Thanh thản một cuộc đời

Ngày đăng: 20/03/2014 - 09:03

1. Tôi may mắn được sống trong những năm tháng hào hùng nhất của lịch sử dân tộc thế kỷ XX.

Sinh năm 1927 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Tân Tạo có truyền thống cách mạng ở vùng ven thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, tôi được học bổng của nhà nước thuộc địa Pháp từ khi học trường tỉnh ở Phú Lâm đến trường Pétrus Ký ở Sài Gòn. Tận mắt chứng kiến cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ rất anh dung tại xã nhà những bị dìm trong máu lửa. Năm 1943, tôi bắt đầu hoạt động trong phong trào học sinh yêu nước (Đoàn SET) dưới sự lãnh đạo của Đảng. Năm 1945, tham gia phong trào thanh niên Tiền phong và tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại xã nhà và tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Sau đó, hoạt động cách mạng trong suốt hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm cho đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc và trong thời kỳ đầu của công cuộc xây dựng hòa bình, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Thanh than1

Nhà ngoại giao Võ Anh Tuấn

Cuộc đời hoạt động yêu nước của tôi có thể chia thành hai giai đoạn rõ rệt, với hai “nghề” Giáo dục và Ngoại giao, trong đó nghề Ngoại giao là lâu nhất. Đối với tôi, không phải “người chọn nghề” mà “nghề chọn người”, vì gần suốt đời tôi sống trong thời chiến và thời “bao cấp”. Với lòng yêu nước nồng nàn và ý thức trách nhiệm của người con dân đất Việt, tôi đã cố gắng hết sức mình để hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao, góp phần khiêm tốn vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ vĩ đại của toàn dân là “ tất cả để chiến thắng” kẻ thù xâm lược, chiến thắng nghèo nàn và chậm phát triển.

2. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi làm một số công tác khác nhau từ xã Tân Tạo đến quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn, nhưng lâu nhất là tại Sở Giáo dục Nam Bộ (từ cuối 1948 đến cuối 1954), cơ quan đóng ở nhiều nơi trong rùng U Minh của bán đảo Cà Mau. Từ một cán bộ bình dân học vụ, tôi trở thành giảng viên và phó hiệu trưởng một trường trung học kháng chiến nội trú, rồi Bí thư Đảng ủy và Phó Giám đốc Sở Giáo dục Nam Bộ. Trong thời gian này, tôi ra sức góp phần thực hiện tốt Lời kêu gọi “chống giặc dốt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xóa mù chữ cho hàng triệu đồng bào, phát triển giáo dục tiểu học ngoại trú và nội trú trong vùng giải phóng, đặc biệt là nâng cao trình độ học vấn cho hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ trẻ là con em nông dân đến bậc trung học cơ sở. Sau khi ra trường, được rèn luyện trong chiến đấu và được học thêm, nhiều người trở thành cán bộ cốt cán trong hai cuộc kháng chiếu cứu nước, cán bộ lãnh đạo tại nhiều tỉnh, thành Nam Bộ và một số cơ quan Trung ương trong những năm đầu của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong hòa bình.

Thanh than 23. Trong kháng chiến chống đế quố Mỹ và sau ngày hòa bình lập lại, tôi công tác ngoại giao nhà nước tại bộ Ngoại giao miền Bắc, miền Nam và của nước Việt Nam thống nhất gần 40 năm. Từ năm 1993, làm công tác ngoại giao nhân dân tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi nghỉ hưu, tôi tiếp tục làm công tác ngoại giao nhân dân và công việc khuyến học - từ thiện cho đến ngày nay.

Trong thời gian làm công tác ngoại giao nhà nước, trên cương vị Đại sứ (20 năm), Vụ trưởng (10 năm), Cố vấn diễn đàn đa phương của Bộ Ngoại giao (5 năm), tôi được giao nhiều nhiệm vụ khác nhau, song phương và đa phương. Tuy không phải là người đề ra đường lối, chính sách đối ngoại nhưng là một trong những người làm tham mưu và tổ chức thực hiện nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Nhờ vậy, tôi có điều kiện trở thành nhân chứng lịch sử của nhiều sự kiện đối ngoại của đất nước mà ít cán bộ ngoại giao khác được may mắn như tôi. Dưới đây là một số trường hợp nổi bật:

- Là cán bộ ngoại giao đầu tiên của nước ta tiếp xúc với ông hoàng Sihanouk khi tôi mới chỉ là một sinh viên, khi nước ta và Camphuchia chưa có bất cứ quan hệ chính thức nào, ngược lại Camphuchia có quan hệ ngoài giao với chế độ Sài Gòn. Điều đó xảy ra vào cuối năm 1955 tại ký túc xá sinh viên trường Đại học tổng hợp Lômônôxốp (Liên Xô cũ).

- Là Tham tán đầu tiên của Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại nước Algérie thân hữu vừa giành độc lập (1962), tôi chứng kiến việc tổng thống Ben Bella bị đảo chính lật đổ. Mặc dù vậy, tình “đoàn kết tích cực” (solidarité active) của “những người anh em Alérie” (frères Algériéns) đối với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta không hề suy giảm.

- Là nạn nhân của sự kiện ngày 11 tháng 3 năm 1970, khi bọn thân Mỹ tấn công, đốt phá Đại sứ quán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Phnôm Pênh. Với cương vị Đại biện lâm thời (quyền thủ trưởng cơ quan) tôi đã bảo vệ an toàn cho tất cả cán bộ nhân viên Sứ quán và tài liệu cơ yếu tuyệt mật, đặc biệt bảo vệ an toàn cho Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam Nguyễn Văn Linh và một số cán bộ cao cấp khác, trên đường từ Hà Nội vào chiến khu miền Nam (R), vừa mới quá cảnh Phnôm Pênh ngày hôm trước, hộ chiếu và thị thực nhập cảnh Camphuchia đều bị địch đốt hết. Phải thuyết phục cho bằng được Bộ Ngoại giao nước sở tại cấp thị thực nhập - xuất cảnh mới, nhờ vậy các đồng chí ta có thể rời Phnôm Pênh để về “R” một cách hợp pháp, công khai và an toàn tuyệt đối.

- Vận động bạn bè phối hợp với ta đấu tranh thắng lợi, nâng quy chế của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Phong trào không liên kết từ “Quan sát viên” lên “Thành viên chính thức”, chọc thủng vòng vây đối ngoại của địch, mở ra một diễn đàn quốc tế rộng lớn đối với cách mạng miền Nam. Hồi ấy, báo Nhân dân đăng xã luận đánh giá “đây là thắng lợi của xu thế cách mạng”. Điều đó đã diễn ra trong Hội nghị ngoại trưởng không liên kết, họp tại Thủ đô Georgetown của nước Guyana, thuộc địa cũ của Anh ở Nam Mỹ trong tháng 8-1972.

- Là cán bộ ngoại giao đầu tiên của miền Nam đến một số nước Nam Mỹ (như Guyana, Chilê, Argentina, Péru, Mexico...) với tư cách Đại sứ hoặc Đặc phái viên của lãnh đạo miền Nam, tôi bất ngờ và thú vị nhận thấy rằng, mặc dù Mỹ Latinh lúc đó được coi là “sân sau của Mỹ”, mặc dù một số nước của châu lục này có quan hệ ngoại giao với chế độ Sài Gòn, mặc dù Mỹ tuyên truyền xuyên tạc “Việt cộng” đủ điều, tuy nhiên người Mỹ Latinh, từ lãnh đạo cao nhất đến người dân bình thường, có cái nhìn hoàn toàn khác đối với “Việt cộng”. Họ coi Việt cộng là những người Việt Nam yêu nước, những chiến sĩ anh hùng dám đánh, biết đánh và biết thắng Mỹ, đáng được kính phục.

- Là Đại sứ miền Nam Việt Nam tại Cuba trong những năm tháng cuộc chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta diễn ra quyết liệt nhất và giành thắng lợi vẻ vang nhất, tôi chứng kiến biết bao biểu hiện của tình đoàn kết sắt son có một không hai của Cuba đối với Việt Nam. Đỉnh cao là chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Fidel Castro tại vùng giải phóng miền Nam ngày 16-9-1973. Trong cuộc mít tinh quần chúng chào mừng Đoàn đại biểu Cuba, Fidel phất cao lá cờ cách mạng miền Nam, dõng dạc hô to như ra lệnh “Các đồng chí hãy đem lá cờ bách chiến bách thắng này cắm tại Sài Gòn giải phóng!”. Hai năm sau, việc đó trở thành sự thật.

- Là thành viên Đoàn đại biểu Chính phủ ta tham dự phiên họp trọng thể ngày 20-9-1977 của Khóa 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc kết nạp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thứ 149 của tổ chức quốc tế toàn cầu này, tôi chứng kiến lễ thượng cờ Tổ quốc trước Tổng hành dinh Liên hợp quốc, sánh vai cùng quốc kỳ của các nước khác trên thế giới. Sau đó, tôi tham dự 10 Khóa họp hằng năm của Đại hội đồng Liên hợp quốc từ 1977 đến 1986 tại New York với nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ quyền lợi quốc gia chính đáng trong vấn đề Campuchia.

- Tham dự 6 Hội nghị thượng đỉnh và hơn một chục Hội nghị cập ngoại trưởng của Phong trào không liên kết, tôi ra sức thể hiện vai trò Việt Nam là một thành viên tích cực của Phong trào trong việc xử lý các vấn đề quốc tế trọng đại, đồng thời tranh thủ được sự “đồng thuận” về một “công thức” có lợi cho ta liên quan đến sự có mặt của quân tình nguyện Việt Nam trên đất Camphuchia, kêu gọi “rút hết lực lượng nước ngoài (ám chỉ cả Mỹ) khỏi lãnh thổ của tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Campuchia...”.

- Là Đại sứ cuối cùng của Việt Nam tại Liên bang Nam Tư, tôi chứng kiến quá trình tan rã của nhà nước Nam Tư song song với sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Trên đường về nước, bị Lý Tống, một cựu trung úy phi công chế độ Sài Gòn, bắt cóc máy bay đoạn đường từ Băng Cốc đến thành phố Hồ Chí Minh, tôi trở thành cán bộ ngoại giao đầu tiên ( có lẽ là duy nhất) của nước ta là nạn nhân của không tặc.

4. Từ một nhà giáo, tôi từng bước trở thành một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Những công tác đối ngoại được giao đều mới lạ, phức tạp và đa dạng, phần nhiều cao hơn khả năng của mình. Đó là những công việc trọng đại, liên quan đến việc bảo vệ quền lợi quốc gia, dân tộc, xử ly các vấn đề quốc tế nóng bỏng. Để có thể hoàn thành nhiệm vụ, ngoài việc quán triệt đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tôi phải vừa làm vừa học với quyết tâm cao, nắm vững và ra sức thực hiện một cách nhuần nhuyễn những phương châm công tác đã được đúc kết thành nguyên lý. Đó là:

1) Trong quan hệ quốc tế, không có bạn thù vĩnh viễn, chỉ quyền lợi quốc gia, dân tộc là vĩnh viễn, do vậy phải “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Cái “bất biến” là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

2) Trên cơ sở đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè gần xa khắp năm châu, tức là phải biết “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”.

3) Bản lĩnh của nhà ngoại giao là tổng hòa của nhiều yếu tố như: lập trường quan điểm và phẩm chất đạo đức, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ, nghệ thuật ứng xử và thu phục lòng người, tức là phải “vừa hồng vừa chuyên”.

Giờ đây, nhìn lại và suy ngẫm về những gì mình đã làm trong suốt cuộc đời công tác, tôi cảm thấy thanh thản trong lòng vì đã luôn luôn quyết tâm làm đúng những điều kể trên, nhờ vạy đã góp phần khiêm tốn vào thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

5. Chính sự của đất nước nói chung, của ngành Ngoại giao nói riêng, do các cơ quan chức năng biên soạn có tính chất tổng kết, vì vậy không thể viết chi tiết mọi sự kiện cụ thể. Để giúp thế hệ trẻ, các nhà nghiên cứu và nói chung tất cả những ai quan tâm đến hoạt động đối ngoại của nước ta nửa cuối thế kỷ XX, có thể hiểu rõ các khía cạnh của chính sử, cần có những bài viết cụ thể, có tính chất diễn giải, hồi ký, hồi ức, hoài niệm... của những nhân chứng lịch sử. Với nhận thức như vậy, khi còn đang công tác, tôi đã bền bỉ sưu tầm, tích lũy tư liệu, ghi chép những việc mình làm... Sau khi nghỉ hưu, tôi sắp xếp, tổng hợp, hệ thống hóa nó lại, và đã viết được mấy cuốn sách tham khảo về chuyên môn, nghiệp vụ ngoại giao, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật ấn hành như: Phong trào không liên kết, Lễ tân ngoại giao thực hành, Những gì chưa phai mờ trong ký ức, Hệ thống Liên hợp quốc. Cuốn hồi ký Thanh thản một cuộc đơi bổ sung và hoàn chỉnh cuốn “Những gì chưa phải mờ trong ký ức”. Những trang hồi ký này cũng sẽ giúp con cháu tôi biết được cha ông chúng nó trước kia làm gì ở đâu mà đi biền biệt mấy chục năm trời.

Hồi ký cần phải chính xác, trung thực, tôn trọng sự thật, không sợ “nói thật mất lòng”. Tôi cố gắng viết cuốn Hồi ký của mình trên tinh thần đó.

6. Từ khi nghỉ hưu, tôi vẫn tiếp tục làm những việc có ích như công tác ngoại giao nhân dân và hoạt động khuyến học - từ thiện. Tôi làm việc này được khoảng 15 năm, nguyện với lòng sẽ tiếp tục làm cho đến bao giờ sức khỏe còn cho phép.

Từ khi bắt đầu tham gia hoạt động yêu nước năm 1943, nhất là từ khi đứng trong hàng ngũ của Đảng cách đây hơn 65 năm, tôi may mắn học được của các nhà cách mạng đàn anh cách hành xử, đồng thời được rèn luyện phẩm chất cao đẹp của người cộng sản, đó là “Cát tận sở năng, Cát thụ sở nhu”, tức là “Làm tùy sức, Hưởng tùy nhu cầu”, hay nói một cách nôm na là “Mình vì mọi người, Mọi người vì mình”. Trong thời gian kháng chiến cứu nước, tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên đều nhận thức và hành động như vậy, không bị lợi ích cá nhân chi phối, nhờ vậy mới có quyết tâm cao, không lùi bước trước bất cứ khó khăn gian khổ nào, kể cả hy sinh tính mạng, để hoàn thành ho bằng được bất cứ nhiệm vụ gì được giao.

Không phải cuộc đời công tác của tôi lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”. Tuy nhiên, bất cứ trong hoàn cảnh nào, tôi đều cố gắng sống và làm việc đúng theo những lời giáo huấn tốt đẹp tôi học được khi mới chào đời.

 

Võ Anh Tuấn

Trích trong cuốn "Thanh thản một cuộc đời" (Hồi ký ngoại giao),

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 1-2014.

Bình luận