Triển khai Hiến pháp 2013: Những điểm mới về Chính phủ

Ngày đăng: 07/03/2014 - 08:03

Lần đầu tiên Hiến pháp chính thức khẳng định tính chất, vị trí của Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp. Đồng thời, chế định Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được đề cao, trách nhiệm cá nhân của các Bộ trưởng được tăng cường.

Toan canh phien hop1

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2014. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 lần này, cùng với Chương về Chế độ chính trị, kinh tế - xã hội, quyền và nghĩa vụ công dân, Chương về Chính phủ có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng, tương đối toàn diện, trong đó có một số sửa đổi, bổ sung cơ bản.

Về tính chất, vị trí của Chính phủ, nội dung, phạm vi và cơ chế thực hiện quyền hành pháp và hành chính của Chính phủ đều có những sửa đổi, bổ sung theo tinh thần đổi mới nhằm xây dựng Chính phủ mạnh, hiện đại, dân chủ, pháp quyền, thống nhất quản lý vĩ mô các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.

Trước hết, về vị trí, phạm vi và nội dung thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hiến pháp năm 2013 đã điều chỉnh, phân công lại ở mức độ nhất định, làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của từng thiết chế: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp

Cụ thể, đối với Chính phủ, lần đầu tiên Hiến pháp chính thức khẳng định tính chất, vị trí của Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp; nhấn mạnh và đề cao hơn tính chất, vị trí Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đồng thời, khẳng định vai trò hoạch định chính sách của Chính phủ, “đề xuất, xây dựng chính sách trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn…” (khoản 2 Điều 96).

Quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật (khoản 1); thi hành các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân (khoản 3 Điều 96)…

Bên cạnh quyền trình dự án luật, Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung quyền ban hành văn bản pháp quy của Chính phủ như một nhiệm vụ, quyền hạn độc lập để thực hiện chức năng hành pháp tại Điều 100: “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành văn bản pháp luật để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái pháp luật theo quy định của luật”.

Với những sửa đổi, bổ sung trên đây, quyền hành pháp của Chính phủ đã có bước đổi mới, hoàn thiện, phù hợp với bản chất, chức năng của quyền hành pháp hiện đại.

Về mối quan hệ giữa Chính phủ với Quốc hội, Chủ tịch nước: Hiến pháp đã bỏ quy định về thẩm quyền của Quốc hội quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhằm tạo điều kiện cho Chính phủ chủ động, linh hoạt trong việc đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh. Đồng thời, Hiến pháp cũng phân định rõ hơn phạm vi chính sách và các vấn đề quan trọng do Quốc hội và Chính phủ quyết định trong một số lĩnh vực (như Quốc hội quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển KTXH của đất nước, quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia…, còn Chính phủ có thẩm quyền ban hành các chính sách cụ thể, biện pháp để quản lý, điều hành các lĩnh vực); phân định rõ và phù hợp hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc đàm phán, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế…

Về cơ cấu, thành phần Chính phủ: Hiến pháp sửa đổi quy định rõ “Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ” (bỏ cụm từ “các thành viên khác” của Hiến pháp 1992); bổ sung quy định “cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ do Quốc hội quy định” để trên cơ sở đó quy định trong luật về cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ.

Đề cao chế định Thủ tướng Chính phủ 

Trong bản Hiến pháp mới, chế định Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được đề cao. Tập trung thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ trong việc lãnh đạo, điều hành Chính phủ và hệ thống hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương:

Thủ tướng Chính phủ được Hiến pháp khẳng định rõ vị trí, vai trò là người đứng đầu Chính phủ (mới bổ sung). Đồng thời, quy định rõ hơn trách nhiệm giải trình của Thủ tướng: Chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao; báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Quy định rõ hơn nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng đối với Chính phủ, nhất là đối với hệ thống hành chính Nhà nước: Thủ tướng “Lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật”; “Lãnh đạo và chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia” (khoản 1, khoản 2 Điều 98).

Với các sửa đổi, bổ sung này, vị thế và vai trò của Thủ tướng đã nâng cao hơn. Thủ tướng Chính phủ thực sự trở thành nhân tố định hướng các mục tiêu chung và thúc đẩy, định hướng xây dựng chính sách và toàn bộ hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính Nhà nước từ Trung ương tới địa phương trong việc thực hiện các chức năng, thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Tăng cường trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng

Hiến pháp mới có một số sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thể hiện rõ hơn vị trí, nhiệm vụ, trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách vừa là thành viên Chính phủ, đồng thời là một thiết chế có trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước.

Cụ thể, về vị trí, vai trò của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hiến pháp mới quy định “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo công tác của bộ, cơ quan ngang bộ; chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công” (khoản 1 Điều 99).

Về chế độ chịu trách nhiệm, Hiến pháp mới quy định rõ ràng và đầy đủ hơn: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ “chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách” (bổ sung chịu trách nhiệm cá nhân trước Chính phủ); và “cùng các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ” (mới bổ sung).

Về nhiệm vụ, quyền hạn, Hiến pháp sửa đổi đã bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ: “tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc” (khoản 1 Điều 99); “ban hành văn bản pháp luật để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái pháp luật theo quy định của luật” (Điều 100).

Một điểm mới rất quan trọng là Hiến pháp đã bổ sung quy định về trách nhiệm giải trình. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không chỉ chịu trách nhiệm giải trình trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mà còn phải chịu trách nhiệm giải trình trước Nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý (khoản 2 Điều 99).

Nâng cao tính dân chủ pháp quyền

Nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng và lớn nhất về Chính phủ là về cơ chế thực hiện quyền hành pháp phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Hiến pháp mới đã có nhiều quy định đổi mới về cơ chế thực thi quyền lực, phù hợp với tính chất, vai trò của từng thiết chế Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, theo hướng nâng cao hơn tính dân chủ pháp quyền trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ, bảo đảm minh bạch, linh hoạt, nhanh nhạy, trách nhiệm giải trình trong thực hiện quyền lực được trao; đồng thời, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa 3 thiết chế trong thực hiện quyền hành pháp và hành chính được giao. Thể hiện cụ thể như sau:

Đối với Chính phủ, Hiến pháp khẳng định mạnh mẽ nguyên tắc Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số1; đồng thời, xác lập mối quan hệ trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ;

Với thiết chế Thủ tướng: Hiến pháp mới khẳng định mạnh mẽ vị trí, vai trò của Thủ tướng với tư cách là  người đứng đầu Chính phủ, đồng thời vừa là  một thiết chế độc lập tương đối với Chính phủ (đề cao vai trò cá nhân Thủ tướng).

Theo đó, quy định toàn diện về chế độ trách nhiệm của Thủ tướng: Chịu trách nhiệm trước Quốc hội, đồng thời nhấn mạnh chịu trách nhiệm giải trình trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, trước nhân dân về hoạt động của Chính phủ, về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao đối với hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia.

Về Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hiến pháp mới đã bổ sung một số quy định mới: Khẳng định rõ vị trí, vai trò của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là người đứng đầu và lãnh đạo công tác của Bộ, cơ quan ngang bộ; có trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công; chịu trách nhiệm cá nhân trước Chính phủ; cùng chia sẻ trách tập thể với các thành viên Chính phủ về hoạt động của Chính phủ.

Nguyễn Phước Thọ

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

 

1. Bỏ quy định: “Những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ phải được thảo luận và quyết định theo đa số” (Điều 115 Hiến pháp năm 1992).

 


Bình luận