Vài kỷ niệm về anh Sáu Thọ

Ngày đăng: 21/10/2011 - 12:10

Trần Quang Lê*

Tôi có may mắn được gần gũi anh Sáu Thọ khá lâu. Từ cuộc Nam tiến suốt dọc đường Trường Sơn cũ (đường mòn Hồ Chí Minh thời chống Pháp) đến khi phục vụ anh Sáu tại Văn phòng Xứ uỷ. Rồi được anh Sáu, anh Ba đưa sang phụ trách Ban Dân vận Trung ương Cục. Kế đến cùng tập kết ra miền Bắc, được đưa về công tác ở Tạp chí Cộng sản, cho đến khi nghỉ hưu. Những kỷ niệm về anh Sáu có nhiều. Ở đây tôi chỉ xin nêu vài sự kiện có ấn tượng mạnh không theo thời gian mà theo sự việc.

LeDucThosach-2

Bác Hồ với các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp

tại chiến khu Việt Bắc năm 1947


BÀI HỌC VỀ CÔNG TÁC DÂN VẬN

Sau Đại hội lần thứ II của Đảng (2-1951), Trung ương Cục miền Nam được thành lập gồm các đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Kỉnh.

Tháng 5-1951, tôi được Trung ương Cục điều sang làm Phó Ban Dân vận Trung ương Cục, Bí thư Đảng đoàn Mặt trận Nam Bộ thay đồng chí Nguyễn Đức Thuận.

Trước khi đi, anh Ba Duẩn, anh Sáu Thọ gọi tôi đến gặp. Sau khi hỏi thăm sức khỏe và công tác của tôi, anh Ba hỏi tôi: Đảng điều động anh sang làm công tác dân vận - mặt trận Nam Bộ, anh nghĩ sao về đường lối công tác mặt trận?

Với vẻ tự tin, tôi trả lời: - Dạ thưa, dựa vào sự liên minh công nông và lao động trí óc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tranh thủ tầng lớp trung gian, phân hóa hàng ngũ địch để tập trung hóa, đánh vào kẻ thù chính.

- Điều đó tôi biết rồi. Anh nói đến lý thuyết của Lý Duy Hán chứ gì - Anh Ba ngắt lời tôi và nói: - Tôi muốn hỏi ở Nam Bộ, làm công tác dân vận - mặt trận, cụ thể anh cần nắm vấn đề gì?

Thế là tôi toát mồ hôi lúng túng: Tưởng rằng nói đúng đường lối là thoát nạn. Ai dè anh Ba lại hỏi thực tế và cụ thể của công tác dân vận - mặt trận ở Nam Bộ.

Thấy tôi đang suy nghĩ, anh Ba nói: Tôi đề nghị anh nắm cụ thể hai vấn đề lớn: Vấn đề nông dân và vấn đề tôn giáo.

- Về vấn đề nông dân, anh Ba nói: Nông dân Nam Bộ vốn rất cực khổ, vừa bị phong kiến bóc lột, vừa bị đế quốc đè nén, chưa kể bị tư sản bóc lột. Xưa kia họ phải sống ở những "nhà đá" (chỉ cần đạp một cái là đổ): Nam Bộ phì nhiêu, tôm cá đầy đồng, nhưng đầy đồng cho ai? Từ Cách mạng Tháng Tám, nông dân được giải phóng, lại được tạm chia ruộng đất, nên nông dân rất tích cực cách mạng. Bộ đội của ta cũng là người nông dân mặc áo lính thôi. Cuộc kháng chiến của ta phải trường kỳ, cũng là vì phải đưa trình độ nông dân vốn thấp kém lên khoa học hiện đại. Vì vậy nông dân rất gắn bó với chế độ; họ không phải là hậu bị quân của cách mạng, mà chính họ là chủ lực quân của cách mạng. Nông dân và công nhân đều là chủ lực quân của cách mạng.

- Còn vấn đề tôn giáo ở Nam Bộ. Cũng có khác với miền Bắc mà anh đã công tác; ở miền Bắc chỉ có hai tôn giáo chính là: Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Trong Nam, ngoài Phật giáo, Thiên Chúa giáo, còn có Cao Đài, Hòa Hảo, Tứ ân hiếu nghĩa, Tịnh độ cư sĩ, v.v.. Tín đồ tôn giáo cũng là những nông dân nghèo: đều có lòng yêu nước, trừ số ít bị mua chuộc. Chỉ vì trước kia cuộc sống của họ bị bế tắc, không có lối ra, nên đành tìm vào tôn giáo, để trông chờ cuộc sống tốt đẹp mai sau. Ngay đến "củ Nừng" (búi tó), họ cũng cố giữ lại, không chịu hớt tóc theo lối Tây. Đó cũng là điểm tích cực trong đường lối tiêu cực của họ. Anh cần nghiên cứu kỹ để khai thác mặt yêu nước, mặt tích cực của họ sao có lợi cho cách mạng.

Còn trí thức Nam Bộ xuất thân từ nhiều nguồn gốc, nhiều nước khác nhau. Chịu ảnh hưởng của nền dân chủ tư sản, đầu óc họ bị libéral (tự do) hơn, hiểu đế quốc hơn và dám đấu tranh hơn. Khác với trí thức miền Bắc, ít nhiều chịu ảnh hưởng của phong kiến hơn.

Kế đó anh Sáu Thọ nói cho tôi nghe về các đoàn thể và cán bộ mà tôi sẽ cùng làm việc. Đó là các đoàn thể Công, Nông, Thanh, Phụ, Công giáo, Cao Đài, Giải liên, HUHI (thiểu số Vận - Hội ủng hộ Issarak) Đảng Dân chủ.

Anh Sáu nói: Ta đang có Ban điền chủ vận, động viên điền chủ hiến điền, giảm tô có kết quả. Nhưng "cậu" nên nhớ công tác điền chủ vận muốn có kết quả tốt phải dựa trên cơ sở củng cố được Nông hội, tranh thủ được nông dân. Một số cán bộ Nông hội còn hữu khuynh. Một số cán bộ khác có quan điểm, làm việc theo bề nổi, hình thức, không dựa vững trên cơ sở công nông. Trong vấn đề tôn giáo vận cũng vậy, anh Sáu nói đa số quần chúng là nông dân. Ta phải vừa tranh thủ các tầng lớp bên trên, vừa phải chăm lo đời sống vật chất, văn hóa cho các tầng lớp bên dưới. Tôi thấy cán bộ ta có hành động không đúng. Ban đêm đi công tác, gõ cửa nhà dân xin ngủ nhờ qua đêm. Vừa bước vào trong nhà thấy lá "trần điều", hoặc cờ "thiên nhãn", vội bỏ ra đi, rất sai lầm. Gây nên kỳ thị tôn giáo kéo dài. Địch muốn chia rẽ dân tộc ta, ta lại mắc vào âm mưu của địch. Ta có sáp lại gần thì mới cảm hóa được họ. Đối với Đảng Dân chủ, cần đối xử dân chủ bình đẳng tôn trọng lẫn nhau. Là trí thức, họ dễ nhận ra con đường đúng đắn. Tóm lại mỗi tầng lớp, mỗi giai cấp có những yêu cầu khác nhau, cần phải đi sâu, đi sát để tìm ra tiếng nói chung có lợi cho cách mạng.

Thế là chỉ chừng hai tiếng đồng hồ, tôi được thụ huấn, học được nhiều vấn đề. Từ lập trường, quan điểm, đến phương pháp công tác mà từ trước chưa từng được nghe.

"TÔI ĐỔI Ý KIẾN"

Tháng 10-1950, Xứ uỷ triệu tập Hội nghị tổng kết công tác dân vận - Mặt trận Nam Bộ. Thành phần hội nghị gồm các đại biểu đoàn thể cấp Nam Bộ, Ban Dân vận - Mặt trận Nam Bộ, Ban Tuyên huấn Xứ uỷ, các bí thư Tỉnh uỷ, Thường vụ Tỉnh uỷ phụ trách dân vận - mặt trận, tuyên huấn, v.v..

Hội nghị do các đồng chí Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Kỉnh điều khiển. Báo cáo của Mặt trận Nam Bộ, do đồng chí Nguyễn Văn Phát, Tổng Thư ký Mặt trận đọc, điểm tình hình hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể từ năm 1946 đến năm 1950 và đề ra đường lối công tác mới.

Báo cáo được cán bộ hội nghị góp ý bổ sung ngay tại chỗ. Gay cấn và sôi nổi nhất là vấn đề lập trường của Đoàn Thanh niên Việt Nam ở Nam Bộ. Diễn tiến hội nghị đang diễn ra suôn sẻ, bỗng nhiên đồng chí K đứng lên phát biểu:

- Tôi đề nghị xem lại đoạn nói về lập trường của Đoàn Thanh niên Việt Nam ở Nam Bộ nên vẫn là dân chủ mới hay là xã hội chủ nghĩa. Là vì trong khu kháng chiến, tình hình tư tưởng của thanh niên được Đảng và kháng chiến rèn luyện, giáo dục, nay đã thay đổi, không nên cứ bo bo với lập trường dân chủ mới mà nên là xã hội chủ nghĩa. Ngay như Đảng Dân chủ Nam Bộ cũng đang chuyển từ lập trường dân chủ mới sang xã hội chủ nghĩa.

Thấy có vẻ hợp lý với tình hình cụ thể ở Nam Bộ, đồng chí Lê Đức Thọ phát biểu đồng tình. Tôi liền đứng lên phát biểu:

- Tôi đề nghị vẫn giữ lập trường dân chủ mới là vì Đoàn Thanh niên Việt Nam ở Nam Bộ bao gồm cả thanh niên vùng căn cứ và vùng tạm bị chiếm. Nếu ta để là xã hội chủ nghĩa thì làm sao thu hút được thanh niên ở thành thị. Hơn nữa Đoàn Thanh niên Việt Nam ở Nam Bộ là một bộ phận của Đoàn Thanh niên Việt Nam, ta phải theo đường lối chung của cả nước.

Ý của tôi lập tức bị đồng chí K. phản bác:

- Chúng ta cần phải rất thực tế với tình hình cụ thể diễn biến. Trong vùng ta, thanh niên hầu hết vào tổ chức, một lòng, một dạ đi theo Đảng. Số tích cực đã tòng quân tham gia bộ đội, số còn lại tăng gia sản xuất nuôi quân, phát triển kinh tế theo đường lối của Đảng. Trong vùng tạm bị chiếm, thanh niên đi theo Việt Minh chống Pháp, chống Mỹ.

Tôi đứng lên định phát biểu thì đồng chí Lê Đức Thọ giơ tay ra hiệu và nói:

- Cậu Lê ngồi xuống để cậu K. nói.

Cứ thế cuộc tranh luận kéo dài tới 20 phút. Hội trường ngồi im theo dõi - thì đồng chí Nguyễn Đức Thuận đứng lên nói:

- Tôi đồng ý với ý kiến anh Lê. Nói rằng thanh niên ở vùng ta đã vào tổ chức hết, thanh niên ở thành thị đi theo Việt Minh cả có đúng không? Đoàn Thanh niên Việt Nam ở Nam Bộ là một bộ phận của Đoàn Thanh niên Việt Nam Trung ương thì phải theo đường lối của Trung ương.

Giữa lúc ấy đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh quay sang trao đổi với đồng chí Lê Đức Thọ. Thì đồng chí Lê Đức Thọ liền nói:

- Thôi cậu K không phát biểu nữa. Tôi đổi ý kiến, tôi tán thành ý kiến của anh Lê và anh Thuận. Ngồi đây làm sao ta biết được thanh niên vùng ta đã vào tổ chức hết, thanh niên ở đô thị đi theo Việt Minh cả. Hơn nữa ta phải làm việc theo tổ chức. Bao giờ ở Trung ương cho mở Đại hội toàn quốc của Thanh niên Việt Nam, thay đổi lập trường của Thanh niên Việt Nam thì Nam Bộ mới làm theo được. Thanh niên cứu quốc theo lập trường xã hội chủ nghĩa là đúng rồi. Còn Thanh niên Việt Nam theo lập trường dân chủ mới thì mới thu hút được rộng rãi thanh niên ở đô thị.

Cuộc tranh luận chấm dứt. Tôi rút ra một điều: không phải anh Sáu không chịu nghe cán bộ. Khi cán bộ nắm vững vấn đề, dám kiên trì và mạnh dạn đấu tranh cho lẽ phải thì anh Sáu sẵn sàng ủng hộ cho lẽ phải.

HỌC VIÊN GƯƠNG MẪU

Sau khi tập kết ra Bắc được vài năm, chúng tôi gồm 600 cán bộ miền Nam và một số cán bộ miền Bắc theo học lớp chính trị cao cấp đầu tiên khóa I của Trường Nguyễn Ái Quốc (1957 - 1959).

Đội ngũ giáo sư của trường đều là chuyên gia giỏi về lý luận do các Đảng Cộng sản Liên Xô và Trung Quốc cử sang.

Đội ngũ giảng viên về môn lịch sử Đảng ta, gồm những cán bộ lãnh đạo cấp cao trong Bộ Chính trị: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, v.v..

Ngoài số học viên của chúng tôi được chính thức cử đi học, còn có thêm một số "học viên đặc biệt" ngồi học trên lầu. Trong số "học viên đặc biệt" này có một học viên theo học rất đều đặn, ghi chép các bài giảng rất tỉ mỉ, nghiên cứu cần mẫn, luôn luôn ngồi hàng đầu và đến lớp rất đúng giờ. Đó là đồng chí Lê Đức Thọ.

Khi kết thúc khóa học, những chuyên gia của các Đảng bạn xúc động phát biểu: Chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần chăm chỉ và cần mẫn học tập lý luận của đồng chí Lê Đức Thọ.

Đến môn giảng về lịch sử của Đảng ta thì đồng chí Lê Đức Thọ lại lên bục giảng hết sức nhiệt tình. Với vốn kiến thức phong phú và dày dạn kinh nghiệm trong công tác thực tiễn, đồng chí đã truyền đạt đến học viên những bài học hết sức quý báu của Đảng ta trong công tác tổ chức và xây dựng Đảng trải qua các giai đoạn lịch sử cách mạng.

Vào một buổi sáng ngày chủ nhật, tôi đến thăm đồng chí Lê Đức Thọ và tỏ ý khen anh dù giữ cương vị cao mà vẫn chăm chỉ theo học như một học viên thực thụ. Anh thân mật nói với tôi rằng: Nếu không chịu khó học tập, như lời giáo huấn của Lênin thì làm sao mà theo kịp bước tiến cách mạng và làm tròn trách nhiệm của người lãnh đạo.

BỐN ÔNG THẦY

Sáng mồng 1 Tết Canh Ngọ (27-1-1990) tôi đến chúc Tết anh Sáu. Đang ngồi nói chuyện ở phòng khách thì đồng chí Phan Hiền, rồi phái đoàn Hà Nội do đồng chí Phạm Thế Duyệt dẫn đầu cũng đến chúc Tết. Khi cả đoàn ra về thì anh Sáu kéo tôi lại và nói chiều thứ bảy tới (3-2-1990) đến ăn cơm với anh chị Sáu.

Đúng hẹn, anh Sáu gọi tôi vào phòng khách. Anh hỏi về công tác và cuộc sống. Anh dặn dù nghỉ hưu, nhưng cứ tiếp tục phấn đấu làm tròn nhiệm vụ của người đảng viên. Trong bầu không khí thân mật, anh nói: "Có lúc mình hiểu lầm cậu, cũng chỉ do những thông tin không đúng". Rồi anh tâm sự: "Mình làm việc mấy chục năm liền, cống hiến hết mình, thành tích có, sai lầm cũng có. Nếu không tỉnh táo, thận trọng thì sẽ có hại".

Hồi chỉnh đốn Đảng, lúc này đang có dư luận các đảng bộ đều có hai mặt. Bên ngoài là cộng sản, bên trong là Quốc dân Đảng. Mình cho cậu T. đi thực tế điều tra, xem xét. Một thời gian, cậu T. về báo cáo:

- Đúng như dư luận nói, các đảng bộ đều là hai mặt anh Sáu ạ.

Tôi nói ngay:

- Tôi không nghe lời cậu. Kết luận như vậy thì còn gì là Đảng nữa. Làm sao lại có kháng chiến thắng lợi, làm sao chế độ còn tồn tại như bây giờ. Tất nhiên không tránh khỏi, nơi này, nơi khác, có vấn đề sơ hở để địch xen vào. Nhưng đâu phải là tất cả. Nếu nghe theo cậu mà xử lý thì tình hình sẽ ra sao? Phải nhìn toàn diện, nghiên cứu cân nhắc kỹ càng rồi mới đánh giá kết luận.

Từ vấn đề này, anh vui miệng nói với tôi: "Xã hội ta hiện nay có bốn ông thầy. Một là thầy giáo được nhân dân kính trọng, hai là thầy thuốc được nhân dân quý mến, ba là thầy cúng, vẽ chuyện ăn tiền, cần giải quyết dần, bốn là thầy dùi, cần thận trọng, cảnh giác. Đó là những cán bộ thân cận, mà mọi người thường gọi là quân sư quạt mo, những chuyên viên giúp việc. Mình thì bận nhiều việc, làm sao đi hết mọi chỗ, mọi nơi được. Phải dựa vào những cán bộ này, được việc cũng có, hỏng việc cũng có. Ví dụ mình định đề bạt một anh cán bộ có năng lực, có văn hóa, thì chuyên viên giúp việc nói: Đúng là anh ta có trình độ, có năng lực, nhưng đi tới đâu là chia rẽ, bè phái, mất đoàn kết tới đó. Thế là mình chựng lại. Rồi định đề bạt một cán bộ thành phần cơ bản, có đạo đức, hiền lành thì anh ta lại nói: Anh ta hiền lành quá, chẳng có ý kiến gì lạ, kém năng lực, làm sao mà chỉ đạo được. Chẳng lẽ ta lại đặt một ông Phật vào đó sao. Thế là mình dè dặt.

Như vậy đó, nếu không tỉnh táo, thận trọng, cân nhắc kỹ càng vì lợi ích của cách mạng, xem xét cán bộ trên nhiều mặt, cơ bản và không cơ bản, tham khảo bàn bạc, thì sẽ có hại...".

Qua sự việc trên, tôi nghĩ trong tình hình hiện nay, việc sử dụng chuyên viên cố vấn là cần thiết, nhưng điều quan trọng là vấn đề lựa chọn dùng cán bộ. Cần người có lương tâm, trách nhiệm, trong sáng, có phẩm chất, kết hợp với việc bàn bạc tập thể, công khai là cần thiết.



* Nguyên Phó Ban Dân vận Trung ương Cục miền Nam - Bí thư Đảng đoàn Mặt trận Nam Bộ.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011

Bình luận