Tôn Đức Thắng - Một chiến sĩ cộng sản gương mẫu, một cuộc đời trọn vẹn thủy chung

Ngày đăng: 10/09/2015 - 14:09

Sinh ra trong lúc nước nhà bị thực dân Pháp xâm lược và thống trị, Bác Tôn lớn lên trong cuộc đấu tranh bi hùng của dân tộc nhằm giành lại độc lập ở cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Vừa 18 tuổi Bác đã đi vào cuộc đời người thợ. Tròn 20 tuổi Bác đã bước vào trường đấu tranh cách mạng cho đến khi trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 92. Cuộc đời Bác đẹp như bông hồng, rực rỡ như đóa hướng dương, sáng chói như sao Bắc đẩu. Bác sống trọn gần một thế kỷ, cả cuộc đời Bác là một tấm gương mẫu mực của người cách mạng.

Chu-tich-nuoc-ton-duc-thang

 

Như Bác Hồ đã nói: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một người con rất ưu tú của Tổ quốc... Là một chiến sĩ cách mạng dân tộc và cách mạng thế giới... Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”1. Nhìn lại cuộc đời Bác Tôn là như vậy - đó cũng là niềm tự hào của dân tộc, của mỗi người dân Việt Nam. Hơn thế, các thế hệ hậu duệ của cách mạng Việt Nam phải biết học tập và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà gương Bác Tôn là một điển hình mẫu mực. Muốn thế, trước hết phải hiểu về con người và sự nghiệp của Bác Tôn - “một con người rất ưu tú của Tổ quốc” là thế nào.

Trước hết, Bác Tôn là một người yêu nước, đã đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa quốc tế vô sản.

Ngay từ khi còn học nghề ở Sài Gòn, cái chất yêu nước của Bác Tôn đã thể hiện luôn bênh vực kẻ yếu, chống mọi sự hiếp đáp, mọi sự bất bằng. Tinh thần đó lại được thể hiện ở Bác Tôn là một người có năng lực tổ chức và tinh thần đấu tranh. Chính vì vậy, mới 21 tuổi còn đang là người học nghề, Bác đã lãnh đạo những cuộc đấu tranh đầu tiên của công nhân giành thắng lợi - năm 1909 là cuộc đấu tranh của học sinh thủy thủ, năm 1910 là cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son. Với cuộc đấu tranh năm 1912, để tránh sự lùng bắt của thực dân Pháp, Bác Tôn “đã bị buộc phải cải trang và thay đổi tên, họ trốn tránh trên một chiếc tàu thủy của Pháp đúng vào lúc mà cuộc bãi công của học sinh Trường Bá Nghệ Sài Gòn và của công nhân Ba Son giành được thắng lợi”2. Bác Tôn viết: “Từ ngày đó, bắt đầu cuộc sống của tôi trên biển cả, với lòng yêu quê hương tha thiết và với nguyện vọng học tập để sau này trở về đấu tranh mạnh mẽ hơn, nhiều lần tôi cố tìm gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh), song tôi đã không gặp được đồng chí”3. Không gặp Bác Hồ khi đó, nhưng Bác Tôn đã gặp và gắn bó với phong trào công nhân Pháp. Từ năm 1916, Bác Tôn được đưa vào phục vụ trong Hải quân Pháp và Bác đã gắn bó với phong trào đấu tranh của Hải quân Pháp. Tiêu biểu nhất là Bác đã tham gia “khởi nghĩa Biển Đen” vào ngày 20-4-1919, khi Hải quân Pháp cùng quân đội các nước đế quốc khác bao vây, tiến đánh, hòng tiêu diệt Nhà nước Xôviết non trẻ. Trong cuộc khởi nghĩa này của Hải quân Pháp, Bác Tôn là người kéo cờ đỏ trên Chiến hạm France chào mừng Nhà nước vô sản đầu tiên. Sau sự kiện này, ngày 24-4-1919, tất cả tàu chiến của hạm đội Pháp rút khỏi Biển Đen, vòng vây của các nước đế quốc bị vỡ. Bằng hành động của mình tham gia khởi nghĩa Biển Đen, người thanh niên yêu nước Tôn Đức Thắng “là một trong những người Việt Nam đầu tiên đã tham gia đấu tranh bảo vệ Cách mạng Tháng Mười vĩ đại”, góp phần mở ra hướng đúng đắn gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, tạo nên sức mạnh tất yếu đưa cách mạng Việt Nam đến đỉnh cao của thắng lợi.

Sau khi tham gia và học hỏi kinh nghiệm đấu tranh của giai cấp công nhân Pháp và thế giới, năm 1920, Bác Tôn trở về Sài Gòn. Tại đây những kinh nghiệm học hỏi được đã đưa Bác Tôn trở thành người yêu nước đầu tiên tổ chức ra Công hội ở Việt Nam. Công hội ra đời, công nhân Việt Nam bắt đầu có ý thức về sức mạnh của mình. Tháng 8-1945, có Bác Tôn, có Công hội, sức mạnh phi thường của công nhân Việt Nam đã biểu hiện ở cuộc bãi công của hơn 1.000 thợ đình công ở Xưởng Ba Son giam tàu chiến của Pháp hằng tháng, không kịp sang Trung Quốc đàn áp Cách mạng Trung Hoa. Từ khởi nghĩa Biển Đen năm 1919 đến bãi công ở Sài Gòn năm 1925, Bác Tôn đã đi từ người tham gia đến người lãnh đạo với quy mô quần chúng bãi công ở Sài Gòn lớn hơn, và chiến lược, chiến thuật hoàn chỉnh. Nhưng cả hai đều là thắng lợi của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đến với tinh thần quốc tế chủ nghĩa vĩ đại ở Bác Tôn.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 23-9-1945, Bác Tôn được Đảng và nhân dân đón từ Côn Đảo về đất liền. Từ đó cho đến năm 1980, Bác giữ nhiều trọng trách trong cách mạng Việt Nam. Đặc biệt từ tháng 3-1946, Bác Tôn được Bác Hồ và Đảng cử ra đảm nhiệm công tác Mặt trận dân tộc thống nhất. Dưới sự tổ chức điều hành trực tiếp của Bác, Mặt trận bước vào thời kỳ phát triển toàn diện và ngày càng được củng cố vững chắc. Đây cũng là thời kỳ Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam tham gia tích cực vào các mặt trận quốc tế, liên minh quốc tế. Trước hết phải kể đến đóng góp của Bác Tôn vào Liên minh ba nước Đông Dương. Năm 1951, Bác Tôn đã dự Hội nghị liên minh ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, đã đóng góp tích cực để củng cố khối liên minh ba nước dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau và tôn trọng chủ quyền của nhau, cùng nhau xây dựng chương trình hành động. Năm 1955, Bác Tôn được bầu làm Chủ tịch danh dự Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam. Tháng 7-1955, Đại hội hòa bình thế giới họp ở Henxinki (Phần Lan) đã bầu Bác Tôn làm Ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới. Bác Tôn là người tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc và cho sự gắn bó chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước Việt Nam với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Mọi người dân Việt Nam đều thấy mình, thấy Tổ quốc trong Bác Tôn. Anh em, bạn bè quốc tế khắp bốn biển, năm châu lại tìm thấy ở Bác Tôn tinh thần quốc tế vô sản cao cả, tinh thần quý trọng độc lập tự do của các dân tộc và tinh thần đấu tranh không mệt mỏi cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Với công lao to lớn đó, Bác Tôn đã vinh dự là người đầu tiên được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương cao quý nhất của Việt Nam. Bác Tôn cũng thật xứng đáng khi Đoàn chủ tịch Xôviết Tối cao Liên Xô trao tặng Huân chương Lênin và Ủy ban Giải thưởng hòa bình quốc tế Lênin tặng Giải thưởng Lênin Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc.

Hai là, Bác Tôn là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng.

Bác Tôn là người hành động theo cách mạng vô sản trước khi đến với chủ nghĩa cộng sản. Và có lẽ vì thế khi tiếp cận tổ chức cách mạng theo học thuyết Mác - Lênin, Bác Tôn đã nhận ra ngay đó là con đường, là lý tưởng của mình. Và cũng từ đó cho đến trọn đời, Bác Tôn đã chiến đấu kiên cường, suốt đời cần, kiệm, liêm, chính. Những phẩm chất đó muôn đời con cháu cần phải noi theo.

Những năm hoạt động trong phong trào công nhân và Hải quân Pháp, Bác Tôn đã nhiều lần cố tìm gặp Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) với nguyện vọng học tập để sau này trở về Tổ quốc đấu tranh mạnh mẽ hơn, nhưng rất tiếc không gặp được. Đầu năm 1927, khi gặp các đại biểu của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Bác Tôn đã đưa toàn bộ tổ chức Công hội bí mật của mình gia nhập tổ chức cách mạng này. Từ đây, Bác Tôn bước vào cuộc chiến đấu mới dưới lá cờ của chủ nghĩa cộng sản khoa học, đánh đuổi thực dân Pháp và tay sai, giành lại độc lập dân tộc và tự do hạnh phúc cho nhân dân.

Liên tục những năm 1927, 1928, 1929, Bác Tôn là Ủy viên Thành bộ Sài Gòn và Ủy viên Kỳ bộ Nam Kỳ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và được phân công phụ trách phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn. Trung tuần tháng 7-1929, Bác Tôn bị địch bắt tại Sài Gòn, chúng coi Bác Tôn là loại tù nguy hiểm cần phải nhốt riêng không cho liên lạc với ai. Bọn chủ khám thấy cách giam riêng tốt nhất là đưa Bác Tôn vào khám vị thành niên. Bác Tôn xót xa và đem lòng thương yêu, gần gũi đám trẻ bị xã hội tàn nhẫn, bất công làm cho hư hỏng. Chẳng bao lâu đám tù vị thành niên lại tỏ lòng yêu thương, kính nể Bác. Một năm sau Tòa đại hình kết án Bác Tôn 20 năm tù khổ sai và tháng 7-1930 chúng đày Bác ra Côn Đảo với số tù 5289-TF. Cuộc đời của Bác Tôn suốt 15 năm tù đày ở Côn Đảo (1930-1945) là cả một bản anh hùng ca thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất kiên cường với kẻ địch và tình cảm nồng thắm đầy tính nhân văn với đồng đội và với những người tù khác. Liệt vào loại tù nguy hiểm, vừa ra tới Côn Đảo, Bác Tôn đã bị bọn chủ ngục giam vào cấm cố ở Sở Tải thuộc Banh I. Đây là một kíp dọn vệ sinh trong phạm vi lao, gồm số đông tù nặng án thuộc loại hình sự như cướp của, giết người, trộm cắp chuyên nghiệp..., họ rất hung dữ và đôi khi chỉ vì xích mích nhỏ, giết nhau là chuyện thường. Bác Tôn là người cộng sản đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo phải sống chung với bọn côn đồ ở Banh I. Ở Sở Tải, Bác Tôn còn phải làm những công việc nặng nhọc nhất là khiêng những thùng nước cả trăm lít. Mỗi ngày Bác phải khiêng hàng trăm thùng. Bằng tư cách đạo đức cách mạng và bằng trái tim, khối óc của người cộng sản, Bác Tôn đã dần dần cảm hóa tù lưu manh ở Sở Tải. Về sau chúng tỏ ra kính trọng và gọi Bác là “anh Hai”, “cậu Hai”. Chúng không bắt Bác khiêng nước nữa mà chỉ phải làm việc quét dọn, nhờ vậy Bác có cơ hội liên lạc với tù chính trị ở Banh II.

Bác Tôn tổ chức đường dây liên lạc bằng đường cống ngầm giữa Banh I và Banh II. Cuối năm 1932 tuy không bắt được quả tang nhưng bọn chủ ngục cũng phạt giam Bác vào Hầm xay lúa. Ở Côn Đảo, Hầm xay lúa là địa ngục của địa ngục trần gian. Người tù bị giam trong Hầm xay lúa phải lao động nặng nhọc trong hầm tối tăm và bị cặp rằng hành hạ. Năm 1933 cặp rằng Bẩy Tốt tán ác, bị anh em từ trong Hầm xay lúa giết chết. Địch bắt tù cộng sản Tô Chấn làm cặp rằng, nhưng anh kiên quyết từ chối. Bọn chúa ngục nhốt Tô Chấn vào hầm tối. Chúng buộc Bác Tôn phải làm cặp rằng với âm mưu mượn tay những người tù lưu manh giết Bác. Sự kiện này lại càng bộc lộ tài năng, tính cách và đức độ của Bác Tôn. Buộc phải nắm lấy “chính quyền” trong nhà Hầm xay lúa nên Bác Tôn đã thực hiện một cuộc “cách mạng” ở đây. Bác đã kiên trì giáo dục, giác ngộ, dìu dắt anh em tù đứng lên đấu tranh đòi hỏi cải thiện chế độ làm việc nặng nhọc, sinh hoạt khổ sở của người tù bị nhốt trong Hầm xay lúa. Kết quả số lượng lúa xay mà bọn chủ khoán đã giảm; việc nặng thay nhau làm, có thời gian nghỉ trưa; người ốm được chăm sóc; mọi xích mích được Bác Tôn hòa giải êm thấm, không khí đoàn kết được xây dựng. Bọn tù lưu manh anh chị không dám dở thói hống hách, côn đồ với các tù khác, ngược lại chúng cũng tỏ ra kính trọng Bác. Thế là Bác đã phá tan được âm mưu đen tối, độc ác của tên chủ ngục Ferandini.

Bác Tôn là anh Hai Thắng hay già Thắng tính tình kiên quyết, nhân nghĩa, trong sáng, hiền hòa, trầm tĩnh, giản dị..., không nề hà bất cứ một công việc gì. Làm dân vận, nhất là ở trong tù, những trường hợp nào mà các tay lý luận sắc sảo khó thành công, nếu đưa cho già Thắng thì bảo đảm thành công. Ở nhà tù Côn Đảo các hoạt động của tù cách mạng đều mang dấu ấn sâu sắc của Bác Tôn. Cuối năm 1932, Chi ủy đầu tiên ra đời ở Khám số 9, Banh I, nơi giam giữ Bác Tôn do Nguyễn Hới làm Bí thư và Bác Tôn cùng năm đồng chí khác là chi ủy viên. Trước hết, Chi ủy đã xuất bản tờ báo Ý kiến chung làm phương tiện tuyên truyền, chỉ đạo các hoạt động của những người tù cộng sản. Khoảng đầu năm 1935, Chi bộ nhà tù lại cho ra đời Tạp chí Tiến lên là cơ quan thông tin và hướng dẫn đấu tranh đã được bí mật lưu truyền rộng rãi trong tù. Bác Tôn thay mặt Chi ủy chỉ đạo Ban biên tập hai tờ báo trên. Là người làm những công việc tự do ở Sở Tải, nên Bác Tôn có điều kiện đi lại, tiếp xúc với hầu hết các loại tù. Vì thế Bác đã thực hiện xuất sắc vai trò người thu thập bài vở và phát hành đến tay người sử dụng. Cũng thời kỳ này, Bác Tôn còn chuyển được nhiều bài tố cáo chế độ tàn khốc của Nhà tù Côn Đảo tới các báo tiến bộ ở Sài Gòn và bên nước Pháp. Việc làm này của Bác đã làm cho phong trào đấu tranh của người tù Côn Đảo không bị đơn độc, họ có diễn đàn tù nước Pháp và đất liền đấu tranh ủng hộ.

Mười lăm năm ở Nhà tù Côn Đảo, Bác Tôn đã sống cực kỳ gian khổ nhưng cũng vô cùng oanh liệt, vẻ vang. Bác đã biến ngục tù thành lò luyện ý chí đấu tranh, thành trường học cộng sản. Cuộc đấu tranh kiên cường suốt 15 năm ở Nhà tù Côn Đảo làm rực sáng lên những phẩm chất tận trung với nước, tận hiếu với dân của Bác, làm sáng lên tình người, tình đồng chí và Bác đã nêu một gương sáng về tinh thần bền bỉ rèn luyện, học tập cho muôn đời con cháu. Đồng chí Lê Duẩn cùng ở Côn Đảo với Bác nhận xét: “Trong tù đầy vô cùng khắc nghiệt, vậy mà Bác Tôn luôn luôn lạc quan, giữ lòng tin tưởng, sống với anh em chân tình, ấm áp”.

Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng và Chính phủ tổ chức ra Côn Đảo đón Bác Tôn và các đồng chí tù chính trị trở về đất liền. Ngày 23-9-1945, Bác Tôn và những chiến sĩ tù Côn Đảo anh hùng về đến đất liền. Nhưng thời gian đó cũng là ngày thực dân Pháp trở lại nổ súng xâm lược nước ta một lần nữa. Do đó, Bác Tôn chưa thể về thăm vợ con, mà đến ngay Cần Thơ nhận nhiệm vụ, và phải đến năm 1954, tại Hà Nội, gia đình Bác mới được trùng phùng. Thật là một trường hợp tiêu biểu nhất về gương sáng “vì nước quên nhà”.

Năm 1946, theo điều động của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác Tôn ra nhận công tác ở ngoài miền Bắc. Ở vị trí công tác mới - là người đứng đầu Mặt trận dân tộc thống nhất, Phó Chủ tịch rồi sau này thay Bác Hồ làm Chủ tịch nước. Bất kỳ ở vị trí nào, Bác Tôn vẫn luôn luôn hết lòng vì công việc, nêu một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng. Bác Tôn luôn luôn “là người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Và như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu mực đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Là người đứng đầu Mặt trận và Nhà nước, sống giữa Thủ đô, Bác Tôn vẫn giữ được nếp sống, tác phong và đạo đức của người công nhân. Chủ nhật hoặc ngày lễ vẫn thấy Bác tự sửa chữa, lau chùi chiếc xe đạp mà Bác vẫn thường sử dụng hoặc mài giũa, chữa đồ dùng trong gia đình. Ở nhà, lúc nào vợ chồng Bác cũng mặc quần áo nâu sồng và nghỉ ở nhà ngang. Mẫu mực về đạo đức của Bác Tôn chẳng những con gái, con rể Bác noi theo mà còn là điểm chuẩn cho các thế hệ mãi mãi phấn đấu, rèn luyện để trở thành con người có ích góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam muôn ngàn yêu quý ngày càng giàu đẹp.

Dù công việc bận nhiều, song hằng tháng, hằng quý, Bác Tôn vẫn dành thời gian thăm bạn bè. Nhất là những người bạn tù đã nghỉ hưu, Bác thường chủ động đến thăm hỏi chân thành, cởi mở như bạn bè khi còn cùng tù đày, xóa đi tâm lý cách biệt giữa lãnh tụ và người dân.

Nhân dân Việt Nam, thế hệ trẻ Việt Nam tự hào đã có Bác Tôn - một chiến sĩ cộng sản gương mẫu, suốt đời vì nước quên thân, vì dân quên nhà. Bác đã sống một cuộc đời cực kỳ gian truân và Bác đã chiến thắng vẻ vang. Cuộc đời Bác Tôn là cuộc đời trọn vẹn thủy chung với nước, với dân, với lý tưởng cộng sản, với bạn bè đồng đội, với bạn bè quốc tế và với gia đình.

PGS. TS. Hoàng Trang

                                                               Nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh

và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức)

 

*****

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 9, tr. 220-221.

2-3. Ban liên lạc tù chính trị: Côn đảo - Ký sự, Sở Văn hóa - Thông tin và Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1996, tr. 197.

Bình luận