Vài nét về cấu trúc lý luận của mô hình “Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI”

Ngày đăng: 08/01/2015 - 15:01

Trong hai thập niên gần đây, các đảng cánh tả ở khu vực Mỹ La-tinh bằng con đường bầu cử dân chủ đã giành được chính quyền và thực hiện nhiều cải cách tiến bộ, tích cực hóa đời sống chính trị theo hướng dân chủ, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Vênêxuêla, Bôliva, Êcuađo, Nicaragoa là những quốc gia đã tuyên bố hướng tới chủ nghĩa xã hội với mô hình “Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI”. Trong đó, Vênêxuêla là quốc gia khởi xướng và nhiệt thành cổ vũ mô hình này.

9781ec6aa30670662fef1f026f06070f KinhteMyLatinh

Mô hình xã hội mới chứa đựng nhiều yếu tố tiến bộ - trước hết cho một chặng phát triển mới của Mỹ La-tinh và sau đó, ít nhiều có thể xem là một đóng góp cho lý luận chủ nghĩa xã hội hiện đại. Nền tảng lý luận của “Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI” - triết lý phát triển riêng của khu vực Mỹ La-tinh là khá đặc thù, trước hết bởi sự kết hợp và vị thế của các nhân tố làm nên cơ sở lý luận của mô hình này. Đó là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Bôliva và chủ nghĩa nhân đạo Thiên chúa giáo.

Chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong mô hình "Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI"

Không phải ngay từ đầu của quá trình cải cách, các đảng cánh tả đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học. Trái lại, đã từng có nhiều ý tưởng được đưa ra trong quá trình cải cách ở Vênêxuêla. Từ những năm 1990 thế kỷ XX, người dân Vênêxuêa theo đuổi mục tiêu của cuộc “cách mạng Bôliva” là giành chính quyền để tiến tới “xây dựng nền dân chủ toàn diện”, rồi “xây dựng chủ nghĩa xã hội kiểu mới”, “xây dựng chủ nghĩa xã hội Simôn Bôliva (Simon Bolivar)” và gần đây nhất, năm 2005 là “xây dựng Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI”… Khi mới lên cầm quyền, cố Tổng thống Vênêxuê-a H. Chavết (H.Chavez) vẫn tin vào một chủ nghĩa tư bản nhân đạo và đã từng có ý định đưa đất nước mình đi theo con đường thứ ba của trào lưu dân chủ xã hội quốc tế. Song đã có một bước ngoặt trong tư tưởng của cố Tổng thống H. Cha-vết. Đó là vào năm 2002, khi ông suýt bị lật đổ vì một cuộc đảo chính của cánh hữu thân Mỹ. Kể từ đó, ông không còn ảo tưởng về “chủ nghĩa tư bản xã hội” hay “chủ nghĩa tư bản có bộ mặt người” nữa. Ông nói: “Chính cuộc đảo chính tháng 4-2002, những cuộc đình công kéo dài do giới chủ doanh nghiệp tổ chức, những hành động phá hoại ngành dầu khí; những phản ứng và tuyên truyền chống đối đã đưa tôi tới kết luận rằng con đường duy nhất để thoát khỏi đói nghèo là đi lên chủ nghĩa xã hội” (1). Năm 2005, sau 06 năm cầm quyền chống lại cuộc tiến công bằng mọi thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc, cố Tổng thống Vênêxuêla H. Chavết đã đi tới kết luận: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể đem lại công bằng xã hội và xóa được nghèo đói”.

Nhận thức của cánh tả Mỹ La-tinh về chủ nghĩa Mác trước tiên là từ “lập trường phê phán”. Tác giả cuốn “Chủ nghĩa xã hội của thế kỷ XXI” xuất bản ở Vênêxuêla, năm 1996, Haixơ Điơtrich Xtêphan - người sau này được coi là nhà tư tưởng và cố vấn chính trị của cố Tổng thống Vênêxuêla H. Chavết đã phê phán tư tưởng của C. Mác là thiên về cải tạo xã hội và đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản. Haixơ Điơtrich Xtêphan cho rằng, C.Mác chưa đưa ra được mô hình khả thi, bởi đã tuyệt đối hóa vai trò nhà nước và lý tưởng hóa xã hội xã hội chủ nghĩa. Quan niệm của ông là thay vì chuyên chính vô sản, xây dựng một nền dân chủ rộng rãi, mọi người dân được tổ chức trong cộng đồng dân cư đều được tham gia vào cải tạo xã hội như tư tưởng của Si-môn Bôliva.

Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Kinh tế, Tổng thống Cộng hòa Êcuađo Raphaen Côrêa (Rafael Correa) cho rằng: “Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI” dựa trên các nguyên tắc chứ không dựa trên các mô hình. Nó từ bỏ các cách thức xa lạ và giáo điều. Những người ủng hộ và xây dựng “Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI” cũng tin rằng, ở thời đại ngày nay, không ai có thể khẳng định rằng, nhà nước hóa tư liệu sản xuất là cách thức tốt nhất để đạt được sự phồn thịnh cho xã hội. Và đây chính là sự khác biệt căn bản giữa “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” và chủ nghĩa xã hội truyền thống. Theo chủ nghĩa xã hội truyền thống, để xóa bỏ sự bóc lột lao động, cần phải xóa bỏ sở hữu tư nhân về các tư liệu sản xuất chủ yếu. Những người xây dựng “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” không cho rằng cần phải nhà nước hóa hoàn toàn tư liệu sản xuất, tất nhiên là ngoại trừ những ngành chiến lược, nhưng họ ủng hộ việc dân chủ hóa tất cả các tư liệu sản xuất, hay nói cách khác là việc phân bổ chúng một cách công bằng.

“Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” đưa ra quan niệm mới về phát triển: phát triển có nghĩa là đời sống xứng đáng cho tất cả và cho mỗi người, là sự mở rộng tự do và cơ hội cho con người hòa hợp với tự nhiên, là sự giữ gìn muôn đời nền văn hóa nhân loại” (2).

Mô hình “Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI” đã kế thừa những gì ở chủ nghĩa Mác? Chưa có những nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này và bản thân lý luận về “Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI” vẫn đang còn tiếp tục khai thác thêm nhiều tư tưởng ở chủ nghĩa Mác. Song các nhà nghiên cứu khá nhất trí khi cho rằng, “Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI” vận dụng lý luận mác-xít ở các luận điểm tư tưởng chống chủ nghĩa tư bản, chống đế quốc; chống áp bức về chính trị và bóc lột về kinh tế của giai cấp tư sản, hướng tới một xã hội công bằng và dần đi tới xóa bỏ giai cấp… Nguyên tắc sở hữu - lấy công hữu những tư liệu sản xuất chủ yếu làm cơ sở kinh tế cho chủ nghĩa xã hội đã được ghi nhận và thể hiện trên thực tế.

Nhìn chung, sự kế thừa các tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin của mô hình này chủ yếu là thông qua việc học tập kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa đang trong thời kỳ cải cách, đổi mới, đặc biệt là về biện pháp. Dường như họ cũng nhận ra rằng, lý luận chủ nghĩa Mác hiện đại đã chuyển hóa và có bước tiến dài thông qua kinh nghiệm của đổi mới. Và việc tiếp nhận chủ nghĩa Mác của mô hình "Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI" có phần rất quan trọng đi theo hướng này.

Mô hình "Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI" có một điểm khác so với mô hình chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô cũ là không có tình trạng sao chép, giáo điều đối với lý luận chủ nghĩa xã hội giữa các nước Mỹ La-tinh. Chung nhau quan niệm về mô hình xã hội nhưng mỗi nước lại có cách xây dựng khác nhau, có lúc lại khá “phóng khoáng”. Sự “phóng khoáng” đó được thể hiện ở chỗ, có một số nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học chưa thấy xuất hiện trong mô hình. Chính điều này đôi khi cũng làm gợn lên sự lo ngại về tính trung thành với lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học. Dù sao đây vẫn là những cuộc cải cách trong khuôn khổ dân chủ tư sản, chứ chưa phải là cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chủ thể đầu tiên của mô hình này là những người theo đường lối dân chủ cánh tả chứ không phải là cộng sản. Sự tiếp thu chủ nghĩa Mác, dù theo cách của họ, vẫn có thể tạo ra được khuynh hướng tích cực cho cải cách.

Tư tưởng S. Bôliva trong mô hình "Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI"

Simôn Bôliva (1783 - 1830) là nhà cách mạng nổi tiếng người Vênêxuêla, người lãnh đạo các phong trào giành độc lập ở Nam Mỹ đầu thế kỷ XIX. Ông được mệnh danh là “Người giải phóng” và được coi như “Gioóc-giơ Oasinhtơn của Nam Mỹ”. Những cuộc đấu tranh do ông lãnh đạo đã lật đổ sự thống trị của Tây Ban Nha, giành độc lập cho 06 quốc gia ngày nay là: Vênêxuêla, Côlômbia, Panama, Êcuađo, Pêru, và Bôlivia. Tư tưởng Bôliva chiếm vị trí quan trọng trong việc phát triển mô hình “Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI”, thể hiện ở 07 nội dung chính:

Độc lập dân tộc. Đấu tranh để Vênêxuêla thoát khỏi sự đô hộ của các thế lực bên ngoài, trở thành một dân tộc tự do. Việc tự quyết định vận mệnh của đất nước mình là một nguyên tắc không thương lượng.

Quyền tự chủ của nhân dân. Nguyên tắc này khẳng định quyền tự do của nhân dân trước các chế độ độc tài trong nước. Quyền tự chủ của nhân dân là quyền hợp pháp lớn nhất của các dân tộc.

Công bằng xã hội. S. Bôliva cho rằng, nền cộng hòa và tự do không thể tồn tại nếu không có công bằng xã hội. Nếu tự nhiên làm cho chúng ta khác nhau thì luật pháp có nhiệm vụ phải điều chỉnh những khác biệt này thông qua giáo dục, phát triển công nghiệp, nghệ thuật và các dịch vụ, cho phép mọi người được bình đẳng cả về chính trị và xã hội. Theo S. Bôliva, các bất bình đẳng xã hội đe dọa sự tồn vong của nền cộng hòa. Vì vậy, ông tuyên bố sự bình đẳng phải được đặt lên trên cả lợi ích giai cấp. Chính vì vậy, ông đã soạn thảo và công bố các bộ luật trao tự do cho nô lệ và công nhận những quyền rất cơ bản của các dân tộc thổ dân như quyền tự do và quyền có ruộng đất.

Giáo dục toàn dân. Bolivar là người luôn thúc đẩy và bảo vệ quyền được hưởng nền giáo dục của nhân dân. Ông cho rằng, giáo dục toàn dân là trách nhiệm và nghĩa vụ của Nhà nước; chính vì thế, ông đã khẳng định: “Nhiệm vụ đầu tiên của chính phủ là đưa giáo dục đến với nhân dân”. Đối với ông, “một dân tộc dốt nát là công cụ mù quáng hủy diệt chính họ”.

Chống tham nhũng. Đối với S. Bôliva, sự hưng thịnh của một quốc gia phụ thuộc vào đạo đức của các công dân thông qua hệ thống giáo dục của quốc gia đó. Đạo đức công dân phải đi cùng các bộ luật nghiêm minh và các tòa án công tâm có khả năng thực hiện công lý. Nếu không làm được điều đó thì nền cộng hòa sẽ chết.

Chống chủ nghĩa quân phiệt. S. Bôliva luôn chống lại sự thoái hóa của quân đội; hay nói cách khác là ông phản đối việc các sỹ quan quân đội lạm dụng sức mạnh của vũ khí để mưu cầu lợi ích riêng. Ông luôn chống lại các chế độ độc tài. Đối với ông, một người lính hạnh phúc là người không đòi hỏi quyền lãnh đạo đất nước. Họ không được tự cho mình là trọng tài hay là người phán quyết luật pháp của Chính phủ; họ phải là những người bảo vệ tự do. Ông là người đưa ra sáng kiến xây dựng các đơn vị quân - dân sự; các đơn vị này đã thể hiện tính hiệu quả cao trong cả thời kỳ chiến tranh lẫn hòa bình. Các đơn vị này phải công nhận quyền hợp pháp của nhân dân thông qua luật pháp và thể chế Nhà nước.

Liên kết Mỹ La-tinh. Đây là ý tưởng về sự liên kết Mỹ La-tinh và toàn thế giới trong một chính phủ, được S. Bôliva xây dựng từ năm 1826. Hòa bình trên cơ sở một khối liên kết thống nhất các nước Mỹ La-tinh và ông hy vọng một ngày nào đó, nó sẽ là tấm gương để: “Thế giới mới sẽ gồm các quốc gia độc lập gắn chặt với nhau bởi luật pháp chung quy định quan hệ đối ngoại của các nước và tạo cơ hội cho các nước đó, thông qua một cơ quan lập pháp chung, những phương thức để trường tồn... Mọi rào cản về xuất xứ, chủng tộc và màu da sẽ biến mất. Trong các thế kỷ tiếp theo, có thể tiến tới một chính phủ hợp nhất toàn thế giới như một liên bang” (3).

Từ năm 1983, nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của S. Bôliva, một tổ chức của các sỹ quan quân đội Vênêxuêla ra đời lấy tên là “Quân đội Bôliva 200” (Ejértio Bolivar 200) gọi tắt là EB-200. Tổ chức này có sự tham gia của cố Tổng thống H.Chavết và sau này trở thành thủ lĩnh. Lúc đầu, ông xác định hệ tư tưởng này là một cái cây có ba “rễ”: rễ Bôliva với tư tưởng đấu tranh chống ách đô hộ của thực dân Tây Ban Nha giành độc lập tự do, quyền bình đẳng và thống nhất các quốc gia Mỹ La-tinh trong một đại liên bang; rễ Xamôra với tư tưởng bảo vệ chủ quyền dân tộc đoàn kết quân đội với nhân dân; và rễ Rôbinsơn - người chủ trương đấu tranh mang lại hạnh phúc, tự do, bình đẳng cho mọi người dân” (4). Cố Tổng thống H.Chavết khẳng định: “Chúng tôi gọi đây là cuộc cách mạng Bô-li-va bởi vì mục tiêu mà chúng tôi theo đuổi là tiến hành làm một cuộc cách mạng, thực hiện một cuộc cải cách chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa… dựa trên nền tảng tư tưởng S. Bôliva” (5).

Ý tưởng xây dựng “một Tổ quốc châu Mỹ vĩ đại”, “một châu Mỹ không biên giới hiện hữu và mở cửa với thế giới” của Simôn Bôliva được một số nhà lãnh đạo cánh tả ở khu vực Mỹ La-tinh, nhất là cố Tổng thống Vênêxuêla H.Chavết quan tâm và tiếp nối để tạo nên “sự cân bằng theo quy luật của vũ trụ” trước các cường quốc.

 Chủ nghĩa nhân đạo Thiên chúa giáo trong mô hình “Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI”

Trong lý luận về Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI, Tổng thống Vênêxuêla H.Chavết đã kế thừa các tư tưởng công bằng, bình đẳng, bác ái, vị tha của đạo Thiên chúa, đặc biệt những tư tưởng về giải phóng tầng lớp dân nghèo. Ngoài ra, ông còn tham khảo thêm trong Kinh thánh và các trước tác nguyên bản của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác khi giải thích nội hàm khái niệm “Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI”. Tại cuộc gặp gỡ các giáo chủ thiên chúa giáo tại thủ đô Caracát (tháng 01-2007) cố Tổng thống H.Chavết nói “Tôi khuyên các vị giám mục hãy đọc C. Mác, đọc V.I.Lênin và tìm lại trong Kinh thánh để thấy rằng, chủ nghĩa xã hội đã có trong các tác phẩm đó rồi”. Theo cố Tổng thống H.Chavết, Chúa Giêsu là “người theo chủ nghĩa xã hội vĩ đại nhất trong lịch sử”. Vì vậy, ông khuyến khích nhân dân Vênêxuêla chủ động quan tâm đến người khác một cách tự do, tự nguyện, xóa bỏ chủ nghĩa cá nhân.

Cố Tổng thống H.Chavết cũng không ngần ngại lấy các tác phẩm của chúa Giêsu và Kinh Phúc âm làm ví dụ, nhấn mạnh việc xây dựng thiên đường ở dưới trần gian. Ngày 08-01-2007, tại lễ ra mắt nội các mới của Vênêxuêla, khi giải thích tư tưởng của đạo Cơ đốc, cố Tổng thống H.Chavết đã nói rằng: về tài sản công cộng thì tư tưởng Cơ đốc giáo có sự tương đồng với tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản hơn bất kỳ học thuyết xã hội chủ nghĩa nào khác. Chúa Giê-su là người theo chủ nghĩa xã hội đích thực, người chống chủ nghĩa đế quốc. Trong kế hoạch của Chính phủ Vênêxuêla nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhân dân có “Kế hoạch Cơ đốc” với mục tiêu cụ thể xóa bỏ tình trạng nghèo đói trước năm 2011.

Dưới góc độ tập hợp quần chúng, các tư tưởng nhân đạo, bác ái của Thiên chúa giáo là một góc độ tiếp cận thuận lợi vì Mỹ La-tinh là khu vực có tới 85% số dân theo đạo Cơ đốc. Vì thế, việc quan tâm tới người nghèo cũng mang sắc thái kế thừa tinh thần của “Thần học giải phóng” và là điểm dễ tương dung giữa nguyện vọng của quần chúng và mục tiêu của cải cách.

Nhìn chung, điểm qua cấu trúc lý luận của mô hình “Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI” chúng ta nhận thấy tính chất tích hợp của nó là khá rõ nét. Có thể xem “mảnh đất hiện thực” Mỹ La-tinh như là “cái sàng” để lựa chọn các nhân tố hợp lý của các lý thuyết về giải phóng và phát triển. Thực tiễn và lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội đều chấp nhận việc vận dụng sáng tạo lý luận mácxít.

“Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI” do cố Tổng thống H.Chavết khởi xướng thực hiện ở Vênêxuêla và sau đó là nhiều nước khác noi theo, tuy đang ở giai đoạn hoàn chỉnh về cơ sở lý luận, nhưng một số đặc trưng của mô hình này và hiện thực của nó đã thể hiện khá rõ nhiều tính chất xã hội chủ nghĩa. Không ai có thể phủ nhận rằng, xu thế này đang mở ra một triển vọng mới cho cuộc đấu tranh vì dân sinh, dân chủ, công bằng và chủ nghĩa xã hội trong thời đại ngày nay. Việc lựa chọn mô hình "Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI" của các đảng cánh tả và sự hình thành những liên minh khu vực cũng là phản ứng tự nhiên của các nước đang phát triển trước một toàn cầu hóa hiện còn mang đậm tính chất tư bản chủ nghĩa.

Những gì mà Vênêxuêla và các nước Mỹ La-tinh đang làm, đã thể hiện sức sống mới của phong trào cánh tả ở khu vực và sự bất diệt của mô hình chủ nghĩa xã hội - một mô hình xã hội tươi đẹp mà nhân loại đang hướng tới. Có thể mô hình ấy chưa hoàn toàn tiếp hợp với những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội khoa học, song những nỗ lực tìm tòi là đáng trân trọng. Điều đáng quý là, thông qua hiện thực ở khu vực Mỹ La-tinh, chúng ta lại thấy sự phát triển mạnh mẽ của xu thế xã hội chủ nghĩa ở Tây bán cầu.

“Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI” và những thành tựu chính trị, xã hội bước đầu đã khẳng định, việc phát huy dân chủ là một trong những động lực quan trọng của cải cách, ngay cả khi nó còn bị giới hạn khuôn khổ dân chủ tư sản. Dân chủ hóa đời sống kinh tế, xã hội đã trở thành những chương trình lớn. Sau khi nắm được quyền điều hành đất nước, các chính phủ cánh tả ở khu vực Mỹ La-tinh đều xúc tiến các chương trình cải cách chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội sâu rộng với quyết tâm từng bước xóa bỏ tàn dư của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, khắc phục những hậu quả của quá trình thực hiện mô hình chủ nghĩa tự do mới, đưa đất nước vào quỹ đạo phát triển lành mạnh. Khát vọng dân chủ và dân sinh của người dân Mỹ La-tinh là tình huống chính trị - xã hội, theo đó, lực lượng chính trị nào nắm bắt và có khả năng giải quyết được những nhu cầu trên thì sẽ được dân chúng ủng hộ và trở thành lực lượng trung tâm, nắm vai trò lãnh đạo đất nước.

Hiện tượng nhiều nước Mỹ La-tinh cùng xây dựng xã hội theo mô hình “Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI” có sức động viên, cổ vũ rất lớn với quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực trên toàn thế giới. Sự phát triển của phong trào cánh tả Mỹ La-tinh không chỉ có ý nghĩa to lớn và tích cực đối với phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, với khu vực Mỹ La-tinh mà còn có ý nghĩa đối với công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

PGS, TS. Nguyễn An Ninh

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

                         (Theo Tạp chí Cộng sản)

 

--------------------
Tài liệu tham khảo:

(1). Manuel Cabieses, Chavez sẽ đi đến đâu? Phỏng vấn Tổng thống H. Chavez, đăng trên báo Tiền phong, ngày 27-7-2005.

(2). Raphael Correa, Nền kinh tế thế giới và cuộc cách mạng nhân dân ở Ê-cu-a-đo, Tạp chí Mỹ La-tinh, số 12-2009, tr 4-11, tiếng Nga.

(3). S.Bolivar, Wikipedia(4). Bộ Ngoại giao, Vụ châu Mỹ, Tình hình mới ở Mỹ La-tinh và triển vọng quan hệ với Việt Nam trong 5-10 năm tới, Đề tài cấp bộ, Hà Nội, tháng 12-2007, tr 35(5). Bộ Ngoại giao, Vụ châu Mỹ, Sđd, tr 28-29.

 

Bình luận