Vi phạm sở hữu trí tuệ: Thói quen thách thức pháp luật
Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã quá phổ biến và dường như đã trở thành một thói quen. Tuy nhiên, điều này sẽ dần phải thay đổi khi thói quen này đang đối mặt với nhiều chế tài pháp luật được quy định chặt chẽ và thực thi mạnh mẽ hơn.
Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã quá phổ biến và dường như đã trở thành một thói quen
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đang là một trong những ưu tiên của Chính phủ được khẳng định qua “Tháng hưởng ứng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26-4” vừa qua . Sau một tháng tích cực tuyên truyền, các hoạt động thanh tra, kiểm tra sắp được triển khai mạnh mẽ trong tháng này nhằm khẳng định quyết tâm triển khai hiệu quả công tác thực thi bảo vệ quyền SHTT.
Tháng hành động đã điểm
Tại lễ công bố khai mạc chương trình “Tháng hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới” vào ngày 31-3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho biết: “Nhằm nâng cao nhận thức pháp lý của công chúng về quyền SHTT trong việc xác lập, khai thác, phát triển và bảo vệ giá trị tài sản SHTT; Khuyến khích hoạt động nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; Tạo ra nhận thức trong toàn xã hội để chuẩn bị cho hội nhập TPP, “Tháng hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới” (từ 31-3 đến 30-4) sẽ tập trung vào việc phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về SHTT; Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về SHTT sẽ tiếp tục được triển khai và đẩy mạnh vào tháng 5 và các tháng tiếp theo.
Như vậy, một tháng với hàng loạt các hoạt động tuyên truyển tích cực bao gồm Tọa đàm về thực thi quyền Sở hữu trí tuệ giữa doanh nghiệp và các cơ quan thực thi, thư gửi doanh nghiệp,..và hàng loạt các hoạt động tuyên truyền khác đã khẳng định những nỗ lực vào cuộc rất lớn của Chính phủ Việt Nam. Tiếp theo tháng tuyên truyền, các cơ quan thực thi không chỉ đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp trong tháng 5 này và các tháng tiếp theo, các biện pháp nhằm xử lý hiệu quả hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng được đề xuất.
Theo ông Phạm Phi Anh, Phó Cục trưởng Cục SHTT, cho biết tại nhiều nước thực thi quyền SHTT được tiến hành bằng 3 biện pháp chủ yếu gồm: hình sự, dân sự, xử phạt hành chính. Tuy nhiên, phần lớn các nước đều thực thi bằng biện pháp dân sự.
Theo đó, tòa án sẽ giải quyết các tranh chấp này bằng thủ tục tố tụng dân sự. “Sắp tới chúng tôi đề nghị có thể nghiên cứu lập tòa án chuyên trách về SHTT để xét xử các vụ việc liên quan đến xâm phạm SHTT. Bên cạnh đó, học hỏi kinh nghiệm một số nước cần xây dựng cơ quan trọng tài trực thuộc Tổ chức SHTT quốc gia”, ông Phi Anh cho biết.
Trọng điểm bảo hộ bản quyền phần mềm
Bảo hộ bản quyền phần mềm (BQPM) là lĩnh vực được các cơ quan chức năng đẩy mạnh trong nhiều năm qua. Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trần Văn Minh: cho biết “Trong tháng này, chúng tôi sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là các hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm máy tính”.
Thói quen vi phạm quyền SHTT đang đối mặt với nhiều chế tài pháp luật được quy định chặt chẽ và thực thi mạnh mẽ hơn.
Theo một luật sư về SHTT, đã đến lúc các doanh nghiệp cần nhìn nhận lại một cách nghiêm túc về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có bản quyền phần mềm nếu không muốn đối mặt với những hình phạt nghiêm khắc của pháp luật cũng như giảm uy tín của mình. Thực tế chi phí mua phần mềm cũng chính là một khoản đầu tư của công ty và chính vốn đầu tư này cũng giúp doanh nghiệp sinh lời. Thực tế, đây là một khoản đầu tư hoàn toàn hợp lý nằm trong ngân sách dành cho cơ sở vật chất của mỗi doanh nghiệp hàng năm.
Theo Luật sư Phạm Anh Tuấn, Văn phòng Luật Phạm và Liên danh, các hình thức xử lý đối với hành vi xâm phạm quyền bản quyền phần mềm ngày càng được đẩy mạnh. Cụ thể, tùy vào mức độ vi phạm có thể xử lý hành chính, có thể khởi kiện dân sự hoặc là có thể phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý hình sự đối với xâm phạm bản quyền phần mềm máy tính. Đó là tin hiệu rất tích cực của cơ quan chức năng trong việc vận dụng toàn bộ những biện pháp có thể để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, đồng thời truyền tải thông điệp rất mạnh mẽ đến các doanh nghiệp là chúng ta cần sống và làm việc theo pháp luật, chúng ta muốn sử dụng các chương trình máy tính giá trị rất cao để tang lợi nhuận tang tích lũy cho doanh nghiệp chúng ta thì chúng ta đồng thời phải tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của người khác.
Tuân thủ Luật SHTT trong đó có bản quyền phần mềm máy tính không còn là “chuyện để bàn” nữa khi các cơ quan thực thi cùng chung tay thực hiện quyết tâm bảo hộ hiệu quả quyền SHTT. Đến thời điểm các doanh nghiệp cần nhìn nhận và thực hiện nghiêm túc Luật SHTT.
Mai Hoa
(Theo VietNamNet)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực