Vài kỷ niệm nhớ về người anh lớn của ngành tổ chức

Ngày đăng: 28/10/2011 - 08:10

 

Lê Đức Bình*

 

I

Tôi được gặp anh Lê Đức Thọ lần đầu tiên vào mùa xuân năm 1947. Ngày đó Tỉnh uỷ Lào Cai cử tôi đi dự lớp huấn luyện của Trung ương Đảng mở ở huyện Quốc Oai gần Chùa Thầy. Lớp có khoảng 30 học viên lựa chọn từ các tỉnh miền Bắc. Anh Thọ phát biểu khai mạc lớp học, đại ý nói về tầm quan trọng của việc đào tạo cán bộ, mặc dù cuộc kháng chiến vừa bắt đầu, công việc đang rất bề bộn nhưng Trung ương vẫn quyết định mở lớp huấn luyện để đào tạo bồi dưỡng cán bộ, coi đây là một công việc rất cần kíp của cách mạng, của kháng chiến. Anh cho biết lớp học này được Trung ương đặt tên là lớp Trần Thành để tưởng nhớ người chiến sĩ quyết tử quân đã ôm bom ba càng diệt xe tăng địch và anh dũng hy sinh trong những ngày đầu kháng chiến của Thủ đô.

bLDT10

Anh Trường Chinh giảng nhiều buổi cho lớp chúng tôi về đường lối, chủ trương kháng chiến chống Pháp - mà sau này là nội dung chính tác phẩm nổi tiếng của anh: Kháng chiến nhất định thắng lợi. Anh Hoàng Quốc Việt giảng về công tác quần chúng của Đảng. Còn anh Lê Đức Thọ giảng về công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức và cán bộ. Những bài giảng của anh Thọ dễ hiểu, thiết thực, giàu vốn sống thực tiễn, rất bổ ích cho những cán bộ trẻ chúng tôi ngày đầu hoạt động cách mạng. Anh nói giọng sang sảng, sôi nổi, gây ấn tượng mạnh mẽ. Giờ giải lao, anh thăm hỏi, trò chuyện vui vẻ thân mật với học viên.

Hội trường lên lớp mượn nhờ ngôi đình làng, còn ăn ở thì nhờ nhà dân. Buổi tối, mỗi tổ học viên quây quanh một chiếc đèn dầu học bài. Điều kiện sinh hoạt, ăn ở rất thiếu thốn, nhưng ai ai cũng hăng say học tập. Một số học viên lớp này về sau trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng, như anh Lê Thành, Uỷ viên Trung ương Đảng khóa III, Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương, anh Nguyễn Tuân, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh và có thời gian làm Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, v.v..

Lớp học được chừng một tháng thì giặc Pháp mở cuộc tấn công đánh rộng ra vùng Hà Đông - Sơn Tây. Chúng tôi được lệnh di chuyển ngay trong đêm; mọi học viên ba lô lên vai đi bộ suốt đêm và cả ngày hôm sau qua thị xã Sơn Tây, lên Trung Hà, vượt sông Đà sang Hưng Hóa. Lớp học tiếp tục thêm ít ngày rồi bế mạc sớm hơn dự định.

Tôi trở về công tác ở địa phương được ít lâu, đến mùa thu năm đó (1947), Trung ương lại mở lớp huấn luyện. Vì lớp trước tôi học dở dang nên Tỉnh uỷ Lào Cai quyết định cử tôi đi học tiếp.

Lớp huấn luyện này mở tại một khu rừng thuộc huyện Định Hóa trong căn cứ địa Việt Bắc. Lớp được lấy tên Tô Hiệu - một đồng chí lãnh đạo của Đảng đã hy sinh tại Nhà tù Sơn La. Hội trường được dựng bằng tre nứa lá, ẩn mình giữa rừng cây um tùm; học viên ăn ở nhờ mấy nhà sàn của đồng bào dân tộc gần đó. Cũng như lớp trước, anh Thọ khai mạc nói rõ mục đích của lớp và xác định nhiệm vụ học tập của chúng tôi. Các đồng chí lãnh đạo của Đảng phân công nhau đến giảng bài. Anh Thọ vẫn là giảng viên chính về công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức và cán bộ. Lớp này có thêm anh Lê Văn Lương giảng cho chúng tôi về nguyên lý của chủ nghĩa Lênin. Thời gian lớp này dài hơn và nội dung có phần rộng và sâu hơn. Trong cách giảng dạy có sự gần gũi giữa giảng viên và học viên. Khi đang nghe giảng, học viên có gì thắc mắc có thể nêu câu hỏi luôn. Cả trong giờ nghỉ giải lao, chúng tôi cũng quây quần quanh giảng viên hỏi và trao đổi ý kiến trong bầu không khí cởi mở và thân mật. Tôi là một trong những học viên mạnh dạn nêu  lên với giảng viên nhiều câu hỏi về những vấn đề tôi chưa hiểu rõ. Có lẽ thấy tôi ham nghiên cứu, ham học hỏi nên ngoài việc trả lời trực tiếp, anh Thọ và anh Lương còn đưa cho tôi mượn đọc thêm một số sách nói về chủ nghĩa Mác - Lênin viết bằng tiếng Pháp. Buổi tối bên bếp lửa nhà sàn, tôi say sưa đọc; thích nhất là cuốn Histoire du Parti Communiste (b) de l'URSS (Lịch sử Đảng Cộng sản (bônsơvích) Liên Xô) và cuốn Principes du Léninisme (Những nguyên lý của chủ nghĩa Lênin). Với trình độ chính trị có hạn ngày đó tôi chưa hiểu sâu nhưng những bài giảng ở lớp và mấy cuốn sách đó đã mở ra cho tôi nhiều hiểu biết mới mẻ.

Lớp học được hơn một tháng thì giặc Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn mở đầu cuộc tấn công lên căn cứ địa Việt Bắc. Trung ương quyết định kết thúc sớm lớp học để chúng tôi trở về địa phương công tác. Trước khi chia tay chúng tôi, anh Thọ căn dặn về công tác gặp vấn đề gì khó khăn, chưa hiểu thì cứ gửi thư liên hệ với anh hoặc các anh lãnh đạo khác.

Tôi trở về Lào Cai được ít ngày thì giặc Pháp từ Lai Châu đánh sang. Chúng tôi tổ chức cuộc chiến đấu ở địa phương. Cũng dịp này Tỉnh uỷ chúng tôi nhận được bản Chỉ thị của Thường vụ Trung ương, trong đó có căn dặn phải nắm vững quy luật của chiến tranh. Chúng tôi không hiểu nội dung là gì. Nhớ lời anh Thọ dặn, tôi mạnh dạn viết thư hỏi anh. Chỉ ít lâu sau, tôi nhận được thư trả lời của anh thăm hỏi động viên tôi công tác, kèm theo một tài liệu đánh máy vài trang giải thích về quy luật của chiến tranh; tôi còn nhớ tài liệu đó mở đầu bằng trích dẫn lời của Clôdơvít, đại ý: "Chiến tranh là sự kế tục của chính trị bằng phương tiện khác".

Cũng trong khoảng thời gian này, tôi được nghiên cứu loạt bài của anh Thọ viết trên Tạp chí Sinh hoạt Đảng về vấn đề phát triển và củng cố Đảng.

Có thể nói những bài học nhập môn về công tác xây dựng Đảng tôi đã thu nhận được từ người thầy đầu tiên là anh Lê Đức Thọ.

Nhớ lại thời kỳ này, tôi thấy rằng trong điều kiện những ngày đầu kháng chiến khó khăn gian khổ như vậy mà Trung ương Đảng vẫn quyết tâm mở liên tiếp các lớp đào tạo bồi dưỡng cán bộ, và anh Thọ là người trực tiếp tổ chức chỉ đạo các lớp huấn luyện này với tất cả nhiệt tình chăm sóc xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng. Cũng một phần quan trọng nhờ đó mà lớp cán bộ trẻ chúng tôi đã được trưởng thành.

Tôi cũng có ấn tượng sâu sắc về tình đồng chí, đồng đội, về mối quan hệ giữa các đồng chí lãnh đạo với lớp cán bộ trẻ chúng tôi ngày ấy thật là gần gũi, cởi mở, rất dân chủ. Ước mong sao ngày nay giữa những người cộng sản, giữa cấp trên và cấp dưới cũng giữ được mối quan hệ dân chủ, tin cậy và những tình cảm đồng chí, đồng đội thắm thiết như vậy, loại bỏ được mọi sự xa cách quan dạng.

 

II

 

Năm 1958, tôi nhận được quyết định của Ban Bí thư điều động về công tác ở Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Lúc này anh Thọ từ chiến trường miền Nam ra được Bộ Chính trị phân công trở lại làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Anh Thọ bàn với lãnh đạo và một số cán bộ trong Ban trước tình hình cách mạng đã chuyển sang giai đoạn mới cần mở hội nghị tổ chức toàn quốc để đánh giá tình hình và bàn định nhiệm vụ công tác tổ chức sắp tới. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh, Ban Tổ chức Trung ương đã khẩn trương chuẩn bị hội nghị. Tại hội nghị, anh đã trình bày đề án, phân tích tình hình công tác tổ chức những năm qua, khẳng định những thành tựu, rút kinh nghiệm những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, nêu lên chủ trương cần chuyển hướng công tác tổ chức và cán bộ theo yêu cầu cách mạng trong thời kỳ mới, phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, tăng cường giáo dục về chủ nghĩa xã hội cho cán bộ, đảng viên, điều động và bố trí lại cán bộ, tiến hành đào tạo bồi dưỡng cán bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị mới, nhất là về xây dựng và phát triển kinh tế... Bản đề án được hội nghị nhất trí và đánh giá cao, có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng đối với công tác tổ chức cán bộ trong thời kỳ mới.

Tiếp đó anh Thọ chỉ đạo cán bộ trong Ban tập trung lực lượng vào việc chuẩn bị Dự thảo Báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng trình ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng sẽ họp vào năm sau. Anh cho ý kiến cần tổng kết công tác xây dựng Đảng từ sau Cách mạng Tháng Tám đến giải phóng miền Bắc để rút ra những bài học kinh nghiệm cho thời kỳ mới đồng thời với việc nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng cho phù hợp với những biến đổi mới của tình hình và nhiệm vụ cách mạng.

Tại Đại hội III của Đảng (1960), anh thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng trình bày Báo cáo về xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng. Bản Báo cáo đã khẳng định những thành tựu to lớn về xây dựng Đảng ta đồng thời phân tích sâu sắc những khuyết điểm trong xây dựng Đảng, có nơi có lúc hữu khuynh, có nơi có lúc "tả" khuynh, mà quy lại là bắt nguồn từ không quán triệt đầy đủ tính chất giai cấp công nhân và tính tiên phong của Đảng trên các lĩnh vực tư tưởng và tổ chức. Đây quả là vấn đề cơ bản và trung tâm của công tác xây dựng Đảng không chỉ ở thời điểm đó mà lâu dài về sau, cho tới các Đại hội Đảng gần đây vẫn được đề cập tới. Báo cáo còn tổng kết thực tiễn chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, về phê bình và tự phê bình, về đoàn kết thống nhất trong Đảng, về tăng cường mối liên hệ ruột thịt giữa Đảng và nhân dân, chống quan liêu mệnh lệnh, xa rời quần chúng là căn bệnh nguy hiểm của Đảng cầm quyền. Báo cáo và Điều lệ Đảng đã xác định Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân, là đội tiên phong có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân Việt Nam; Đảng đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Điều lệ Đảng xác định nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, và thôi không nêu tư tưởng nào khác như bản Điều lệ được thông qua ở Đại hội II năm 1951 nữa.

Đại hội III của Đảng đã thành công rực rỡ. Đại hội đã xác định đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đường lối đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà. Đồng thời, Bản Điều lệ (sửa đổi) và Báo cáo về xây dựng Đảng đã được Đại hội nhất trí thông qua. Điều đó ghi nhận một bước trưởng thành mới của Đảng ta trong công tác xây dựng Đảng. Nhưng việc khắc phục triệt để những khuyết điểm và nhận thức mơ hồ nói trên không phải dễ dàng trong chốc lát như thực tiễn những năm sau này chứng tỏ.

Sau Đại hội Đảng, anh Thọ chấp nhận nguyện vọng của tôi xin chuyển sang hoạt động trên lĩnh vực kinh tế. Đến năm 1963, tôi nhận được quyết định của Ban Bí thư điều động tôi trở lại công tác ở Ban Tổ chức Trung ương. Anh Thọ giải thích cho tôi là Ban cần tăng cường công tác nghiên cứu tổng kết để đào tạo bồi dưỡng nâng cao dần trình độ lý luận và thực tiễn của đội ngũ cán bộ tổ chức, khắc phục tình trạng sự vụ, kinh nghiệm chủ nghĩa trong công tác tổ chức. Anh cho biết anh và lãnh đạo Ban quyết định đưa tôi về Ban để phụ trách Vụ biên soạn được thành lập với ba nhiệm vụ chính: nghiên cứu tổng kết công tác xây dựng Đảng từ ngày thành lập Đảng đến nay, thành lập Trường Tổ chức Trung ương và xuất bản Tạp chí Xây dựng Đảng, nhằm góp phần nâng cao chất lượng chính trị và chuyên môn của đội ngũ cán bộ tổ chức. Một số cán bộ có trình độ lý luận chính trị và khả năng biên tập như anh Đặng Hồng Tinh, anh Đào Duy Cận, anh Hòa, anh Vũ Thọ... được điều động về công tác ở Vụ Biên soạn.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh Thọ, anh em chúng tôi tổ chức sưu tầm nghiên cứu các văn kiện của Đảng, các tác phẩm, bài nói bài viết của Bác Hồ, của anh Lê Duẩn, anh Trường Chinh và các đồng chí lãnh đạo Đảng qua các thời kỳ có liên quan đến công tác xây dựng Đảng. Chúng tôi gặp gỡ các cán bộ lão thành cách mạng và cộng tác với Viện nghiên cứu Lịch sử Đảng để tìm hiểu về công tác xây dựng Đảng ở các thời kỳ lịch sử trước đây. Sau gần hai năm làm việc khẩn trương, anh em chúng tôi đã nghiên cứu và biên tập xong Báo cáo về công tác xây dựng Đảng qua các thời kỳ lịch sử từ ngày thành lập Đảng đến nay, ưu điểm, khuyết điểm và một số bài học kinh nghiệm chủ yếu. Báo cáo đã được anh Thọ và lãnh đạo Ban ngày ấy thông qua. Tài liệu này đã giúp ích cho việc biên soạn các bài giảng về công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức cán bộ ở Trường Tổ chức sau này.

Tiếp đó, anh em chúng tôi biên soạn giáo trình và năm 1965 mở lớp đầu tiên bồi dưỡng cán bộ tổ chức các tỉnh, thành và các bộ, ngành Trung ương. Anh Thọ khai mạc lớp học và giảng bài đầu tiên về nhiệm vụ và yêu cầu rèn luyện tu dưỡng của người cán bộ tổ chức. Chúng tôi mời các đồng chí lãnh đạo Ban và một số ngành đến giảng cho một số bài hoặc báo cáo bổ sung. Chúng tôi rút kinh nghiệm từng bước, hoàn thiện giáo trình, nâng cao chất lượng học tập. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương ngày ấy rất đồng tình với việc làm của anh Thọ và Ban Tổ chức Trung ương, đã phối hợp lập thành Trường Tổ chức - Kiểm tra Trung ương thuộc sự chỉ đạo chung của hai Ban. Trường tiến dần tới mở lớp riêng cho từng loại đối tượng: lớp cho cán bộ tổ chức tỉnh, thành, huyện riêng, lớp cho cán bộ tổ chức của các bộ riêng, lớp tổ chức riêng, lớp kiểm tra riêng. Mỗi lớp chừng hai - ba tháng, mỗi năm mở hai - ba lớp. Cán bộ rất hoan nghênh việc mở Trường Tổ chức - Kiểm tra Trung ương. Ngày đó chỉ với vài cán bộ mà mở được trường lớp như vậy thật là một cố gắng lớn; có lẽ đây là trường chính trị có biên chế nhỏ nhất vào những năm đó.

Cũng sau một thời gian chuẩn bị khẩn trương, theo tinh thần chỉ đạo của anh Thọ, đã cho ra đời Tạp chí Xây dựng Đảng - cơ quan hướng dẫn công tác tổ chức - xây dựng Đảng của Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Số đầu tiên ra mắt vào đúng lúc Mỹ bắt đầu tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Chúng tôi biên tập một số bài bàn về chuyển hướng công tác tổ chức - xây dựng Đảng bảo đảm hai nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Tạp chí mở nhiều chuyên mục: có luận văn truyền đạt và hướng dẫn quán triệt đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác xây dựng Đảng, có bài viết của các đồng chí lãnh đạo ở ngành, địa phương và cơ sở giới thiệu và trao đổi kinh nghiệm về công tác tổ chức, có mục giới thiệu lần lượt học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng của Bác Hồ về xây dựng Đảng. Tờ tạp chí được cán bộ trong ngành hồ hởi đón nhận, đánh giá là có nội dung thiết thực bổ ích, số lượng phát hành tăng nhanh.

Khoảng hai năm sau, công việc của Trường Tổ chức - Kiểm tra Trung ương và Tạp chí Xây dựng Đảng đều đã phát triển và đi vào nền nếp. Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương quyết định tách ra thành hai đơn vị riêng trực thuộc Ban. Đến đây Vụ Biên soạn đã hoàn thành nhiệm vụ giao cho nó ban đầu, được quyết định giải thể.

Anh Thọ rất quan tâm đến tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác tổ chức - xây dựng Đảng, giáo dục đào tạo cán bộ tổ chức, công tác tư tưởng trong công tác tổ chức. Những năm này anh có khá nhiều bài nói, bài viết đăng trên báo Nhân Dân, trên Tạp chí Học tập (sau này là Tạp chí Cộng sản) có tính tổng kết về công tác tổ chức, có giá trị chỉ đạo thực tiễn, có tính chiến đấu cao phê phán uốn nắn những nhận thức sai lầm trong công tác tổ chức, được nhiều cán bộ, đảng viên quan tâm nghiên cứu.

Theo tôi nhận thức, trong những năm chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và sau đó là đồng chí Lê Duẩn cùng tập thể Bộ Chính trị đã rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, đã hình thành hệ thống quan điểm, nguyên tắc, phương châm về xây dựng Đảng khá hoàn chỉnh từ vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin về Đảng vào thực tiễn Việt Nam. Trong đó, anh Lê Đức Thọ có phần đóng góp tích cực.

 

III

 

Mùa Xuân năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi vẻ vang, Tổ quốc ta được thống nhất trong độc lập tự do. Nhưng nhân dân ta hưởng hòa bình chưa được bao lâu thì Pônpốt nặng đầu óc dân tộc cực đoan đã gây ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam xâm phạm chủ quyền lãnh thổ và tàn sát dã man đồng bào ta. Chúng ta tỏ rõ thiện chí, cố gắng thương lượng giải quyết hòa bình các tranh chấp nhưng không thành. Bên nước Lào anh em, các thế lực đế quốc cùng bè lũ phỉ tay sai ráo riết hoạt động phá hoại. Trên biên giới phía Bắc nước ta những ngày đó, tình hình cũng diễn biến rất phức tạp - như mọi người đều biết.

Tình hình, nhiệm vụ mới lại đặt ra những yêu cầu mới to lớn về công tác tổ chức. Vấn đề lớn và khó nhất về tổ chức lúc đó là điều động bố trí lại cán bộ đáp ứng những nhiệm vụ mới về tăng cường cho các huyện, xã biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế giúp cách mạng Lào và Campuchia. Đảng cần điều động hàng nghìn, hàng nghìn lượt cán bộ, đảng viên đi làm các nhiệm vụ trên, lại trong điều kiện cán bộ, bộ đội và nhân dân ta vừa ra khỏi hai cuộc kháng chiến cứu nước lâu dài, mọi người mới được sống trong hòa bình, các gia đình đoàn tụ chưa được bao lâu. Nhưng nhờ lòng yêu nước, tinh thần quốc tế trong sáng, tính tổ chức kỷ luật cao của cán bộ, đảng viên ta, mọi người đều xác định được trách nhiệm của mình, nghiêm chỉnh chấp hành nhiệm vụ mới mà Đảng giao cho. Tôi cũng nghĩ sự chỉ đạo thực hiện đầy quyết tâm, sự đôn đốc ráo riết cùng với uy tín của anh Lê Đức Thọ đã góp phần không nhỏ vào thành công của những cuộc điều động cán bộ quy mô rất lớn ngày ấy.

Theo phương hướng chỉ đạo của anh Thọ vạch ra, anh em trong Ban Tổ chức Trung ương chúng tôi lập kế hoạch cụ thể, tính toán nhu cầu cán bộ cho các huyện và xã biên giới căn cứ theo đề xuất của tỉnh vùng này, phân bố chỉ  tiêu điều động cho các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Khu 4 cũ, rồi xét duyệt danh sách từng người bảo đảm chọn đúng cán bộ tốt đủ tiêu chuẩn quy định. Có tới mấy trăm huyện uỷ viên ở các tỉnh, thành miền xuôi đã được điều động lên củng cố biên giới phía Bắc. Công việc quy mô lớn như vậy nhưng đã được hoàn thành trong có vài tháng đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ lúc đó.

Ở Lào, trước tình hình phức tạp do các thế lực phản động trong và ngoài nước gây ra, Đảng Nhân dân cách mạng Lào yêu cầu Việt Nam đưa chuyên gia sang giúp. Đảng ta đã đáp ứng yêu cầu của bạn cử chuyên gia sang giúp trên một số lĩnh vực. Năm 1978, theo chỉ thị của anh Thọ, Ban Tổ chức Trung ương đã cử đoàn chuyên gia tổ chức sang giúp bạn kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng. Đoàn gồm có tôi, anh Vũ Oánh - Vụ trưởng, anh Đúc - Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh, rồi tiếp sau có anh Quán - Vụ trưởng và một số đồng chí khác.

Ở Campuchia, những cán bộ, đảng viên tốt ly khai với Pônpốt từ nhiều nguồn đã tập hợp nhau, tổ chức lại Đảng, chính quyền, Mặt trận và quân đội cách mạng Campuchia. Theo yêu cầu của bạn, Đảng và Chính phủ ta đã cử chuyên gia sang giúp trên một số lĩnh vực công tác mà bạn chưa có nhiều kinh nghiệm.

Ban Tổ chức Trung ương theo chỉ đạo của anh Thọ cũng đã san sẻ một phần cán bộ chủ chốt sang giúp bạn về công tác xây dựng Đảng. Từ cuối năm 1978, anh Vũ Oanh, Phó ban, các anh Vụ trưởng Lê Huy Bảo, Đặng Hồng Tinh, Lê Dân và nhiều vụ phó, chuyên viên đã được cử đi giúp bạn. Tới cuối năm 1979, khi anh Vũ Oanh và mấy anh trên do nhu cầu công tác phải về nước, thì theo chỉ thị của anh Thọ, tôi lại từ Lào chuyển qua làm Phó Ban B 68 kiêm trưởng đoàn chuyên gia tổ chức giúp Campuchia. Rồi lần lượt nhiều đồng chí vụ trưởng, vụ phó, chuyên viên của Ban như anh Oánh, anh Hà, anh Hoàng, anh Căn... sang tham gia đoàn chuyên gia tổ chức cùng với tôi. Mấy năm sau khi bạn đã trưởng thành, các đoàn chuyên gia chúng ta hoàn thành nhiệm vụ lần lượt rút về nước.

Đảng ta đã giúp cách mạng Lào và Campuchia với tinh thần quốc tế trong sáng, với tấm lòng bè bạn thủy chung. Anh Lê Đức Thọ đã đóng góp một phần tích cực vào sự nghiệp đó.

 

IV

 

Trên cương vị người phụ trách công tác tổ chức cán bộ của Đảng trong nhiều năm, anh Thọ đã dành nhiều công sức vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước ta.

Anh đòi hỏi các đồng chí làm công tác quản lý cán bộ ở Ban Tổ chức Trung ương phải đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu từng cán bộ thuộc trách nhiệm quản lý, hiểu rõ quá khứ đã đành, mà phải nắm chắc việc thực hiện nhiệm vụ hiện nay được Đảng giao phó, kết quả hoàn thành, ưu điểm, khuyết điểm thế nào, triển vọng ra sao. Anh phê bình cách quản lý hời hợt chỉ đánh giá cán bộ trên lý lịch "chết" mà không sâu sát công việc của cán bộ, báo cáo chung chung là "cán bộ tốt", là "lập trường vững" hoặc "chưa vững" mà không nắm chắc phẩm chất và năng lực của cán bộ thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.

Anh phê phán tình trạng sự vụ, kinh nghiệm chủ nghĩa "đảng vụ đơn thuần", anh đòi hỏi cán bộ tổ chức phải nắm chắc, bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, phải hướng công tác tổ chức vào phục vụ nhiệm vụ chính trị. Anh đề xướng phải xây dựng quy hoạch cán bộ, phải phát hiện và bồi dưỡng cán bộ kế cận, phải chủ động chuẩn bị cán bộ trong những nhiệm vụ tương lai, không bị động, nước đến chân mới nhảy.

Anh luôn đòi hỏi anh em công tác ở Ban Tổ chức Trung ương phải ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, trau dồi đạo đức cách mạng, rèn luyện phong cách làm việc sâu sát, cụ thể, có phương pháp tư tưởng đúng, khoa học khi xem xét sự vật và con người. Anh chú trọng nhắc nhở cán bộ tổ chức phải trung thực, công tâm, khách quan, đối xử với cán bộ không được xen cảm tình hoặc thành kiến cá nhân, phải khiêm tốn, không được cậy quyền thế, không được lộng quyền.

Công tác cán bộ rất quan trọng mà cũng thật là khó. Đánh giá cán bộ cho chính xác đã không dễ, sử dụng, bố trí cán bộ cho đúng lại là cả một khoa học và nghệ thuật của người lãnh đạo.

Trong đội ngũ cán bộ ở mấy thập kỷ 60 - 80 thế kỷ XX, nhiều đồng chí ưu tú ở các ngành, các địa phương đã được phát hiện, bồi dưỡng, đề bạt và trưởng thành. Tôi nghĩ trong này có phần công lao đáng kể của anh Thọ.

Người đời bên cạnh mặt mạnh không ai là không có mặt yếu. Trong hoạt động cách mạng, bên cạnh ưu điểm, không ai là không có khuyết điểm. Trong công tác cán bộ - một công tác rất khó khăn, lại càng như vậy. Bên cạnh nhiều việc làm đúng, làm tốt, có trường hợp này hoặc trường hợp nọ, do không được thông tin đầy đủ hoặc trong bối cảnh lịch sử cụ thể nào đó, dẫn tới sự đánh giá cán bộ thiếu chuẩn xác, sự bố trí sử dụng sai hoặc không phù hợp, kỷ luật quá nặng hoặc quá nhẹ..., âu cũng là điều khó tránh hoàn toàn được. Điều quan trọng là phải có tấm lòng trong sáng, công tâm, cố gắng không để xảy ra những khuyết điểm lớn gây hậu quả nặng nề, và một khi thấy sai phải nghiêm túc sửa chữa. Qua một số năm sống và làm việc gần anh Lê Đức Thọ, tôi nghĩ anh là một con người như vậy.

Vào những ngày đầu của năm 2000 này, trong không khí vui mừng kỷ niệm lần thứ 70 ngày thành lập Đảng, tôi ghi lại mấy dòng hồi ức về anh Lê Đức Thọ với tấm lòng kính trọng một người anh lớn của Ban Tổ chức Trung ương, của ngành tổ chức của Đảng ta.




* Nguyên: - Phó trưởng Ban thứ nhất Ban Tổ chức Trung ương Đảng những năm 1982 - 1986,

- Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V, VI, VII,

- Trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Times New Roman"; mso-ansi-language:#0400; mso-fareast-language:#0400; mso-bidi-language:#0400;}

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả