Trần Đại Nghĩa - Một đại trí thức trọn đời vì nghĩa lớn của dân tộc

Ngày đăng: 13/09/2013 - 15:09

Trong lịch sử cách mạng Việt Nam có một tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, sự quyết tâm và nghị lực phi thường vượt qua bao khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Một tấm gương gần như đã trở thành một huyền thoại với thế hệ trẻ khi ông sẵn sàng từ bỏ công việc mà nhiều người mơ ước với mức lương mỗi tháng tương đương 22 lượng vàng để về Việt Nam theo cách mạng cứu nước, cứu dân. Suốt 11 năm du học ở nước ngoài, ông đã âm thầm nghiên cứu kỹ thuật, công nghệ và hệ thống tổ chức chế tạo vũ khí, để rồi trở về đất nước góp phần đắc lực vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Với chiến công ấy ông đã được phong quân hàm cấp tướng và danh hiệu Anh hùng lao động, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Ông cũng là người được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên để hoạt động cách mạng, một cái tên đầy ý nghĩa, đã phản ánh đầy đủ cuộc đời và nhân cách của ông, trọn đời vì nghĩa lớn của dân tộc; ông cũng là một trong số rất ít người được Người viết báo khen ngợi: "Là một đại trí thức mang một lòng nhiệt tình về phụng sự Tổ quốc, phục vụ kháng chiến". Ông chính là giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (tên thật là Phạm Quang Lễ), người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long.

Tran Dai Nghia 2

Trần Đại Nghĩa là một nhà khoa học lớn, một "đại trí thức" giàu lòng yêu nước, một vị tướng "cha đẻ của ngành quân giới Việt Nam", một Anh hùng lao động mà cuộc đời và sự nghiệp của ông đã gần như là huyền thoại đối với nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam. Qua suy nghĩ và cảm nhận với tư cách là những giảng viên, viên chức đang công tác tại Trường Chính trị Phạm Hùng, nơi đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương, chúng tôi xin được rút ra cho mình một số bài học từ nhân cách và trí tuệ của Trần Đại Nghĩa, đó là:

1. Tinh thần ham học và tự học với ý chí quyết tâm cao và nghị lực phi thường

Mồ côi cha từ năm lên bảy, gia đình nghèo khó, mẹ và chị gái phải tần tảo sớm hôm, lao động vất vả để lo cho ông ăn học. Bên cạnh tuổi thơ bất hạnh, hoàn cảnh phải sống xa gia đình từ thuở nhỏ cũng đã tạo cho ông sớm có nếp suy nghĩ tự lập. Từ trí óc non nớt, ông đã chấp nhận một cuộc sống cô đơn với đèn sách để mong có ngày đền đáp lại công ơn của cha mẹ, của những người thân thuộc đã từng nuôi dạy, giúp đỡ mình. Chính sự dồn nén, kiên nhẫn, quyết tâm lâu ngày đã trở thành một nếp sống trong sinh hoạt hằng ngày của ông, đó là suốt ngày cặm cụi đọc tài liệu, ghi chép và suy tư. Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo và chịu cảnh bất hạnh từ nhỏ nhưng may mắn thay ông lại có được một tư chất rất thông minh, sáng dạ và nhớ lâu. Năm 20 tuổi, ông thi đỗ thủ khoa cả tú tài Tây và tú tài bản xứ, một sự kiện mà rất ít thanh niên Việt Nam có thể làm được lúc bấy giờ.

Tháng 9-1935, Phạm Quang Lễ bước chân xuống tàu thuỷ đi Pháp sau khi được cấp một suất học bổng du học để thi vào các trường đại học ở Pháp. Hành trang mang theo mình chẳng có gì ngoài hoài bão được học hỏi để trở về phục vụ quê hương. Được nhận vào một trường trung học đặc biệt học 2 năm để chuẩn bị thi vào đại học, ông đã vạch ra phương pháp học để có thể hoàn tất chương trình trong vòng 1 năm (vì học bổng chỉ được cấp có 1 năm). Với trí thông minh, lòng ham học và sự tự học kiên trì, miệt mài, ông đã học nhảy một lớp (rút ngắn được 1 năm). Sau đó, ông quyết tâm nộp đơn thi vào trường đại học có những chuyên ngành liên quan đến hoài bão của mình nhiều nhất, đó là nghiên cứu, thiết kế và chế tạo vũ khí để trở về phục vụ sự nghiệp giải phóng đất nước. Ông đã chọn và thi đậu vào Trường Đại học quốc gia Cầu đường Pari. Ngoài việc học ở trường này, ông cũng nghe giảng ở các trường đại học danh tiếng khác như Trường Đại học Sorbonne, Đại học Mỏ, Đại học Bách khoa, Đại học Điện và Học viện Kỹ thuật Hàng không. Năm 1940, ông lần lượt thi đậu các bằng cử nhân khoa học, kỹ sư cầu đường, kỹ sư điện và kỹ sư hàng không; đồng thời đạt chứng chỉ Đại học Mỏ, Đại học Bách khoa - một kết quả ít có sinh viên nào làm được, kể cả sinh viên Pháp.

Có được thành tích đáng tự hào đó, bên cạnh sự thông minh sẵn có, phải kể đến tinh thần ham học và nỗ lực tự học với sự phấn đấu không mệt mỏi của chàng sinh viên Việt Nam yêu nước, cần cù và chăm chỉ. Tinh thần đó còn được thể hiện xuyên suốt trong 11 năm ròng, ông đã âm thầm nghiên cứu và ghi chép hơn 30.000 trang tài liệu về vũ khí. Năm 1946, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước, ông không mang theo một thứ của cải gì khác ngoài một tấn sách và tài liệu có liên quan đến việc chế tạo vũ khí.

Tinh thần ham học và nỗ lực tự học của Trần Đại Nghĩa là một tấm gương sáng ngời cho mọi thế hệ thanh niên Việt Nam noi theo dù ở trong nước hay đang du học ở nước ngoài. Trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn, vất vả trăm bề nhưng Trần Đại Nghĩa vẫn lấy được ba bằng kỹ sư, một bằng cử nhân khoa học và 2 chứng chỉ trong một thời gian ngắn; nghiên cứu và ghi chép hơn 30.000 trang tài liệu, đa phần là tài liệu mật về chế tạo vũ khí - điều đó thể hiện một nỗ lực phi thường, hiếm người có thể làm được trong điều kiện bình thường, thuận lợi chứ đừng nói gì trong điều kiện và hoàn cảnh lúc bấy giờ.

Tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Trần Đại Nghĩa, chúng tôi vô cùng khâm phục và tự hào về ông, tự hào vì có một người Việt Nam tài giỏi như thế, từ một cậu học trò nghèo đã ham học và bằng sự nỗ lực tự học đã trở thành một nhà bác học, một "đại trí thức" của dân tộc. Chúng tôi xin nguyện học tập theo tấm gương sáng ngời về lòng ham học và tinh thần tự học của Trần Đại Nghĩa, không ngừng phấn đấu học tập để nâng cao trình độ chuyên môn và bản lĩnh chính trị của mình, nỗ lực làm việc để hoàn thành tốt nhất mọi công việc được phân công.

2. Tinh thần dấn thân của người trí thức đem hết tài năng, trí tuệ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân

Ngay từ thuở thiếu thời, Trần Đại Nghĩa đã tâm niệm rằng, nước mình phải tự chế tạo được nhiều loại vũ khí, cả những vũ khí hiện đại, mới có thể quét sạch bọn xâm lược. Do đó khi chọn thi vào các trường đại học ở Pháp, mong muốn của ông là ngoài việc học về kỹ thuật dân dụng còn phải tìm cách học cho kỳ được kỹ thuật chế tạo vũ khí để giúp đất nước đánh đuổi giặc Pháp. Ông tự nhủ đó là nghĩa vụ thiêng liêng của mình đối với Tổ quốc như có lần ông đã từng thổ lộ: "Từ khi mới ra đi, tôi vẫn có ý định học vũ khí. Ý định đó được củng cố ngay trên đường viễn dương, khi con tàu đi qua kênh Suez, tôi được tin cuộc chiến tranh Italia và Êtiôpia bùng nổ. Những năm tôi du học bên Pháp là thời kỳ thế giới rung chuyển bởi chiến tranh. Tôi không được phép thi vào các trường đại học quân sự, nhưng tôi biết các môn học có liên quan đến thiết kế - chế tạo vũ khí được dạy trong sáu trường đại học lớn".

Trong hàng nghìn người Việt Nam sang Pháp du học lúc bấy giờ, có lẽ chỉ duy nhất chàng sinh viên Phạm Quang Lễ là có quyết tâm nghiên cứu về vũ khí. Song đây là lĩnh vực bí mật và cấm tuyệt đối người dân thuộc địa, chỉ cần để lộ ra ý định này, ông sẽ bị trục xuất ngay khỏi nước Pháp. Vì vậy, trong 11 năm ở Pháp, ông chỉ có thể tự mò mẫm và bí mật học hỏi, sưu tầm tài liệu về các loại vũ khí.

Lòng yêu nước và tinh thần dấn thân của người trí thức Phạm Quang Lễ không chỉ thể hiện khi ông quyết tâm và không ngại nguy hiểm tìm cách học về chế tạo vũ khí để sau này cứu nước mà tinh thần đó còn thể hiện qua buổi gặp gỡ giữa ông và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 5-1946 khi Người sang Pháp, lúc đó ông 33 tuổi, đang là Kỹ sư trưởng của hãng chế tạo máy bay. Trong buổi gặp gỡ đó có một đoạn đối thoại mà sau này ông đã kể lại:

Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần hỏi tôi:

- Đời sống ở trong nước còn đang rất khó khăn, chú về nước có chịu nổi không? Bác Hồ hỏi:

Anh Lễ trả lời:

- Thưa, tôi chịu nổi.

- Ở trong nước không có kỹ sư, công nhân về vũ khí, máy móc thiếu, liệu chú có làm việc được không? - Bác tiếp lời.

- Thưa, tôi tin là làm được vì tôi đã chuẩn bị 11 năm ở bên Pháp[1].

Tinh thần dấn thân của người trí thức trẻ yêu nước không chỉ thể hiện qua hành động từ bỏ cuộc sống giàu sang ở kinh đô Pari hoa lệ để trở về nước theo cách mạng với trăm bề khó khăn, gian khổ, thiếu thốn và hiểm nguy mà tinh thần ấy còn thể hiện xuyên suốt trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Dù được giao bất kỳ công việc gì, giữ bất cứ chức vụ gì ông cũng đều nỗ lực hoàn thành ở mức tốt nhất, không nề hà, không than khổ, không đòi hỏi bất cứ điều gì cho riêng mình. Ngay khi về nước, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách làm Cục trưởng Cục Quân giới và bắt tay ngay vào việc nghiên cứu, chế tạo súng chống tăng dựa theo mẫu bazooka của Mỹ làm cho thực dân Pháp phải kinh hoàng, khiếp vía, rồi sau đó là nghiên cứu thành công súng không giật SKZ và bom bay, hai loại vũ khí đặc biệt lúc đó làm cho kẻ thù vô cùng khiếp sợ, giúp bộ đội ta giành nhiều thắng lợi trên chiến trường. Ngày đất nước thống nhất, ngày 30-4-1975, ông ghi vào cuốn sổ tay của mình một câu: "Đã hoàn thành nhiệm vụ!".

Sinh thời ông từng nói: "Bạn bè của tôi ở lại bên Pháp, họ đều sung sướng, đầy đủ hơn tôi rất nhiều. Nhưng về khía cạnh phụng sự Tổ quốc, họ chẳng có gì cả". Cuộc đời ông chính là cuộc đời phụng sự, đóng góp công sức cho dân tộc phù hợp với bức chân dung lý tưởng của người Việt đi du học để tiếp thu những gì cần thiết cho đất nước rồi trở về hòa mình với nhân dân trong nước, đem trí tuệ, tài năng, công sức tham gia chiến đấu và xây dựng Tổ quốc. Chúng tôi xin nguyện noi gương và học tập theo tinh thần yêu nước, dấn thân trọn đời cho cách mạng, cho nước, cho dân của ông; không nề hà, không né tránh bất cứ nhiệm vụ gì khi tổ chức giao phó, cống hiến trọn đời mình bằng tài năng, công sức, trí tuệ cho sự nghiệp trồng người, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trần Đại Nghĩa, một nhà khoa học lớn, một đại trí thức trong thời đại Hồ Chí Minh, có dịp ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và công lao to lớn của ông đối với dân tộc, đối với quê hương, đất nước; có dịp cùng soi rọi lại tấm gương đạo đức trong sáng và nhân cách sống cao đẹp của ông, chúng tôi cảm thấy mình cần phải phấn đấu và phấn đấu thật nhiều hơn nữa, không ngừng nâng cao tri thức và trí tuệ, tầm nhìn và trách nhiệm, bản lĩnh cách mạng và phẩm chất đạo đức, phải học tập và lao động, phải dấn thân và cống hiến hết mình để xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước, xứng đáng với hai tiếng "trí thức" mà xã hội, đất nước và Đảng đã lựa chọn, tin yêu, gửi gắm và kỳ vọng vào mình.

(Bài viết của Trường Chính trị Phạm Hùng, tỉnh Vĩnh Long)

 

[1]. Xem Nguyễn Văn Đạo: Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr.133.



 

Bình luận