã lấy lại đà tăng trưởng, từ năm 2015 sẽ vượt 6,2%, tạo cơ sở để triển khai các đề án lớn và có tính liên hoàn, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế.

Đối với chương trình tổng thể, quá trình tổng kết thành tựu và triển vọng của 30 năm đổi mới đã tạo nên nhận thức thống nhất cao về việc tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược, trong đó có cải cách thể chế, tạo điều kiện để thực hiện tái cơ cấu kinh tế trong cả ba lĩnh vực trọng điểm, cũng như trong các ngành và địa phương. Do đó, hy vọng kinh tế giai đoạn 2016-2020 sẽ có bước phát triển cao hơn, trên dưới 7%.

Đối với lĩnh vực tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, có thể thấy những chuyển biến sẽ mạnh mẽ hơn do Quốc hội đã thông qua Luật đầu tư công mới và các luật khác làm cơ sở cho việc không dừng ở việc cắt giảm do thiếu nguồn lực, mà từng bước đi vào bố trí đầu tư tầm trung hạn, đạt hiệu quả cao hơn. Các lĩnh vực đầu tư của doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ có chuyển biến mạnh mẽ khi có thêm khuôn khổ pháp lý về xử lý vốn nhà nước trong doanh nghiệp, các quy định cụ thể về Luật chính quyền địa phương… làm cho đầu tư công có chuyển biến tích cực hơn. Việc cơ cấu lại các khoản vay nợ nhân phát hành 1 tỉ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến triển vọng của kinh tế nước ta.

Tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng là một quá trình liên tục hoàn thiện, hướng tới phát triển ngày càng hiệu quả hơn. Năm 2015 sẽ đón nhận các cuộc thảo luận sôi nổi trong các ngành, các địa phương để chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, trong đó, có thảo luận về các đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với nhiệm vụ của các đơn vị. Hy vọng, sẽ có thêm nhiều sáng kiến, giải pháp cụ thể để vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ mới, hướng tới phát triển ngày càng bền vững.

Triển vọng là vậy nhưng vẫn còn một số vấn đề cần xem xét như:

Coi trọng tính thống nhất, hệ thống của vấn đề

Trong thời gian tới, để đưa tái cơ cấu đi vào chiều sâu và hiệu quả cao, cần đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, học hỏi có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế và tổng kết thực tiễn nước nhà. Từ đó đi tới các đổi mới cơ cấu kinh tế một cách liên hoàn, có hệ thống hơn, để đưa quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiếp tục tiến nhanh hơn, chất lượng cao hơn. Điều đáng tiếc là chương trình làm luật của Quốc hội vẫn xử lý theo từng luật riêng lẻ, trong khi cần xác định luật “cái” (luật gốc) phải sửa trước để các luật khác tuân theo.

Coi trọng tính toàn diện hơn để hình thành mô hình tăng trưởng mới

Việc tái cơ cấu kinh tế không phải là sửa chữa một vài khuyết tật riêng lẻ, mà cần hình thành một mô hình kinh tế mới, đi nhanh vào phát triển chiều sâu, đưa kinh tế tiến vượt lên cùng thời đại toàn cầu hóa và cạnh tranh gay gắt. Trong mô hình kinh tế mới, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân cần được coi trọng hơn, để khu vực này có thể đóng vai trò nhiều hơn, khu vực kinh tế nhà nước làm tốt vai trò dẫn dắt, làm gương và sẵn sàng thoái vốn để chuyển sang các lĩnh vực “khó” nhất, dẫn dắt sự phát triển, không phải làm mọi lĩnh vực. Một nền kinh tế thị trường bao giờ cũng có khu vực tư nhân đóng vai trò động lực phát triển trọng yếu nhất, nhưng quan điểm bình đẳng các thành phần kinh tế còn lúng túng trên thực tế. Các nguồn lực quan trọng nhất của đất nước đã được giao cho các doanh nghiệp nhà nước. Chỉ riêng đất đai của các nông, lâm trường cũng chưa được sử dụng hiệu quả, khi có hàng trăm nghìn hộ nông dân người dân tộc thiểu số không có đất, nhưng chưa có giải pháp xử lý tốt.

Coi trong các vấn đề thể chế

Trong đổi mới cơ cấu kinh tế, vấn đề xây dựng thể chế kinh tế mới dựa trên đổi mới Nhà nước pháp quyền, thực hiện chế độ dân chủ đích thực đang là những yêu cầu mạnh mẽ. Thể chế không chỉ bao gồm hệ thống pháp luật, các quy chế, quy tắc, mà còn bao gồm cả hệ thống tổ chức thực hiện và các cán bộ, nhân viên thực thi pháp luật. Một khi các qui định pháp luật sau Hiến pháp 2013 còn đang sửa “dang dở”, tiến hành sửa luật riêng rẽ, thiếu phối hợp. Chẳng hạn chỉ riêng sửa các luật liên quan đến xử lý nợ xấu có liên quan đến xử lý tài sản, vốn sở hữu chéo trong các ngân hàng… cũng vẫn chưa được xử lý đồng bộ.

*

Kế thừa những thành tựu đã đạt được, đề ra những biện pháp hữu hiệu để khắc phục khó khăn, hạn chế, trong mùa xuân mới này, chúng ta hy vọng đất nước sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ hơn, khi cả nước tiến vào chuẩn bị Đại hội XII của Đảng.

GS. TSKH. Nguyễn Quang Thái

Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam

(Theo Tạp chí Nhịp cầu tri thức)




Bình luận