Truyền thông xã hội và chiến lược chống “Diễn biến hòa bình”
Công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay diễn ra trong bối cảnh và tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn và sâu sắc. Các tổ chức phản động bên ngoài đã lợi dụng các trang mạng xã hội để công kích, chống phá Đảng và Nhà nước. Theo thống kê, hiện nay, có hơn 400 trang web chuyên truyền bá, phá hoại tư tưởng, chống phá Việt Nam. Ngoài ra, cũng có hàng trăm trang web, blog do một số trí thức, văn nghệ sĩ và các phần tử bất mãn trong nước lập ra lợi dụng danh nghĩa “phản biện xã hội” để xuyên tạc, kích động chống đối Đảng, Nhà nước. Đây cũng là một trong những “chiêu” “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch sử dụng nhằm chống phá và xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thực tiễn cho thấy, hiện nay thông tin được truyền đi theo những cách thức phi truyền thống với những hệ quả không thể đoán trước được. Thông tin trên mạng xã hội đa chiều, khó kiểm chứng đúng, sai. Do vậy, mạng xã hội bị coi là “con dao hai lưỡi”, vừa thúc đẩy xã hội phát triển, đồng thời cũng là “công cụ” khá hữu hiệu cho các thế lực chống phá truyền bá những quan điểm sai trái, nhằm phá hoại an ninh - chính trị của nhiều nước trên thế giới bằng những chiêu gọi là “diễn biến hòa bình”.
1. Thực chất của cái gọi là “diễn biến hòa bình”
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch của chủ nghĩa xã hội đã sử dụng các biện pháp “diễn biến hòa bình” hỗ trợ cho phương thức vũ trang chống các nước xã hội chủ nghĩa. Ngay từ những năm 60 của thế kỷ XX, chủ nghĩa đế quốc đã xây dựng chiến lược “phản ứng linh hoạt” với chính sách “mũi tên và cành ô liu”; chiến lược “răn đe thực tế” với chính sách “cây gậy và củ cà rốt” vào những năm 70 của thế kỷ XX để chống lại các nước xã hội chủ nghĩa.
Những năm 80 của thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản, sau những năm điều chỉnh, đã đạt được sự ổn định và có bước phát triển. Trong khi đó, do sai lầm kéo dài về nhiều phương diện, nhiều nước xã hội chủ nghĩa bắt đầu lâm vào khủng hoảng, và khi thực hiện đường lối cải cách, cải tổ sai lầm, dẫn tới khủng hoảng trầm trọng hơn. Lợi dụng cơ hội đó, chủ nghĩa đế quốc hoàn thiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, coi đó là chiến lược cơ bản để giành thắng lợi cuối cùng, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội. Đến những năm 1989 - 1990, khi các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô bị khủng hoảng trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, chủ nghĩa đế quốc đã dùng các thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ đánh đòn quyết định làm sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở các nước này.
Có thể thấy, “diễn biến hòa bình” là một nội dung quan trọng trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch. Đây là cuộc chiến thầm lặng, nhằm tấn công toàn diện vào các mục tiêu bên trong cả về chính trị, kinh tế, tư tưởng, lý luận, văn hóa, nghệ thuật... Chúng khoét sâu những mâu thuẫn nội bộ, phá vỡ sự thống nhất về tư tưởng và ý chí trong đảng, làm nội bộ các nước xã hội chủ nghĩa suy yếu và tự diễn biến.
Thực chất của “diễn biến hòa bình” là nhằm đẩy mạnh quá trình “tự diễn biến”, chủ động tạo ra các áp lực, tấn công chính diện vào lĩnh vực tư tưởng và lý luận, từ đó làm tan rã niềm tin, mất định hướng, hỗn loạn về lý luận, là điều kiện tốt hình thành và nuôi dưỡng tâm trạng hoài nghi, tư tưởng bất mãn chống đối từ bên trong. Thực tế cho thấy, “tự diễn biến” là sản phẩm và là biểu hiện cụ thể của “diễn biến hòa bình”, do sức ép và áp lực từ “diễn biến hòa bình” tạo nên. Có thể thấy, “diễn biến hòa bình” là hoạt động tấn công từ phía kẻ thù, còn “tự diễn biến hòa bình” là nói về quá trình diễn ra trong chính nội bộ. Thông thường, khi nói đến “tự diễn biến”, người ta thường đề cập đến hai khuynh hướng của quá trình vận động, theo xu hướng tiến bộ và tích cực, hoặc theo xu hướng tiêu cực, tan rã và thoái trào. “Tự diễn biến” là khái niệm nói lên quá trình tự tan rã, biến chất của một thể chế chính trị - xã hội xét trên tất cả các lĩnh vực chính trị - tư tưởng, kinh tế - xã hội, văn hóa - tinh thần, diễn ra một cách hòa bình, không bằng các biện pháp bạo lực.
Ở nước ta, trước sự tấn công của kẻ thù bằng “diễn biến hòa bình”, đã xuất hiện bệnh cơ hội, thực dụng, thiếu trung thực gia tăng, thái độ thờ ơ, giảm sút lòng tin, phai nhạt lý tưởng, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói và làm trái với quan điểm, đường lối của Đảng.
Đặc biệt, trong thời gian qua, giữa lúc toàn Đảng đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, một số trang web, blog “đen” đã lợi dụng tung ra nhiều thông tin “hậu trường” nhạy cảm. Những thông tin này liên quan đến nhiều chính sách kinh tế vĩ mô, đến vấn đề ngân hàng, tài chính và nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước nên đã tạo ra dư luận xã hội tiêu cực, gây hoang mang, lo lắng, làm suy giảm niềm tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
2. Thông tin trên mạng xã hội: tốt - xấu lẫn lộn
Theo thống kê, hiện có hàng trăm trang web, blog “đen” do hơn 400 tổ chức phản động trong và ngoài nước lập ra xen lẫn hàng trăm trang web, blog cá nhân với thông tin tốt - xấu, thật - giả lẫn lộn, có loại ẩn chứa âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch; có loại vô tình “nối giáo cho giặc”, “quá mù ra mưa”… Gần đây, nhiều hiểm họa từ những trang web, blog “đen” gây ra như việc đưa tin sai lệch, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt, nhiều tờ báo phản động ở hải ngoại và báo chí nước ngoài thi nhau “tung hứng”, suy diễn giống như chúng được “tiếp tay” từ nội bộ, gắn với các vấn đề nhân sự cấp cao nhạy cảm. Từ năm 2000, với việc ra đời “Hội nghị liên kết người Việt tự do tại Mỹ”, các thế lực thù địch đã xác định phải tận dụng công nghệ hiện đại như dùng blog, mạng xã hội để “phá vỡ sự bưng bít thông tin”, tạo sự liên kết giữa phản động lưu vong với nội địa ngày càng chặt chẽ, từ chỗ chỉ qua thư tín rồi dần qua internet là chủ yếu. Một số “chiêu thức” chính của chúng như sau:
Một là, các trang blog, trang web tự xưng danh đại diện cho cộng đồng chống tham nhũng, dân oan đấu tranh đòi quyền lợi xung quanh giải phóng mặt bằng, những người đòi tự do thông tin, các nhà dân chủ,… để hoạt động như một tờ báo điện tử, đưa thông tin kích động, xuyên tạc về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nội dung chính của những trang này vẫn là phá hoại tư tưởng, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, bôi nhọ hình ảnh, uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kích động khiếu kiện đất đai, chính sách dân tộc, tôn giáo… Nhiều bọn phản động lưu vong đã lợi dụng internet lập nên các trang web, blog, song chúng “lập lờ” thông tin thật - giả, tốt - xấu khiến người dân rất khó nhận biết là trang phản động hay không. Theo điều tra của cơ quan chức năng, tổ chức phản động lưu vong Việt Tân là một trong những nơi sản sinh ra nhiều web, blog phản động nhất. Hiện nay, tổ chức này đang chuẩn bị “đại hội” nên càng ráo riết lợi dụng web, blog để “diễu võ dương oai”.
Hai là, việc xuất hiện nhiều trang web, blog có máy chủ đặt tại nước ngoài mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đây đều không phải là trang tin chính thức, có thể gây nhiễu loạn thông tin và ẩn chứa những động cơ đen tối. Cơ quan chức năng cho biết, đằng sau những trang web mạo danh này là những tên phản động lưu vong.
Ba là, một số trang web, blog của một số nhân sĩ, trí thức, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, trong đó có cả một số người đang công tác (hoặc đã từng công tác) tại các cơ quan nhà nước, nhưng thường xuyên đăng tải, phát tán thông tin tốt - xấu lẫn lộn, có nhiều tin bài không chính xác, thậm chí sai trái, phản động… Hiện nay, có một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những người từng là cán bộ quản lý cấp cao viết bài, phát tán nội dung trái với đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước và bị lôi kéo, lợi dụng. Ngoài ra, cũng phải kể đến một số trí thức, văn nghệ sĩ và thành phần bất mãn, chống đối lợi dụng danh nghĩa “phản biện xã hội” để phê phán, phản đối chính sách của Đảng, Nhà nước. Đáng chú ý là những trang web, blog này được các thế lực thù địch phản động thường xuyên lấy lại tin bài, thậm chí “tài trợ” để tạo dựng ngọn cờ, tạo dư luận, tập hợp lực lượng chống đối.
Bốn là, các thế lực thù địch và cực đoan đang triệt để lợi dụng các diễn đàn, mạng xã hội, nhiều nhất là trên facebook, youtube là những mạng có khả năng phát tán nhanh, tác động mạnh đến nhiều tầng lớp trong xã hội để chống phá, kêu gọi biểu tình, phát tán tài liệu phản động, hình ảnh, phim, clip bôi nhọ, xuyên tạc Đảng và Nhà nước ta.
Năm là, có không ít trang web đi theo hướng “chuyên đề” như trang của ông N.X.C tự xưng là “chuyên gia kinh tế”, “Thủ tướng tương lai”, “nhà tiên tri tài chính”. Trang này chủ yếu đưa thông tin liên quan đến tình hình kinh tế nhưng thực chất là xuyên tạc, phá hoại về kinh tế. “Nhà tiên tri” này đưa ra nhiều dự báo sai, lạc lõng so với thực tế, giống như một “nhà kinh tế… hoang tưởng” mà một số người tin theo, làm theo đã bị thiệt hại nghiêm trọng.
Qua đó có thể thấy, việc phát tán thông tin như vậy vào Việt Nam là hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng, gây hoài nghi trong nhân dân về vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta, gây tác động rất xấu trong dư luận xã hội.
3. Kinh nghiệm của nước ngoài trong quản lý mạng xã hội
- Xử lý nghiêm người lợi dụng blog để kích động bạo loạn.
Sau sự kiện “Mùa xuân Ảrập” ở Bắc Phi, Trung Đông, đặc biệt là vụ bạo loạn tại Anh thời gian vừa qua, các blog và trang cá nhân trên các mạng xã hội đã bộc lộ rõ mặt tích cực và tác động tiêu cực của loại hình dịch vụ này. Ngày 23-8-2011, hơn 1.400 người đã phải có mặt tại tòa vì có liên quan đến vụ bạo loạn, cướp bóc tại Luân Đôn và một số địa phương khác. Theo Bộ Tư pháp Anh, 157 người đã bị kết án, 327 người được bảo lãnh tự do và hơn 800 người vẫn bị tạm giam. Trước đó, Jordan Blackshaw (21 tuổi) và Perry Sutcliffe - Keenan (22 tuổi), đều ngụ tại Cheshire đã bị tuyên án 4 năm tù vì tội kích động bạo loạn trên facebook. Trong khi đó, David Glyn Jones, 21 tuổi ở Bangor, phía bắc xứ Wales đã bị bắt giam 4 tháng sau khi kêu gọi bạn bè trên facebook: “Hãy bắt đầu cuộc bạo loạn Bangor”.
- Đưa nội dung sai lên trang web đăng ký ở nước ngoài bị truy tố:
Trong cuộc bạo loạn tại Anh, các mạng xã hội đã bị chỉ trích gay gắt vì để mặc cho người sử dụng kêu gọi, kích động bạo loạn mà không có các biện pháp kịp thời nhằm gỡ bỏ, ngăn chặn thông tin lây lan. Nhằm ngăn chặn những vụ bạo loạn tương tự xảy ra, Chính phủ Anh đã ban hành lệnh hạn chế truy cập, thậm chí là ngắt kết nối một số dịch vụ trực tuyến, viễn thông nếu xảy ra bạo loạn. Ngoài ra, nhằm siết chặt hơn nữa việc quản lý blog và các trang cá nhân trên mạng xã hội, Bộ Nội vụ Anh đã làm việc với Twitter, Facebook và Blackberry nhằm bàn thảo các biện pháp để ngăn chặn người sử dụng thực hiện các âm mưu bạo loạn trực tuyến. Sau buổi làm việc, Facebook cho biết sẽ ưu tiên xem xét các nội dung được cho là “nghiêm trọng trong thời điểm nhạy cảm như các cuộc bạo loạn” để thực hiện cam kết với Chính phủ Anh.
4. Bài học rút ra từ mạng xã hội
Thứ nhất, khi viết hoặc đọc thông tin trên mạng xã hội, chúng ta cần thận trọng và phân biệt rõ nguồn thông tin. Đặc biệt, các nhà báo không nên đăng tải các thông tin thu thập được, nhưng không được cơ quan báo chí sử dụng trên các mạng xã hội cá nhân của mình. Hãy nhớ rằng, uy tín của cơ quan mình đang công tác có thể bị giảm khi các quan điểm cá nhân của nhà báo được đưa lên các mạng xã hội.
Thứ hai, mạng xã hội tạo cơ hội cho bất cứ ai trong xã hội, họ được lắng nghe, có cơ hội thể hiện mình. Tuy nhiên, trong những thay đổi đó, chúng ta cần phải hiểu rõ đâu là nguồn tin chính thống, không bị “nhiễm” từ những ý đồ đen tối, thậm chí gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước.
Thứ ba, những người sử dụng mạng xã hội cần phải biết thẩm định các nguồn thông tin từ internet. Việc tìm ra được thông tin cần thiết trên internet là một vấn đề khó, song, thẩm định những nguồn tin này còn khó hơn nhiều lần. Nhiều thông tin trích dẫn sai sẽ có những tác động tiêu cực đối với vấn đề hoặc đối tượng của bài viết. Do đó, khi khai thác thông tin từ internet, chúng ta cần phải biết thẩm định nguồn tin, có thể bằng một số cách sau:
- Kiểm tra thông tin về người hoặc cơ quan đăng tài liệu đó. Người viết có ghi tên đầy đủ và cơ quan đó có địa chỉ cụ thể hay không?
- Trang web đó có địa chỉ liên lạc như: email, số điện thoại, hoặc người chịu trách nhiệm về nội dung không? Cơ quan nào phụ trách trang web đó, nếu cần có thể kiểm tra qua mục “About us”.
- Có thể kiểm tra đường dẫn URL, để nhanh chóng biết được một số thông tin khi vào đường dẫn của trang web, đồng thời kiểm tra mức độ cập nhật và tính chính xác của tài liệu.
TS. Nguyễn Thành Lợi
Tạp chí Cộng sản
Trích từ sách: Phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên hiện nay,
Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2013.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực