Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa qua tác phẩm "Nhật ký trong tù"

Ngày đăng: 23/09/2013 - 15:09

Nhật ký trong tù là một tác phẩm bất hủ, một di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Bảy mươi năm đã trôi qua, nhưng những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong Nhật ký trong tù vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

70n nam NKTT

      Ngày 25-8-1942, lấy bí danh là Hồ Chí Minh, Bác từ Cao Bằng sang Trung Quốc với danh nghĩa đại biểu của Việt Nam Độc lập đồng minh và Phái bộ quốc tế chống xâm lược của Việt Nam để vận động quốc tế ủng hộ cách mạng Việt Nam. Sau khi đến Túc Vinh, một thị trấn thuộc huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, Người bị quân lính của chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam trái phép. Chính trong hơn một năm trời bị giam hãm vô cùng cực khổ này, Người đã ghi Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) diễn tả lại cuộc sống khổ ải trong tù và khát vọng tự do của mình.

     Nhật ký trong tù là một hiện tượng văn học đặc biệt, một sự kiện văn hóa. Tác phẩm đã được nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ đánh giá cao ý nghĩa chính trị, xã hội, giá trị nhân văn và nghệ thuật. Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã viết: Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp/ Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh/ Vần thơ của Bác vần thơ thép/ Mà vẫn mênh mông bát ngát tình. Quách Mạt Nhược (Trung Quốc) nhận xét: “Tập thơ ấy tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần, đó không đơn thuần là thơ mà là một bộ sử thi, là một bức tranh tự họa hoặc một thiên tự truyện bằng thơ của một nhà cách mạng. Hơn một trăm bài thơ đó, hầu như mỗi bài đều thể hiện một cách rất sống động con người đồng chí Hồ Chí Minh, một vị lão thành cách mạng lịch duyệt, thông thái, ung dung, chất phác mà kiên nghị. Quả thật, thơ chính là người”1.

     Trong “Mục đọc sách” ở phần cuối của tác phẩm Nhật ký trong tù, Hồ Chí Minh đã thể hiện quan điểm của Người về văn hóa rất đặc sắc. Người viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”2. Như vậy, văn hóa được hiểu theo nghĩa rộng nhất, bao gồm toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần mà loài người sáng tạo ra. Theo Hồ Chí Minh, xã hội thế nào thì văn hóa thế ấy và văn hóa là động lực của sự phát triển xã hội. Tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh thấm sâu và xuyên suốt mọi lĩnh vực hoạt động cách mạng của Người và ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội. Nó được chắt lọc, tổng hợp, kết tinh từ những giá trị văn hóa của phương Đông và phương Tây, truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế.

   Trong quan điểm của Hồ Chí Minh về văn hóa, Người khẳng định: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”3. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh, văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận và những người hoạt động văn hóa là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Trong tác phẩm Nhật ký trong tù, Hồ Chí Minh đã viết:

Nay ở trong thơ nên có thép,

Nhà thơ cũng phải biết xung phong4.

    Hồ Chí Minh không chỉ bàn về những vấn đề lý luận văn hóa và luôn luôn sống có văn hóa với nhiều hành vi văn hóa nêu gương, mà Người còn đưa ra chiến lược văn hóa cho dân tộc ta từ rất sớm. Từ năm 1942, trong Nhật ký trong tù, Bác đã viết: “Năm điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc. 1- Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường. 2- Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng. 3- Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội. 4- Xây dựng chính trị: dân quyền. 5- Xây dựng kinh tế”5. Đó là năm quan điểm lớn của một chiến lược văn hóa mà ngày nay chúng ta đang xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

    Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, việc xây dựng một nền văn hóa mới đã được Hồ Chí Minh đặt ra như một trong những nhiệm vụ hàng đầu của nhà nước cách mạng. Người chỉ rõ: nền văn hóa mới đó phải có tính cách khoa học, tính cách đại chúng, thì mới thuận với trào lưu tiến hóa của tư tưởng hiện đại. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định, nước nhà đã độc lập, tinh thần được giải phóng, cần phải xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc. Hồ Chí Minh cho rằng, nhiệm vụ chính trị thay đổi thì văn hóa cũng phải đổi mới nhằm mục đích phục vụ chính trị. Để phục vụ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa thì văn hóa phải xã hội chủ nghĩa về nội dung và dân tộc về hình thức. Đó chính là nền văn hóa mới chứa đựng đầy đủ các đặc trưng dân tộc, hiện đại và nhân văn của dân tộc Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh và do chính Người tổ chức xây dựng. Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra các chức năng chủ yếu của văn hóa đối với đời sống xã hội. Văn hóa có chức năng bồi dưỡng tư tưởng đúng đắn và tình cảm cao đẹp cho đời sống tinh thần của con người, góp phần giúp con người tu dưỡng, loại bỏ những sai lầm và thấp hèn có thể có trong tư tưởng, tình cảm mỗi người. Chức năng cao quý này của văn hóa phải phát huy tác dụng thường xuyên, vì tư tưởng, tình cảm của con người luôn thay đổi theo chuyển biến của thực tiễn xã hội. Trong Nhật ký trong tù, Hồ Chí Minh viết:

Ngủ thì ai cũng như lương thiện,

Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền;

Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn,

Phần nhiều do giáo dục mà nên6.

    Nâng cao dân trí là một chức năng quan trọng khác của văn hóa. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hồ Chí Minh đã đặt lên bàn nghị sự nhiệm vụ diệt giặc dốt. Người nói, một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc lúc này là nâng cao dân trí. Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam đều phải hiểu biết quyền lợi và bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà. Bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, phong cách lành mạnh, luôn hướng con người vươn tới cái chân, cái thiện, cái mỹ để không ngừng hoàn thiện bản thân là một chức năng đặc thù của văn hóa. Văn hóa phải đi sâu vào tâm lý quốc dân, phải bồi dưỡng và xây dựng phẩm chất đạo đức tiến bộ, rèn luyện phong cách lối sống văn minh, quan hệ xã hội tốt đẹp, nhân ái. Hồ Chí Minh đòi hỏi văn hóa phải sửa đổi những hủ tục lạc hậu, lối sống xa hoa lãng phí; văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi tới tương lai tươi sáng, hòa bình, toàn thể nhân loại là anh em một nhà. Theo Hồ Chí Minh, xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân. Chỉ khi nào mọi tầng lớp nhân dân tham gia tự nguyện, chủ động, sáng tạo xây dựng nền văn hóa thì khi đó văn hóa mới phát triển bền vững và mạnh mẽ. Chỉ khi nào văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống, vào mọi lĩnh vực, mọi quan hệ của con người thì khi đó văn hóa mới hoàn thành được chức năng, nhiệm vụ, mới trở thành động lực và sức mạnh nội sinh của sự phát triển xã hội.

    Hồ Chí Minh là lãnh tụ của dân tộc Việt Nam, là nhà lý luận văn hóa, đồng thời Người là danh nhân văn hóa thế giới. Ở Hồ Chí Minh, lời nói đi đôi với việc làm, cuộc đời của Người là tấm gương văn hóa cao đẹp, do đó những tư tưởng, lời nói của Người có sức thuyết phục cao, mọi người học tập và làm theo tấm gương văn hóa Hồ Chí Minh. Ngay từ lần đầu tiên gặp Hồ Chí Minh (lúc đó, Người lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và đang hoạt động ở Mátxcơva), Ôxíp Manđenxtam - nhà thơ, nhà báo Nga - đã thốt lên: “Dáng dấp của con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị... Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”7.

     Trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-1990), UNESCO đã suy tôn Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và danh nhân văn hóa kiệt xuất của thế giới. Sự tôn vinh này khẳng định những đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh cho dân tộc Việt Nam cũng như cho nhân loại. Nghị quyết khóa họp lần thứ 24 của tổ chức UNESCO đã viết: “... Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau...”.

     Điều kỳ diệu ở Hồ Chí Minh mà Ôxíp Manđenxtam đã tiên đoán chính là nét đặc sắc nổi bật nhất của văn hóa Hồ Chí Minh. Đó là sự kết hợp hài hòa dân tộc với quốc tế, giai cấp với nhân loại, trên cơ sở chủ nghĩa nhân văn vì hạnh phúc của con người; tất cả vì sự hoàn thiện con người. Văn hóa Hồ Chí Minh là văn hóa của con người, do con người, vì con người. Xuất phát từ lòng nhân ái cao cả của truyền thống văn hóa dân tộc, Hồ Chí Minh đã đấu tranh không chỉ để giải phóng dân tộc mình mà để giải phóng cả những người bị áp bức trên toàn thế giới. Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh gắn với nhân loại cần lao từ trong bản chất của nó, tạo nên nhân cách văn hóa, tạo nên biểu tượng của nền văn hóa tương lai trong thế giới hòa bình, hữu nghị, tự do, bình đẳng, bác ái. Trọn cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, Hồ Chí Minh đã đặt chân đến khắp năm châu bốn biển; đã lao động, học tập và hoạt động cách mạng trên nhiều cương vị khác nhau, làm nhiều nghề để sống, tiếp xúc với nhiều tầng lớp nhân dân; và đã sống ở nhiều nước trên thế giới. Ở những nơi đó, Người đã học, đã nghe, đã thấy, đã tiếp xúc, đã làm bạn với biết bao người, chứng kiến biết bao cảnh vật, sự việc, con người, những vui buồn, sướng khổ của nhân loại. Hồ Chí Minh từng nói với các đồng chí của Người rằng, nghĩ cho cùng, mọi vấn đề… là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người phải yêu nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Cuộc đời hoạt động cách mạng cao thượng và phong phú đã hun đúc trong nhà đại trí thức Hồ Chí Minh một chủ nghĩa nhân văn cao đẹp: tất cả vì con người. Ở trong tù, nhìn thấy cảnh vợ người bạn tù đến thăm chồng, Hồ Chí Minh đã viết:

Anh ở trong song sắt,

Em ở ngoài song sắt;

Gần nhau chỉ tấc gang,

Mà cách nhau trời vực;

Miệng nói chẳng nên lời,

Chỉ còn nhờ khóe mắt;

Chưa nói, lệ tuôn tràn,

Cảnh tình đáng thương thật!8.

     Hồ Chí Minh trọn đời yêu thương tất cả, chỉ quên mình. Sách báo Việt Nam và trên toàn thế giới đã nói nhiều đến đức tính giản dị, quên mình, lão thực, dáng dấp hiền triết phương Đông ở con người danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh. Đó chính là nếp sống văn hóa cao quý, tinh khiết, hòa hợp giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và thế giới, trí tuệ và tình cảm, tâm hồn và cuộc sống, vật chất và tinh thần, chính trị và nghệ thuật, con người và thiên nhiên. Chiếc áo kaki sờn vai, đôi dép cao su mòn gót, ngôi nhà sàn đơn sơ dưới vòm lá cây, chiều chiều ngồi cho cá ăn bên bờ ao… là những minh chứng sống động cho lối sống văn hóa của Hồ Chí Minh, nếp sống văn hóa nhân bản. Theo nhà thơ nổi tiếng người Haiti sống ở Cuba - Bonê Dơpetơrơ, những ai muốn biết thế nào là một con người thực sự, vẻ đẹp của thế giới ở đâu, sự chiến thắng của chân lý trên trái đất ở đâu, ở đâu có mùa xuân, thì hãy đến thăm cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự tồn tại điển hình của một anh hùng của thời đại chúng ta.

 

ThS. TRỊNH THÚC HUỲNH

Nguyên Giám đốc - Tổng Biên tập

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật

***

Chú thích:

1. Xem Hồ Chí Minh: Nhật ký trong tù, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 301-303.

2, 4, 5, 6, 8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 458, 451, 458, 413, 343.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 246.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 462.

 

Bình luận