Tuyên truyền về biển, đảo nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong các tầng lớp nhân dân là góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc

Ngày đăng: 02/06/2014 - 09:06

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng xác định: “Tăng cường tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia...”. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam”.


Biển, đảo Việt Nam - Tuyến phòng thủ tiền tiêu phía Đông Tổ quốc

Việt Nam là quốc gia ven biển nằm bên bờ Tây của Biển Đông, với bờ biển dài trên 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam, khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa, có vị trí đặc biệt quan trọng như một tuyến phòng thủ tiền tiêu để bảo vệ sườn phía Đông đất nước. 

Vùng biển và ven biển nước ta nằm án ngữ trên con đường hàng hải và hàng không - huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực. Đây là cửa ngõ để nước ta vươn ra hội nhập với thế giới. Dọc bờ biển có nhiều khu vực có thể xây dựng cảng biển nước sâu quy mô lớn, như: Cái Lân, Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Lạch Huyện, Đình Vũ, Cát Hải, Đồ Sơn, Nghi Sơn, Cửa Lò, Hòn La, Vũng Áng, Chân Mây, Dung Quất, Vân Phong, Cam Ranh, Vũng Tàu, Thị Vải…; cảng quy mô vừa như Hòn Chông, Phú Quốc… Ngoài mạng lưới cảng biển, các tuyến đường bộ, đường sắt dọc ven biển và nối với các vùng sâu trong nội địa, cho phép vận chuyển hàng hóa tới mọi miền đất nước một cách nhanh chóng và thuận lợi, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.

Biển nước ta có tiềm năng khoáng sản phong phú, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt. Nguồn lợi hải sản lớn, phong phú, đa dạng góp phần đưa ngành thủy sản trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại giá trị xuất khẩu đứng thứ 3 trong các ngành kinh tế của đất nước. Ngoài ra, do đặc điểm kiến tạo các dãy núi đá vôi vươn ra sát bờ biển tạo thành nhiều cảnh quan thiên nhiên "sơn thủy hữu tình”; nhiều vịnh, bãi cát trắng, hang động, các bán đảo và các đảo lớn, nhỏ liên kết với nhau thành một quần thể du lịch hiếm có trên thế giới như Vịnh Hạ Long (được UNESCO xếp hạng), Phong Nha, Bích Động, Non Nước,… tạo điều kiện cho du lịch biển, đảo phát triển. 

Về quân sự, an ninh - quốc phòng, biển, đảo, thềm lục địa và đất liền nước ta là một khối liên hoàn vững chắc. Sự kết hợp giữa các đảo, cụm đảo, quần đảo tạo thành hệ thống cứ điểm tiền tiêu, làm lá chắn quan trọng bảo vệ vùng phía Đông của Tổ quốc. Do lãnh thổ đất liền có hình chữ S, trải dài từ Bắc vàoNam, chiều ngang hẹp, nơi rộng nhất khoảng 600km, nơi hẹp nhất khoảng 50km, chiều sâu đất nước bị hạn chế, trong khi hầu hết các trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội đều nằm trong phạm vi cách bờ biển không xa. Chính vì thế, biển, đảo và vùng ven biển nước ta có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với củng cố quốc phòng - an ninh nhằm tạo ra môi trường hòa bình, ổn định; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư vào Việt Nam và ngư dân các địa phương vùng biển, đảo và ven biển yên tâm bám biển làm ăn, giữ vững vùng biển, đảo của Tổ quốc, nhất là các vùng biển xa là một nhiệm vụ quan trọng.

Tuyên truyền về biển, đảo được chú trọng cả nội dung và hình thức

Nhận thức được tầm quan trọng của biển và đại dương đối với chủ quyền và vị trí chiến lược về quốc phòng - kinh tế - xã hội của đất nước, việc đẩy mạnh tuyên truyền về biển, đảo đã được chú trọng cả về nội dung và hình thức nhằm cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần thi đua yêu nước,… thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, đảo và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Năm 2013, các bộ ngành, địa phương và các cơ quan báo chí, truyền thông đã tích cực triển khai tuyên truyền nhiều nội dung thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển và đảo, tình hình biên giới và kết quả phân giới cắm mốc trên đất liền giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới. Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, tuyên truyền đến đội ngũ cán bộ cơ sở, già làng, trưởng bản ở khu vực biên giới, hải đảo, các phóng viên báo chí,... Qua đó, nhận thức về công tác này đối với các cấp được nâng cao. Cơ chế chỉ đạo, kiểm tra thống nhất được tăng cường, gắn kết thông tin đối ngoại với thông tin đối nội. Tuy nhiên, công tác truyền thông về biển, đảo nhìn chung vẫn chưa chủ động, thiếu tính hệ thống, tính đồng bộ, nhất quán và chưa thật sự đáp ứng với yêu cầu của người dân. Nhiều đối tượng dân cư ven biển, hải đảo vẫn chưa tiếp cận được thường xuyên với các nguồn thông tin chính thống. Các thông tin về địa phương, thế mạnh của biển, đảo của những vùng biển xa nhưng giàu tiềm năng vẫn chưa được khai thác, ít được đề cập; nhiều tài liệu về tiềm năng, giá trị lịch sử, văn hóa của biển, đảo Việt Nam chưa được thu thập, tổng hợp một cách có hệ thống, chưa giới thiệu rộng rãi đến đông đảo công chúng trong nước và nước ngoài.

Cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về biển, đảo trong tình hình mới

Thế kỷ XXI - “Thế kỷ biển và đại dương”. Trong xu thế chung là hợp tác, hội nhập và phát triển vẫn tồn tại những vấn đề phức tạp và nhạy cảm, tiềm ẩn những nhân tố khó lường. Để tăng cường quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm, tinh thần yêu nước nói chung và biển, đảo nói riêng trong các tầng lớp nhân dân.

Trước hết, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, có hệ thống trong các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò chiến lược; tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, như Luật Biển Việt Nam; những nội dung cơ bản Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử mang tính pháp lý của các bên ở Biển Đông (COC). Tập trung tuyên truyền Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, công tác xây dựng lực lượng vũ trang, nhất là các đơn vị Bộ đội Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư, dân quân tự vệ, kiên quyết bác bỏ những luận điệu xuyên tạc sự thật lịch sử của các thế lực thù địch,… mặt khác, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Hai là, tuyên truyền, nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống vùng biển, đảo và ven biển gắn với giữ vững quốc phòng, an ninh. Giới thiệu, biểu dương những thành tựu phát triển kinh tế biển, đảo của các địa phương, các ngành và của cả nước; nêu cao vai trò và trách nhiệm của các thành phần kinh tế trong việc tham gia tích cực vào phát triển kinh tế biển; những thành tựu hợp tác quốc tế về khai thác biển.

Ba là, tuyên truyền, phổ biến chuyển giao những tiến bộ khoa học - công nghệ và những kinh nghiệm tốt để ứng dụng vào việc nuôi trồng, đánh bắt, khai thác nguồn lợi thủy, hải sản; phổ biến kiến thức về tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, về thông tin và dự báo thời tiết, về phòng, chống thảm họa thiên tai, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cũng như bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; phát triển khoa học - công nghệ biển. Tuyên truyền, nhân rộng mô hình “Tổ tàu, thuyền an toàn trên biển”, về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vùng ven biển. Tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế về biển trong ngư dân và những người lao động trên biển.

Bốn là, tuyên truyền về thực hiện các chính sách khuyến công, khuyến ngư, các chủ trương, chính sách khác của Chính phủ về phát triển kinh tế biển và ven biển. Tuyên truyền nâng cao tinh thần trách nhiệm, tình cảm của các tầng lớp nhân dân với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang ngày đêm làm nhiệm vụ phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Năm là, đấu tranh với các hành động của nước ngoài xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, của các lực lượng cơ hội chính trị xuyên tạc quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Sáu là, đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin đối ngoại, làm cho bạn bè và dư luận quốc tế hiểu rõ lập trường chính nghĩa của Việt Nam; những cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử và thực tiễn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa cũng như những chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước ta về vấn đề Biển Đông, tạo sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè và dư luận quốc tế đối với Việt Nam.

Theo Tạp chí Cộng sản


Bình luận