Vấn đề con người trong các học thuyết triết học Trung Quốc cổ đại

Ngày đăng: 23/09/2015 - 10:09

Trong lịch sử phát triển văn minh, văn hóa nhân loại vấn đề con người luôn giữ được vị trí trung tâm và trở thành đối tượng của nhiều ngành khoa học, trong đó chỉ có triết học mới nhận thức con người một cách toàn diện trong tính chỉnh thể của nó. Lịch sử triết học Trung Quốc bao hàm một nội dung phong phú với hệ thống triết học rộng lớn và sâu sắc; đặc biệt, vấn đề con người là một vấn đề trung tâm, nổi bật trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc. Cuốn sách Vấn đề con người trong các học thuyết triết học Trung Quốc cổ đại sẽ giúp bạn đọc hiểu và thấy rõ điều đó.

KhongTu11

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, trong cuốn sách này chỉ trình bày một số học thuyết tiêu biểu của các môn phái điển hình về vấn đề con người. Vấn đề con người và mục tiêu bình ổn xã hội đã trở thành tâm điểm của hầu hết các học thuyết đó. Các nhà triết học đã tập trung lý giải căn nguyên của xã hội loạn lạc, chiến tranh triền miên nhằm tìm ra phương cách để "trị quốc, an dân". Họ đã giải mã những căn nguyên ấy từ việc khám phá bản chất các cá thể đang quần tụ thành xã hội hay nói cách khác đó chính là con người. Các quan điểm về bản tính con người trong triết học Trung Quốc cổ đại có nội dung khá phong phú và sâu sắc. Nho gia cho rằng, bản tính con người là lương thiện, ngay thẳng, không thiên lệch. Theo Đạo gia bản tính con người là siêu thiện ác. Còn Pháp gia lại cho rằng, bản tính con người là ác. Riêng phái Mặc gia lại gắn bản tính con người với chủ trương "kiêm ái" nghĩa là yêu thương tất cả mọi người.

Như vậy có thể thấy, những nhận định, kiến giải về bản chất con người của họ rất đa chiều, phong phú, từ đó dẫn tới phương pháp giáo hóa con người để tạo ra mẫu hình phù hợp với xã hội lý tưởng mà họ xây dựng cũng rất đa dạng, nhiều vẻ. Nho gia chủ trương bình ổn xã hội với hình mẫu con người lý tưởng bậc quân tử tề chỉnh, mẫu mực; trọng nghĩa khinh lợi; trí, dũng song toàn. Theo Đạo gia, con người nên gạt bỏ tất cả mọi ham muốn thái quá và những chuẩn mực xã hội, bởi đó chính là nguyên nhân làm con người xa rời bản tính tự nhiên tốt đẹp và trói mình trong cuộc sống chật hẹp của nhân thế. Vì vậy, ông đưa ra khái niệm vô vi nghĩa là không làm gì mà thuận theo tự nhiên. Ông kêu gọi con người gạt bỏ mọi thế tục quay về với tự nhiên, vô vi mà thuận ứng. Pháp gia trong khuôn khổ của pháp, thuật, thế, hình mẫu con người là bất trọng thân mà chỉ trọng pháp (nghĩa là trọng pháp luật). Hay nói cách khách pháp gia cách tân kêu gọi dùng hình, pháp mà lập lại trật tự thiên hạ. Còn Mặc gia đề cao tình cảm con người, con người hình mẫu là kiêm tương ái, giao tương lợi (khi tương giao thì tạo cho nhau tình thân và làm cho nhau cùng lợi), kêu gọi con người gạt mọi nghĩa, lợi mà yêu thương nhau.

Chính việc tìm hiểu, khai thác các mặt khác nhau trong triết lý về bản tính con người của các nhà triết học cũng như sự khác nhau về địa vị, đẳng cấp của họ mà dẫn tới phương pháp giáo hóa của mỗi trường phái cũng khác nhau. Đối với Nho gia họ coi trọng vai trò của giáo dục. Nhân, nghĩa, lễ, trí, dũng vừa là mục tiêu vừa là nội dung giáo dục của Nho gia. Đạo gia lại chủ trương đẩy lùi nhân, nghĩa, lễ, trí, dũng; phế truất danh lợi, hiếu ác, hiếu ố nhằm giữ gìn bản tính tự nhiên, chất phác, giản dị của con người. Còn Pháp gia cho rằng để bình ổn xã hội thì phải đề cao vai trò của pháp luật. Với Mặc gia thì quan niệm lại mang tính nhân văn cao cả hơn hết, họ đề cao tình yêu thương.

Tuy Nho gia, Mặc gia và Đạo gia đều đưa ra một phương pháp nhằm bình ổn xã hội, nhưng nếu căn cứ vào tính chất của những biện pháp mà họ đã đề ra, thì tựu trung lại có thể xếp thành hai phái "hữu vi" và "vô vi". Khổng - Mặc là đại biểu của phái "hữu vi", Lão - Trang tiêu biểu cho phái "vô vi". Học thuyết của Khổng - Mặc mang tính trang nghiêm, trọng thể hướng tới phục vụ xã hội, nhân sinh, đề cao con người xã hội. Triết lý Lão - Trang mang tính lãng mạn, phóng khoáng, đề cao con người tự nhiên, thuần phác, không biết đến người đứng đầu, xã hội tự hòa bình, no đủ, tôn sùng cuộc sống tĩnh lặng, tiêu dao thoát ly nhân gian, thế sự. Trong lịch sử của dân tộc Trung Quốc, hai dòng tư tưởng Khổng - Mặc và Lão - Trang, tuy mang hai khuynh hướng trái ngược nhau, nhưng không làm cho chúng tách biệt và loại trừ nhau, mà trái lại, chúng luôn bổ trợ lẫn nhau.

van de con nguoiCuốn sách Vấn đề con người trong các học thuyết triết học Trung Quốc cổ đại sẽ lần lượt phân tích và giải thích rõ ràng từng quan điểm của các trường phái triết học để giúp bạn đọc thấy được những nội dung cụ thể về vấn đề con người của các trường phái cũng như thấy được những nét tương đồng và những điểm khác biệt. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, cuốn sách còn dành hẳn một chương để nói về ảnh hưởng của một số tư tưởng nhân sinh Trung Quốc cổ đại đối với nền văn hóa Việt Nam. Trong đó, tác giả đã phân tích cả những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực. Chẳng hạn, Nho gia là một trong những trường phái đã có ảnh hưởng khá lớn tới nền văn hóa Việt Nam trên cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Đó là tư tưởng coi trọng sự ổn định cộng đồng, ổn định đất nước để phát triển; tư tưởng về xây dựng các mối quan hệ gia đình - xã hội theo cấu trúc "ngũ luân" (năm mối quan hệ giữa người với người trong đời sống chính trị - xã hội theo trật tự thứ bậc); tư tưởng coi trọng dân. Ngoài những mặt ảnh hưởng tích cực thì Nho giáo còn có những ảnh hưởng tiêu cực đối với văn hóa Việt Nam. Nho giáo đã góp phần không nhỏ trong việc duy trì quá lâu chế độ phong kiến, kìm hãm quan hệ kinh tế tư bản, không thúc đẩy các ngành khoa học tự nhiên phát triển, gây trở ngại cho bước tiến của nhân dân Việt Nam trên con đường cách mạng đi lên chủ nghĩa xã hội.

Cuốn sách Vấn đề con người trong các học thuyết triết học Trung Quốc cổ đại sẽ là tư liệu hữu ích mà bạn đọc cũng như các nghiên cứu cần quan tâm tìm đọc.

Bùi Bội Thu

 

Bình luận